Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Chúa Nhật XVI Thường Niên Năm A



Lời Chúa: Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.

       Hôm ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn sau đây: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
      Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”
       Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
       Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
       Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giảng dạy về Nước Trời bằng một dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Nước Trời là một mầu nhiệm, mà Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống nhân loại, và hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao, là tùy thái độ đón nhận của từng người chúng ta.
       Chúa Giêsu chính là người chủ ruộng lúa tốt lành. Ngài gieo vãi những hạt giống tốt trên thửa ruộng trần gian. Những hạt giống tốt là Lời Chúa, tình yêu, sự bình an, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng đáng tiếc thay, kẻ thù của Chúa mang khuôn mặt của “cái ác”, là những thế lực của sự dữ, đã lén gieo vào thửa ruộng những hạt giống xấu: đó là mầm mống của tội lỗi, của bạo lực, của hận thù và những đam mê dục vọng, của những khuynh hướng xấu. Chúng như cỏ lùng mọc lên giữa ruộng và đôi khi còn lấn át cả lúa tốt nữa. Như Thiên Chúa luôn mang khuôn mặt nhân từ và nhẫn nại, một người chủ ruộng đầy lòng khoan dung tha thứ. Nếu người chủ ruộng hấp tấp cho nhổ cỏ lùng ngay, sẽ làm hại đến lúa tốt. Kinh nghiệm nhà nông cho thấy: khi còn nhỏ, cỏ lùng trông rất giống lúa, người ta khó phân biệt giữa cỏ lùng và lúa. Đến khi cỏ lùng lớn lên giữa bụi lúa, nếu nhổ cỏ lùng sẽ làm bật gốc cả bụi lúa. Vì thế, người ta để cỏ lùng đến mùa gặt. Như người chủ ruộng tốt lành, Chúa cũng kiên nhẫn đợi chờ các tội nhân trở về với lòng thương xót của Ngài. Lòng nhân hậu khoan dung bao la của Chúa, dụ ngôn “hạt cải” và “men trong bột” nói về sự phát triển của Nước Trời; nhưng khác nhau ở chỗ dụ ngôn hạt cải thành cây rau lớn, nhấn mạnh sự bành trướng về số lượng bên ngoài, còn men trong bột  nói lên ảnh hưởng  bên trong để biến đổi thế giới. Chúng ta phải kiên nhẫn chịu đựng và làm gương sáng với những kẻ dữ của chúng ta, và những kẻ dữ của Giáo Hội. Nếu không thể kiên nhẫn chịu đựng được thì hãy cầu nguyện. Nếu không biết cầu nguyện thế nào để Chúa nhậm lời thì đã có Chúa Thánh Thần giúp. Thánh Phaolô dạy trong thư Rôma: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí cầu nguyện cho chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả.”
       Vậy chúng ta hãy năng chạy đến với Mẹ Maria với lòng tin tưởng cậy mến, để Mẹ giúp chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu, và sống như con cái của Thiên Chúa. Amen


Ngày 20/07/1818 – 1857 Giám Mục Dòng Đaminh Thánh Giuse Diaz Sanjurjo An Tử Đạo
* Lá thư tâm sự
Qua những lời lẽ được trích từ lá thư viết trong tù của thánh Giám Mục Giuse An, chúng ta có thể hiểu được phần nào tâm hồn của ngài. Với mẫu thân và mảnh giấy xé trong sách, ngài đã nắn nót từng chữ viết lên lời tuyên xưng niềm tin, bày tỏ ước nguyện dâng hiến đời mình hòa với hy tế của Đức Kitô và biểu lộ lòng xác tín vào Quê Trời vĩnh cửu, nơi ngài mong tái ngộ với mọi người thân yêu : "Tù nhân trong chúa gởi lời tạm biệt Đức Cha và các cha cho tới ngày gặp nhau trên trời. xin tất cả anh em tha thứ cho những điều lầm lỗi và gương xấu tôi đã làm ... Gông xiềng tôi đang mang được coi là những báu vật Chúa Giêsu gởi cho tôi. tôi vui mừng lắm vì chỉ ước ao đổ máu vì Chúa, để máu tôi hòa với Máu Cực Thánh Chúa Giêsu rửa linh hồn tôi được sạch mọi tội lỗi. xin anh em cầu nguyện cho tôi vững đến cùng...
Viết tại ngục Nam Định, ngày 28.5.1857, Fray José Maria".

