Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay Lc 6,36-38



Lời Chúa: Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời.
Lạy Chúa Trời, Đấng cứu độ chúng con,
Xin Ngài thương phù trợ, để danh Ngài rạng rỡ.
Xin giải thoát chúng con, và thứ tha tội lỗi,

Vì danh dự của Ngài.


Ngày 02/03 – Thánh Anê Bôhêmia (1205-1282)
Anê không có con riêng nhưng nhưng đã tạo sự sống cho những người biết bà. Anê là con gái của nữ hoàng Constance và hoàng đế Ottokar I ở Bôhêmia. Lúc 3 tuổi, Anê đính hôn với công tước vùng Silesia, 3 năm sau thì công tước này chết. Khi lớn lên, Anê muốn đi tu.
Sau khi những cuộc hôn nhân bất thành với vua Henry VII của Đức và vua Henry III của Anh, Anê lại được vua Frederick II của đế quốc Rôma cầu hôn. Bà đệ đơn lên ĐGH Grêgôriô IX xin giúp đỡ. ĐGH bị thuyết phục. Frederick hào hiệp nói rằng không thể xúc phạm nếu Anê đã yêu mến Thiên Vương hơn ông.
Sau khi xây bệnh viện cho người nghèo và nhà dòng cho các tu sĩ, bà tài trợ xây dựng Tu viện Thánh Clara Người nghèo (Poor Clare monastery) ở Prague. Năm 1236, bà và 7 phụ nữ quý tộc khác gia nhập dòng này. Thánh Clara gởi 5 chị em từ San Damiano đến tu với họ, và viết cho Anê 4 lá thư khuyên bà về vẻ đẹp của ơn thiên triệu và trao trọng trách nữ viện trưởng.
Anê nổi tiếng về cầu nguyện, vâng lời và hành xác. ĐGH buộc bà phải chấp nhận làm nữ viện trưởng. Do đó, danh hiệu bà thích là “chị lớn” (senior sister). Chức vụ không ngăn cản bà làm bếp cho các chị em khác và sửa quần áo cho người phong cùi. Các nữ tu thấy bà nhân hậu nhưng rất nghiêm túc việc chăm sóc người nghèo. Bà từ chối đề nghị của anh bà là muốn lập quỹ cho tu viện. Ngài qua đời ngày 06/03/1282, sau đó nhiều người sùng kính ngài. Ngài được phong thánh năm 1989.

33 Câu Hỏi Giáo Lý Mùa Chay 2015



Mùa Chay là mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kitô. Mùa Chay kéo dài 40
 ngày, bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc trước Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh.

1/- Mùa Chay là gì ? Mùa Chay kéo dài bao nhiêu ngày, bắt đầu và kết thúc vào ngày nào ?
Mùa Chay là mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kitô. Mùa Chay kéo dài 40 ngày, bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc trước Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh.

2/- Kinh Thánh cho ta biết con số 40 ám chỉ những biến cố lớn nào ?
Con số 40 ( ám chỉ ) gợi nhớ 40 năm dân Do Thái Vượt Qua trong sa mạc tiến về Đất Hứa (Ds 14, 33; 32, 13), lụt Hồng Thủy kéo dài 40 đêm ngày (St 7) và cuộc chay tịnh 40 đêm ngày của Chúa Kitô trong rừng vắng trước khi rao giảng ơn cứu độ (Mt 4, 2; Lc 4, 1 – 2).Các Giáo Phụ cũng coi thời gian giữ chay tương tự thời gian bốn mươi ngày ông Môsê ở trên núi Xinai (Xh 34, 28), hoặc 40 ngày ông Êlia chạy trốn ở núi Khorép (1V 19, )…

3/- Mùa Chay có mấy đặc tính ?
Mùa Chay là mùa sám hối đặc biệt để chuẩn bị mừng Lễ Vượt Qua của Đức Kitô, và nhất là nhớ lại hoặc dọn mình lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy.
Mùa Chay còn là mùa chuẩn bị các tín hữu cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua bằng sự nhiệt thành nghe Lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện mỗi ngày.

4/- Mùa Chay mang ý nghĩa gì ?
Mùa Chay là thời kỳ sám hối, cầu nguyện: Hội Thánh kêu gọi mọi người quay về với Chúa, thanh tẩy tâm hồn, từ bỏ các tật xấu, hy sinh hãm mình và làm việc bác ái.
Mùa Chay cũng là thời gian huấn luyện Đức Tin của các Kitô hữu cho thêm vững mạnh, và sâu xa hơn khi nhớ lại Bí Tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận.
Mùa Chay còn là mùa chuẩn bị cho anh chị em Dự Tòng đón nhận sự sống thiêng liêng nhờ việc sống tinh thần của Bí Tích Thánh Tẩy.

5/- Chủ đề Sứ Điệp Mùa Chay năm 2014 của Đức Thánh Cha là gì ?
Chủ đề của Sứ điệp trích từ thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô: “Người đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Người” (x. 2 Cr 8,9).

6/- Vì sao ĐTC chọn chủ đề này?

Vì đây là chủ đề yêu thích của Đức Thánh Cha Phanxicô; ngay từ khi khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng, ngàiđã luôn nhấn mạnh đến chiều kích này của đời sống Kitô hữu. 


7/- Bốn phương thế Hội Thánh quen dùng trong Mùa Chay là gì ?
Bốn phương thế Hội Thánh quen dùng trong Mùa Chay là: sám hối, ăn chay hãm mình, cầu nguyện và làm các việc bác ái.

8/- Sám hối là gì ?
Sám hối là can đảm và khiêm tốn nhìn nhận những lỗi lầm mình đã phạm.

9/- Việc chay tịnh giúp con người ra sao ?
Qua việc chay tịnh, con người nhìn nhận mình lệ thuộc Thiên Chúa, vì chính lúc không sử dụng lương thực Chúa ban, con người mới cảm nghiệm được tính cách bấp bênh của sức lực mình. Hơn nữa, ăn chay là muốn bày tỏ cùng Thiên Chúa rằng: Nếu không có Người, chúng ta không thể làm gì được; và qua việc thực lòng nhìn nhận tính cách hư vô của mình, con người khẩn cầu Chúa tha thứ.

10/- Theo luật HT, đến tuổi nào thì buộc phải giữ chay và kiêng thịt ?
Theo luật Hội Thánh, mọi người từ tuổi thành niên (tức là 18 tuổi trọn; GL 97) cho đến khi bắt đầu 60 tuổi thì buộc phải giữ chay (GL 125 ). Còn luật kiêng thịt buộc những người từ 14 tuổi trọn trở lên.

11/- Giáo Hội buộc ta phải giữ chay và kiêng thịt vào những ngày nào ?
Giáo Hội buộc ta phải giữ chay và kiêng thịt vào hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (x. GL 125). Việc chay tịnh của Hội Thánh vào hai ngày này nói lên ý muốn đền tội và từ bỏ tội lỗi và đó cũng là một sự chuẩn bị để mừng lễ Phục Sinh.

12/- Phụng Vụ ngày thứ Tư Lễ Tro gợi lên cho tín hữu những gì ?
Phụng Vụ ngày Thứ Tư Lễ Tro gợi lên cho tín hữu ý thức về thân phận thụ tạo tội lỗi của mình. Khi nhận tro rắc lên đầu, tín hữu được nhắc nhớ: “hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về bụi tro”.

13/- Tại sao CN thứ VI Mùa Chay được gọi là Chúa Nhật Lễ Lá ?
Chúa Nhật bắt đầu Tuần Thánh gọi là Chúa Nhật Lễ Lá, vì có cuộc kiệu lá để kỷ niệm việc Chúa Giêsu long trọng tiến vào thành Thánh Giêrusalem để hoàn tất Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Tục lệ này khởi đầu tại Giêrusalem vào cuối thế kỷ thứ IV.

14/- Nghi thức làm phép lá và rước lá nhắc nhở chúng ta điều gì ?
Nghi thức làm phép lá và rước lá nêu cao vương quyền của Đức Kitô, đồng thời để giúp chúng ta sống lại cảnh tượng Chúa Kitô khải hoàn tiến vào Giêrusalem. Người muốn tỏ uy quyền và vinh quang của Người để chúng ta bền vững, tin tưởng và trung thành với Người.


15/- Tuần Thánh là gì ?
Tuần Thánh là tuần lễ chủ yếu của Năm Phụng Vụ, bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá đến Chúa Nhật Phục Sinh.

16/- Trong tuần Thánh, GH cử hành những cuộc tưởng niệm nào ?
Trong Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành cách đặc biệt hơn các biến cố trong những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu, tức là cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Người. Trong tuần lễ này, Tam Nhật Vượt Qua là những ngày quan trọng nhất.

17/- Hằng năm, người Do Thái mừng lễ Vượt Qua để làm gì ?
Hằng năm người Do Thái mừng lễ Vượt Qua để tưởng nhớ lại biến cố Vượt Qua Biển Đỏ mà ngợi khen, cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, và nhắc nhở họ phải.

18/- Hội  Thánh cử hành Tam Nhật Vượt Qua với mục đích nào ?
Hội Thánh cử hành Tam Nhật Vượt Qua để cho ta thấy trước và sống trước những thực tại của ngày cánh chung, ngày mà Chúa Kitô sẽ tập hợp tất cả chúng ta lại trong Nước của Cha Người. Mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu đã khơi mào và bảo đảm cho ta được hưởng ngày hồng phúc ấy.
Hơn nữa, Hội Thánh dùng Tam Nhật Vượt Qua để đón nhận những con cái mới được sinh ra trong ân sủng, để giao hòa những hối nhân và canh tân đời sống những người đã được thanh tẩy.

19/- Tam Nhật Vượt Qua có ý nghĩa gì đối với Kitô hữu ?
Tham dự Tam Nhật Vượt Qua, tín hữu được sống với Đức Kitô trong bữa Tiệc Ly, theo Người lên Núi Sọ, bước vào chốn an nghỉ của Người và chiêm ngắm Người Phục Sinh vinh hiển.

20/- Tại sao Tam Nhật Vượt Qua lại là trung tâm điểm của Phụng Vụ Kitô giáo ?
Tam Nhật Vượt Qua là trung tâm điểm của Phụng Vụ Kitô giáo, bởi vì tất cả nền Phụng Vụ của Hội Thánh đều phát xuất từ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô: khổ nạn, chịu chết và phục sinh. Chúa Phục Sinh là ngày lễ Mẹ của mọi Chúa Nhật trong năm; Thánh Lễ nào cũng đều tưởng niệm và tái diễn công cuộc Vượt Qua của Đức Kitô.


21/- Trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, Hội Thánh cử hành những nghi thức long trọng nào ?
Thánh Lễ Truyền Dầu được cử hành vào ban sáng do Đức Giám Mục Giáo Phận chủ tế cùng với Linh Mục đoàn để làm phép dầu Bệnh Nhân, dầu Dự Tòng và để thánh hiến Dầu Thánh.Thánh Lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu được cử hành ban chiều để nhắc nhớ việc Chúa Giêsu thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Thánh Lễ này khai mạc Tam Nhật Vượt Qua.

22/- Phụng Vụ chiều thứ Năm Tuần Thánh, Hội Thánh tưởng niệm những biến cố gì liên quan đến Chúa Giêsu ?
Trước hết là tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu, việc Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể và chức Linh Mục (x. Mt 26, 26-29), cũng như nghi thức rửa chân, biểu tượng tình yêu phục vụ của Đức Kitô (x.Ga 13,1 -20).

23/- Khi cử hành nghi thức rửa chân, Hội Thánh muốn nhắc chúng ta điều gì ?
Chính vì yêu thương mà Chúa Giêsu đã hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, như đầy tớ rửa chân cho chủ. Qua nghi thức này, Hội Thánh muốn nhắc nhở chúng ta phải noi gương Đức Kitô trong tinh thần phục vụ: “Phục vụ vì yêu thương”.

24/- Kinh Thánh cho ta biết tâm trạng của Chúa Giêsu trong vườn Ghếtxêmani thế nào ?
Trong vườn Ghếtsêmani, Chúa Giêsu cảm thấy sợ sệt, buồn rầu và xao xuyến. Người đã xin Chúa Cha cho khỏi qua giờ đau khổ, khỏi phải uống chén này. Tuy nhiên, dầu sợ hãi, Người cũng sẵn sàng chết, nếu đó là Thánh ý Chúa Cha: “nhưng xin đừng theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (x. Mt 26, 39; Mc 14, 35 – 36; Lc 22, 42 – 44).

25/- Chén mà Chúa Giêsu xin Chúa Cha cho Ngài khỏi uống ám chỉ điều gì ?
Chén ở đây ám chỉ những thử thách và những đau khổ mà Đức Giêsu sắp phải chịu. Đó chính là cuộc thương khó của Ngài.

26/- Trọng tâm của việc cử hành chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh là gì ? Tại sao ?
Trọng tâm của việc cử hành chiều thứ Sáu Tuần Thánh là nghi thức suy tôn và kính thờ Thánh Giá, vì nhờ Thánh Giá mà ơn cứu độ được ban cho chúng ta.

27/- Trên Thập Giá, Đức Giêsu đã nói những lời nào ?
Lời thứ nhất: Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha xin Người tha cho những kẻ làm khổ mình: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34);
Lời thứ hai:Đức Giêsu chấp nhận lời xin của tên trộm bị đóng đanh cùng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng” (Lc, 23, 43);
Lời thứ ba: Đức Giêsu trao gửi Thánh Gioan cho Đức Mẹ: “Thưa Bà, đây là Con Bà” (Ga 19, 26);
Lời thứ tư:Đức Giêsu trao gửi Đức Mẹ cho Thánh Gioan: “Đây là Mẹ của anh” (Ga 19, 27);
Lời thứ năm: Đức Giêsu than thở với Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con !” (Mt 27, 46);
Lời thứ sáu:Đức Giêsu phó thác linh hồn cho Chúa Cha: “Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn Con trong tay Cha” (Lc 23, 46);
Lời thứ bảy: Đức Giêsu kêu khát và sau khi uống chút giấm chua, Đức Giêsu nói: “Thế là mọi sự đã hoàn tất”. Rồi Người tắt thở. (Ga 19, 30).


28/- Khi chết trên Thập Giá, Đức Kitô muốn nói với chúng ta điều gì ?
Đức Kitô muốn nói rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15, 13).

29/- Tại sao gọi tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu cứu chuộc ?
Chúng ta gọi tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu cứu chuộc vì qua hy lễ của Đức Kitô, tình yêu Thiên Chúa giải thoát loài người khỏi ách nô lệ tội lỗi và sự chết. (Rm 5, 8).

30/- Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, chúng ta phải có những thái độ nào ?
Suy tôn:vì Chúa đã chiến thắng sự chết;
Kính phục:vì Chúa đã hy sinh chịu chết;
Cảm mến:vì Chúa đã dùng cái chết để tỏ lòng yêu thương ta;
Tri ân:vì Chúa đã chịu chết để chuộc tội cho ta;
Ngưỡng mộ: vì Chúa muốn chúng ta noi theo Người: “Ai muốn theo Ta, thì hãy bỏ mình và vác thập giá mình mà theo”.
Vì thế, chúng ta hãy giục lòng ăn năn tội và quyết tâm sống mỗi ngày một đẹp lòng Chúa Giêsu hơn.

31/- Ngày thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh muốn chúng ta làm gì ?
Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh mời gọi chúng ta cùng với Mẹ Maria cầu nguyện bên Mồ Chúa, cùng Người suy ngắm các đau khổ, cái chết và việc mai táng của Chúa Giêsu trong niềm hy vọng và tin tưởng.

32/- Trên hình Thánh Giá ở cây nến Phục Sinh, Linh Mục ghim năm hạt hợp hương mang ý nghĩa gì ?
Trên hình Thánh Giá ở cây nến Phục Sinh, năm hạt hợp hương chính là biểu tuợng của năm dấu đanh Chúa Giêsu (dấu đanh trên cổ tay trái, dấu đanh trên cổ tay phải dấu đanh trên cổ chân trái, dấu đanh trên cổ chân phải, và dấu đanh bên cạnh sườn Chúa Giêsu).
33/- Dấu Thánh Giá mang ý nghĩa gì ?
Thánh Giá là dấu chỉ của sự cứu độ. Khi làm dấu Thánh Giá, chúng ta nhận biết mình thuộc về Chúa Kitô và bày tỏ niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta.     Sưu Tầm


Chúa Nhật II Mùa Chay Năm B



Lời Chúa: Đây là Con Ta yêu dấu.
       Hôm ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

      Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “ Từ trong cõi chết sống lại” nghĩa là gì.


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Qua bài Tin mừng hôm nay, khi nói đến các tông đồ khi xưa theo Chúa Giêsu. Nghe Lời Chúa giảng dạy và chứng kiến những phép lạ Chúa làm, các ông nuôi hy vọng Chúa sẽ khôi phục lại vương quốc Israel, các ông sẽ được ngồi bên tả bên hữu trong vương triều của Người. Nhưng trái với niềm hy vọng ấy, Chúa đã loan báo cho các ông: ‘Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy’. Để cũng cố niềm tin cho các ông đứng vững trước những đau khổ các ông sắp phải chứng kiến, Chúa đưa ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi và Chúa biến hình trước mặt các ông. Đối với các ông, những phép lạ Chúa làm như hoá bánh ra nhiều, chữa mọi thứ bệnh tật, trừ quỷ, cho người chết sống lại, chứng tỏ Chúa đầy quyền năng trong lời nói và việc làm. Nhưng hôm nay, chứng kiến việc Chúa biến hình, các ông mới nhận biết bản tính của Chúa Giêsu, chính là Con Thiên Chúa, không chỉ là sự cả sáng bên ngoài, nhưng còn là sự xác nhận của Chúa Cha từ đám mây: “ Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người.” Lòng tin của các Tông đồ đã được củng cố vững mạnh, sau khi nhìn thấy Chúa Giêsu qua cuộc biến hình này.
        Mùa Chay là thời gian thuận tiện, để chúng ta suy niệm về tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại và mỗi người chúng ta.  Chúng ta đã làm gì để đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, chúng ta có dám hy sinh tất cả danh lợi, lạc thú để sống trọn vẹn cho Chúa, để hoàn toàn tận hiến cho Chúa, dám cùng chết đi với Chúa theo tính xác thịt của chúng ta, từ bỏ tính hư nết xấu, chết đi thật cho tội lỗi để có thể sống lại thật với Chúa trong Mùa Phục Sinh này.
     Lạy Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng con, chúng con xin được như Phê-rô dựng lều, nhưng không phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng láng, mà là để say mê vinh quang Cứu Độ Chúa dành cho chúng con. Chính Chúa đã chủ động kêu mời chúng con ở lại trong tình yêu xót thương của Chúa, không những chỉ trong mùa chay thánh mà còn trong suốt cuộc sống dương thế của chúng con, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê Trời mai sau. Amen.


Ngày 01/03 – Thánh David Wales, Giám mục (qua đời năm 589?)
Thánh David là bổn mạng xứ Wales và có thể là vị thánh nước Anh nổi tiếng nhất. Nhưng chúng ta có ít thông tin về ngài.
Chỉ biết ngài là linh mục, tham gia truyền giáo và lập nhiều dòng, kể cả tu viện chính của ngày ở Tây Nam Wales. Nhiều câu chuyện và truyền thuyết về ngài và các tu sĩ của ngài ở Wales. Cuộc sống khổ hạnh của họ đến cực độ, làm việc trong thinh lặng và hoàn toàn làm việc bằng chân tay. Lương thực chỉ là, bánh, rau và nước.
Khoảng năm 550, ngài tham dự một công nghị, tài hùng biện của ngài đã gây ấn tượng với các tu sĩ đến độ ngài được chọn làm giám mục. Tòa giám mục được chuyển về Mynyw, nơi ngài có một tu viện (ngày nay gọi là tu viện thánh David). Ngài điều hành giáo phận tới khi ngài già yếu. Lời cuối cùng ngài nói: “Hãy vui mừng, hỡi nam nữ tu sĩ. Hãy giữ vững đức tin và hãy làm những việc nhỏ mà anh chị em thấy và nghe từ tôi”.
Thánh David được vẽ đứng trên một mô đất với chim bồ câu trên vai. Tương truyền có lần ngài đang giảng thì con chim bồ câu đâu lên vai ngài và đất dâng lên đưa ngài lên cao hơn mọi người để ngài có thể nói cho mọi người nghe. Hơn 50 nhà thờ ở Nam Wales dâng kính ngài trong thời tiền Cải cách.

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Thứ Bảy Tuần I Mùa Chay Mt 5,43-48



Lời Chúa: Anh em hãy hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.
Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện,
biết noi theo luật pháp Chúa Trời.
Hạnh phúc thay kẻ tuân hành ý Chúa,

hết lòng hết dạ kiếm tìm Người.


Ngày 28/02 – Chân phước Daniel Brottier, Linh mục (1876-1936)
Daniel Brottier sinh ngày 07-09-1876 tại La Ferté-Saint-Cyr, giáo phận Blois, Pháp. Ngài thụ phong linh mục năm 1899 và bắt đầu dạy học tại trường Pontlevoy (Pháp). Ngài muốn loan báo Tin Mừng cả ngoài lớp học nên ngài gia nhập Hội Truyền giáo Chúa Thánh Thần (Congregation of the Holy Ghost) tại Orly (Pháp) năm 1902, đi truyền giáo tại Saint-Louis, Senegal, thuộc Tây Phi, năm 1903. Sau 8 năm, vì sức khỏe suy yếu, ngài trở lại Pháp năm 1911 và quyên góp tiền xây nhà thờ chính tòa mới tại Dakar, Senegal. Thánh đường này được thánh hiến ngày 02-02-1936, chỉ vài tuần trước khi ngài qua đời.
Bắt đầu Thế Chiến I, Daniel làm tuyên úy tình nguyện và ra biên giới 4 năm. Ngài không trốn tránh nhiệm vụ. Thật vậy, ngài đã xả thân giữa trận chiến và bị thương. Ngài được tuyên dương là can đảm 6 lần, được thưởng Huân chương Chiến công (Croix de Guerre) và Bắc đẩu Bội tinh (Legion of Honour). Ngài sống sót nhờ cầu nguyện với thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu nên ngài xây một nhà nguyện dâng kính thánh nữ tại Auteuil khi thánh nữ được phong thánh.
Sau chiến tranh, ngài được mời giúp thành lập một dự án cho trẻ mồ côi tại Auteuil, ngoại ô Paris. Ngài sống 13 năm ở đó. Ngài qua đời ngày 28-02-1936 tại Paris. Có khoảng 15.000 người dân Paris đến kính viếng ngài và ĐHY Verdier đã giảng trong thánh lễ an táng ngài. Ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong bậc đáng kính ngày 13-01-1983 và phong chân phước ngày 25-11-1984.

Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay Mt 5,20-26 ( giữ chay kiêng thịt)



Lời Chúa: Hãy làm hòa với anh em ấy đã.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Đức Chúa phán. Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.
Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.
Hồn tôi trông chờ Chúa,

hơn lính canh mong đợi hừng đông.


Ngày 27/02 – Thánh Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi, Tu sĩ (1838-1862 )
Sinh tại Ý trong một gia đình nhiều người và có tên thánh rửa tội là Phanxicô, ngài mồ côi mẹ khi mới 4 tuổi. Ngài được học với các tu sĩ dòng Tên, hai lần khỏi bệnh nặng, và tin Chúa gọi mình sống đời tu trì. Phanxicô muốn vào dòng Tên nhưng bị từ chối, có lẽ do tuổi tác, vì chưa đủ 17 tuổi. Sau khi người chị chết vì bệnh dịch tả, ý muốn đi tu của ngài càng mạnh hơn và ngài được dòng Chúa Chịu Nạn (Passionists) chấp nhận. Khi vào nhà tập, ngài có tên dòng là Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi.
Gabriel mau chóng thành công trong nỗ lực sống đức tin trong từng việc nhỏ. Ngài có tinh thần cầu nguyện, yêu thương người nghèo, cân nhắc cảm xúc của người khác, tuân thủ luật dòng (Passionist Rule) và hành xác, luôn vâng lời ý khôn ngoan của bề trên. Những điều đó khiến mọi người có ấn tượng mạnh.
Bề trên muốn Gabriel làm linh mục, nhưng chỉ mới tu 4 năm, triệu chứng bệnh lao xuất hiện. Luôn vâng lời, ngài chịu đựng đau đớn, không đòi hỏi được quan tâm đặc biệt. Ngài qua đời ngày 27-02-1862, khi mới 24 tuổi, nêu gương sáng cho cả người trẻ lẫn người già. Ngài được phong thánh năm 1920.

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Thứ Năm Tuần I Mùa Chay Mt 7,7-12



Lời Chúa: Hễ ai xin thì nhận được.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ.
Chúa lấy tay uy quyền giải thoát con
Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất;
lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương

Cong trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.


Ngày 26/02 – Thánh Porphyry Gaza, Giám mục (353-421)
Chúng ta lật lại lịch sử để biết một chút về một thánh nhân không mấy quen với đa số những người ở Tây phương nhưng được các giáo hội Chính thống Nga và Hy lạp tôn kính. Ngài sinh ở gần Hy lạp hồi giữa thế kỷ thứ IV, Porphry nổi tiếng về lòng quảng đại với người nghèo và cuộc sống khổ hạnh. Các vùng hoang địa và hang động đã là nơi ở của ngài một thời gian. Lúc 40 tuổi, ngài ở Jerusalem và được thu phong linh mục.
Không biết những gì chúng ta biết được có đúng hay không: Ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Gaza, ngài không muốn nhưng ngài bị bắt cóc (với sự hỗ trợ của vị giám mục khác) và bị bắt ép tấn phong giám mục. Không lâu sau, ngài bị dân địa phương kết tội gây nạn hạn hán. Không lâu sau đó có mưa, dân chúng tin ngài và dần dần bớt căng thẳng.
Tiếp 13 năm sau, Porphyry làm việc không biết mệt mỏi vì mọi người, hướng dẫn họ và làm họ trở lại đạo, dù vẫn có nhiều người ngoại giáo phản đối suốt đời ngài.

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Thứ Tư Tuần I Mùa Chay Lc 11,29-32



Lời Chúa: Thế hệ gian ác này sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Đức Chúa phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu.
Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm,
Con có thượng tiến lễ toàn thiêu,
Ngài cũng không chấp nhận.
Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát,

một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê.


Ngày 25/02 – Chân phước Sêbastianô Apariciô (1502-1600)
Những con đường và những cây cầu của chân phước Sêbastianô nối với nhiều vùng sâu vùng xa. Cây cầu cuối cùng của ngài là để giúp nam giới và nữ giới nhận biết phẩm giá và số mệnh của mình mà Thiên Chúa đã ban.
Cha mẹ của Sêbastianô là những nông dân người Tây ban nha. Lúc 31 tuổi, ngài đến Mexico làm nông nghiệp. Ngài làm nhiều con đường giúp cho việc thương mại được dễ dàng. Con đường dài 466 dặm từ thành phố Mexico tới Zacatecas mất 10 năm mới hoàn tất và phải thương lượng với nhiều người dọc hai bên đường.
Thời đó, Sêbastianô là một nông dân giàu có. Có thể sự thúc đẩy của người vợ là tài sản lớn của ngài. Khi người vợ đầu tiên qua đời, ngài bước vào cuộc hôn nhân trong trắng (virginal marriage) lúc ngài 60 tuổi. Người vợ thứ hai cũng chết sớm.
Lúc 72 tuổi, Sêbastianô phân phát của cải cho người nghèo rồi vào dòng Phanxicô. Ngài ở một tu viện tại Puebla de los Angeles, phía Nam thành phố Mexico, Sêbastianô đi khất thực suốt 25 năm. Ngài sống bác ái nên người ta đặt cho ngài biệt danh là “Thiên thần của Mexico”. Sêbastianô được phong chân phước năm 1787 và được coi là bổn mạng của những người đi du lịch.

Chủ Nhật, 22 tháng 2, 2015

Thứ Ba Tuần I Mùa Chay Mt 6,7-15



Lời Chúa: Anh em hãy cầu nguyện như thế này.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Người ta sống, không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.
Chúa nói: Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời,
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’


Ngày 24/02 – Chân phước Luca Belludi (1200–khoảng năm 1285)
Năm 1220, thánh Antôny đang giảng đạo cho cư dân ở Padua thì chàng trai Luca Belludi đến gặp ngài và xin nhận y phục của những người theo thánh Phanxicô. Thánh Antôny thấy Luca có tài và có giáo dục nên giới thiệu với thánh Phanxicô. Luca được thánh Phanxicô nhận vào dòng Phanxicô (Franciscan Order).
Lúc 20 tuổi, Luca theo thánh Antôny đi giảng đạo và được bổ nhiệm làm vệ sĩ của các tu sĩ Dòng Anh em Hèn mọn (Friars Minor) ở thành phố Padua. Năm 1239, thành phố rơi vào tay kẻ thù. Giới quý tộc bị giết chết, thị trưởng và hội đồng thành phố bị giải tán, trường đại học Padua dần dần đóng cửa và nhà thờ dâng kính thánh Antôny bị bỏ dở. Luca cũng bị đi đày nhưng đã bí mật trở lại. Ban đêm, Luca và vệ sĩ mới có thể đến viếng mộ thánh Antôny để cầu nguyện và xin trợ giúp. Một đêm nọ, có tiếng nói vọng lên từ mộ xác định rằng thành phố sẽ mau chóng được giao lại từ tay bạo chúa.
Biết được sứ điệp tiên tri, người ta chọn Luca làm trưởng thành phố và xúc tiến việc hoàn tất đại giáo đường dâng kính thánh Antôny, thầy dạy của mình. Thánh Luca Belludi đã lập 5 tu viện và, như thánh Antôny, ngài cũng làm nhiều phép lạ. Ngài qua đời và được an táng tại đại giáo đường đó, ngài vẫn được tôn kính cho tới ngày nay.

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

Thứ Hai Tuần I Mùa Chay Mt 25,31-46



Lời Chúa: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày thiên Chúa cứu độ.
Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống
Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng,
làm hoan hỷ cõi lòng.
Thánh ý Chúa thật là vững chắc,

cho người dại nên khôn.


Ngày 23/02 – Thánh Pôlycarp, Giám mục Tử đạo (qua đời năm 156)
Pôlycarp, giám mục giáo phận Smyrna (nay là Izmir, Thổ nhĩ kỳ), môn đệ của thánh Gioan tông đồ và người bạn là thánh Inhaxiô thành Antiôkia, là người được kính trọng trong nửa đầu của thế kỷ II.
Thánh Inhaxiô, trên đường tới Rôma chịu tử đạo, đã ghé thăm Pôlycarp tại Smyrna, và sau đó tại thành Troas, thánh Inhaxiô đã viết thư riêng cho Pôlycarp. Các giáo hội Tiểu Á nhận ra khả năng lãnh đạo của thánh Pôlycarp nên chọn ngài làm đại diện để thảo luận với ĐGH Anicêtô vào ngày lễ Phục sinh ở Rôma — một kiểu khá tranh luận trong thời Giáo hội sơ khai. Chỉ còn một trong nhiều lá thư của thánh Pôlycarp được lưu giữ, đó là thư ngài viết cho giáo đoàn Philippi, Maxêđônia.
Lúc 86 tuổi, thánh Pôlycarp bị thiêu sống tại Smyrna. Lửa không thiêu cháy ngài, cuối cùng ngài bị đâm chết. Viên sĩ quan chỉ huy ra lệnh thiêu xác thánh nhân. Các chứng tích về cuộc tử đạo của thánh Pôlycarp còn được lưu giữ, rất đáng tin cậy về cái chết của một nhân chứng Kitô hữu.

Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B



Lời Chúa: Đức Giê-su chịu Xatan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
     Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

      Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Gie-su đến niềm Galilê rao giảng Tin mừng của Thiên chúa. Người nói: “ Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
        Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, thường được mệnh danh là ngày Chúa nhật Chúa bị cám dỗ. Nhưng ước gì chúng ta hãy nghĩ đúng về biến cố này, như bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, là biết đúng theo ý của Giáo hội. Muốn chúng ta sống ngày hôm nay và suốt tuần lễ này như thế nào? Trước tiên là thời gian Ân sủng, thời gian Chúa yêu thương chúng ta và muốn giao ước thân hữu mãi mãi với mọi người chúng ta. Thế nên không ai được sợ đi vào mùa Chay Thánh. Ðừng ai nghĩ ngay tới việc ăn chay, hãm mình, kẻo đâm ra ngại ngùng. Ngược lại, chúng ta cần phải nhớ mình là những người đã được chịu phép Rửa, đã được đưa ra khỏi trận lụt Hồng Thủy của tội lỗi, để bây giờ được Thiên Chúa coi như con cái. Như xưa Ngài đã xử sự với ông Nô-ê và con cái ông. Chỉ với những tâm tình như vậy, chúng ta mới hiểu được hết ý nghĩa của bài Tin Mừng này và mới kết hợp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm Phụng vụ.Và đó là ý nghĩa của việc Chúa bị cám dỗ, bốn mươi ngày, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
       Trong đời sống xã hội ngày nay, có quá nhiều những bất công, những cái chết tức tưởi vì chiến tranh và khủng bố, những người thấp cổ bé miệng bị đày đoạ trong những cảnh sống lầm than, bị tước đoạt những quyền lợi chính đáng, rồi chúng ta dễ bị rơi vào tâm trạng bi quan lo lắng, liệu những nỗ lực nhỏ bé của mình có đem lại điều gì tốt đẹp hơn cho cuộc sống hôm nay. Như sứ điệp của Lời Chúa giảng dạy là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Rồi sẽ giải thoát chúng ta khỏi những bất công đang đè nặng trên cuộc đời của chúng ta. Tất nhiên để điều đó trở nên hiện thực, không loại trừ chúng ta cũng phải vác thập giá mình mà đi theo chân Chúa.
      Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con luôn tin vào sức mạnh của Tin Mừng và sự Phục Sinh của Chúa, để chúng con sẽ được giải thoát và nhìn thấy ánh sáng ân phúc của Chúa.   Amen.


Ngày 22/02 – Tông tòa Thánh Phêrô
Lễ này kỷ niệm việc Chúa Giêsu chọn thánh Phêrô làm đầu Giáo hội.
Thiên thần nói với Madalêna: “Ngài đã sống lại! Hãy đi nói với các tông đồ và Phêrô”. Thánh sử Gioan kể lại rằng khi ngài và thánh Phêrô tới mộ, người trẻ đến trước người già nên đứng đợi. Phêrô vào mộ, thấy khăn liệm trên đất, khăn trùm cuộn lại gọn gàng. Gioan thấy và tin. Nhưng thánh Gioan nói thêm: “...Hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20:9). Họ trở về. Tin mừng lan truyền, điều không thể trở nên có thể. Chúa Giêsu hiện ra với họ khi họ đang sợ hãi chờ đợi trong căn phòng được khóa chặt. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em” (Ga 20:21b), và họ vui mừng.
Lễ Hiện xuống hoàn tất kinh nghiệm của thánh Phêrô về Đức Kitô phục sinh: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:4a).
Chỉ khi đó thánh Phêrô mới hoàn tất trọng trách Chúa Giêsu đã trao: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:32). Ngay lúc đó ngài trở thành phát ngôn viên cho Nhóm Mười Hai về kinh nghiệm Thánh Thần – trước mặt chính quyền đời, những người muốn cấm các tông đồ rao giảng, trước công hội Jerusalem, đối với cộng đoàn Ananias và Sapphira đang gặp rắc rối. Ngài là người đầu tiên rao giảng Phúc Âm cho dân dân ngoại. Khả năng chữa bệnh của Chúa Giêsu nơi ngài được minh chứng: làm cho Tabitha sống lại, chữa lành người ăn xin bị què. Người ta đem các bệnh nhân ra đường khi thánh Phêrô đi ngang qua với hy vọng bóng ngài sẽ lướt trên các bệnh nhân và được khỏi.
Ngay cả một thánh nhân cũng trải qua khó khăn trong đời sống Kitô giáo. Khi thánh Phêrô không ăn uống với các tân tòng vì ngài không muốn làm tổn thương các Kitô hữu người Do thái, thánh Phaolô nói: “Tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái?” (Gl 2:11b, 14a).
Cuối Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21:18). Lời Chúa Giêsu nói cho thấy cách chết của thánh Phêrô. Trên Đồi Vatican ở Rôma, thời Nero, thánh Phêrô đã làm vinh danh Chúa bằng cái chết: bị đóng đinh ngược.

Thứ Bảy Mồng Ba Tết Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm



Lời Chúa: Ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Ai ở lại trong Thầy, thì sinh nhiều hoa trái Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!
Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh,
chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người,
xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi,

nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ.


Ngày 21/02 – Thánh Phêrô Đamianô, Giám mục Tiến sĩ (1007-1072)
Có thể vì ngài mồ côi và bị anh em đối xử tồi tệ mà Phêrô Đamianô rất tốt với người nghèo. Chỉ là “chuyện nhỏ” khi ngài thường có một vài người nghèo đồng bàn ăn và ngài thích đích thân hảo tâm với những người nghèo.
Phêrô Đamianô thoát nghèo và thờ ơ với người anh khi người anh này, là linh mục hạt trưởng giáo hạt Ravenna, muốn “che chở” cho ngài, dù người anh này đã gởi ngài đi học và trở thành giáo sư.
Ngài luôn nghiêm khắc với chính mình, mặc áo nhặm (hair shirt), ăn chay và cầu nguyện nhiều. Ngài quyết định bỏ dạy học và dành thời gian cầu nguyện với các tu sĩ dòng Benêđíctô (Benedictines) cải cách của thánh Rômualđô tại Fonte Avellana. Ngài cầu nguyện nhiều và ngủ ít đến nỗi ngài bị chứng mất ngủ (insomnia), rồi ngài thấy phải cẩn thận và quan tâm sức khỏe. Khi ngài không cầu nguyện, ngài nghiên cứu Kinh thánh.
Tu viện trưởng truyền rằng khi bề trên qua đời thì Phêrô Đamianô phải kế vị. Và rồi tu viện trưởng Phêrô Đamianô đã thành lập thêm 5 đan viện khác. Ngài khuyến khích các đan sĩ sống cầu nguyện và cô tịch, ngài không muốn gì khác cho mình. Tòa Thánh kêu gọi ngài làm người hòa giải giữa hai đan viện có mâu thuẫn hoặc chính phủ bất đồng ý kiến với Rôma.
Cuối cùng, ĐGH Stephanô IX phong ngài làm Hồng y Giám mục giáo phận Ostia. Ngài làm việc cật lực để loại bỏ việc buôn chức bán quyền trong giáo hội (simony), ngài khuyến khích các linh mục tuân thủ luật độc thân và thúc đẩy các linh mục giáo phận sống đoàn kết và duy trì việc cầu nguyện. Ngài muốn duy trì quy luật ban đầu trong giới linh mục triều và linh mục dòng, tránh những chuyến đi không cần thiết, sống thoải mái và vi phạm đức khó nghèo. Ngài đã viết thư cho giám mục giáo phận Besancon để than phiền rằng giáo luật đã bị áp dụng sai khi hát thánh vịnh trong kinh nhật tụng (Divine Office). Ngài viết nhiều thư, hiện còn khoảng 170 thư. Ngoài ra còn có 53 bài giảng của ngài và 7 bản tiểu sử mà ngài đã viết. Ngài thích những tấm gương và truyện thật hơn lý thuyết. Nghi thức Phụng vụ bằng tiếng Latin mà ngài viết là chứng cớ về tài năng của ngài.
Ngài thường xuyên xin nghỉ hưu, cuối cùng được ĐGH Alexander II chấp thuận. Ngài vui mừng vì lại được làm đan sĩ, nhưng ngài vẫn được kêu gọi làm khâm sứ tại Ravenna. Sau khi mãn nhiệm trở về nhà dòng, ngài bị sốt cao. Ngày 22-2-1072, khi các tu sĩ đang vây quanh ngài để đọc kinh nhật tụng thì ngài qua đời.  Năm 1828 ngài được tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội.