Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Thứ Tư Tuần IV Mùa Chay


Lời Chúa: Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý.

“ Chúa nói: Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống; ai tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.”
 Chúa là Đấng từ bi nhân hậu
Chúa nhân ái đối với mọi người
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán
Chúa công minh trong mọi đường lối Người

Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa.



Thánh Phanxicô Paola ẩn tu

Phanxicô chào đời tại Paola miền Calabria ngày 27 tháng 5 năm 1416. Cha mẹ Ngài là những người nghèo khổ nhưng rất đạo đức. Lập gia đình đã lâu mà không có con, họ xin thánh Phaxicô khó khăn cầu bầu. Họ được nhận lời và khi đưa con trẻ tới bờ giếng rửa tội, họ đã đặt tên cho con trẻ là Phanxicô để tỏ lòng biết ơn. Người mẹ thánh thiện đã muốn tự mình nuôi dưỡng đứa trẻ và có thể nói, bà đã cho con hấp thụ nền đạo đức cùng với dòng sữa mẹ. Bởi thế ngay từ thuở ấu thơ, Phanxicô đã yêu thích cầu nguyện và hy sinh là hết lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria. Một ngày trời lạnh, bà mẹ thấy con quỳ lần chuỗi ngoài vườn, bà bảo: - Cầu nguyện lâu như vậy sao con không lấy nón mà đội ? Phanxicô nói mình phải để đầu trần vì : "Việc đó lại không phải để lòng tôn kính Đức Trinh Nữ là Nữ Vương Thiên quốc sao ?" Một trẻ em đạo đức cũng là một gương mẫu vâng phục. Người ta kể lại rằng: ngày kia bà thân mẫu bảo Phanxicô ngừng cầu nguyện để giải trí đôi chút, thánh nhân đã mau mắn trả lời: "Mẹ biết con rất thích nói chuyện và Chúa, nhưng con xin vâng theo lời mẹ dạy".

Lúc 13 tuổi, Phanxicô vào dòng thánh Marcô của các cha dòng Phanxicô, để thực hiện lời khấn của cha mẹ Ngài, khi Ngài bị bệnh sưng mắt. Tại tu viện, Phanxicô dù không có lời khấn, nhưng đã sống đời gương mẫu nghiêm ngặt. Các thày dòng cảm kích vì gương mẫu của thánh nhân đã tìm cách giữ Ngài lại trong dòng. Nhưng hai năm sau, Phanxicô cùng với cha mẹ đi hành hương Roma. Trở về, Ngài biết rõ ý Chúa muốn kêu gọi mình cách khác. Được sự đồng ý của cha mẹ, Ngài lui vào nơi thanh vắng và nhiệt tâm sống đời cầu nguyện hy sinh. Hương thơm nhân đức của vị ẩn sĩ 15 tuổi lan rộng khắp nơi. Đến năm 19 tuổi, vì sự khẩn nài tha thiết Ngài đã nhận một số bạn trẻ. Họ làm ba phòng và một nhà nguyện gần hang đá của Ngài. Hàng ngày một lần đến cử hành thánh lễ và ban các phép bí tích. Đó là nguồn gốc của dòng Anh em rất hèn mọn (Minimes), được tòa thánh phê chuẩn năm 1506. Các tu sĩ của dòng này kiên trì thực hành Đức khiêm tốn và Bác ái. Ngoài ba lời khấn họ còn giữ chay trường. Chắc chắn trong dòng không ai sống đời nhiệm nhặt khắc khổ, khiêm tốn và vui tươi hơn thánh Phanxicô. Đời sống như một hiến tế không ngừng ấy làm đẹp lòng Chúa, khiến thánh nhân được ơn làm nhiều phép lạ. Chúng ta ghi lại một vài phép lạ như sau:

- Một lần kia, thánh nhân muốn đi từ Calabria về Sicilia. Nhưng vì không có tiền trả lộ phí cho mình và cho một người bạn đường, các thủy thủ đã không cho Ngài xuống tàu Thánh nhân liền trải áo xuống nước và cùng với người bạn đường áp con tàu kỳ lạ này về Sicilia.

- Một lần khác công nhân xây cất tu viện của Ngài thiếu nước Ngài làm cho một cái giếng nước chảy ra từ một phiến đá. Giếng này không bao giờ cạn.

- Đặc biệt nhất phải kể đến việc Ngài phục sinh cho đứa cháu của mình. Em Ngài là Birgitta có một đứa con muốn vào tu dòng của cậu. Nhưng với sự quyến luyến tự nhiên của một người mẹ, bà luôn tìm cách ngăn cản. Đứa bé đã chết. Bà tìm đến gặp anh mình để mong được an ủi. Bà nói: - Chính em đã gây ra cái chết này, nếu em đồng ý cho nó đi tu thì nó đã không phải chết. Thánh nhân trả lời em mình: - Nếu nó còn sống thì em có đồng ý không ?

- Dĩ nhiên nhưng bây giờ thì đã quá muộn rồi. Không nói thêm một lời, Phanxicô đến gần đứa trẻ và làm cho nó sống lại. Người mẹ dường như không tin ở mắt mình nữa. Người ta còn nói có tới 60 người được thánh nhân làm cho sống lại như vậy. Đức giáo hoàng Phaolô II muốn biết rõ những lời đồn thổi về thánh nhân. Ngài sai một người đến tìm hiểu những thực. Vị sứ giả đến tu viện mà không báo tin trước. Thấy Phanxicô, Ngài muốn cung kính hôn tay thánh nhân, nhưng vị tu sĩ đã phản đối. 

- Ngài nói: Chính con phải hôn đôi tay đã 33 năm dâng hy lễ mới phải. Vị sứ giả rất đỗi kinh ngạc vì Phanxicô đã không hề biết tới Ngài trước đây. Để sáng tỏ hơn, Ngài đàm luận riêng với thánh nhân và rất thán phục vì những lời đáp đầy khôn ngoan và đức tin của Thánh nhân. trở về trình bày cho Đức Giáo hoàng, vị sứ giả cho biết những lời đồn thổi về công việc và công đức của thánh Phanxicô Paola còn kém xa sự thực rất nhiều.

- Vua Luy XI đau nặng. Ông muốn mời thánh nhân đến Pháp để xin được chữa lành. Thánh nhân còn ngập ngừng, nhưng vâng lệnh Đức giáo hoàng, Ngài liền lên đường không một suy nghĩ đắn đo. Đáp lại nguyện vọng sống lâu của nhà vua Thánh nhân trả lời : - Cuộc sống của vua Chúa cũng có giới hạn như bao người khác. Lệnh của Thiên Chúa không thể xoay đổi được, tốt hơn cả là hãy vâng theo ý Chúa và dọn mình chết lành. Cảm động vì những lời khuyên này, nhà vua đã hối cải và qua đời cách thánh thịên.

- Phanxicô vội trở về Italia. Nhưng vua Charles VIII đã giữ không lại. Cả vua Luy XII sau này cũng vậy. Thánh nhân được coi như vị cố vấn soi sáng lương tâm và trong cả việc nước của hai vị vua nước Pháp ấy. Tại đây Ngài thiết lập nhiều nhà dòng. Khi cảm thấy sắp phải lìa trần, thánh nhân như được tiếp nhận một tin vui. Ngày thứ năm tuần thánh, Ngài tập họp các tu sĩ lại, khuyên họ giữ chay trường và luật dòng. Cầm than nóng trong tay Ngài nói: - Cha đoan quyết với con rằng: đối với người yêu mến Chúa, việc hoàn thành điều mình đã hứa với Chúa không khó hơn việc Cha cầm lửa trong tay này dâu. Sau đó dựa vào một tu sĩ, Ngài dự lễ và rước mình thánh Chúa. Vì được ơn nói tiên tri và làm phép lạ, được mọi người từ vua quan tới dân chúng kính trọng, Ngài cột giây vào cổ và muốn người chết như một tội nhân. Ngày thứ sáu tuần thánh sau khi chỉ định người kế vị, chúc lành cho con cái, Ngài hôn thánh giá và tắt thở. Hôm ấy là ngày 02 tháng 04 năm 1507.


Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay



Lời Chúa: Người ấy liền được khỏi bệnh.

“ Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ.”
 Một dòng sông chảy ra bao nhánh
Đem niềm vui cho thành Chúa Trời
Đây chính là đền thánh Đấng Tối Cao
Thiên Chúa ngự thành không lai chuyển

Ngay từ rạng đông Chúa thương trợ giúp.

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Thứ Hai Tuần VI Mùa Chay



Lời Chúa: Ông cứ về đi, con ông sống.

“ Hãy tìm điều lành chứ đứng tìm điều dữ, rồi anh em sẽ được sống; và Chúa sẽ ở cùng anh chị em.”
 Lạy Chúa xin phù trì nâng đỡ
Xin lắng nghe và xót thương con
Khúc ai ca Chúa đổi thành vũ điệu
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ

Xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu.

Chúa Nhật VI Mùa Chay Năm A



Lời Chúa: Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được.

            `Khi ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “ Anh hãy đến chổ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.
            Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “ Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” Có người nói: “ Chính hắn đó !” Còn anh ta thì quả quyết: “ Chính tôi đây !”
            Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-siêu. Nhưng Ngài Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. Vậy, các người Ph-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “ Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: “ Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được. Vì không giữ ngày sa-bát”; kẻ thì bảo: “ Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “ Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp: “ Người là một vị ngôn sứ !”
            Họ đối lại: “ Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư.” Rồi họ trục xuất anh.

            Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh.Khi gặp lại anh, Người hỏi: “ Anh có tin vào Con Người không ?” Anh đáp: “ Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” Đức Giê-su trả lời: “ Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh Nói: “ Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sắp mình xuống trước mặt Người,

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN

Bài Tin Mừng Chúa Nhật VI Mùa Chay, Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay Giáo hội tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm vui Phục Sinh, nghỉ để nhìn lại những gì ta đã làm trong ba tuần đầu của Mùa Chay, lấy thêm can đảm bước tiếp những chặng đường tới.
Ngài từ trời xuống thế, để cho phàm nhân được thấy Ngài và qua Ngài họ thấy Chúa Cha, chỉ có người mù mới không thể nhìn thấy Chúa. Ngài đã mở mắt người mù, để người mù thấy được Chúa Cha ở nơi Ngài. Ngài giới thiệu : “ Ta là sự sáng thế gian.”  Ngài chữa lành sự mù quáng của con mắt đức tin nơi những người không thấy để mà tin. Ađam được Thiên Chúa sáng tạo với con mắt tinh tường, nhưng sau khi giao tiếp với con rắn xong, ông trở nên mù quáng. Anh mù bẩm sinh vẫn ngồi… mà không xin bất kỳ một loại thuốc nào để chữa mắt mình … anh chỉ hết mù khi anh tin. Chúa Giêsu, Vị thầy thuốc cao cả đã nhìn thấy những đau khổ của người mù ngồi đó, bằng quyền năng Thiên Chúa, Ngài đã làm phép lạ cho người mù được thấy. Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người nay chất liệu ấy được Chúa Giêsu dùng để chữa lành đôi mắt. Ngài đã phục hồi thị giác cho người mù từ khi mới sinh bằng nước miếng nhổ ra trộn vào đất, anh người mù nói : ” Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt. ”  Ngài là quả là Ánh Sáng chiếu sáng thế gian và cho con người được nhìn thấy ánh sáng. Từ ánh sáng đến Đức Tin hay từ Đức Tin đến ánh sáng tỏa sáng trên khuôn mặt của người mù giúp chúng ta hiểu rằng, ngày chúng ta chịu phép rửa tội, ánh sáng của Chúa Kitô cũng chiếu tỏa  trên chúng ta, chữa chúng ta khỏi sự mù quáng tội lỗi, làm cho chúng ta trở thành con cái của ánh sáng. Đó là điều Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : ” Bây giờ anh em là ánh sáng trong Chúa.”  Thế nên, nhờ phép rửa trong Chúa Kitô, trước kia chúng ta là những người ở trong bóng tối, nay trở thành ánh sáng. Kể từ ngày hôm đó chúng ta là con người mới hoàn toàn. Nhờ phép rửa tội, người kitô hữu trở thành ” con của sự sáng ” , hay nói cách khác, trở thành con cái Thiên Chúa. Người con đích thực của Thiên Chúa là Chúa Kitô đã chiếu tỏa rạng ngời ánh sáng Chúa Cha, để bất cứ ai được tái sinh trong Ngài, có thể thông truyền ánh sáng Đức Tin ấy cho người khác bằng chính đời sống chứng nhân của chính chúng ta, tức là sinh ” hoa trái của sự sáng. ” Vì vậy, trong Mùa Chay này, chúng ta hãy để ánh sáng ấy chiếu tỏa trên chúng ta để qua chúng ta mọi người có thể tìm thấy Thiên Chúa là Ánh Sáng đích thực. Chúa Giêsu là ‘Ánh sáng thế gian‘. Trong nghi thức Rửa tội, việc trao nến và thắp sáng từ cây nến Phục Sinh tượng trưng Chúa Kitô Phục sinh, là dấu hiệu giúp chúng ta hiểu rõ những gì xảy ra trong Bí tích này. Khi chúng ta để cho mình được dìm trong mầu nhiệm Chúa Kitô soi sáng, chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm vui được giải thoát khỏi tất cả, những gì đe dọa sự viên mãn của cuộc sống ấy.
Lễ Phục Sinh đã gần kề, chúng ta hãy vui lên và khơi dậy nơi mình hồng ân đã lãnh nhận trong Bí tích Rửa tội, ngọn lửa ấy nhiều khi có nguy cơ bị dập tắt. Chúng ta hãy nuôi dưỡng ngọn lửa đó bằng kinh nguyện và lòng bác ái đối với tha nhân. Xin Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của mỗi người chúng ta dẫn chúng ta đến gặp gỡ Chúa Kitô, là Ánh Sáng sự thật, và là Ðấng Cứu Thế. Amen.



Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Thứ Bảy Tuần III Mùa Chay



Lời Chúa: Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính, còn người Pharisêu thì không.

“ Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.”

Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm
Xin rửa con sạch mọi hết lỗi lầm
Tội lỗi con xin Ngài hãy thanh tẩy
Xin Ngài đừng khinh chê bỏ rơi con.


Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay



Lời Chúa: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất; ngươi phải yêu mến Người.

“ Chúa nói: Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”

Một giọng nói tôi nghe khác lạ
Gánh nặng  vai dân Ta đã cất cho
Tay họ thôi cầm chiếc ki người nô lệ
Lúc ngặt nghèo ngươi đã kêu lên

Ta liền giải thoát.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Thứ Năm Tuần III Mùa Chay



Lời Chúa: Ai không đi với tôi là chống lại tôi.

“ Đức Chúa phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu.”
Hãy đến đến đây ta reo hò mừng Chúa
Tung hô Người là Núi Đá độ trì ta
Vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ
Cùng tung hô theo điệu hát cung đàn
Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục.


Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

Thứ Tư Tuần III Mùa Chay



Lời Chúa:  Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là kẻ lớn.

“ Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
 Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp
Chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en
Chúa không đối xử với dân nào như vậy
Không cho họ biết những điều luật của Người

Giê-ru-sa-lem hỡi nào tôn vinh Chúa.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Thứ Ba Lễ Truyền Tin (Lễ trọng)



Lời Chúa: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.

“ Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người.”



Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật
Lễ toàn thiêu lễ xá tội Chúa không đòi
Con liền thưa này con xin đến !
 Luật Chúa con ấp ủ trong lòng
Lạy Chúa này con đến để thực thi ý Ngài.

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Thứ Hai Tuần III Mùa Chay



Lời Chúa: Như ông Ê-li-a và ông Ê-li-sa, Đức Giê-su không chỉ được sai đến với người Do Thái.

“ Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người; bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.”
 Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa
Tới gặp Thiên Chúa nguồn vui của lòng con
Con gảy đàn dâng câu cảm tạ
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ

Linh hồn con khao khát Chúa Trời.

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm A



Lời Chúa : Mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.
         Khi ấy, Đức Giêsu đến một thành xứ Samari, tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
           Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước. Đức Giêsu nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Samari liền nói : “Ông là người Dothái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Dothái không được giao thiệp với người Samari. Đức Giêsu trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giêsu trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
Người phụ nữ nói với Đức Giêsu : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng.” Đức Giêsu bảo : “Chị nói : Tôi không có chồng là phải, vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” Người phụ nữ nói với Người : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giêsu phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Dothái. Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giêsu nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi : “Thầy cần gì vậy ?” hoặc “Thầy nói gì với chị ấy ?” Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao ?” Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.
Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Rápbi, xin mời Thầy dùng bữa.” Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn đệ mới hỏi nhau : “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?” Đức Giêsu nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái ! Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng ! Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả ; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”

Có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Samari xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giêsu nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
             Hôm nay nhớ đến ngày Chúa đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ. Vậy nếu cuộc vượt qua Biển Ðỏ thường được dùng để nói về Ơn Nước Rửa tội trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, thì câu chuyện Môsê đập đá để có Nước chảy ra cho Dân uống, cũng thích hợp để đưa tâm trí chúng ta nghĩ tới Ðức Giê-su Kitô là Môsê mới sẽ ban Nước cứu sống và cứu độ cho những ai đến gần Người. Ðề tài này, bài Tin Mừng hôm nay trình bày rất lợi khẩu trong câu chuyện Ðức Kitô với người phụ nữ xứ Samari.
           Ðức Giê-su hôm ấy đi đường mệt. Vào lúc trưa Người đến ngồi nghỉ bên bờ giếng Gia-cóp trong khi các môn đệ đi mua đồ ăn. Một phụ nữ Samari đến giếng nước. Người nói với bà ta: "Cho tôi uống với". Một câu nói bất ngờ lọt tới tai người phụ nữ, nhưng lại là một tia nước vọt ra từ lòng Ðức Giê-su để chảy thành suối lênh láng, sẽ làm tươi mát tâm hồn rất nhiều người vào buổi trưa, tức là vào lúc đang khát khao ơn cứu độ. Quả thật, từ câu nói trên, dần dần Ðức Kitô đưa người thiếu phụ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ chỗ đầu tiên chỉ thấy người nói với mình là một người đi đường, một người Do Thái kỳ lạ dám tiếp xúc và xin nước một người đàn bà Samari vốn thù địch với người Do Thái, đến chỗ phỏng chừng Người là Vị vượt lên trên cả sự mâu thuẫn giữa Do Thái và Samari, tức là vào bậc tổ phụ của cả hai dân tộc ấy,  rồi hơn nữa có lẽ Người là một tiên tri và cuối cùng là Ðấng Thiên Sai đến dạy dỗ loài người mọi sự. Mà tất cả những khám phá phong phú ấy, người phụ nữ kia đã dần dần làm được nhờ lời xin một ngụm nước và nhờ câu chuyện cứ tiếp diễn về đề tài Nước. Không phải nước uống thường, có giá trị như vậy đâu! Người phụ nữ thoạt nghe tưởng người lữ hành kia nói đến nước giếng mà mình sắp múc để cho ông uống, như Đức Giê-su muốn nói đến Nước ban sự sống mà chính Người đang có. Nước ấy sẽ nên mạch suối trong người uống có nước vọt đến sự sống đời đời, chứ không như nước tù trong giếng nước, uống vào chỉ khỏi khát trong chốc lát.
    Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường thiển cận, nông cạn khi nhìn sự việc, khi xét đoán con người. Chính vì thế chúng con rất thường bị sai lầm, và gây đau khổ, làm mất danh dự của anh chị em chúng con. Xin Chúa dạy chúng con bài học thận trọng, khôn ngoan. Nhưng tốt hơn hết, chúng con đừng xét đoán ai, vì xét đoán là quyền của Thiên Chúa. Amen.



Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay



Lời Chúa: Em con đây đã chết mà nay sống lại

“ Tôi sẽ trổi dậy, trở về với Cha tôi và thưa với Người: “ Thưa Cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha.”
 Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi
Thương chữa lành các bệnh tật ngươi
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt
Bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.




Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay



Lời Chúa: Đứa thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi.

“ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời.”
 Hãy nhớ lại những kỳ công Chúa thực hiện
Chúa cho nạn đói hoành hành khắp xứ
Làm cạn nguồn lương thực nuôi dân
Chúa đã phái một người đi trước họ

Là Giuse kẻ bị bán làm tôi.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Thứ Năm Tuần II Mùa Chay



Lời Chúa: Con đã nhận phần phước của con rồi; còn Lararô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Lararô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

“ Hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả.”
 Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước
Cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh
Cành lá chẳng khi nào tàn tạ
Người như thế làm chi cũng sẽ thành
Bọn ác nhân đâu được như vậy

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Thứ Tư Ngày 19/03 Mừng Kính Thánh Giuse



Lời Chúa: Ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy.

“ Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện, họ luôn luôn được hát mừng Ngài.”

Tình thương Chúa đời đời con ca tụng
Miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài
Là Thiên Chúa con thờ
Là núi đá cho con được cứu độ
 Ngài chính là thân phụ con.

 Lời Kinh Tuyệt Diệu

     Lạy Thánh Giuse đầy phúc đức, là gương mẫu của các linh hồn thanh khiết thích sống đời nội tâm, những linh hồn chỉ tìm kiếm và sống cho một mình Thiên Chúa, những linh hồn chỉ làm mà khong nói, hoàn toàn dâng hiến cho chương trình tình yêu của Thiên Chúa và sứ mệnh cứu rỗi các linh hồn.
     Con xin phó thác cho Cha Thánh quí yêu chính mình con và mọi sự thuộc về con, mọi việc con làm, mọi biến cố xảy đến cho con, mọi người liên hệ xa gần với con.
     Xin Cha Thánh giúp con sống tận hiến cho Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của con, hầu nhờ Mẹ con được lòng thương xót Chúa đoái nhìn.
     Lạy Mẹ chí ái, trước toàn thể triều thần thiên quốc, cùng với Chúa Giê-su thơ bé và cậy nhờ Cha Thánh Giuse, con xin chọn Mẹ làm Mẹ và bà chủ của con.
     Với tư cách là nô lệ tình yêu, con xin trao phó và hiến dâng cho Mẹ thân xác và linh hồn con, cũng như các của cải trong ngoài con, cả giá trị các việc lành đã qua, hiện tại và tương lai của con, để Mẹ trọn quyền định đoạt về con và về tất cả những gì thuộc về con, những người thuộc về con, chẳng trừ điều nào, người nào, hầu làm sáng danh Chúa ở đời này và đời sau vô cùng. (Chúa Thánh Thần soi cho Thánh Louis Marie Grignion de Montfort)
     Xin Chúa Giê-su thơ bé, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse giúp con, nâng đỡ an ủi con, hướng dẫn dắt dìu con vì con yếu đuối bất lực trong mọi sự. Xin Giê-su – Maria – Giuse hãy sống và hành động trong con luôn mãi.  Amen
Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Thứ BaTuần II Mùa Chay



Lời Chúa: Họ nói mà không làm.

“ Đức Chúa phán: Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.”

Thánh chỉ của Ta ngươi thường nhắc nhở
Mở miệng ra là chữ Thánh nói trên môi
Nhưng chính ngươi ghét điều sửa dạy
Lời Ta truyền đem vất bỏ sau lưng
Ai sống đời hoàn hảo Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời



Ngày 18-03: Thánh Cyrillô Giêrusalem, tiến sĩ Hội Thánh (315 - 387)

Cyrillô nhiệt thành học Kinh Thánh tại Giêrusalem. Khoảng 30 tuổi, Ngài được thụ phong linh mục và sau nhiều thăng trầm Ngài trở thành Giám mục Giêrusalem.
Một phép lạ ghi dấu khởi đầu đời giám mục của Ngài. Chính Ngài đã kể lại phép lạ ấy trong một lá thư gửi cho các vua Constansce. Ngày 7 tháng 5 năm 351, vào buổi sáng, trên nền trời thành phố hiện ra một cây Thánh giá sáng chói. Thánh giá trải dài từ đỉnh Canvê tới cây dầu. Cảm kích tột độ, đàn ông đàn bà và trẻ em bỏ nhà chạy đến nhà thờ, lớn tiếng ca ngợi Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Các khách hành hương đến viếng đất thánh loan đi khắp nơi.

Nhiều lương dân và người Do Thái trở lại, Cyrillô viết thư cho hoàng đế Constance biết hiện tượng lạ thường này như lời kêu gọi nhà vua trở về với đức tin Công giáo.
Mục đích đầu tiên của Cyrillô là nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất giữa các tâm hồn vì không có sự phân rẽ nào có thể tổn tại được trong lòng Giáo Hội, lòng bác ái của Ngài bao trùm hết những người đau khổ, đến nỗi Ngài bị trách cứ là đã bán đồ thánh và nhất là những đồ trang hoàng đại đế Contastinô đã hiến dâng cho nhà thờ. Các giáo huấn của Ngài còn giữ lại được, đã chúng tỏ rằng: trong những thế kỷ đầu, người ta đã tôn kính dấu Thánh giá thế nào, Ngài khuyên:
  - “Hãy in dấu Thánh giá Chúa Giêsu Kitô trên trán các con. Thấy dấu này quỉ ma sẽ chạy trốn. Hãy làm dấu thánh giá khi ăn uống, khi thức dậy cũng như khi ngủ. Hãy làm dấu Thánh giá trong mọi hành động”.

Là mục tử gương mẫu, thánh Cyrillô kiên quyết bảo vệ chân lý đức tin chống lại những kẻ lạc giáo. Ba lần Ngài bị đày khỏi Giêrusalem và ba lần Ngài được tái lập tại tòa giám mục. Dưới thời Julianô bội giáo, khi trở lại địa phận, Ngài sẽ là chứng nhân của một sự lạ nữa không thể quên được.
Nhà vua muốn đưa ra một sự phủ nhận đối với lời tuyên bố của Chúa Giêsu về việc tàn phá đền thờ Giêrusalem, Chúa Giêsu đã loan báo rằng: đền thờ sẽ bị phá huỷ và không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Nhà vua muốn phủ nhận lời tiên báo, định xây lại nhà thờ tái lập lại việc thờ phượng của Do thái giáo. Các công nhân đổ về Giêrusalem. Để tái thiết đền thờ người ta đã dâng hiến mọi của cải cần thiết. Dân Do thái khắp nơi tụ tập lại. Hãnh diện vì sự bao bọc của nhà vua, họ khinh miệt và đe dọa các Kitô hữu. Đức giám mục bị tấn công cả từ phía các lương dân lẫn các tín hữu quá yếu kém lòng tin. Giữa những nhục mạ của một số người và nước mắt của một số người khác, Ngài quả quyết rằng sự thách thức bất lương sẽ đổi thành cơn bấn loạn cho lương dân và cho người Do Thái. Trong khi đó, đêm ngày triệt hạ cái nền móng cũ một cách vô tình, người Do Thái đã nỗ lực hoàn thành lời tiên báo không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Khi họ bắt đầu thực hiện việc xây cất thì có những cơn giông thổi lửa xuống đất, thiêu đốt các công nhân, làm cho họ không ai tới nơi để thực hiện công trình được. Julianô đã nghĩ tới truyện trả thù Cyrillô vì sự thất bại khủng khiếp của ông. Nhưng cái chết đã ngăn cản không cho ông thực hiện ý định.

Đang khi lo lắng cho địa phận mình, Cyrillô lại nhận được sắc lệnh lưu đày mới thời Valens. Ngài bị lưu đày mười một năm và đã trở lại vĩnh viễn tại Giêrusalem dưới thời vua Gratianô. Ngài đã tham dự công đồng Constantinople. Các Giám mục họp lại, viết thư cho Đức Giáo Hoàng để ca tụng đức tin và thái độ anh hùng của Cyrillô. Đây là chứng tích cuối cùng về con người vĩ đại đã bảo vệ đức tin Kitô giáo này. 


Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Thứ HaiTuần II Mùa Chay



Lời Chúa: Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.

“ Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời.”

Tội tiền nhân xin Chúa đừng nhớ mãi
Mà trừng phạt tội vạ chúng con
Xin Chúa dũ lòng thương mau cứu giúp
Vì chúng con đã đau khổ quá nhiều
Lạy Chúa Trời Đấng cứu độ chúng con.



Thánh Patriciô, Giám Mục (385-461)

Là anh hùng dân tộc và thánh bảo trợ của Ai Nhĩ Lan, Patriciô chào đời tại Bretagne. Trang trại của cha Ngài, phó tế Calpurniô, ở gần biển. Patriciô được 16 tuổi khi bọn hải khấu Ai Nhỉ Lan đến cướp phá bắt người. Thảm họa thường xẩy ra thời man rợ này. Patriciô bị bán sang Ai Nhĩ Lan. Ngài chăn súc vật trên núi và đã nếm mùi cực của đời làm tôi mọi. Ngài đau khổ nhiều.
Nhưng thời kỳ gian lao phải làm nô lệ này lại là thời kỳ phong phú nhất đối với đời Ngài. Suốt những tháng ngày dài đơn độc, Ngài nghĩ tới Thiên Chúa. Những lời dạy dỗ của cha mẹ mà trứơc kia Ngài chẳng chú ý gì tới, bây giờ lại trở thành động lực sống. Như thế Patriciô tự thánh hóa, hiến mình cho ơn thánh Chúa, quen thuộc với địa sở, với thổ dân và ngôn ngữ của họ, chuẩn bị cho sứ mệnh lớn lao của Ngài sau này.
Sáu năm trôi qua, tới ngày đào thoát. Ngài tới một hải cảng, nơi có một con tàu sắp sửa giương buồm nhổ neo. Nhưng Ngài không có tiền trả lộ phí các thương gia không cho Ngài đáp tàu. Buồn rầu, Patriciô trở về. Bỗng chủ tàu gọi lại và cho Ngài lên tàu. Sau ba ngày vuợt biển, họ tới một miền hoang vu ở Econe. Các thủy thủ lang thang kiếm ăn. Sự lo âu làm họ muốn nghẹt thở. Patriciô nói với bạn hữu về quyền năng siêu việt của Thiên Chúa mà Ngài thờ lạy.
Các lương dân xin Ngài khẩn cầu cho họ. Họ nói với Ngài: - Mày là Kitô hữu mà chẳng làm gì được cho chúng tao cả. Mày không cứu nổi chúng tao khỏi cơn đói này được sao ?
Patriciô trả lời : - Cứ tin tưởng và thật tình quay về với Chúa, đối với Ngài không có gì là không thể được, để ngay hôm nay đây, Ngài sẽ gửi đồ ăn tới cho các bạn.
Và chẳng mấy chốc, họ gặp một bầy heo, khiến cho họ có thể sống cho đến khi tìm tới được miền có dân cư.
Nhiều năm trôi qua sau những biến cố thăng trầm và cả một thời gian làm nô lệ, Patriciô được trở về và gặp lại cha mẹ. Dường như sau bao nhiêu gian khổ, Ngài nói về vui hưởng an bình và tình thương. Nhưng các thị kiến ám ảnh Ngài luôn: các trẻ em giơ tay kêu mời Ngài, xin Ngài rửa tội cho chúng.
Tận thẳm sâu tâm hồn Ngài biết rằng mình phải trở lại đảo lưu đày của mình và lần này là để trở thành nô lệ của các tâm hồn. Lúc khởi sự chương trình, Ngài gặp phải những dèm pha, chống đối tư tưởng như thời gian và sức lực Ngài đã uổng phí nơi đám lương dân này. Nhưng Patriciô, người chiến sĩ của Chúa Kitô không nản chí, không dừng bước. Ngài bắt đầu học đạo ở Gaule, tại cung điện thời danh Iles de Lérins. Trở về, Ngài dành một thời gian lâu dài tại Anxèrre để hoàn tất việc học hỏi nơi các giám mục Amator và Germain. Trong khi chuẩn bị công cuộc truyền giáo lớn lao sắp tới Ngài được tấn phong giám mục. Đó là việc thành lập tòa giám mục Armagh.
Năm 432, Patriciô đi bước quyết định. Ngài sắp lôi kéo các tâm hồn dân Ai Nhĩ Lan ra khỏi việc sùng bái của các tăng ni (thời cổ xưa) để tỏ cho họ thấy một quyền năng thiêng liêng cao cả hơn. Ngài biết rằng để hiến tế chính con người, dân Ai Nhĩ Lan chọn những người ngoại quốc. Nhưng Ngài đương đầu với mọi nguy hiểm đe dọa đến mạng sống. Ngay tại trung tâm thờ ngẫu tượng mà các tăng ni cư ngụ, Patriciô ra mắt các thủ lãnh và các chiến binh.
Bất kể những chống đối dữ dội, Ngài sắp dẫn các lãnh tụ đến chỗ xin được rửa tội. Luôn luôn Ngài nhằm cải hoá các thủ lãnh bộ tộc, để rồi họ sẽ dắt dân chúng theo Ngài từ chối quà cáp các vua này muốn trao tặng Ngài. Tại miền Almonaid. Các đạo sĩ nổi dậy. Patriciô giơ tay trái lên trời chúc dữ thủ lãnh Rechrad khiến hắn chết tốt. Khi dựng lên nhà thờ ở bìa rừng gần biển, rất nhiều người đã trở lại. Trong một chuyến đi tới Connaught, chính một tăng lữ đã đón nhận thánh nhân và giúp Ngài thiết lập một tu viện và một nhà thờ.
Lịch sử kể lại cuộc hoán cải của các con gái vua Loeghair tại giếng Grogan và diễn từ Ngài đã nói với họ:
- "Thiên Chúa chúng ta cổ xúy tất cả, làm sống động tất cả, trỗi vượt tất cả, đỡ nâng tất cả, Ngài có một người con vĩnh cửu như Ngài, giống như Ngài. Thánh linh hiển hiện giữa các Ngài, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không hề tách rời nhau. Tôi, tôi muốn dâng các cô cho vua trên trời. Các cô là những con cái trần thế, các cô có tin không ?
Tiếp sau câu hỏi của thánh nhân, là những câu đáp:- Các cô có tin rằng sau khi chịu phép rửa tội, tội nguyên tổ liền bị xua trừ không ?- Chúng tôi tin.- Các cô có tin vào cuộc sống mới sau khi chết không ?- Chúng tôi tin.
Thế là Patriciô rửa tội cho họ và các Kitô hữu xin được xem thấy mặt Chúa Kitô. Patriciô nói: - Nếu không chết, nếu không rước mình thánh, các cô không thấy được mặt Chúa Kitô.
Và rồi khi đã rước lễ. Các cô gái của nhà vua lịm đi như chết, gần giếng Crôgan còn nấm mồ của họ.
Không ngơi nghỉ, Patriciô rảo khắp trên hòn đảo và thích ứng các phong tục ngẫu thần với Kitô giáo. Ngài để cho lương dân tổ chức lễ thắp lửa ngày 21 tháng sáu kính mùa hè, nhưng là để kính thánh Gioan Tẩy giả. Ơ Bretagne vẫn còn giữ được lửa thánh Gioan tẩy giả của Ngài. Do bình cánh chuồn đầy dẫy ở đồng quê, vị tông dồ cho dân chúng thấy hình ảnh Chúa Ba Ngôi. Như thế mọi sự đều có thể là bài học cho việc giảng dạy.
Trên một ngọn đồi, Patriciô lập một ngôi nhà gỗ cho các tu sĩ. Nơi này đã trở thành một trung tâm vĩ đại, nguồn gốc của thành phố Armagh. Ngài truyền chức cho các linh mục, đặt họ ở các thành phố. Còn chính Ngài, Ngài sống đời cầu nguyện mãnh liệt và kiên trì. Chúng ta khó tưởng tượng nổi, Cuốn Confession của Ngài cho thấy đức tin, lòng nhân hậu và hạnh phúc của Ngài như một cuộc tử đạo.
Thánh Patriciô đã làm cho cả hòn đảo theo Kitô giáo. Khi cải hóa dân Ai Nhĩ Lan, Ngài còn là Đấng khai sáng văn minh. Đưa dân man rợ vào nghệ thuật và khoa học. Các tu viện Ngài để lại phát triển khác thường lôi kéo các sinh viên tới trong nhiều thế kỷ. Ai Nhĩ Lan được cải hóa đã thành đảo của các nhà trí thức, các thánh nhân, nhờ dấu vết thánh thiện của thánh Patriciô.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Chúa Nhật II Mùa Chay Năm A



Lời Chúa: Dung nhan Đức Giê-su chói lọi như mặt trời.
   Hôm ấy, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biếng đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bổng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “ Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái liều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “ Trỗi dậy đi, đừng sợ !” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

     Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “ Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trổi dậy.”


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
     Trong bài Tin Mừng hôm nay muốn khuyến khích chúng ta trên con đường Mùa Chay. Chúng ta được đưa lên Núi Thánh để chiêm ngưỡng vinh quang và tham dự vào sự sống của Chúa, để khi xuống núi theo gương các Tông đồ chúng ta nghe và giữ Lời Chúa mà xây dựng Hội Thánh ngày càng tốt đẹp.
     Cuộc biến hình trên núi Thánh là hình ảnh sống động, ấn tượng đã để lại trong lòng mọi người  Ki-tô hữu những suy nghĩ, những cảm nghiệm sâu xa về sự vinh quang của Chúa Giêsu sau khi Ngài phải trải qua những cực hình thể xác, những đau khổ tinh thần. Bởi vì, hầu như mọi người đã bỏ rơi Ngài. Chúa Giêsu đã cho ba môn đệ thân tín nhất là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gioan được thấy vinh quang của Ngài, và đặc biệt được nghe lời Thiên Chúa Cha từ trời phán: “ Đây là Con yêu dấu của Ta.”  Đồng thời với sự minh chứng của các nhân vật Cựu Ước như Ông Mô-sê và Ông Ê-li-a để các môn đệ an tâm dấn bước theo Chúa, nghe lời Chúa dạy và sẵn sàng gánh vác công việc của Chúa sau này
     Hôm nay trên Núi Thánh, các môn đệ được chiêm ngắm vinh quang sáng ngời của Chúa. Trong vườn Cây Dầu, các môn đệ sẽ chứng kiến những giây phút đau buồn, thảm thương của Thầy trước khi bị bắt, bị kết án và bị đóng đinh trên Thập giá. Xin cho chúng con luôn tin vào lời Chúa, lắng nghe Chúa nói và thực thi những điều Chúa dạy bảo, hầu chúng con làm hài lòng  Chúa Cha, làm vui lòng anh chị em và làm đẹp lòng Chúa. Xin Chúa chúc lành cho chúng con, để chúng con thực hiện đời sống nhân chứng trước mặt mọi người. Amen.