* Ước vọng và nỗ lực
Giuse Diaz Sanjurjo chào đời ngày 26.10.1818 tại Santa Eultia de Suegos, tỉnh Lugo nước Tây Ban Nha. Là con cả của gia đình năm anh em, trong đó người em gái là nữ tu Antonia. Lớn lên cậu theo học tại chủng viện Lugo. Vì nội chiến, cậu bị gián đoạn ba năm học phải trở về quê. Sau đó vào đại học Compostella. Trong giai đoạn này, Giuse Sanjurjo được biết và cảm mến sinh hoạt truyền giáo của dòng Đaminh Tại Viễn Đông. Vào dịp thuận tiện, cậu giã từ cha mẹ bạn bè và xin vào tu viện Santo Domingo Ocana của tỉnh dòng Đaminh Rất Thánh Mân Côi, đặc trách truyền giáo ở Viễn Đông.
Ngày 23.09.1842 cùng với bảy chủng sinh khác, cậu được lãnh tu dòng Thuyết Giáo. Năm sau ngày 24.09.1843, thầy Sanjurjo khấn dòng trong tay bề trên Orge. Vì đời sống đạo đức, nhiều khả năng và ước vọng loan báo Tin Mừng của thầy đã được khẳng định ngay từ khi thầy đến Ocana, nên sau đó nửa năm, thầy được gởi tới Cadiz chuẩn bị đến miền truyền giáo. Tại Cadiz, thầy thụ phong linh mục ngày 23.03.1844, và cùng với năm tu sĩ bạn đến Manila (Phi luật Tân) ngày 14.09 năm đó. Sáu tháng sau, vị linh mục trẻ tuổi lại lên đường qua Macao, rồi từ đó đến giáo phận Đông Đàng Ngoài ngày 12.09.1845 với tên Việt Nam: là An. Sau thời gian học tiếng Việt, cha được đề cử coi sóc chủng viện tại Nam Am.
Cuộc bách hại năm 1848 của vua Tự Đức đã gây thiệt hại nặng nề cho chủng viện. Cha An và cha Alcazar Hy phải gấp rút giải tán chủng sinh, cho chôn giấu các đồ thờ phượng, và đau buồn nhìn chủng viện bị tàn phá. Trong thư gởi cho bạn ở quê nhà, cha viết : "Chúng tôi chẳng còn nhà, chẳng còn sách vở quần áo, chẳng còn gì nữa… nhưng chúng tôi vẫn an tâm vì nhớ lời Thầy Chí Thánh : con người không có chỗ gối đầu…"
Sau đó cha An phải lánh nạn đến Ngọc Cục qua Ninh Cường vài tuần, rồi sang miền Cao Xá. Vì nhiệt tâm với tương lai của giáo phận, cha mở lại chủng viện cho các chủng sinh cũ ngay tại Cao Xá. Thời gian này cha biên soạn cuốn Văn phạm Latinh bằng tiếng Việt.
* Vị giám mục phó hăng say
Năm 1848, vì số giáo hữu trong giáo phận gia tăng, Đức cha Hermosilla Liêm xin Tòa Thánh chia khu vực dòng Đaminh thành hai giáo phận. Qua văn thư ngày 05.09, Đức Piô IX thiết lập giáo phận Trung tách địa khỏi phận Đông Đàng Ngoài. Giáo phận Trung gồm hai giáo phận hiện nay là Bùi Chu, Thái Bình với khoảng 140.000 giáo hữu và 624 xứ.
Linh mục Marti Gia khi nghe tin được chọn làm Giám mục giáo phận mới thì tỏ ra lo lắng và đến hỏi ý kiến cha Sanjurjo An đang ở Trung Lễ. Trong bầu không khí trao đổi thân mật, cha An phân tích các mặt của nhiệm vụ Giám mục với những khó khăn trong thời cấm đạo. Rồi cha đề cập đến các nhu cầu của cộng đoàn dân Chúa, đến vai trò của các phẩm trật. Sau cùng cha đã thuyết phục thành công cha Marti Gia lãnh nhận vinh dự, cũng là gánh nặng chủ chăn giáo phận mới.
Nhưng một điều cha An không ngờ : trong sắc lệnh bổ nhiệm Đức cha Marti Gia, tòa thánh đã cho vị tân Giám mục quyền chọn vị Giám mục phó. Đức cha Gia liền chọn Giám mục phó là cha An, người đã thuyết phục mình nhận chức. Ngày 05.04.1849, cha Sanjurjo An được thụ phong giám mục hiệu tòa Platea cùng với cha Alcazar Hy, người được chọn làm Giám Mục phó cho Đức cha Hernosilla Liêm.
Sau đó, vị tân Giám mục lại trở về Cao xá tiếp tục coi sóc chủng viện. Trong thư gởi gia đình, Đức cha viết "Ở đây chức vụ cao chỉ thêm công việc, con thường phải đi bộ, có khi phải đi chân không, nhiều lần phải lội bùn đến đau gối, để trốn tránh những người tìm bắt".
Tháng 03.1850, Đức cha An trao chủng viện cho cha Sampedro Xuyên, rồi đi kinh lý toàn tỉnh Hưng Yên. Nhưng cuộc kinh lý phải bỏ dở vì quan quân truy lùng quá gắt gao. Hai linh mục Việt Nam cùng đi với cha bị bắt. Trở về Cao Xá, Đức cha bị sốt rét nặng một thời gian.
* Vị mục tử tận tình
Năm 1852, Đức cha Marti Gia lâm bệnh nặng phải rời bỏ xứ truyền giáo và qua đời ngày 26.4 tại Hương Cảng trong sự luyến tiếc của các giáo hữu Việt Nam. Kể từ đó, Đức cha An phải gánh vác toàn Giáo phận Trung. Ngài về tòa Giám mục ở Bùi Chu và trực tiếp điều hành việc truyền giáo. Số tân tòng gia tăng mau lẹ. Số rửa tội năm 1852 của giáo phận ghi thêm tên của 28.355 người. Đức cha viết : "Đó quả là phần thưởng đầy khích lệ các nhà truyền giáo tiếp tục những trách vụ tông đồ, bất chấp mọi âm mưu của thần dữ, không nản lòng trước những cơ cực thiếu thốn, trước nguy hiểm vây quanh và những nghịch cảnh có thể xẩy đến…".
Năm 1854, Đức cha Sanjurjo An mở lệ trọng thể kính thánh tổ phụ Đaminh tại Lục Thủy, có đông đủ các cha dòng, cha triều, các chủng sinh, nữ tu và trên 20.000 giáo hữu khắp nơi về tham dự. Sau lễ, Đức cha họp hội đồng giáo phận để thảo luận về nhiều vấn đề có ích lợi chung. Ngài còn tổ chức thi kinh thánh giữa các giáo xứ và các buổi tranh luận về tôn giáo. Có lần ngài viết một số vấn nạn về giáo lý bằng chữ hán phát cho các thầy Nho. Đến ngày hẹn, khoảng 30 thầy, đa số ngoài công giáo đến dự họp. Đức cha khai mạc và nói vài lời gợi ý, sau đó để các thầy tự do phát biểu. Mọi thắc mắc đều được Đức cha giải đáp thỏa đáng, khiến các thầy và dân chúng trong huyện đó phải khâm phục.
Năm 1855, ba cha dòng mới từ Macao tới Việt Nam đem theo sắc lệnh đặt Đức cha An làm Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Trung, và trao quyền chọn phụ tá. Đức cha đã chọn cha Sampedro Xuyên và tổ chức lễ tân phong giám mục ngày 19.09 tại thánh đường Bùi Chu, với sự tham dự của 49 linh mục và đông đảo giáo dân, đến nỗi khu vực Bùi Chu không đủ nhà để trọ. Số trẻ ngoại đạo được rửa tội trong năm này là 35.349 em.
* Giông tố bách hại.
Từ năm 1854, tại miền Bắc có giặc Châu Chấu của Lê Duy Cự và Cao Bá Quát. Nhóm này hứa hẹn và cổ động giới công giáo tham gia nổi loạn, nhưng rất ít người theo vì Đức cha đã lên tiếng cấm chống lại chính quyền. Nhờ đó, các quan địa phương nới tay trong việc thi hành sắc lệnh của nhà vua. Tổng đốc Nguyễn Đình Tân biết rất chính xác trụ sở Tòa Giám mục, nhưng không muốn bắt, ông còn hứa hẹn nếu bất đắc dĩ phải đem quân truy nã thì ông sẽ cho báo trước.
Tháng 05.1857, đúng lúc có viên quan Thượng thư từ kinh đô ra Nam Định, thì Chánh Mẹo ở làng Thoại Miêu lên tỉnh tố cáo rằng : "Có đạo trưởng Tây tên An ở Bùi Chu". Vì có quan trên, quan Tổng đốc buộc lòng phải ra lệnh truy bắt, nhưng cũng báo cho Đức cha, tiếc rằng tin đến nơi thì Đức cha đã bị bắt. Khi quân lính đến bao vây, Đức cha luống cuống chạy ẩn đến bốn chỗ và cuối cùng, ngài ngồi giữa một bụi tre khá kín đáo. Nhưng đúng lúc ngài ló đầu ra xem lính đi chưa, thì bị phát hiện và bị bắt. Quân lính tước đoạt Thánh Giá và nhẫn Giám mục, sau đó trói ngài dẫn đi. Rồi họ kéo nhau vào nhà chung để cướp của và thiêu hủy những gì họ không đem đi được.
Sau một đêm bị giam tại phủ Xuân Trường, vị anh hùng đức tin được quan quân giải về Nam Định. Tại đây, Tổng đốc Nguyễn Đình Tân tỏ ra tiếc khi thấy Đức cha bị bắt, nhưng vì sợ quan Thượng Thư nên phải xử với ngài như tù phạm. Đức cha bị biệt giam hai tháng, chỉ còn ba lần một linh mục giáo phận vào ban bí tích, và một lần người của Đức cha Retord Liêu vào thăm. Tuy bị xiềng xích gông cùm, Đức cha An luôn bình tĩnh vui vẻ đón chờ phúc tử đạo. Nhiều lần quan bắt ngài đạp lên Thánh Giá nhưng ngài cương quyết từ chối.
* Nhát gươm di chúc.
Ngày 20.07.1857, có án tử hình từ kinh đô ra, truyền chém đầu "Tây dương đạo trưởng tên An". Trên đường ra pháp trường Nam Định, Đức cha An, tay cầm sách nguyện, vừa đi vừa suy niệm, vẻ mặt bình thản. Đến nơi xử, quân lính vây quanh ngài ba vòng : vòng trong cầm gươm, vòng giữa cầm giáo, vòng ngoài cầm cờ, cưỡi ngựa, cưỡi voi. Đức cha An xin hoãn một lát, rồi lớn tiếng nói đôi lời với những người có mặt, sau đó nói với viên chỉ huy : "Tôi xin gởi quan 30 đồng tiền để xin một ân huệ : xin đừng chém tôi một nhát, nhưng là ba nhát. Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Chúa đã dựng nên tôi, và đưa tôi đến đất Việt giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi, còn nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí chết cho đức tin, theo gương vị chủ chăn của mình. Và như thế họ đáng lãnh phần hạnh phúc cùng các thánh trên trời".
Đức cha vừa dứt lời, quân lính trói ngài vào cây cọc hình Thập Giá. Dân chúng òa lên khóc. Lý hình chém Đức cha ba nhát như ngài xin. Đầu và mình của vị tử đạo bị liệng xuống sông. Có hai người lính thấm máu vị tử đạo liền bị tống giam. Đồ đạc, sách vở của Đức cha đều bị đốt. Chén lễ, áo lễ thì trao cho đoàn văn nghệ sĩ sử dụng. Đến sau dân chài lưới đã vớt được thủ cấp vị tử đạo. Đức cha Xuyên an táng thủ cấp này tại Bùi Chu, một thời gian sau, tu viện Santo Domingo ở Ocana xin rước cốt của Đức cha An về tôn kính từ năm 1891, vì Đức cha là vị tử đạo tiên khởi của tu viện.
Ngày 29.04.1951, Đức Piô XII suy tôn Đức cha Giuse Diaz Sanjurjo An lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.



 Ngày 20/07 –  Thánh Apollinaris, Giám mục Tử đạo (thế kỷ I)
     Theo truyền thống, thánh Phêrô gởi Apollinaris tới Ravenna, Ý, trong cương vị giám mục tiên khởi. Ngài rất thành công trong việc rao truyền Tin Mừng đến nỗi dân ngoại ở đó đánh đập ngài và lôi ngài ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, ngài vẫn quay lại, và ngài lại bị trục xuất lần nữa. Sau khi giảng đạo ở quanh vùng Ravenna, ngài lại vào thành phố. Sau khi bị hành hạ dã man, ngài bị đưa lên tàu chơ tới Hy Lạp. Dân ngoại ở đó lại khiến ngài bị trục xuất sang Ý, từ đây ngài lại đi Ravenna lần thứ tư. Ngài qua đời vì bị thương do bị đánh đập ở Classis, ngoại ô Ravenna. Một đại giáo đường được xây dựng dâng kính ngài ở đó từ thế kỷ VI.




1 nhận xét: