Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên Mt 13,54-58.

Lời Chúa: Ông không phải là con bác thợ mộc sao ? Bởi đâu ông làm được những phép lạ như thế ?.
Ha-lê-lui-a. Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là lời được loan báo cho anh em như một Tin Mừng. Ha-lê-lui-a.
Chính Ta là Thượng Đế Chúa ngươi,
đã đưa ngươi lên tự miền Ai-cập,

há miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy ứ.

Ngày 31/07 –  Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556)
     Thánh Inhaxiô là vị sáng lập Dòng Tên. Ngài là một quân nhân và bị trái pháo làm bị thương ở chân. Khi nằm điều trị, không có sách nào hay để đọc, ngài “giết thời gian” bằng cách đọc sách về cuộc đời Chúa Kitô và hạnh các thánh. Ngài được đánh động sâu sắc. Thấy Đức Mẹ trong một thị kiến, ngài quyết định hành hương tới đền Đức Mẹ ở Montserrat (gần Barcelona). Ngài ở Manresa gần 1 năm, và thường vào hang động để cầu nguyện. Sau một thời gian lắng đọng tâm hồn, ngài cân nhắc cuộc đời. Làm thế nào cũng không thấy lòng bình an. Một thời gian dài sau ngài mới lấy lại được quân bình. Khi đó ngài bắt đầu viết kiệt tác “Luyện tập Tâm linh” (Spiritual Exercises).
     Ngài sống 11 năm ở các trường đại học Âu châu, ngài học rất khó khăn, bắt đầu như một đứa trẻ. Hai lần ngài bị nghi ngờ và 2 lần bị tù một thời gian ngắn.
     Năm 1534, khi ngài 43 tuổi, ngài và 6 anh em khác (trong đó có thánh Phanxicô Xaviê) khấn sống khó nghèo và khiết tịnh, và cùng tới Thánh Địa. Bốn năm sau, thánh Inhaxiô lập Dòng Tên và được ĐGH Phaolô III phê chuẩn, chính thánh Inhaxiô được bầu làm bề trên tổng quyền đầu tiên. Ngài còn thành lập trường ĐH Rôma, kiểu mẫu của các Đại học khác.
     Ngài thực sự là nhà thần bí. Ngài tập trung đời sống tâm linh vào các nền tảng chính của Kitô giáo – Chúa Ba Ngôi, Đức Kitô, và Thánh Thể. Tinh thần của ngài được diễn tả bằng câu châm ngôn của Dòng Tên: “Ad majorem Dei gloriam” (vì vinh quang Thiên Chúa). Theo khái niệm của ngài, vâng lời là nhân đức nổi trội, bảo đảm hiệu quả và tính di động của các tu sĩ. Mọi hoạt động được hướng dẫn bằng lòng yêu thực sự dành cho Giáo hội và vâng lời Đức Giáo hoàng vô điều kiện, do đó mà các tu sĩ Dòng Tên có lời khấn thứ tư là đến bất cứ nơi nào ĐGH sai đi để cứu các linh hồn.

Ngày 31/07/1796 – 1859 Trùm Họ Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng Tử Đạo

* V ì chính tôi đã tha thứ.

"Con ơi, hãy tha thứ. Đừng tìm báo thù kẻ tố giác cha nhé". Đó là lời trăn trối cuối cùng của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng cho con trai trước khi bị xử chém. Noi gương Đức Kitô trên Thập Giá xin Chúa cha tha những kẻ hành hạ mình, thánh nhân nài nỉ các bạn hữu sống trọn vẹn giới luật bác ái Kitô Giáo : "Hãy tha thứ cho kẻ thù. Đừng báo oán những kẻ tố giác hay kết án tôi, hãy tha thứ, hãy tha thứ vì chính tôi, tôi đã thứ tha…" Cho đến muôn đời, mẫu gương và lời nói đó sẽ mãi mãi vang vọng trong lòng người tín hữu Việt Nam.

* Xanh vỏ đỏ lòng.
Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1796 tại họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang, thuộc trấn Châu Đốc, Nam Hà. Nhìn bề ngoài, ông Phụng không mấy hấp dẫn, vì vóc dáng có vẻ gân guốc, lại hay lớn tiếng với mọi người. Nhưng trái lại, nhờ tính cương trực, sự dứt khoát cũng như lòng nhiệt thành với việc chung, ông được bà con tín nhiệm đề bạt làm "câu" (Trùm) họ Đầu Nước. Đáp ứng lại sự tín nhiệm đó, ông Câu Phụng đã góp sức tổ chức giáo họ thêm lớn mạnh ngay trong thời bách hại đạo dưới thời vua Tự Đức.
Nhờ tài đức của ông, họ đạo đã tái thiết được ngôi thánh đường khang trang, cất nhà cho các nữ tu và trở thành khu trú ngụ khá an toàn cho các giáo sĩ. viên quan huyện địa phương một phần vẫn nhận tài trợ của ông, một phần đã thấy rõ sinh hoạt tôn giáo không có gì nguy hiểm, nên cho người báo tin trước khi phải kiểm tra theo lệnh trên, đủ thời giờ để các tín hữu cất dấu ảnh tượng và các vật dụng tôn giáo.
* Tai họa bất ngờ.
Thế nhưng có điều ông Câu Phụng không ngờ tới là món tiền thưởng của nhà vua vốn có một hấp lực với một vài lương dân trong vùng. Những ngày này họ chia nhau theo dõi nhà ông, mỗi đêm họ cử người leo lên cây xoài gần đó để quan sát, và họ đã toại nguyện. Cuối năm 1858, họ đã phát hiện một vị thừa sai ngoại quốc Pernot Định đang tạm trú tại nhà ông Câu.
Đêm hôm đó, khi mọi người đã an giấc, cha Pernot Định ra sân đi dạo để hít thở không khí trong lành và cầu nguyện giữa khí mát trăng sao. Đêm thanh như có phép mầu làm tiêu tan đi những mệt nhọc ban ngày và giúp cha hướng về Đấng Tạo Hóa cao thẳm, thầm ước mong các tín hữu Việt Nam sẽ đông đúc như sao ở trên trời. Trước khi khép cửa để vào nhà ẩn nấp, cha còn nói với lại : "Chào các bạn tinh tú nhé. Thực là tồi tệ cho những ai bắt tôi phải sống thế này".
Thế là hai người rình rập hôm đó mừng rỡ, họ vội vã kéo nhau đi báo cho quan trấn phủ Châu Đốc. Họ tố gíac ông Câu Phụng chứa chấp Tây Dương Đạo Trưởng. Họ cũng không quên xin phái quan lãnh binh đi bắt, chứ đừng báo quan huyện, vì quan này thông đồng với Công Giáo.
Sáng ngày 07.01.1859, ông Câu Phụng chưa hay biết gì cả. Ngoài thừa sai Pernot Định, còn có cha Phêrô Quý (cha sở mới họ Đầu Nước). Đang trọ tại nhà ông. hai linh mục vẫn dâng lễ như thường. Sau đó, mới có người chạy về báo tin là quan quân Châu Đốc đi thuyền và đi bộ đang tiến đến nhà ông. Ông Phụng liền cử người đưa hai cha đi trước, nhưng cha Quý nhất định ở lại, vì nghĩ mình có thể trà trộn vào dân được, và tìm chỗ ẩn núp ngay trong nhà.
Đến khi quan quân ập vào hạch hỏi và dọa đánh chủ nhà, cha sở Quý tự ra trình diện. Thế là quân lính liền bắt trói ông Câu Phụng, cha Quý và 32 giáo hữu khác áp giải về Châu Đốc. Trước mặt quan, vì có người tố cáo, ông Câu khẳng khái xác nhận mình đã từng tiếp đón và cho thừa sai nước ngoài trọ tại nhà mình. nhưng sau đó, dù tra tấn hay dụ dỗ nhiều lần, ông nhất định không khai thêm chi tiết nào khác về các thừa sai, và cương quyết không bỏ đạo.

* Kỷ vật cuối cùng.
Sau sáu tháng giam giữ, không hy vọng gì các tù nhân đổi ý, các quan trấn Châu Đốc làm án gởi về kinh đô xin xử giảo và vua Tự Đức châu phê liền. Ngày 31.07.1859, linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và ông Câu Lê Văn Phụng được đưa ra pháp trường Chà Và. Cả hai vị bình tĩnh, cha Quý vừa đi vừa đọc kinh Mân Côi, còn ông Câu thì dặn dò các bạn hữu tha thứ cho những kẻ hại mình.
Tại pháp trường, ông câu gặp các con mình. ông đeo vào cổ con gái cô Anna Nhiên ảnh Thánh Giá và nói: "Con ơi, hãy nhận lấy kỷ vật của ba. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quý hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé".
Ông cũng dặn con trai, đừng chôn cất rầm rộ, và nhớ chôn ông bên cạnh cha sở của mình. Tiếp theo, hai chứng nhân của Chúa quỳ xuống cầu nguyện. Cha Quý giải tội cho ông Câu. Sau ba tiếng chiêng vang, vị linh mục bị chém đầu, còn ông Câu Emmanuel bị xiết cổ bằng dây thừng do hai người kéo.
Đức Piô X suy tôn hai vị tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Đặc biệt ông câu Emmanuel Phụng được đứng trong số sáu vị đứng đầu danh sách 117 hiển thánh tại Việt Nam.
Nghĩa cử quảng đại tha thứ của ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng trước giờ tử đạo đã là bài giảng hùng hồn nhất về sự bao dung của đức bác ái Kitô giáo.

Ngày 31/07/1826 – 1859 Linh Mục Thánh Phêrô Đoàn Công Quý Tử Đạo

Phêrô Ðoàn Công Quý, Sinh năm 1826 tại chợ Búng, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 31/07/1859 tại Châu Ðốc dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn Chân Phước cho cha Phêrô Đoàn Công Quý ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 31/07 hằng năm.
* Những năm thơ ấu.
Ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anrê Nguyễn Thị Thường sinh sống ở Bắc Việt cho đến năm 1820. Cả gia đình di cư vào Nam ở tại họ Búng, làng Hưng Thịnh, tổng Bình Thạnh, hạt Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Năm 1826, người con trai út, Phêrô Đoàn Công Qúy chào đời. Đây là người con thứ sáu trong gia đình và là hy lễ của gia đình ông Miêng hiến dâng cho Thiên Chúa.

Vì thấy cậu út rất thông minh, nên ông Miêng cố lo liệu để cậu chuyên chăm theo đường học vấn, với hy vọng mai sau nối dòng thi lễ, làm vẻ vang cho cả gia tộc. Nhưng thiên Chúa muốn cho người con út này đi theo con đường khác. Cậu Quý thường lui tới và học hỏi cha Tám ở nhà thờ họ Búng. Một thời gian sau, cậu xin phép cha mẹ được ở luôn với người, thỉnh thỏang mới về thăm gia đình.

* Theo tiếng Chúa gọi.
Năm 1847, cha Tám giới thiệu chàng trai 21 tuổi này với cha Gioan Miche Mịch để được học hỏi tiếng la tinh và tiếp tục theo đuổi ơn gọi tu trì. Sau khi học tiếng Latinh tại nhà cha Mịch, cậu Quý được học tại chủng viện Thánh Giuse (Thị Nghè) do cha Borelle làm giám đốc. Năm 1848, thầy Quý du học tại đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris ở Pénang (Mã Lai). Tại đây, thầy học triết lý và thần học, ngôn ngữ, văn chương. Việc huấn luyện như thế được coi là khá đầy đủ cho một linh mục thuộc miền truyền giáo trở về hoạt động tại quê hương.
* Trên con đường xứ vụ.
Năm 1855, thầy Quý hồi hương vào thời kỳ vua Tự Đức ra sắc chỉ cấm đạo gắt gao. Tháng 09.1855, vua Tự Đức ra chiếu chỉ thứ ba, trong đó không những lùng bắt các đạo trưởng, mà còn bắt cả giáo hữu phải xuất giáo, triệt hạ các thánh đường, phá hủy các cơ sở tôn giáo …
Với hoàn cảnh bất lợi này, Đức cha Lefèbvre Nghĩa trao cho thầy nhiệm vụ săn sóc, dạy dỗ, động viên các giáo hữu tại các họ đạo. Qua một thời gian hoạt động, thầy tỏ ra là người nhiều khả năng, nên Đức cha đã truyền các chức nhỏ cho thầy. Sau ba năm thi hành việc mục vụ tại các giáo họ, tháng 09.1858, thầy Quý đã được lãnh chức linh mục tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Sau một thời gian phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định và Kiến Hòa, Đức cha bổ nhiệm cha Phêrô Quý làm phó xứ Cái Mơn (Vĩnh Long).
Cha Phêrô Quý được tuyển chọn vào cánh đồng truyền giáo trong giai đoạn đặc biệt của đất nước : Pháp và Tây Ban Nha đem quân đánh phá ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) vào tháng 09.1858 làm cho vua Tự Đức càng thêm căm ghét các giáo sĩ nước ngoài và Đạo Thiên Chúa. Do đó, cuộc bách hại ngày càng khốc liệt hơn. Nhưng nhiệt tình truyền giáo đã làm cho cha Quý vượt thắng mọi gian khổ, đe dọa, hiểm nguy. Chỉ ba tháng sau khi cha về Cái Mơn, quân lính bao vây Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn để lùng bắt giáo sĩ, nhưng không có vị nào ở đó, nên lính bắt giam một tu sĩ nữ để tra tấn, khai thác các chị về chỗ ở của các ngài.
Nghe tin các nữ tu bị bắt, cha Quý muốn nộp mạng để lính tha cho chị em, nhưng giáo hữu ngăn cản và không để cha thực hiện ý định này. Cha vẫn ao ước sẵn sàng hy sinh tính mạng để thế cho các chị. Cha chỉ bỏ ý định này khi có lệnh rõ ràng của cha bề trên giáo phận Borelle Hòa. Từ đó cha cải trang thành thường dân, đi thăm viếng, an ủi và ban các bí tích cho các giáo hữu.
* Chặng đường khổ giá.
Đức cha bổ nhiệm cha Quý về giáo họ Đầu Nước ở Cù Lao Giêng, tỉnh An Giang ngày 27.12.1858 thì mười ngày sau (07.01.1859) quan Tổng đốc An Giang được mật báo có Tây dương đạo trưởng trú ẩn tại nhà ông Lê văn Phụng ở Đầu Nước. Quan sai 100 lính đến bao vây nhà ông Phụng. Khi lính gần đến làng, giáo hữu tới báo tin cho gia đình ông Phụng. Nghe tin này, cha Pernot Định đã đề nghị với cha Quý cùng đi trốn, nhưng cha Quý bình tĩnh trả lời:
"Tôi là người bản xứ chắc quan quân khó nhận ra, cha cứ đi trước, tôi ở lại thu dọn đồ lễ khỏi gây phiền hà cho chủ nhà và giáo họ, rồi sẽ theo sau". Sau khi cha Pernot ra khỏi thì quan quân ập tới. Cha Quý chạy vào ẩn nấp dưới sàn nhà, quan ra lệnh cho ông Phụng phải nộp đạo trưởng Tây như đã được mật báo. Ông Phụng cương quyết trả lời là không có ai là đạo trưởng Tây cả. Quan dọa là nếu không tuân lệnh thì sẽ bị đánh đòn. Thấy lính sắp đánh đòn chủ nhà, cha Quý tự ra nhận mình là đạo trường. Lính không chịu nghe và nói chắc chắn là có tên đạo trưởng Tây ở trong nhà này. Cha Quý lại cương quyết khẳng định : "Không có Tây dương đạo trưởng nào ở đây, chỉ có tôi là đạo trưởng. Ai muốn theo đạo tôi sẵn sàng chỉ dậy".
Thấy cha Quý còn rất trẻ, quan không tin ngay liền hỏi em nhỏ 10 tuổi, cháu nội của ông Phụng xem đạo trưởng là ai. Nó chỉ vào cha Quý và thưa : "Bẩm, ông này ạ". Lính liền trói cha Quý, ông Phụng và 32 giáo hữu, rồi xiềng xích giải về Châu Đốc. Đến Châu Đốc, lính áp giải cha Quý đến quan tổng đốc. Quan thẩm vấn cha nhiều điều và hứa sẽ tha cho cha nếu cha tuyên bố bỏ đạo, theo như chiếu chỉ nhà vua. nhưng cha Quý vẫn kiên quyết nhận mình là đạo trưởng, không bao giờ bỏ đạo Thiên Chúa.
Lần khác quan nói với cha: "Thầy là người thanh liêm, nhân từ, đức hạnh, tại sao lại mê theo tà đạo, hãy nghe ta mà bỏ đạo đó đi". Cha Quý trả lời: "Dạ, thưa quan tôi là người giảng dạy đạo này, sao lại có thể bỏ đạo cho được ? Vả nữa, đây là chính đạo, vì chỉ dạy điều tốt lành, chứ không phải là tà đạo như quan hiểu lầm đâu". Quan ra lệnh tống giam cha và sau đó dùng nhiều phương kế dụ dỗ đe nạt, tra tấn hòng làm thay đổi lập trường của cha. Nhưng cha vẫn một lòng trung kiên với chính đạo. Sau cùng, quan thảo bản án trảm quyết gửi về kinh đô. Bảy tháng trong ngục, cha Quý động viên các bạn tù, cử hành bí tích, nguyện ngắm và đọc kinh Mân Côi với họ. Một giáo hữu đến thăm cha, có cả linh mục bản quốc cải trang để vào giải tội và cho cha rước Thánh Thể.
* Tình thương với thân mẫu.
Dù sống trong cảnh tù ngục, cha Quý vẫn tưởng nhớ đến thân mẫu của mình (thân phụ đã qua đời). Cha gởi thơ kính thăm và báo tin cho thân mẫu biết tin mình sắp được phúc tử đạo.
Ký vụ thân mẫu đôi chữ trưởng tri
Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi
Lòng lã chã lệ rơi luồng lụy
Ngỡ tới đây hành công biện sự
Một hai tháng về viếng từ thân
Ai ngờ rầy sớm tách lìa phân
Trời cùng nước không hề vầy hiệp
Hễ đạo làm tôi đua giữ lời răn dậy
Cho nên con vâng lệnh chỉ sai
Đàng xa xôi cách trở lại chi nài
Miễn đặng tiếng vâng lời chịu lụy
Khi con tới An Giang tạm nghỉ
Gặp chân trời mở hội khoa thi
Nên con phải liều công ứng cử
Ấy là Thiên Chúa chi sổ nhiên
Nhơn tất tùng chi, nhi dĩ hỉ.
Dầu trăng trói gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử
Chí con dốc đến công ơn Chúa
Dạ con làm báo nghĩa mẹ cha
Xin mẫu từ chớ chút phiền hà
Một cam chịu cho danh cha cả sáng.
Nay thơ,
Thân tử Bá Đa Lộc Đoàn Công Quý,
Linh mục bản quốc"

* Sau ba tiếng chuông ngân.
Ước vọng hiến dâng trọn vẹn cuộc đời cho Thiên Chúa của cha Phêrô Đoàn Công Quý đã được chấp nhận. Ngày 30.07.1859, bản án trảm quyết cha được gởi từ kinh đô về đến Châu Đốc cùng với bản án ông Emmanuel Lê Văn Phụng. Sáng hôm sau (31.07), cha Quý và ông Phụng hớn hở đi ra pháp trường ở xóm Chà Và cùng với quan quân và giáo hữu. Người lính đi trước tay cầm tấm thẻ của cha Quý và thỉnh thoảng đọc to:
"Tự Đức thập tam, An Giang tỉnh, kỷ vị niên, thất nguyệt, sơ nhị nhật.
Thẻ : Đạo trưởng Đoàn Công Quý, tùng gian đạo, tụ tập đạo đồ, đạo chủng, đạo thư: Bất khẳng quá khóa, vi phạm quốc pháp, luật hình trảm quyết". (1)
Đến nơi xử án, hai vị chứng nhân Chúa Kitô: cha Quý và ông Phụng, cùng qùy xuống cầu nguyện. Sau đó, cha Quý giải tội cho ông Phụng. Giờ hành xử đã đến, ba tiếng chuông vang lên giữa pháp trường, lý hình chém cha Quý ba nhát gươm, đầu cha lìa khỏi thân mình và rơi xuống đất. Vị tử đạo gĩa từ cõi đời trở về quê hương vĩnh cửu với tuổi đời 33, sau một năm thi hành chức vụ linh mục. Thi hài vị tử đạo được an táng tại nhà thờ Năng Gù, sau được cải táng về chủng viện Cù Lao Giêng năm 1959, nhân dịp bách chu niên cuộc tử đạo.
Đức Piô X suy tôn Chân Phước cho cha Phêrô Đoàn Công Quý ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên Mt 13,47-53.

Lời Chúa: Người ta nhặt cá tốt cho vào giỏ, cón cá xấu thì dứt ra ngoài.
Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con chúa. Ha-lê-lui-a.
Phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
Phúc thay kẻ lấy ngài làm sức mạnh,

càng tiên lên, họ càng mạnh bước.

Ngày 30/07 –  Thánh Phêrô Chrysologus, Giám mục Tiến sĩ (406-450?)
     Ngài thường được gọi là Phêrô Kim ngôn hoặc Kim khẩu. Một người hăng hái theo đuổi một mục đích có thể sinh kết quả hơn cả mong đợi, đó là thánh Phêrô Kim ngôn. Ngài làm giám mục giáo phận Ravenna khi còn trẻ tuổi.
     Thời đó có những sự lạm dụng và vết tích của chủ nghĩa ngoại giáo ở giáo phận của ngài, và ngài quyết định đấu tranh. Vũ khí chính của ngài là những bài giảng ngắn gọn, nhiều bài còn lưu truyền tới ngày nay. Các bài giảng đó không chứa đựng tư tưởng cao siêu, nhưng chứa đầy cách áp dụng luân lý, giáo lý và quan trọng về lịch sử. Các bài giảng của ngài có mức chính xác đến nỗi khoảng 13 thế kỷ sau, ngài được ĐGH Bênêđictô XXIII tôn vinh là Tiến sĩ Hội thánh.
     Ngài nổi bật về lòng trung thành với Giáo hội, không chỉ trong những bài giáo huấn mà còn cả trong quyền hành. Một thời gian trước khi qua đời, ngài trở lại Imola, nơi ngài sinh, và cũng là nơi ngài qua đời.

Thứ Tư Thánh Nữ Mác-ta Lễ Nhớ Ga 11,19-27.

Lời Chúa: Con vẫn tin Thầy là Đưc Ki-tô, Con Thiên Chúa.
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ nhận được ánh sáng đem ại sự sống. Ha-lê-lui-a.
Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi,
vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi.
Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ,

còn ai tìm kiếm Chúa hẳng thiếu thốn gì.

Ngày 29/07 –  Thánh Matta
     Matta, Maria và Ladarô là các bạn thân của Chúa Giêsu. Ngài tới nhà họ với tư cách là khách hơn là người hoán cải các tội nhân như Dakêu hoặc được một người Pharisêu khả nghi tiếp đón không câu nệ hay khách sáo gì. Hai chị em không ngại mời Chúa Giêsu đến khi em trai họ qua đời, mặc dù trở lại Giuđêa vào thời điểm đó hầu như là đã chết chắc.
     Không nghi ngờ, Matta là người năng động. Một lần nọ (x. Lc 10:38-42), bà chuẩn bị bữa ăn cho Chúa Giêsu và bà không ngại khi trách em gái.
     Nhưng các dịp khác, Chúa nhấn mạnh về tính ưu việt của tâm linh: "Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?... Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:25, 33); “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4:4); “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng” (Mt 5:6).
     Vinh dự lớn lao của Matta là câu tuyên xưng đức tin đơn giản mà mạnh mẽ sau cái chết của em trai. “Đức Giêsu nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” Cô Matta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11:25-27).

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

Ngày 28/07/1821 – 1858 Giám Mục Dòng Đaminh Thánh Giuse Melchior Garcia Sampedro Xuyên Tử Đạo.

* Phác họa một chân dung.

Thánh Giuse Sampedro Xuyên với 37 tuổi đời, chín năm truyền giáo, ba năm Giám mục (hai năm làm Giám mục phó), những con số tương đối khiêm tốn, nhưng sự nghiệp của thánh nhân thật lẫy lừng vì ngài đảm nhiệm một giáo phận lớn nhất khi đó (154.000 người) và là giáo phận chịu bách hại nặng nề nhất. Hơn nữa, cuộc đời ngài mãi mãi là mẫu gương sáng ngời của một người luôn sống có lý có tình, trung thành từ những việc nhỏ, khắc khổ hãm mình, nhiệt tâm truyền giáo, chuyên cần cầu nguyện và đặc biệt là, lòng sùng kính Đức Mẹ.

* Tuổi xuân đầy hứa hẹn.
Giuse Melchior Garcia Sampedro sinh ngày 29. 04.1821 tại Sampedro de Arrojo, tỉnh Oviedo, Tây Ban Nha. Gia đình cậu tuy thuộc dòng dõi quý tộc, nhưng đã sa sút đến chỗ nghèo khổ. Ngay từ nhỏ, cậu Melchior đã bộc lộ khuynh hướng đạo đức của mình. cậu thích tụ tập những em nhỏ để dạy đọc kinh thánh. Trong giờ đọc kinh ban tối ở gia đình, cậu sốt sắng nhận phần xướng kinh, và nghiêm trang quỳ suốt buổi kinh.
Năm 12 tuổi, Sampedro có ý xin đi tu làm linh mục. Cha mẹ cậu tuy nghèo nhưng vẫn vui vẻ dành dụm gởi cho con theo học tiếng Latinh với tu sĩ Alvarez, để tiết kiệm cho gia đình, cậu quyết định tự nguyện đi bộ mỗi ngày đến trường. Những ngày nghỉ, cậu về giúp song thân trong việc đồng áng. Năm 1835, cậu ghi tên vào đại học Oviedo. Để giải quyết khó khăn kinh tế, cậu phải xin dạy học tư gia và phải thường xuyên dùng sách mượn. Nhờ chăm chỉ, cậu đạt thành quả cao trong các kỳ thi.
Từ năm 1842, tuy vẫn còn học, thầy Sampedro đã được mời làm giáo viên dạy văn chương, La ngữ và âm nhạc tại trường San Jose. Năm 1844, khi đã tốt nghiệp triết học và thần học, thầy được chọn làm giáo sư phụ tá dạy lý luận cho các tân sinh viên. Để chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của gia đình, mỗi kỳ nghỉ, thầy đều trở về quê phụ giúp cha làm ruộng. Khi học sinh tỏ vẻ ngạc nhiên, thầy nói : "Không có việc nào làm mất danh dự, nếu nó không trái với ý Chúa. chính Chúa trên trời cũng đã chọn sinh ra nơi hang đá và nằm trong máng cỏ".
Ngoài ra trong các kỳ nghỉ hè, thầy Sapedro vẫn dạy giáo lý cho các em thiếu nhi để chuẩn bị lãnh nhận các bí tích. Dân chúng trong vùng tỏ vẻ mến phục thầy và quen gọi là "ông cầu nguyện", vì thời gian dài" ông cầu nguyện" quỳ trước Thánh Thể cũng như tập quán thầy giữ suốt đời là đọc và suy niệm sốt sắng 15 mầu nhiệm Mân Côi mỗi ngày.
* Tu sĩ thuyết giáo.
Thế nhưng thầy Sampedro chưa thấy vậy là đủ, thầy cảm thấy Chúa kêu gọi mình hiến thân cho Ngài một cách trọn vẹn hơn trong việc truyền giáo cho lương dân. Thầy xin vào tỉnh dòng Đaminh Mân Côi để loan báo tin mừng ở Viễn Đông, dù gia đình phản đối mãnh liệt, dù lời ngăn đe và nước mắt, thầy đã cương quyết từ bỏ chức giáo sư, đến Ocana, trung tâm huấn luyện của tỉnh dòng. Thầy lãnh tu phục ngày 16.08.1845 khi đã 24 tuổi. Ngày 18.08.1846, thày tuyên khấn trọng thể trong dòng Đaminh.
Vì đã mãn khóa thần học ở Oviedo, bấy giờ thầy Sampedro chuẩn bị lãnh các chức thánh và thụ phong linh mục ngày 29.05.1847 tại Madrid, rồi ngày 06.06 vị tân linh mục dâng thánh lễ mở tay ở Ocana. Chín tháng sau, cha Sampedro từ Cadiz đi theo tàu Victoria cùng bốn bạn đồng hành sang Manila ngày 25.07.1848 nhằm lễ thánh Giacôbê. Khi đến nơi, Bề trên đã xếp đặt để cha phụ trách khoa triết lý cho trường đại học Santo Tomas, nhưng cha xin phép trình bày ý nguyện đi truyền giáo ở Việt Nam, và Bề trên đã chấp thuận.
Chỉ ba tháng sau, cha đáp tàu đến Macao, rồi đến Đông Xuyên ngày 28.02.1848 đem theo hai sắc lệnh của Tòa Thánh bổ nhiệm hai Đức cha Hermosilla Liêm và Marti Gia coi sóc hai giáo phận Đông và Trung mới được phân chia. Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm với vị linh mục lão thành Hermosilla, cha Sampedro được ngài đặt tên mới là Xuyên.
Sau đó, Đức cha Liêm gửi cha đến Nam Am học tiếng Việt và phục vụ cho đến tháng 03 năm 1850 thì được Đức cha Sanjurjo An đặt làm Giám đốc chủng viện ở Cao Xá. Tháng 07 năm đó, cha được làm đại diện Bề trên phụ tỉnh, và tháng 08.1852 thì nhận chức Bề trên phụ tỉnh, chu toàn trách nhiệm giáo dục của mình, cha Sampedro còn nêu gương cho các chủng sinh về đời tông đồ truyền giáo. Cha giữ luật chay tịnh, hãm mình theo luật dòng, mặc áo nhặm và gia tăng nhiều việc hy sinh khác. Ngoài ra, cha còn xuất bản nhiều tập sách nhỏ truyền bá đức tin, và đi giảng cho lương dân. Đức cha An xác nhận cả một họ đạo mới thành lập gồm 54 gia đình, 500 tín hữu ở gần Cao Xá là kết quả lòng nhiệt thành của cha bề trên Sampedro Xuyên.
* Giám mục trong cơn bách hại.
Tháng 08.1852, Đức cha Sanjurjo An lên kế vị Đức cha Marti Gia (qua đời ngày 26.08). Vì giáo phận quá đông, ngài xin phép Tòa thánh để chọn Sampedro làm Giám mục phụ tá hiệu tòa Tricomia. Lễ phong chức được cử hành rất trọng thể ngày 16.9.1855 tại Bùi Chu, với sự hiện diện của hai Giám mục, 49 linh mục và rất đông giáo hữu. Trong chức vụ mới, Đức cha Sampedro Xuyên càng nhiệt thành hơn với việc truyền bá đức tin. Trong hoàn cảnh nạn dịch lan tràn, việc rửa tội cho trẻ em ngoại đạo sắp chết gia tăng rất nhanh. Chỉ trong năm 1855 được 35.349 em được rửa tội.
Dầu hoàn cảnh khó khăn, Đức cha Xuyên vẫn lén lút đi thăm các họ đạo, và phải thi hành việc phục vụ hầu hết vào ban đêm. Tháng 5.1857, khi Đức cha An bị bắt, Đức cha Xuyên tìm mọi cách để đưa ngài ra, nhưng việc chưa thành thì Đức cha An đã bị xử tử vào ngày 20.07.
Cuộc bách hại ngày càng gia tăng. Quan quân triệt hạ các nhà thờ Bùi Chu, Lục Thủy, Phú Nhai, bệnh viện, cô nhi viện và các chủng viện. Tổng đốc Nguyễn Đình Tân hăng hái quyết lùng bắt hết các Giám mục, linh mục trong khu vực của ông. Thủ cấp của Đức cha Xuyên được treo giá cao nên khắp nơi đều có người rình bắt ngài.
Về phần Đức cha, sợ giáo phận có ngày mất chủ chăn, đã dùng quyền Tòa Thánh để chọn cha Berrio Ochon Vinh làm Giám mục phụ tá có quyền kế vị. Lễ tấn phong âm thầm có một không hai cho vị Giám mục "gậy tre mũi giấy" này đã được cử hành trong một nhà giáo hữu ngày 13.06.1858 ở Ninh Cường.
Điều hành giáo phận trong những ngày khó khăn, cuộc sống của Đức cha Xuyên nổi bật về lòng đạo đức và tinh thần cầu nguyện. Ngài thường tự xưng là "kẻ tội lỗi khốn khổ !" Ngài thường khuyên người khác : "hãy nhìn khuyết điểm của tha nhân để sửa mình và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của mọi người".
Đức cha vẫn luôn mặc áo nhặm và suy gẫm chuỗi Mân Côi, mỗi ngày suy niệm về Đức Mẹ Sầu Bi, Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, mẫu gương hiệp thông với những đau khổ của Chúa. đặc biệt vì tôn kính Đức Mẹ, ngài luôn khởi đầu thư từ và các buổi nói chuyện bằng lời chúc tụng AVE MARIA.

* Ngục tù và án lăng trì.
Sau lễ tấn phong cho vị Giám mục phụ tá, Đức cha Xuyên đi lên Quần Cống, rồi qua Thôn Đông vài ngày, và đến Kiên Lao tạm trú nhà ông trùm Khanh. Ngày 08.07.1858 quân lính đã vây bắt được ngài và hai chú giúp lễ : Đaminh Nguyễn Tiệp và Mai Hiến. Quan bắt Đức cha mang gông xiềng nặng nề và giải ba cha con lên tỉnh Nam Định.
Sau 20 ngày trong ngục, Đức cha lãnh án lăng trì ngày 28.07.1858. trên đường ra pháp trường Bảy Mẫu, đi sau đám lính đông đảo và lý hình 20 người tuốt gươm trần, Đức cha Sampedro Xuyên một tay cầm sách nguyện, một tay giơ lên ban phép lành cho dân chúng. Tuy nhiên cũng có kẻ lấy bùn ném vào ngài.
Tại pháp trường, hai cậu Tiệp và Hiến đón nhận phép lành của Đức cha, rồi đưa cổ chịu chém. Sau đó, lý hình xô vị Giám mục nằm sấp trên chiếu có phủ vải sẵn, tước hết y phục, chỉ để cho ngài mặc chiếc quần cụt. Rồi họ cột chân tay thật căng vào bốn cọc ở bốn phía, và thêm hai cọc ở dưới nách để nạn nhân khỏi cựa quậy.
Năm lý hình cầm năm cái rìu chờ lệnh quan ám sát ra dấu, lần lượt từng người thi hành nhiệm vụ. Họ chặt từng chân, từng cánh tay rồi mới chặt đầu. Máu tuôn ra đọng lại thành vũng, trong khi vị tử đạo vẫn giữ được vẻ mặt bình tĩnh, không ngừng kêu tên Chúa Giêsu cho đến khi tắt thở.
Mấy phút sau, đám lính mổ bụng ngài, cắt buồng gan giơ lên cao và nói: "Xem này, Gan Tây thật là to", rồi họ chia nhau ăn. Cuối cùng họ đẩy thi thể ngài xuống một hố sâu, lấp đi và muốn cho voi dày xéo nữa. Nhưng họ thúc giục hò la mà đàn voi vẫn không đạp lên hố. Thủ cấp của vị tử đạo sau ba ngày bị bêu nơi công cộng, quân lính băm nát rồi ném xuống sông. Đến sau các giáo hữu đưa thi thể của Đức cha về mai táng tại Phú Nhai. Năm 1888, thi hài ngài được dời về quê hương Oviedo, nhưng tay phải của ngài thì để lại Bùi Chu, và tay trái được đưa về Malina, sau bị thất lạc trong Thế Chiến Thứ Hai vì bom đạn.
Ngày 29.04.1951, Đức Piô XII đã suy tôn Đức cha Giuse Melchior Garcia Sampedro Xuyên lên bậc Chân Phước cùng với Đức cha An và 23 vị tử đạo người Việt Nam. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên Mt 13,36-43.

Lời Chúa: Như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.
Ha-lê-lui-a. Hạt giống là lời Thiên Chúa, người gieo giống là Đức Ki-tô, ai tuân giữ lời Người, sẽ muôn đời tồn tại. Ha-lê-lui-a.
Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm,
tội ta đã phạm, Chúa cũng ném xa ta.
Như người cha chạnh lòng thương con cái.

Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.

Ngày 28/07 –  Thánh Leopold Mandic, Linh mục (1887-1942)
     Các Kitô hữu Tây phương cố gắng đối thoại nhiều hơn với các Kitô hữu Chính thống giáo có thể thu hoạch hoa trái nhờ lời cầu nguyện của LM Leopold Mandic.
     Ngài là người Croatia, vào Dòng Phanxicô và thụ phong linh mục vài năm sau dù ngài có vài vấn đề về sức khỏe. Ngài không thể nói to để giảng. Suốt nhiều năm ngài chịu đựng chứng viêm khớp nặng, mắt kém và đau bao tử.
     Ngài dạy về các Giáo phụ cho các giáo sĩ trong vài năm, nhưng ngài nổi tiếng về giải tội, có những ngày ngài giải tội 13–15 giờ. Vài vị giám mục tìm đến ngài để được tư vấn tâm linh.
      Ước mong của ngài là đến với các Kitô hữu Chính thống giáo và vận động đoàn kết giữa Chính thống giáo và   Công giáo La mã, nhưng sức khỏe không cho phép ngài làm được điều đó. Ngài thường xuyên nhắc lại lời khấn đến với các Kitô hữu Đông phương, và ngài luôn cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
     Khi ĐGH Piô XII nói rằng tội lỗi lớn nhất của thời đại chúng ta là “mất cảm giác về tội”, thánh Leopold đã cảm nhận sâu sắc về tội lỗi và và vững tin vào Ơn Chúa luôn chờ đợi sự hợp tác của con người. Ngài sống nhiều ở Padua, qua đời ngày 30-07-1942 và được phong thánh năm 1982.

Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên Mt 13,31-35.

Lời Chúa: Hạt cải trở thành cây, đến nỗi chin trời tới làm tổ trên cành được.
Ha-lê-lui-a. Chúa Cha đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Ha-lê-lui-a.
Họ quên Thiên Chúa là Vị Cứu Tinh
từng làm việc lớn lao bên miền Ai-cập,
việc diệu kỳ trong cõi đất Kham,

việc khiếp kinh giữa lòng Biển Đỏ.

Ngày 27/07 –  Chân phước Antôniô Lucci, Giám mục (1682-1752)
     Chân phước Antôniô Lucci là bạn học với thánh Francesco Antonio Fasani. Sau khi CP Antonio Lucci qua đời, thánh Francesco Antonio Fasani đã làm chứng về cuộc sống thánh thiện của CP Lucci.
     CP Antonio Lucci sinh tại Agnone, Nam Ý, một thành phố nổi tiếng về đúc chuông đồng và đồ thủ công bằng đồng, tên rửa tội của ngài là Angelo. Ngài học trường của các tu sĩ Dòng Phanxicô và vào tu dòng này lúc 16 tuổi. Ngài học xong và thụ phong linh mục tại Assisi năm 1705. Ngài học thêm và có bằng tiến sĩ thần học, được bổ nhiệm dạy học ở Agnone, Ravello và Naples.
     Ngài được bầu làm giám tỉnh năm 1718, năm sau ngài được chọn làm giáo sư tại Đại học Thánh Bonaventure College ở Rôma. Rồi ngài được ĐGH Bênêđictô XIII bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Bovino (gần Foggia) năm 1729. ĐGH Bênêđictô XIII giải thích: “Tôi chọn giám mục giáo phận Bovino là một thần học gia xuất sắc và là vị đại thánh”.
     Trong 23 năm làm giám mục, ngài kinh lý các giáo xứ và canh tân Phúc âm sống động trong giáo dân của giáo phận. Ngài dành thời gian để giáo huấn và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên tổng quyền Dòng Phanxicô, ngài viết một cuốn sách về các thánh và các chân phước trong 200 năm đầu của Dòng Phanxicô. Ngài được phong chân phước năm 1989. Năm 1992, bạn ngài là Francesco Antonio Fasani được phong thánh.

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Chúa Nhật XVII Thường Niên Năm B

Lời Chúa: Đức Giê-su cầm lấy bánh, rồi phân phát cho những người hiên diện, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.
      Hôm ấy, Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.

     Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: "Thưa, có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút." Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-mon Phê-rô, thưa với Người: "Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!" Đức Giê-su nói: "Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi." Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: "Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi." Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: "Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!" Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Gioan thuật lại việc Chúa Giê-su làm phép lạ cho năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, biến hóa ra nhiều cho năm ngàn người đàn ông ăn, không kể đàn bà và trẻ con, và còn dư mười hai thúng bánh đầy, đây là một phép lạ và một trong những phép lạ cả thể mà Chúa Giêsu đã làm. Tất cả bốn nhà Thánh Sử đều ghi chép lại. Nhưng đối với Thánh Gioan, đây là một dấu chỉ, danh từ mà Thánh Gioan hay dùng và chúng ta thấy rõ ngài muốn hướng dẫn chúng ta về Chúa Giêsu và phép Thánh Thể.
      Chúa Giêsu không chỉ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, nhưng Ngài đã ban chính thân mình Ngài làm của ăn của uống nuôi sống dân chúng. Chính Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho mọi người, để chúng ta được sống. Và bàn tiệc Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Ngài quy tụ những người Kitô hữu lại để nuôi sống đức tin cho mỗi người chúng ta, và cùng trong bàn tiệc Thánh Thể này chúng ta lại được Lời Chúa dạy dỗ chúng ta mỗi ngày.
     Vâng, chúng ta được kết hợp với Chúa Giêsu qua sự hiện diện trong mầu nhiệm của Bí Tích. Chúng ta phải luôn tôn thờ, kính viếng, kết hợp và nhận lãnh Thánh Thể làm của ăn. Chúng ta trở nên một trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một, cùng chia sẻ chung một tấm bánh và uống chung một chén rượu. Thánh Phaolô đã xác tín rằng, chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Trong Chúa Kitô, chúng ta không còn phân biệt nam hay nữ, giàu hay nghèo và tự do hay nô lệ. Chúng ta không chỉ thuộc về hội này hay hội nọ, mà chỉ có một hội, đó là Hội Thánh Chúa Ki-tô, chỉ có một Thiên Chúa, là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.
      Lạy Chúa Giê-su, nguyện xin Chúa giúp chúng con luôn giàu lòng quảng đại và vị tha, để chúng con có thể trao ban niềm vui và hạnh phúc cho nhân loại bằng đời sống bác ái yêu thương. Xin Chúa nâng đỡ và trợ giúp chúng con, để tình yêu thương nhân ái được lan tỏa rộng rãi khắp trần gian nầy.   Amen

Ngày 26/07 – Thánh Gioakim và Anna, Song thân Đức Mẹ
     Trong Kinh thánh, thánh sử Matthêu và Luca cung cấp gia phả của Chúa Giêsu, cho thấy rằng Chúa Giêsu là đỉnh cao của những lời hứa. Chúng ta không biết gì nhiều, ngay cả ông bà Gioakim và Anna cũng chỉ được viết sau khi Chúa Giêsu chịu chết được hơn 100 năm.
     Đức tính anh hùng và sự thánh thiện của các ngài được suy ra từ không khí cả gia đình xung quanh Đức Maria trong Kinh thánh. Chúng ta dựa vào các truyền thuyết về thời thơ ấu của Đức Maria hoặc suy đoán từ thông tin trong Kinh thánh, chúng ta thấy sự viên mãn của nhiều thế hệ những con người cầu nguyện ở nơi Đức Mẹ, chính Đức Mẹ đã say đắm trong truyền thống tôn giáo.
     Tính cách mạnh mẽ của Đức Maria khi quyết định, liên lỉ cầu nguyện, tuân thủ luật đức tin, sự vững vàng của Đức Mẹ khi gặp khủng hoảng, và tận tụy với những người thân – tất cả cho thấy gia đình gắn bó yêu thương, trông mong thế hệ kế tiếp duy trì những điều tốt đẹp nhất của quá khứ.
     Ông bà Gioakim và Anna (không biết có phải tên thật của các ngài hay không) biểu hiện các thế hệ khá lặng lẽ khi trung thành thực hiện trách nhiệm, giữ đức tin và thiết lập môi trường cho Đấng Thiên Sai tới, nhưng vẫn chưa rõ ràng.

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Thứ Bảy Thánh Giacôbê Tông đồ Lễ kính Mt 20,20-28.

Lời Chúa: Chén của Thầy, các người sẽ uống.
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Chính Thầy đã chọn anh em từ giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền nam.
Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

mùa gặt mai sao khắp khởi mừng.

Ngày 25/07 –  Thánh Giacôbê, Tông đồ
     Thánh Giacôbê là anh của thánh Gioan thánh sử. Hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi khi họ đang làm việc với người cha trên ngư thuyền ở Biển Galilê: “Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người” (Mc 1:19-20). Chúa Giêsu còn kêu gọi hai anh em khác là thánh Phêrô và thánh Anrê.
     Thánh Giacôbê là một trong ba người được chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabor, cho con gái ông Giairô sống lại và lúc Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Gếtsimani.
     Thánh Matthêu kể chuyện người mẹ đến xin cho hai con của bà được ngồi bên tả và bên hữu trong Nước Chúa. “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?”. Họ đáp: “Thưa uống nổi”. Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được” (Mt 20:22-23). Nghe vậy, các môn đệ đã tức tối vì tham vọng của Giacôbê và Gioan. Và Chúa Giêsu dạy họ về bài học khiêm nhường: Mục đích của quyền hành là phục vụ.
     Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu đặt cho biệt danh là “con của sấm sét”. Một dịp khác, Chúa Giêsu muốn đi Giêrusalem, Ngài sai mấy sứ giả đi trước nhưng không được người Samari đón tiếp. “Thấy vậy, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?”, nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông” (Lc 9:54-55).
     Thánh Giacôbê là người tử đạo đầu tiên trong các tông đồ. “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phê-rô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men” (Cv 12:1-3). Đừng lầm lẫn thánh Giacôbê tông đồ với tác giả Thư của thánh Giacôbê, người lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem.

Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên Mt 13,18-23.

Lời Chúa: Kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả.
Ha-lê-lui-a. Hạnh phúc thay người thành tam thiện chí, hằng ấp ủ lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả. Ha-lê-lui-a.
Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện,
bổ sức cho tam hồn.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc,

cho người dạy nên khôn.

Ngày 24/07 –  Thánh Sharbel Makhlouf, Linh mục (1828-1898)
     Giuse Zaroun Maklouf sinh tại làng Beka-Kafra, Lebanon, được người thúc bá nuôi vì ngài mồ côi cha mẹ từ lúc 3 tuổi. Lúc 23 tuổi, ngài vào tu viện thánh Maron ở Annaya, Lebanon, và lấy tên là Sharbel – vị tử đạo hồi thế kỷ II. Ngài khấn trọn năm 1853 và thụ phong linh mục 6 năm sau.
     Noi gương thánh Maron (thế kỷ V), ngài sống ẩn tu từ năm 1875 cho đến chết. Gương thánh thiện của ngài làm cho nhiều người đến xin phúc lành và xin cầu nguyện. Ngài ăn chay nghiêm nhặt và rất sùng kính Thánh Thể. Thi thoảng bề trên sai ngài đi ban các bí tích cho các làng lân cận, ngài vui vẻ vâng lời.
     Ngài qua đời vào chiều tối ngày 24-12-1898. Mộ ngài được cả người giáo lẫn người lương đến cầu nguyện và xin ơn chữa lành. Ngài được CP GH Phaolô VI phong chân phước năm 1965, và được phong thánh năm 1977.

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Ngày 24/07/1775 – 1838 Linh Mục Dòng Đaminh Thánh Giuse Fernandez Hiền Tử Đạo.

* Cuộc hội ngộ trong tù.
Khi bị thẩm vấn về các thừa sai, linh mục Fernandez Hiền liền nhận là có quen thân với hai Giám mục Delgado Y và Henares Minh. Cha xin quan cho gặp mặt vì biết hai vị đang bị giam cầm ở đây. Cuộc gặp kéo dài gần tiếng đồng hồ, mỗi vị một cũi. Nhưng cũng đủ để ba vị thủ lãnh giáo phận Đông trao đổi, an ủi và khích lệ nhau. Đức cha Delgado Y vì bệnh nặng nên ít nói hơn. Nhưng bỗng nhiên ngài hỏi cao giọng bằng tiếng Việt, chắc có ý cho quan quân nghe được : "Này cha bề trên phụ tỉnh, cha đã sẵn lòng tự nguyện để người ta chém đầu chưa ?" Không chút ngần ngừ, cha chính Hiền trả lời : "Dĩ nhiên đã sẵn sàng". Các quan và lính tráng có mặt hôm đó đều ngạc nhiên hết sức khi thấy những tù nhân của họ nói đến cái chết cận kề, mà vẫn bình tĩnh, nếu không nói là vui vẻ nữa.

Hai ngày sau, tâm tư của cha Hiền được khẳng định rõ hơn cho các quan : "Xin các ngài biết cho, không bao giờ tôi chà đạp Thánh Giá. Còn việc về nước (Tây Ban Nha) thì tôi không muốn, vì tôi đến đây với ước nguyện là giảng đạo Chúa Kitô, đạo chân chính duy nhất giúp con người sống tốt đẹp ở đời này và đạt hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Tôi sẵn sàng lấy máu mình để làm chứng cho người dân Việt biết đạo Thiên Chúa là đạo thật. Đó là mục đích và niềm vui của tôi".

* Hành trình rao giảng.
Giuse Fernandez sinh ngày 03.12.1775 trong một gia đình đạo đức ở Ventosa de la Cuesta, tỉnh Valladolid, giáo phận Avila, Tây Ban Nha. Cha mẹ cậu rất hân hoan khi cậu xin vào dòng Đaminh, và coi đó là một vinh dự cũng như đặc ân Chúa ban cho gia đình. Tại tu viện thánh Phaolô (ở Valladolid) cậu tuyên khấn ngày 02.08.1796, khi mới 17 tuổi. sau đó thầy Fernandez học triết lý và thần học, rồi được thụ phong linh mục.
Để thực hiện hoài bão truyền bá Tin Mừng cho miền Viễn Đông, cha Fernandez xin chuyển qua Tỉnh Hạt Rất Thánh Mân Côi và tới Manila (Phi Luật Tân) ngày 16.04.1805. Từ đây ngài đến Macao cùng với ba cha dòng Đaminh khác : Luis Villanova, Giacôbê Mateo và Manuel Gonzalez. Ngày 18.02.1806, bốn tu sĩ thuyết giáo theo một tàu của Anh vào bến Cửu Hàn (Đà Nẵng). Từ đây, bốn vị riệng rẽ đi bộ lên giáo phận Đông Đàng Ngoài, trời có bão, các thuyền bè không ai dám chở. Tháng 06 năm đó, cha Fernandez đến được trụ sở Bề trên phụ tỉnh.
Việt Nam thời này đang dưới quyền Gia Long, các thừa sai tương đối tự do giảng đạo. Sau một vài tháng học tiếng địa phương, vị tông đồ trẻ tuổi đã bắt tay vào công việc truyền giáo hăng say. Vốn bản tính hiền lành, khiêm tốn và nhã nhặn, cha Hiền được mọi người cả giáo lẫn lương đều quí mến. Nhờ đó cha đã giúp nhiều lương dân đón nhận đức tin, nhất là tại làng Xuân Dục.
Giáo xứ cha Hiền phụ trách lâu nhất là Kiên Lao, nơi cha đã nâng số tín hữu lên đến 5.000 khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Từ đây cha phụ trách chủng viện của giáo phận. Năm 1837, sau một cơn bệnh kiết lỵ suýt chết, tỉnh dòng trao cho cha chức vụ Bề Trên Phụ Tỉnh. Cha vâng lời nhận trách nhiệm với sự trợ giúp của linh mục phụ tá Hermosilla Vọng. Tuy làm cha chính có vài tháng, cha đã phải lãnh trách nhiệm trong giai đọan bão tố của giáo phận Đông. Những lá thư của cha Viên bị tịch thu đã tố cáo sự hiện diện của các linh mục ngoại quốc tại Nam Định.
* Cô đơn và niềm an ủi.
Trong cơn truy lùng gắt gao của Tổng đốc Trịnh Quang Khanh năm 1838, cha Hiền đang ở chủng viện Ninh Cường, được giáo dân yêu cầu dọn đi nơi khác : "xin cha thương chúng con mà lánh đi nơi khác, kẻo nếu họ bắt được cha ở đây, chúng con sẽ mất hết tài sản và có lẽ mất cả đầu nữa". Thế là vị linh mục 63 tuổi đang mang trọng bịnh, đành phải ra về Quần Liêu, có hai thầy giảng theo giúp đỡ ngài.
Khi đến Quần Liêu, giáo hữu ở đây cũng lo sợ không kém bên Ninh Cường. Vì sợ liên lụy, họ đã xin ngài đừng ở lại. Một lần nữa cha Hiền và hai thầy giảng lại ra đi mà không biết đến đâu, vừa đi vừa nghĩ đến gương của Thầy Chí Thánh : "Cáo có hang chim trời có tổ, còn Con Người không chỗ gối đầu". Nhưng may mắn thay, đang tình trạng bế tắc đó thì một linh mục Việt Nam xuất hiện.
Cha Phêrô Tuần đang coi xứ Lác Môn khi biết tin, liền đến Quần Liêu can thiệp. Cha trách các tín hữu ở đây bội bạc, và yêu cầu họ cho cha Hiền lưu lại vài ngày. Cha Tuần cũng quyết định ở lại để tìm chỗ ẩn mới cho vị thừa sai. Hai ngày sau, hai cha vượt sông qua giáo phận Tây đàng Ngoài, ghé vào xứ Kim Sơn. Nhưng vừa đến nơi thì hay tin quan tỉnh Nam Định đã ra lệnh cho quan địa phương lùng bắt hai vị rồi. Dân xứ Kim Sơn vì thế không giám lưu giữ, họ mời hai vị linh mục lên một chiếc thuyền nhỏ rồi đưa các vị vào vùng xình lầy gần đó. Địa điểm này tuy an toàn không bị truy lùng, nhưng quả là gian khổ vì bùn lầy tanh hôi, ban ngày thì nắng cháy da, đêm về thì làm mồi cho muỗi đốt.
* Con đường thập giá.
Cũng may có cha xứ Kim Sơn khi biết tình trạng bi đát của hai chứng nhân đức tin liền tìm cách thu xếp. Hai ngày sau, ngài cho người rước hai cha về trú ở nhà ông Bát Biên (hàm Bát Phẩm), là người thọ ơn cha xứ nhiều lần. Hơn nữa ông này ngoại giáo nên ở đây an toàn hơn. Thực tế Bát Biên xử với hai vị rất tốt suốt tám ngày liền, trước khi lập mưu giao nộp để lãnh thưởng.
Đêm 18.06, ông ta nói dối rằng: "Con nghe tin quan biết hai cha ở đây, và quan quân sắp đến vây làng, con phải đem hai cha đi nơi khác, an toàn hơn". Rồi ông ta mời cha chính Hiền xuống thuyền đem nộp ngài cho quan quân trên bờ sông Qui hậu. Sau đó, về nói dối để chở cha Tuần đi nộp tiếp. Nhờ việc tố giác này, Bát Biên được vua Minh Mạng tăng thêm một cấp quan và thưởng cho 100 nén bạc.
Đêm hôm đó, hai môn đệ Chúa Kitô bị giam tại huyện, các ngài giải tội cho nhau và khích lệ nhau chịu đựng gian khổ dù phải chết. Sáng hôm sau, quân lính điệu hai cha lên Ninh Bình, cha Hiền bị nhốt trong cũi bằng tre, cha Tuần phải mang gông nặng. Ngày 22.06, hai cha được giải về Nam Định, các quan và lính võ trang ra đón hai cha giữa tiếng hò reo chiến thắng. Sau đó họ giam mỗi vị một nơi.
Ngồi bó gối trong cũi tại ngục Nam Định, cha Hiền phải chịu đói khát, và nhất là cơn nóng nực. có lẽ ngài đã chết tại đó nếu không được anh Đường, một tín hữu tốt bụng đến tiếp cứu. Anh đã bỏ tiền ra mua chuộc lính gác để được vào tiếp tế mỗi ngày một ít lương thực. Mấy ngày đầu, anh còn phải giúp ngài đưa từng miếng cơm, ngụm nước vào miệng vị linh mục quá kiệt sức đến độ tự mình không thể ăn uống được nữa.
Một tháng trong tù, nhiều lần cha bị đưa ra tòa để đối chất. Quan Tổng đốc mới Lê Văn Đức điều tra ngài về lý lịch, đến đây làm gì, bao lâu ? Cha cố trả lời vắn tắt để không liên lụy đến ai. Cha nói : "Từ ngày vua cấm đạo, chúng tôi mạnh ai nấy chốn, chẳng biết ai ở đâu cả". Quan hứa sẽ đặt cha làm thông dịch viên nếu chịu bỏ đạo, cha đáp : "Tôi đến đây không để phục vụ vua chúa trần gian này mà chỉ để rao giảng đạo Đức Chúa Trời thôi". Thế rồi, cha xin được gặp hai Đức cha đã bị giam trước, và bình tĩnh tỏ lòng sẵn sàng chết vì đức tin theo vị chủ chăn của mình. Thấy không thể làm cha bỏ đạo, đạp lên Thánh Giá, các quan họp nhau và nên án trảm quyết ngài. Bản án của cha và cha Tuần được vua Minh Mạng châu phê tới Nam Định ngày 18.07. Cha Phêrô Tuần vì tuổi già sức yếu, đã về với Chúa trước đó ba ngày.

* Giây phút vinh quang.
Sáng ngày 24.07, trước khi đem đi xử, các quan còn khuyên dụ cha Hiền lần cuối : "Lát nữa ông sẽ bị chém đầu nếu không đạp lên Thập Giá. Hãy quyết định lại đi, ông sẽ được tha về Âu châu". Vị chứng nhân trả lời: "Tôi không chịu đạp lên Thánh Giá, các ông muốn chém thì cứ chém". Sau đó nhốt cha trong cũi, các quan để mặc dân chúng đến xem chế nhạo. Họ kéo đến chửi mắng, bứt tóc giật râu hoặc thò tay đấm vào người cha.
Khoảng 02 giờ chiều, quan quân mới đưa vị linh mục đến pháp trường Bẩy Mẫu. Khi quân lính kéo ngài ra khỏi cũi và ném lên chiếu, ngài hầu như không gượng dậy nổi, phần vì đau mệt, phần thì đói lả, ngài nằm sõng soài ra đó. Tuy thế, cặp mắt của vị anh hùng vẫn hướng về trời cao, dâng lên Thiên Chúa hy tế đời mình và dâng lời cảm tạ sốt sắng qua 32 năm đã được phúc làm chứng cho Thiên Chúa ở Việt Nam. Lý hình vung gươm xử chém đang lúc chứng nhân còn chìm sâu trong ý nguyện.
Đầu vị tử đạo phải bêu ba ngày trước khi bị ném xuống sông. Các giáo hữu đem áo quan theo sẵn, đút tiền để đưa thi hài ngài về án táng tại chủng viện Lục Thủy. Hiện hài cốt ngài còn để tại nhà thờ Phú Nhai.
Ngày 27.05.1900, Đức Lêo XIII suy tôn cha Giuse Fernandez Hiền, dòng Đaminh, lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên Mt 13,10-17.

Lời Chúa: Anh em được ơn hiểu biết các Mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không.
Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.
Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá
mà thấu nhìn vực thẳm,

chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh.

Ngày 23/07 –  Thánh Brighita (1303?-1373)
     Từ lúc 7 tuổi, Brighita được thị kiến Đức Kitô bị đóng đinh. Thị kiến đó đã làm nền tảng cho các hoạt động của bà – luôn chú trọng bác ái hơn là ủng hộ tinh thần.
     Bà là hoàng hậu của vua Magnus II, vua Thụy Điển. Bà là mẹ của 8 người con (con thứ hai của bà là thánh Catarina Thụy Điển). Sau khi chồng mất, bà sống ăn chay hãm mình nghiêm nhặt. Bà luôn cố gắng tạo ảnh hưởng tốt đối với vua Magnus, chính nhà vua đã cho bà đất đai và nhà cửa để thành lập các tu viện nam và nữ. Các nhóm tu trì này phát triển thành Dòng Thánh Brighita (Bridgetines) mà ngày nay vẫn còn.
     Năm Thánh 1350, bà khuyến khích người Âu châu đi hành hương Rôma. Những năm bà sống ở Rôma không thoải mái, bị nợ nần và bị chống đối vì bà phản đối việc lạm dụng của Giáo hội. Đoàn hành hương cuối cùng đến Thánh Địa, bị đắm tàu và con trai bà là Charles chết, cuối cùng bà mất năm 1373. Năm 1999, bà cùng với thánh Catarina Siena và thánh Edith Stein được tôn vinh là các thánh bổn mạng của Âu châu.

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

Thứ Tư Thánh Nữ Maria Ma-đa-lê-na Lễ nhớ Ga 20,1-2.11-18.

Lời Chúa: Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?.
Ha-lê-lui-a. Maria hỡi, xin kể lại, trên đường đi đã thấy gì cô ? Thấy mồ trống Đức Ki-tô phục sinh vinh hiển thiên thu khải hoàn. Ha-lê-lui-a.
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Đấng con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,

như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.

Ngày 22/07 –  Thánh Maria Mađalêna
     Ngoài Đức Maria, chỉ vài phụ nữ được tôn kính trong Kinh thánh nhiều hơn Maria Magđalêna. Bà có thể là bổn mạng của những người bị vu khống, vì có một truyền thuyết lâu đời trong Giáo hội nói rằng bà là người phụ nữ tội lỗi vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu được thuật lại trong Lc 7:36-50.
     Đa số các học giả Kinh thánh ngày nay đều chứng tỏ rằng không có nền tảng Kinh thánh nào để lẫn lộn hai phụ nữ này. Maria Magđalêna, nghĩa là Maria ở Magđalêna, là người mà Chúa Giêsu đã đuổi “bảy quỷ” (Lc 8:2).
     LM W.J. Harrington, Dòng Đa Minh, viết trong cuốn “Chú giải Công giáo mới” (New Catholic Commentary): “Bị bảy quỷ ám không có nghĩa là thánh Maria Mađalêna đã sống cuộc đời vô luân, một kết luận chỉ đạt được bằng cách lầm lẫn với phụ nữ vô danh trong Lc 7:36”. LM Edward Mally, Dòng Tên, viết trong cuốn “Chú giải Kinh thánh của Thánh Giêrônimô” (Jerome Biblical Commentary): “Bà (Maria Mađalêna) không là phụ nữ tội lỗi trong Lc 7:37, mặc dù có truyền thống lãng mạn Tây phương nói về bà”.
     Maria Mađalêna là một trong những người “giúp Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai”. Bà là một trong những người đứng bên Thánh giá với Đức Mẹ.

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Thứ Ba Tuần XV Thường Niên Mt 12,46-50.

Lời Chúa: Đức Giê-su giơ tay chỉ các môn đệ và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi.
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.
Ngài cho dân tiến vào, định cư họ trên núi,
núi gia nghiệp của Ngài.
Lạy Chúa, chính nơi đây Ngài chọn làm chổ ở,

đây cũng là đền thánh tụ tay Ngài lập nên.

Ngày 21/07 –  Thánh Lawrence Brindisi, Linh mục Tiến sĩ (1559-1619)
     Thánh Lawrence Brindisi có thiên tài về ngôn ngữ. Ngoài ngôn ngữ bản xứ là tiếng Ý, ngài còn nói và đọc được tiếng Latin, Hebrew, Hy Lạp, Đức, Bohemian, Pháp và Tây Ban Nha.
     Ngài sinh ngày 22-07-1559. Cha mẹ ngài là ông William và bà Elizabeth Russo đặt tên cho ngài theo tên của Julius Caesar, Caesare theo tiếng Ý. Cha mẹ ngài mất sớm, ngài được người thúc bá cho theo học ở ĐH Thánh Maccô ở Venice. Lúc 16 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô ở Venice và lấy tên dòng là Lawrence. Ngài hoàn tất chương trình triết học và thần học tại ĐH Padua và thụ phong linh mục lúc 23 tuổi.
     Với khả năng xuất sắc về ngôn ngữ, ngài học Kinh thánh bằng văn bản gốc. Theo yêu cầu của ĐGH Clêmentô VIII, ngài dành nhiều thời gian giảng đạo cho người Do Thái ở Ý. Kiến thức về tiếng Hebrew của ngài rất xuất sắc đến nỗi các luật sĩ Do Thái cứ tưởng ngài là người Do Thái trở lại Kitô giáo. Năm 1956, các tu sĩ Phanxicô xuất bản bộ sách 15 cuốn của ngài. 11 cuốn trong 15 cuốn gồm các bài giảng của ngài, mỗi cuốn chủ yếu trích dẫn Kinh thánh để minh chứng những lời ngài giảng.
     Ngài rất nhạy cảm với nhu cầu của người khác – một tính chất có thể gây bất ngờ ở các học giả biệt tài như vậy. Ngài được bầu làm giám tỉnh Dòng Phanxicô ở Tuscany khi ngài mới 31 tuổi. Ngài vừa thông minh, vừa thương người và vừa có tài quản lý để làm nhiệm vụ. Năm 1602, ngài được bầu làm bề trên tổng quyền Dòng Phanxicô. Ở cương vị này, ngài có trách nhiệm làm phát triển và mở rộng địa lý của dòng.
     Ngài được bổ nhiệm làm Phái viên Tòa thánh (papal emissary) và Sứ giả Hòa bình (peacemaker), một nhiệm vụ khiến ngài phải đi nhiều nước. Cố gắng đạt được hòa bình ở Naples khiến ngài phải đi Lisbon tiếp kiến vua Tây Ban Nha. Tại Lisbon, ngài bị bệnh nặng và qua đời đúng ngày sinh nhật thứ 60 của ngài năm 1619.