Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Chúa Nhật XXVII Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Nếu anh em có lòng tin.
      Khi ấy, các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.

     Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

SUY NIỆN & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một bài học quý giá, về đức tin là một yếu tố quyết định cho việc can thiệp của Thiên Chúa vào đời sống chúng ta. Với quyền năng ấy, Ngài vẫn luôn yêu thương chăm sóc chúng ta, bởi vì nơi Ngài không có biến dịch hay thay đổi nào. Như lời thánh Phaolô đã nói: ‘Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn chỉ là một.’ điều cần thiết là chúng ta phải tin tưởng chạy đến với Người.
      Sức mạnh của đức tin, còn thể hiện qua sự gắn bó của người tín hữu đối với Giáo Hội. Và Giáo Hội là chiếc thuyền chuyên chở các tín hữu đến gặp gỡ Chúa, đồng thời cũng chuyên chở Chúa đến gặp dân của Người. Lịch sử hai ngàn năm đã chứng minh sức mạnh của Giáo Hội, mặc dù thời nào cũng có những tội lỗi và gương xấu, như con thuyền Giáo Hội không vì thế mà bị nhấn chìm, vì Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng của đức tin. Mặc dù cuộc sống vẫn còn lắm truân chuyên, nhưng những giây phút tĩnh lặng ấy giúp chúng ta tìm được niềm vui vì có Chúa. đồng thời cũng thúc đẩy chúng ta đến với Chúa, và được Chúa Thánh Linh thêm sức mạnh để ý chí chúng ta vươn lên trong niềm Tin Cậy Mến.
        Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, xin thêm đức tin cho chúng con. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con được vững mạnh hơn trong Đức Tin Cậy Mến, để giờ đây chúng con cùng nhau tuyên xưng Chúa Ba Ngôi qua kinh Tin Kính.  Amen

Ngày 02/10 -Thiên thần Bản mệnh
Mỗi người trong chúng ta đều được Chúa ban cho một “vệ sĩ”, đó là Thiên thần Bản mệnh. Nhiệm vụ của các ngài là tiến cử chúng ta với Thiên Chúa, luôn canh giữ chúng ta, giúp chúng ta cầu nguyện và giới thiệu chúng ta với Thiên Chúa khi chúng ta từ giả cõi đời này.
Khái niệm về thiên thần bản mệnh hướng dẫn và nuôi dưỡng mỗi người là cách phát triển của giáo lý Công giáo và lòng sùng kính dựa vào Kinh thánh. Lời Chúa trong Matthêu 18:10 hỗ trợ niềm tin này: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”.
Lòng sùng kính các thiên thần bản mệnh bắt đầu phát triển từ khi bắt đầu có truyền thống tu trì. Thánh Bênêđictô thúc đẩy việc này và Bernard Clairvaux, nhà cải cách hồi thế kỷ XII, là người hùng biện về thiên thần bản mệnh, và lòng sùng kính các thiên thần có từ hồi đó.
Lễ kính các thiên thần bản mệnh được cử hành lần đầu hồi thế kỷ XVI. Năm 1615, ĐGH Phaolô V thêm lễ này vào lịch Công giáo La Mã.

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Thứ Bảy Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu Trnh Nữ Tiến Sĩ Hội Thánh Bổn Mạng Các Xứ Truyền Giáo Lễ Kính Mt 18,1-5.

Lời Chúa: Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu.
Hồn con xin chúa giữ gìn,

nép mình bên chúa an bình thảnh thơi.

Ngày 01/10-Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, Trinh nữ Tiến sĩ (1873-1897)
“Tôi thích sự đơn điệu của sự hy sinh vô danh tới mức xuất thần. Nhặt một cây kim vì yêu mến cũng có thể hoán cải một linh hồn”. Đó là câu nói giản dị mà vĩ đại của thánh Têrêsa, nữ tu Dòng Kín có biệt danh “Bông hoa nhỏ”, chỉ sống trong bốn bức tường nhà dòng ở Lisieux, Pháp quốc, mà trở thành. Sống vô danh tiểu tốt nhưng tác động mạnh đến Giáo hội đến nỗi thánh nhân được tôn vinh là Tiến sĩ Giáo hội và là bổn mạng các nơi truyền giáo. Chị thích hy sinh thầm lặng để cứu các linh hồn. Chị để lại cho chúng ta cuốn “Một tâm hồn” (The Story of a Soul), đây là cuốn sách được rất nhiều người đọc và yêu quý. Chị tên thật là Thérèse Martin, vào Dòng Kín khi mới 15 tuổi (phải có phép chuẩn của Giáo hoàng) và qua đời năm 1897 khi mới 24 tuổi.
Cả đời chị chỉ làm những việc rất ư bình thường, nhưng chị sở hữu sự thấu suốt thánh thiện. Chị thấy được trong nỗi đau khổ thầm lặng có sự đau khổ cứu độ, chính đau khổ là việc tông đồ của chị. Chị nói rằng chị đi tu Dòng Kín “để cứu các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục”. Tinh thần truyền giáo của chị cao đến nỗi chị khao khát được làm linh mục, và muốn học cổ ngữ để hiểu rõ Kinh thánh qua bản văn cổ. Không lâu trước khi qua đời, chị viết: “Tôi muốn dùng Nước Trời của tôi để làm những điều tốt lành trên thế gian”.
Ngày 19-10-1997, chân phước GH Gioan Phaolô II tôn vinh chị là Tiến sĩ Giáo hội, phụ nữ thứ ba được nhận biết qua sự thánh thiện và ảnh hưởng của huấn giáo tâm linh trong Giáo hội.

Thứ Sáu Thánh Giêrônimô Linh mục Tiến sĩ Hội Thánh Lễ nhớ Lc 10,13-16.

Lời Chúa: Ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.
Ha-lê-lui-a. Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Ha-lê-lui-a.
Tảng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn chúa đã dựng nên con cách lạ lùng

Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu.

Ngày 30/09 -Thánh Giêrônimô, Linh mục Tiến sĩ (345-420)
Thánh Giêrônimô có tính rất xấu là viết gay gắt, nhưng ngài rất yêu mến Chúa.
Ngài còn hơn một học giả Kinh thánh, dịch hầu hết các sách Cựu ước từ tiếng Hê-brơ (cổ ngữ Do Thái). Ngài còn viết những bài phê bình được cảm hứng từ Kinh thánh mà chúng ta có ngày nay. Ngài tư vấn cho tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustinô nói về ngài: “Những gì thánh Giêrônimô không biết, không quan trọng”.
Thánh Giêrônimô rất quan trọng đối với bản dịch Kinh thánh Vulgata (bản phổ thông). Đó không là bản dịch chính thức, nhưng được Giáo hội chấp nhận. Công đồng Trentô mời gọi bản dịch mới và chỉnh sửa từ bản Vulgata, và tuyên bố là bản chính thức của Giáo hội.
Để làm được như vậy, thánh Giêrônimô đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngài giỏi tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Hê-brơ và tiếng Chaldaic. Ngài bắt đầu học từ sinh quán của ngài ở Stridon thuộc Dalmatia (trước là Yugoslavia). Sau đó ngài học ở Rôma, trung tâm học tập thời đó, và rồi tới Trier, Đức quốc, nơi có nhiều chứng cớ. Mỗi nơi ngài ở vài năm, luôn cố tìm thầy giỏi nhất.
Sau đó ngài tới Palestine. Ngài là nhà thần bí (mystic), sống ở sa mạc Chalcis 5 năm để cầu nguyện, đền tội và học nghiên cứu. Cuối cùng ngài tới Belem, nơi sinh sống của Chúa Giêsu. Ngày 30-9-420, ngài qua đời tại Belem. Hiện nay hài cốt ngài được đặt tại Nhà thờ Đức Bà Cả (Basilica of St. Mary Major) ở Rôma. Ngài là bổn mạng các dịch giả.

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2016

Thứ Năm Các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel, Raphael Lễ kính Ga 1,47-51.

Lời Chúa: Các anh sẽ thấy các thiên thần của Thiên chúa lên lên xuống xuống trên Con người.
Ha-lê-lui-a. Chúc tụng Chúa đi, toàn thể thiên binh hằng hầu cận và tuân hành thánh ý. Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Ngài đã nghe lời miệng con xin.
Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính chúa,
hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ.

Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ.

Ngày 29/09 –Các tổng lãnh thiên thần Michael, Gabriel and Raphael
Các Thiên Thần là những thiên sứ của Chúa xuất hiện nhiều trong Thánh Kinh, nhưng chỉ có thiên thần Micae, Gabriel và Raphael được nhắc đến tên mà thôi.
Thiên thần Micae xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien như là "đại hoàng tử" để bảo vệ dân Israel khỏi những kẻ thù tấn công. Trong sách Khải Huyền, Thiên thần Micae dẫn đoàn quân của Chúa đến chiến thắng sau cùng trên quyền lực của ma quỷ. Lòng sùng kính thiên thần Micae đã có từ cổ xưa nhất, thịnh hành ở phương Ðông vào thế kỷ thứ 4. Giáo hội phương Tây bắt đầu lễ kính quan thầy thiên thần Micae và các thiên thần vào thế kỷ thứ 5.
Thiên thần Gabriel cũng xuất hiện trong thị kiến của tiên tri Danien, để công bố xứ mệnh của thiên thần Micae trong chương trình của Thiên Chúa. Sự xuất hiện nổi bật nhất của Thiên thần Gabriel là cuộc diện đàn với thiếu nữ Dothái tên là Maria (tức Ðức Mẹ Maria), Người vâng phục cưu mang Chúa Cứu Thế.
Những hoạt động của Thiên thần Raphael được thu gọn trong Cựu Ước của sách Tôbít. Thiên thần Raphael hiện ra để hướng dẫn con trai của Tôbít là Tôbia qua những đoạn trường mạo hiểm ly kỳ, đưa đến kết thúc ba niềm vui, đó là: Tobia thành hôn với Sara, Tobia được chữa khỏi bệnh mù, và phục hồi gia sản của gia đình.
Lễ kính nhớ thiên thần Gabriel là ngày 24 tháng 3, thiên thần Raphael ngày 24 tháng 10 đã được ghi vào lịch Rôma vào năm 1921. Năm 1970, lịch được sửa đổi nhập chung hai ngày lễ kính này với ngày lễ kính thiên thần Micae.
Sứ Mệnh:
Mỗi tổng lãnh thiên thần có những sứ mệnh khác nhau trong Thánh Kinh:
Thiên thần Micae bảo vệ, Thiên thần Gabriel loan báo, Thiên thần Raphael hướng dẫn.
Ngày xưa, người ta tin rằng những biến cố không thể giải thích được, là do các việc làm của thần linh để tỏ lối cho cái nhìn của thế giới khoa học về một cảm nhận của nguyên nhân và ảnh hưởng khác. Tuy thế, những người có niềm tin vẫn kinh nghiệm về sự bảo vệ, liên lạc và hướng dẫn của Thiên Chúa trong những cách không diễn tả được. Chúng ta không thể coi nhẹ các thiên thần.

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Thứ Tư Thánh Venceslaô Tử đạo Thánh Laurensô Ruiz và các bạn tử đạo Lc 9,57-62.

Lời Chúa: Thầy đi đâu tôi cũng xin theo.
Ha-lê-lui-a. Tôi chấp nhận mất hết, và coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô, được kết hợp Với Người. Ha-lê-lui-a.
Phần con đây, con kêu lên Ngài, lạy Chúa,
mới tinh sương đã chờ trực nguyện xin.
Lạy Chúa, thân con đây, Chúa nỡ nào ruồng rẫy,

ẩn mặt đi mà chẳng đoái hoài.

Ngày 28/09 -Thánh Venceslaô, Tử đạo (907?-929)
Thánh Venceslaô cai trị Bôhêmia vào thời mà miền này mới chỉ có một phần theo Kitô giáo. Cha ngài, ông Vratilar, là người khôn ngoan dũng cảm lương thiện, một Kitô hữu nhân đức nhưng bà Drahomira mẹ ngài lại ngã theo lương dân. Em ngài là Boleslao. Ludmila, bà nội của hai con trẻ, thấy rõ sự nguy hiểm cho cháu nên đã lo giáo dục Venceslaô. Còn thánh Venceslaô, con người có nhiều đức tính đáng phục đã đáp ứng hoàn toàn sự lo lắng của bà nội. Từ đó ngài đã có lòng mộ mến các nhân đức, siêng năng tìm hiểu lẽ đạo để sống thành một Kitô hữu chân chính.
Chẳng may ông Vratilar từ trần trong một trận chiến. Bà Drahomira lên nắm quyền nhiếp chính. Độc ác và gian xảo, bà đã sát hại các Kitô hữu, triệt hạ các nhà thờ, cấm hành đạo công khai và dạy giáo lý cho trẻ em. Các Kitô hữu có chức phận bị cách chức, nhường chỗ cho lương dân.
Đau lòng vì sự dữ lan tràn, bà Ludmila thuyết phục Venceslaô lên nắm quyền. Nhưng để tránh cuộc tranh chấp tương tàn, người ta chia đôi lãnh thổ, một phần trao cho Boleslaô. Lên cai trị với sự tán đồng của dân chúng, thánh Venceslaô chỉ mong cho thần dân được hạnh phúc. Ngài cai trị bằng lòng nhân từ hơn là bằng sức mạnh. Ngài lo trợ giúp mọi cô nhi quả phụ, mọi người nghèo khổ. Thỉnh thoảng trong đêm tối, ngài vác củi đến cho người bất hạnh, ngài phóng thích các tù nhân hay đêm tối tìm đến an ủi họ. Nếu phải kết án, chính ngài đã khóc thương. Đầy lòng kính phục các linh mục, Ngài tự trồng nho ép rượu và giúp lễ. Đêm đêm, Ngài đi chân không đến viếng các nhà thờ. Trong một cuộc hành hương như vậy, người hầu cận cho biêt chân mình đã tê cóng không thể đi thêm được nữa. Thánh nhân dặn, hãy đạp lên vết chân ngài. Anh ta đã vâng theo và cảm thấy ấm áp toàn thân.
Drahomira tức giận vì sự êm ấm trong miền Bôhêmia theo Kitô giáo. Bà quyết sát hại Ludmila, người bà nhân đức làm cố vấn cho Venceslaô. Hai kẻ sát nhân đã hành sự ngay dưới chân bàn thờ. Sau đó đến lượt thánh Venceslaô, người mẹ ác đức đã xúi Radislas nổi loạn. Ông này tập trung một đạo quân hùng hậu đến gây chiến. Khi hai bên giáp trận, thánh Venceslaô đã đơn phương độc mã lâm trận chiến như một Đavid giáp mặt Gôliath. Thế nhưng Radislas đã xin đầu hàng. Ông ta thấy thiên thần trợ chiến cho Venceslaô.
Phải đến tham dự một cuộc họp ở Worm theo lệnh của hoàng đế Othon I, thánh Venceslaô đã tới trễ. Ngài muốn dự hai thánh lễ. Hoàng đế bực tức vì sự chậm trể này, quyết định sẽ không đứng dậy khi thánh nhân đến. Nhưng rồi khi ngài tới nơi ông bỗng đứng lên và mời ngồi bên cạnh mình. Ông cũng đã thấy hai thiên thần hộ vệ và bao phủ ngài bằng một Thánh Giá vàng.
Boleslanô, theo lời khuyên của mẹ, quyết hạ sát thánh nhân, hắn lấy tình nghĩa để che lấp ý đồ đen tối của mình. Được mời tới để mừng lễ hai thánh Cosma và Đamianô, thánh Venceslaô không một chút nghi ngại gì. Buổi lễ thật linh đình. Đêm sau thánh Venceslaô đến nhà thờ cầu nguyện như thói quen. Boleslaô tàng hình theo sau và đã hạ sát thánh nhân ngày 28 tháng 9 năm 935. Trước cửa đền thờ, miệng khẩn cầu ơn tha thứ cho em mình. Thánh nhân từ trần trên vũng máu đào. Sau cái chết, thánh Venceslaô được dân chúng tôn kính như một vị tử đạo và trở thành Đấng thánh bảo trợ cho xứ Bôhêmia, nay là Czecheslavia.

Ngày 28/09 Thánh Laurensô Ruiz Tử đạo.
Ngày lễ hôm nay dành để tôn kính một nam giáo dân gốc người Philippin. Thánh Laurensô Ruiz và 15 người bạn đã tử vì đạo để minh chứng đức tin tại Nagasaki, Nhật Bản, vào năm 1637. Sinh tại thành phố Manila, Laurensô lập gia đình và có ba người con. Ngài gia nhập với một nhóm người gồm 9 linh mục thuộc dòng Đa Minh, 2 tu sĩ và 4 giáo dân tình nguyện tới Nhật Bản rao giảng Tin mừng. Tất cả cùng liên kết với dòng Đa Minh và tất cả cùng thà hy sinh mạng sống hơn là chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu. Các ngài là những người nam, người nữ có quốc tịch khác nhau: Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Philippin. Các ngài quả thật là hình ảnh nhắc nhớ chúng ta: Giáo hội của Chúa Kitô đã lan rộng ra khắp hoàn cầu!
Các thánh tử đạo này đã chịu đau khổ nhiều trước lúc qua đời, nhưng các ngài vẫn một lòng giữ vững đức tin Công giáo. Người ta ghi nhận rằng thánh Laurensô Ruiz đã nói với các vị quan tòa xử ngài rằng: “Nếu tôi có 1000 mạng sống để dâng cho Đức Kitô, thì tôi sẽ vui mừng dâng từng mạng sống của tôi cho Người!”
Ngày 18 tháng 10 năm 1987, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong nhóm các anh hùng này lên bậc hiển thánh.
Chúng ta hãy nài xin thánh Laurensô Ruiz và các Bạn tử đạo thôi thúc các Kitô hữu hôm nay biết trở nên những môn đệ nhiệt thành và quảng đại của Đức Chúa Giêsu. Càng học biết về đức tin bao nhiêu, chúng ta càng yêu mến và chia sẻ với tha nhân bấy nhiêu.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Thứ Ba Thánh Vinh Sơn Phaolô Linh mục Lễ nhớ Lc 9, 51-56.

Lời Chúa: Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem.
Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa là Thiên Chúa cứu độ con,
trước Nhan Ngài, đêm ngày con kêu cứu.
Nguyện cho lời kinh vọng tới Ngài,

xin lắng nghe tiếng lòng thổn thức.

Ngày 27/09 –Thánh Vinh Sơn Phaolô, Linh mục (1580?-1660)
Việc giải tội cho một người hấp hối đã giúp ngài thấy nhu cầu tâm linh cấp bách của dân quê nước Pháp. Đây có vẻ là khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời của một người xuất thân từ một nông trại nhỏ ở Gascony, Pháp quốc, và trở thành linh mục.
Chính nữ bá tước Gondi đã thuyết phục chồng tài trợ một nhóm các nhà truyền giáo nhiệt thành có thể hoạt động giữa những người nghèo, các thuộc hạ, tá điền và dân quê nói chung. Thánh Vinh Sơn mới đầu khiêm nhường không nhận chức lãnh đạo, nhưng sau một thời gian hoạt động ở Paris giữa những nô lệ bị tù, ngài trở thành người lãnh đạo của nhóm người mà nay là Dòng Truyền giáo (Congregation of the Mission), còn gọi là Dòng Vinh Sơn (Vincentians). Các linh mục này – với 4 lời khấn: Khó nghèo, Khiết tịnh, Vâng lời và Kiên định – hoàn toàn dấn thân phục vụ mọi người ở các nơi xa xôi hẻo lánh.
Sau đó ngài lập Hội Bác Ái (Confraternities of Charity) để xoa dịu nỗi đau tinh thần và thể lý của người nghèo và người bệnh. Với sự giúp đỡ của thánh nữ Louise de Marillac, có thêm Dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity), có các phòng bệnh nhân, nhà nguyện là nhà thờ giáo xứ, hành lang là đường phố. Ngài quy tụ các phụ nữ giàu có ở Paris để gây quỹ cho việc truyền giáo, mở các bệnh viện, gây quỹ cho các nạn nhân chiến tranh và chuộc hơn 1.200 nô lệ người Bắc Phi. Ngài nhiệt thành trong việc hướng dẫn tĩnh tâm cho các giáo sĩ nguội lạnh, lạm dụng và khinh suất. Ngài là người tiên phong trong việc đào tạo giáo sĩ và thành lập chủng viện.
Đáng nói là ngài là người rất nóng tính (very irascible person), bạn bè ngài cũng phải công nhận điều đó. Ngài nói rằng nếu không có ơn Chúa thì ngài gay gắt, lạnh lùng, thô lỗ và bực bội. Nhưng ngài đã thuần hóa thành dịu dàng và trìu mến, rất nhạy cảm với nhu cầu của người khác. ĐGH Leo XIII tôn ngài làm bổn mạng các hội từ thiện. Nổi bật trong số đó là Hội Vinh Sơn Phaolô (Society of St. Vincent de Paul), được chân phước Frederic Ozanam thành lập năm 1833.

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Thứ Hai Thánh Cosma và Thánh Đmianô Tử đạo Lc 9,46-50.

Lời Chúa: Ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.
Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa, xin nghe con giãi bày lẽ phải,
lời than vãn, xin ngài để ý tới;
xin lắng tai nghe tiếng con nguyện cầu

thốt ra từ miệng lưỡi chẳng điêu ngoa.

Ngày 26/09 -Các thánh Cosmas và Đamianô, Tử đạo (qua đời năm 303?)
Không ai biết gì nhiều về cuộc đời các ngài ngoài việc các ngài tử đạo tại Syria trong thời bách hại của Diocletianô.
Lòng sùng kính hai vị thánh này lan rộng nhanh chóng cả ở Đông phương và Tây phương. Một đền thờ được xây dựng dâng kính các ngài ở Constantinople. Tên các ngài được ghi trong Kinh nguyện Thánh Thể, có thể từ thế kỷ VI.
Tương truyền các ngài là anh em song sinh ở Ả Rập, đều là bác sĩ giỏi. Các ngài được sùng kính ở Đông phương với danh xưng la “những người không tiền” (moneyless ones), vì các ngài không lấy tiền ai khi chữa bệnh cho người ta. Những người nổi bật như vậy không thể không bị “lưu ý”, thế nên các ngài đã bị bắt và bị chém đầu.

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ.
      Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: "Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các Thiên Thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đàng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:
     'Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này'. Abraham nói lại: 'Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn từ đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ bên đó qua đây được'.

      Người đó lại nói: 'Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này'. Abraham đáp rằng: 'Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các ngài'. Người đó thưa: 'Không đâu, lạy cha Abraham, nhưng nếu có ai trong cõi chết hiện về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải'. Nhưng Abraham bảo người ấy: 'Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu'".

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta quan tâm đến hai điều quan trọng, điều thứ nhất chúng ta sử dụng của cải của chúng ta như thế nào? điều thứ hai là chúng ta chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu của chúng ta ra sao?
     Trong cuộc sống chúng ta có nhiều tiền bạc, để rồi rơi vào tình trạng tự mãn. Tự mãn với những gì mình có, người giàu sẽ không cần tới ai khác và vì thế sẽ không chú ý đến những người chung quanh. Đó là trường hợp ông nhà giàu trong bài Tin Mừng hôm nay. Ông có nhà cao cửa rộng, ăn mặc toàn gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Chỉ mải mê hưởng thụ, ông không có thời gian nghĩ đến người khác. Ladarô nằm thoi thóp bên cửa nhà ông, mà ông không nhìn thấy. Ladarô có rên rỉ vì đau đớn, đói khát ông cũng không nghe thấy. Tự mãn đã khiến trái tim ông khép chặt lại, biến ông thành vô cảm trước những đau khổ của tha nhân. Những mẩu bánh dư thừa, ông đâu có tiếc gì. Thế nhưng ông chẳng có thời giờ nghĩ đến Ladarô. Và người nhà của ông vất những mẩu bánh dư thừa vào thùng rác, trong khi Ladarô mơ ước được những mẩu bánh dư thừa ăn ấy cho đỡ đói. Tự mãn đã biến ông nhà giàu thành người ích kỷ, sống thiếu tình liên đới với người chung quanh.
      Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin thương xót mỗi phận người của chúng con. Xin giúp chúng con luôn biết sống chia sẻ với những anh em nghèo khó, xin đừng để chúng con vô cảm và bàng quan trước những phận người khổ đau. Amen.

Ngày 25/09 -Thánh Elzear (1286-1323) và Chân phước Delphina (1283-1358)
Ông Elzear sinh trưởng trong một gia đình quý tộc ở Nam Pháp. Sau khi ông kết hôn với bà Delphina, bà cho ông biết rằng bà đã khấn giữ đồng trinh trọn đời, và ngay đêm tân hôn ông cũng khấn hứa như vậy. Ông Elzear là Bá tước vùng Ariano, đã từng tư vấn cho Công tước Charles vùng Calabria ở Nam Ý. Bằng công lý, ông Elzear đã cai trị lãnh địa của mình ở vương quốc Naples và ở Nam Pháp.
Ông Elzear và bà Delphina cùng vào Dòng Ba Phanxicô và dấn thân làm việc từ thiện. Mỗi ngày có 12 người nghèo cùng ăn với họ. Bức tượng thánh Elzear cho thấy ngài đã chữa nhiều bệnh nhân phong.
Họ cùng điều hành một trại phong. Mọi người tham dự thánh lễ hàng ngày, xưng tội hàng tuần và sẵn sàng tha thức mọi xúc phạm lẫn nhau. Sau khi ông Elzear qua đời, bà Delphina tiếp tục công việc từ thiện hơn 35 năm. Đặc biệt bà quan tâm nâng mức độ luân lý ở triều đình của vua Sicily.
Thánh Elzear và chân phước Delphina được an táng tại Apt, Pháp quốc. Ông được phong phong thánh năm 1694, còn bà được phong chân phước năm 1936.

Thứ Bảy Tuần 25 Thường Niên Lc 9,43b-45.

Lời Chúa: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, Các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Ha-lê-lui-a. Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Ha-lê-lui-a.
Từ buồi mai, xin cho đoàn con được no say tình chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên chúa của con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,

xin củng cố việc tay chúng con làm.

Ngày 24/09 -Thánh Pacifico San Severino, Linh mục (1653-1721)
Ngài sinh trong một gia đình khá giả ở San Severino, thuộc Ancona ở Trung Ý. Ngài vào Dòng Phanxicô và thụ phong linh mục. Ngài dạy triết học 2 năm rồi đi giảng đạo. Ngài sống khổ hạnh, ăn chay trường, chỉ ăn chút bánh mì, súp hoặc uống nước. “Áo lông” ngài mặc làm bằng những sợi sắt. Ngài nổi bật về đức khó nghèo và vâng lời.
Lúc 35 tuổi, ngài bị bệnh khiến ngài bị điếc, mù và đi khập khiễng. Ngài dâng mọi đau khổ của mình để cầu cho các tội nhân biết sám hối. Ngài chữa lành nhiều bệnh nhân đến với ngài. Ngài được bầu làm bề trên nhà dòng ở San Severino. Ngài được phong thánh năm 1839.

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Thứ Sáu Thánh Piô Pietrelcina Linh mục Lễ nhớ Lc 9,18-22.

Lời Chúa: Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.
Ha-lê-lui-a. Con Người đến để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Ha-lê-lui-a.
Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn,
Chúa là đồng minh, là đồn lũy che chở.
Là thành trỉ bảo vệ, là Đấng giải thoát tôi.

Chúa là khiên mộc cho tôi ẩn núp.

Ngày 23/09 -Thánh Padre Piô, Linh mục (1887-1968)
Ngày 16-06-2001, chân phước GH Gioan Phaolô II đã phong thánh cho LM Padre Piô, linh mục Dòng Phanxicô, người xứ Pietrelcina. Đây là lễ phong thánh thứ 45 trong triều đại giáo hoàng của ĐGH Gioan Phaolô II. Hơn 300.000 người quy tụ đầy Quảng trường Thánh Phêrô và những con đường gần đó. Ngài nói:“Đây là sự tổng hợp cụ thể nhất về giáo huấn của linh mục Padre Piô”. Ngài nhấn mạnh việc làm chứng của linh mục Padre Piô là chịu đau khổ.
Năm 1962, khi còn là tổng giám mục ở Ba Lan, ĐGH Gioan Phaolô II đã viết thư cho linh mục Padre Piô để xin cầu nguyện cho một phụ nữ Ba Lan bị ung thư họng. Trong vòng 2 tuần, phụ nữ này đã hết bệnh.
Ngài sinh ngày 25-5-1887, tên “cúng cơm” của ngài là Francesco Forgione, sống trong một gia đình nông dân ở Nam Ý. Cha ngài Grazio làm việc ở Jamaica, New York 2 lần (1898-1903 và 1910-1917) để kiếm tiền nuôi gia đình.
Lúc 15 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô và lấy tên dòng là Padre Piô. Ngài thụ phong linh mục ngày 10-8-1910, lúc 22 tuổi. Sau khi được phát hiện bị bệnh lao phổi, ngài đã thổ huyết. Năm 1917, ngài chuyển tới nhà dòng ở San Giovanni Rotondo, cách Bari 75 dặm.
Ngày 20-09-1918, sau khi rước lễ và cầu nguyện trước Thánh Giá, ngài được thị kiến Chúa Giêsu. Sau khi hết thị kiến, ngài được ghi 5 dấu trên 2 tay, 2 chân và cạnh sườn (thường gọi là Cha Piô 5 dấu). Năm 1956, ngài thành lập Nhà Khuây khỏa Đau khổ (House for the Relief of Suffering), bệnh viện này phục vụ 60.000 bệnh nhân mỗi năm.
Từ đó, cuộc sống ngài trở nên phức tạp hơn. Các bác sĩ, giáo quyền và những người tò mò đến để chứng kiến “hai năm rõ mười” về Cha Padre Piô. Năm 1924 và năm 1931, chuyện 5 dấu của ngài được chất vấn. Ngài không được phép làm lễ công khai hoặc giải tội. Ngài không than viền gì về chuyện này, nhưng không lâu sau ngài hết bị cấm. Tuy nhiên, ngài không viết lá thư nào từ sau năm 1924. Tài liệu viết khác duy nhất của ngài là một cuốn sách mỏng viết về cơn hấp hối của Chúa Giêsu, nhưng được viết trước năm 1924.
Ngài hiếm khi ra khỏi nhà dòng từ khi ngài được in 5 dấu, Nhưng nhiều người vẫn tìm đến. Mỗi buổi sáng từ 5 giờ, nhà thờ chật người dự lễ, rồi ngài giải tội cho tới trưa. Ngài nghỉ lúc nửa buổi sáng để chúc lành cho các bệnh nhân và những người đến gặp ngài. Trưa nào ngài cũng vẫn giải tội. Trung bình mỗi ngày ngài giải tội 10 giờ, người đến xưng tội phải lấy số trước.
Ngài thấy Chúa Giêsu trong các bệnh nhân và người đau khổ. Theo ngài thúc giục, một bệnh viện được xây ở gần Mount Gargano. Năm 1940 một ủy ban được thành lập để thu tiền. Năm 1946 bệnh viện hư hỏng, rồi được xây lại với tên “Nhà Xoa Dịu Đau Khổ” (House for the Alleviation of Suffering) với 350 giường.
Cũng như tổ phụ dòng là thánh Phanxicô, LM Padre Piô đôi khi cũng bị người ta xé áo làm kỷ niệm. Một trong những đau khổ của ngài là những người vô ý tứ đã truyền miệng những lời tiên tri cho là của ngài. Thật ra ngài không bao giờ nói tiên tri về các sự kiện thế giới và không hề có ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc giáo quyền. Ngài qua đời ngày 23-9-1968, lúc 81 tuổi, và được phong chân phước năm 1999.

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Thứ Năm Tuần 25 Thường Niên Lc 9,7-9.

Lời Chúa: Ông Gioan, chính ta đã chém đầu rồi ! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế ?
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Chính Thấy là con đường là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Ha-lê-lui-a.
Từ buổi mai, xin cho đoàn con no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca.
Xin cho chúng con được vui hưởng
lòng nhân hậu của Chúa là Thiên Chúa chúng con.
Việc tay chúng con làm, xin Ngài củng cố,

xin củng cố việc tay chúng con làm.

Ngày 22/09 -Thánh Lawrence Ruiz và các bạn Tử đạo (1600?-1637)
Lawrence (Lorenzo) sinh tại Manila, cha là người Trung quốc và mẹ là người Philippine. Ngài học tiếng Trung quốc và tiếng Tagalog từ cha mẹ, học tiếng Tây Ban Nha từ các tu sĩ Dòng Đa Minh, giúp lễ và lo việc phòng thánh cho các linh mục Dòng Đa Minh. Ngài viết chữ đẹp, chép các tài liệu theo nghệ thuật thư pháp, là thành viên của Hội Mân Côi. Ngài kết hôn, có 2 con trai và 1 con gái.
Cuộc đời ngã rẽ sang bước ngoặt khi ngài bị kết tội sát nhân. Không biết gì thêm về ngài ngoài câu nói của 2 tu sĩ Đa Minh: “Ngài bị chính quyền tìm bắt vì tội sát nhân”. Lúc đó, 3 linh mục Dòng Đa Minh là Antonio Gonzalez, Guillermo Courtet và Miguel de Aozaraza sắp đi Nhật mặc dù ở Nhật đang bị bách hại dữ dội. Họ lên đường cùng LM Vicente Shiwozuka de la Cruz, người Nhật, và Lazaro, một giáo dân bị phong cùi. Thánh Lawrence đang ẩn náu và được phép đi với họ. Nhưng khi tàu đã nhổ neo thì ngài mới biết họ đi Nhật.
Tàu cặp bến Okinawa. Thánh Lawrence tời Formosa, ngài nói: “Tôi quyết định ở với các cha, vì nếu không thì người Tây Ban Nha sẽ treo cổ tôi ở đó”. Tại Nhật, họ sớm bị phát hiện, bị bắt và bị đưa tới Nagasaki. Đây là nơi đẫm máu khi bom nguyên tử đã tạo nên thảm họa trước đó. Khoảng 50.000 Công giáo đã từng sống ở đó đã bị bách hại hoặc tản mác.
Họ chịu đủ loại nhục hình: Sau khi bị đổ nước đầy bụng, họ bị bắt nằm xuống, rồi người ta lấy tấm ván dài đặt lên bụng, bọn lính cùng nhau đứng lên tấm ván để đạp cho nước phụt ra từ miệng, mũi và tai các tử tù. LM Antonio qua đời sau vài ngày. Linh mục người Nhật và Lazaro bị đâm các ngón tay bằng tre nhọn, nhưng ai cũng can đảm chịu đựng. Khi mọi người đều chết, thấy 3 linh mục Đa Minh vẫn sống nên bị họ chém đầu.
Chân phước GH Gioan Phaolô II phong thánh cho 6 vị này và 10 vị khác là người Á châu và Âu châu, cả nam và nữ, những người đã rao giảng đức tin ở Philippines, Formosa và Nhật. Lawrence Ruiz là vị tử đạo đầu tiên của Philippines được phong thánh.

Ngày 21/09-1799-1838 Thánh Phanxicô Jaccard Phan (Ninh) Linh Mục Thừa Sai Paris Tử Đạo

* Một cuộc sống bi hùng.

Nếu so sánh những cuộc tử đạo như những vở bi hùng kịch thì cuộc tử đạo của thánh Phanxucô Jaccard Phan là một trong những bi hùng kịch hùng tráng nhất : Mười năm tù khi rộng khi ngặt, với hai mươi tháng tù đày gian khổ và ba án tử hình. Giữa những khổ ải đó, nổi bật lên chân dung một người hùng quả cảm. Ngài đã chiến thắng được đói khát và sốt rét, đã trung thành tuyệt đối với chân lý của Tin Mừng là tha thứ và phục vụ kẻ làm hại mình. Gan lì trước nghịch cảnh, từ chối mọi tiện nghi, như nhân xét của Đức cha Cuénot Thể : "con người không còn gì để mất đó, đã luôn tiến về phía trước để chinh phục tha nhân".

Thánh Phanxicô Jaccard Phan (Ninh) Linh Mục Thừa Sai Paris Tử Đạo
* Chí khí chàng nông dân.
Chào đời ngày 06.09.1799 tại Onion thuộc miền Savoie nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng đạo đức, cậu Phanxicô Jaccard thủơ nhỏ ham chơi hơn là học. Còn gì lý thú bằng chạy nhảy giữa cánh đồng xanh tươi bát ngát. Khi được cha mẹ gởi vào chủng viện Mélan, cậu Jaccard luôn là học sinh "đội sổ" nên đâm ra chán nản và trốn về gia đình. Nhưng sau, nhờ bạn bè và thân nhân khích lệ, đàng khác vì ước muốn làm linh mục, cậu xin trở lại chủng viện, cậu hứa với mọi người sẽ cố gắng tới cùng.
Quả thực Jaccard đã giữ lời hứa. Với sự chuyên cần và nỗ lực, anh hoàn thành chương trình chủng viện Mélan, rồi được lên đại chủng viện giáo phận Chambery năm 1819. Hai năm sau, thày Jaccard xin gia nhập hội Thừa Sai Paris, và thụ phong linh mục ngày 15.03.1823. Liền đó, cha Jaccard được đề cử vào chức vụ giám đốc đại chủng viện. Nhưng cha thẳng thắn trình bày với các Bề Trên : "Con tình nguyện vào đây để truyền giáo phương xa, chớ không phải ở thành phố Paris này".
Thế là ngày 10.07.1823, cha xuống tàu tại cảng Bordeaux giã từ quê hương yêu dấu. Ngày 25.11.1824, tàu của cha cập bến Macao, nhưng mãi tháng 02.1826, vị thừa sai mới đến được giáo phận Đàng Trong. Sau một thời gian học tiếng Việt ở chủng viện An Ninh, cha lấy tên là Phan, hoạt động tại Nhu Lý, Phủ Cam, rồi làm giám đốc chủng viện An Ninh (Quảng Trị).
* Tinh thần phục vụ hết mình.
Tháng 06.1827, vua Minh Mạng tập trung về Huế ba vị thừa sai : Tabert Từ, Gagelin Kính và Odorico Phương, viện cớ cần người thông ngôn và dịch sách. Ba tháng đầu, cha được đối xử tử tế, có thể làm việc mục vụ cho giáo hữu Huế, nhưng các ngài như bị giam lỏng tãi Cung Quán, lúc nào cũng có lính gác, đi dâu thì có ba lính đi kèm. Đến cuối năm nhờ có Tả quân Lê Văn Duyệt can thiệp với vua, ba vị thừa sai được thả về. Còn riêng cha Phan, tháng 07.1828, quân lính mang trát son, cáng điều đến triệu cha về kinh đô. Ngài ở Cung Quán dịch các tài liệu tiếng Pháp ra tiếng Việt. thấy ở Cung Quán như bị "bó tay buộc chân" không làm việc tông đồ được, cha Phan liền xin vua đến ở họ Dương Sơn cách kinh thành 15 cây số, để vừa giúp các tín hữu vừa dịch sách cho hoàng cung. Giai đọan này cha đã dịch các sách về Napoléon, về việc chinh phục của Anh ở Ấn Độ, về lịch sử Âu, Mỹ, và dạy tiếng Pháp cho nhiều người vua gởi tới. Vua muốn ban chức lộc triều đình, nhưng cha từ chối không nhận.
Được tin vua Minh Mạng sắp mừng lễ Tứ tuần, cha xin phép đứng ra tổ chức tám ngày liên tiếp, cầu nguyện cho Hoàng Đế bằng những nghi thức long trọng. Ngoài các tín hữu, số lương dân đến tham dự đông đảo như ngày hội. Nhiều người nhờ dịp này thêm quý mến đạo, trong đó có một số quan đại thần và bà chị các Đức Vua.
* Người "lính" của vua Minh Mạng.
Tháng 09.1831, làng Dương Sơn do cha Phan phụ trách bị dân làng Cổ Lão gây chuyện và tố cáo về tội chiếm đất. Đến sau vì không có bằng cớ, họ đổi qua tố cáo về tội theo đạo. Lập tức 73 người bị giam tù, mỗi người lãnh 100 roi đòn, viên phó lý bị lưu đầy, Lý trưởng và cha Phan bị án tử hình. Riêng với cha Phan, vua Minh Mạng tỏ vẻ nhân đạo hơn, đổi từ án xung quân, bắt nhập ngũ trong quân đội hoàng gia, và được điệu về giam lỏng ở Cung Quán để tiếp tục dịch sách vở, thơ từ …
Giai đoạn này cha Phan nhiều lần tiếp xúc với vua Minh Mạng. Chính Vua nhờ cắt nghĩa các tranh ảnh Cựu ước và Tân ước… Vị tông đồ của Chúa liền tranh thủ giải thích cho vua hiểu về giáo lý trong đạo, về Thiên Chúa sáng tạo, linh hồn bất tử và thưởng phạt đời sau. Một lần cha Phan đánh bạo gởi cho vua cuốn giáo lý dành cho người xin học đạo. Đối lại nhà vua sai quan Thượng thư bộ lễ đến bắt cha phải đốt hết các sách tôn giáo đó, nhưng cha cương quyết từ chối. Quan nói: "Tôi tha cho ông, nhưng khi ra trước hội đồng các quan, ông phải nói đã gởi sách và đồ lễ về Tây rồi, và hứa không giảng đạo nữa". Cha đáp: "Thưa quan, quan biết là đạo cấm nói dối, còn việc ngừng giảng đạo, tôi không thể vâng được". Viên quan tiếp: "Vậy ông sẽ bị án xử tử". Cha trả lời: "Tôi đã bị lên án một lần, có lên án lần nữa cũng chẳng sao". Vua Minh Mạng biết chuyện nhưng lờ đi vì thấy chưa đến lúc, chỉ ra lệnh cho người canh gác cha nghiêm ngặt hơn trước.

* Người tù lưu đày bất khuất.
Tháng giêng năm 1833, sau sắc lệnh cấm đạo toàn quốc, cha Phan có thêm người bạn đồng hàng, cha Odorico Phương dòng Phanxicô mới bị bắt ở Cái Nhum. Mỗi đêm, hai cha âm thầm dâng lễ với nhau ở Cung Quán, đồ lễ giấu ở sàn nhà. Từ đây hai vị sống bên nhau trong một năm rưỡi, cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay, cùng đón nhận người bạn tù đặc biệt, cha Gagelin Kính và hiệp thông với hy lễ tử đạo của ngài. Nhiều tuần lễ liền, mỗi buổi sáng khi thức dậy, hai vị lại giúp nhau chuẩn bị dọn mình lãnh phúc tử đạo, nhưng giờ Chúa chưa đến.
Thời gian này miền Nam có cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi. Vua Minh Mạng nghe đồn các tín hữu tham gia rất đông, nên lo sợ và thảo một lá thư dụ hàng, đưa cho thừa sai ký. Hai cha thức suốt một đêm để viết một lá thư khác kêu gọi các anh em tín hữu. Theo lá thư, việc chống lại triều đình có hại cho đạo, và Tin Mừng không bao giờ chấp nhận việc huynh đệ tương tàn. Thế nhưng số tín hữu theo Lê Văn Khôi thực tế không đông, nên lá thư này không mang lại hiệu quả bao nhiêu.
"Giận cá chém thớt", vua Ming Mạng nổi cơn thịnh nộ, truyền xử tử hai vị giáo sĩ. May có sự can thiệp của Hoàng Thái Hậu Thuận Thiên. Bà không muốc con làm điều thất nhân ác đức, và nhắc con coi chừng nước Pháp trả thù. Thế là bản án được đổi thành lưu đày chung thân tại Lao Bảo (ở biên giới Lào), nơi rừng sâu nước độc. Sau mười ngày trèo non lội suối, ngày 12.12.1833, hai cha đến đất lưu đầy, phải sống trong trại tù có rào chắn và chông nhọn xung quanh. Niềm an ủi lớn lao của hai cha là vẫn được nhiều tín hữu viếng thăm tiếp tế lương thực.
Nhưng chưa được một tháng, Vua thay viên cai ngục khó tính hơn, và nhắn lời dụ dỗ hai vị xuất giáo. Việc dụ dỗ thất bại, viên cai ngục liền chuyển hai cha sang trại cấm cố, cho giam riêng trong một túp lều trật hẹp, bớt phần cơm và cấm tiếp tế. Thêm vào đó, ông còn cho tịch thu toàn bộ sách kinh, giấy viết. Cha Odorico Phương hay nói đùa : "Chúa thấy tôi làm thừa sai vụng về nên cho đổi qua nghề làm bếp. Tôi là đầu bếp, cha Jaccard rửa chén. Nhưng vấn đề là không có gì bỏ vào nồi để nấu thôi".
Ngoài nắm cơm mỗi ngày mỗi nhỏ bớt, hai cha phải đi hái hoa cỏ dại, chuối xanh về luộc với một ít muối để đủ sống qua ngày. Đời sống kham khổ, đói khát và cơn bệnh sốt rét ác tính đã cướp đi sinh mạng của người bạn của cha Phan. Cha Odorico Phương đã từ trần ngày 25.05.1834 sau một tuần liệt giường. Còn lại một mình cha Phan đã sống sót cách tài tình cho tròn hai mươi tháng lưu đầy. Cũng sốt rét, cũng kiết lỵ, nhưng ngài đã khuất phục được chúng. Không những thế, cha tiếp tục làm việc tông đồ trong trại, học tiếng lào để nếu có cơ hội sẽ qua đó truyền giáo. Cha cũng soạn được một cuốn ngữ vựng tiếng Chàm, nhờ sự hỗ trợ của các bạn tù người Chàm.
* Vắt chanh bỏ vỏ.
Đến tháng 09 năm 1835, vì cần người, vua Minh Mạng đưa cha về giam ở Cam Lộ (Quảng trị) để làm giáo sư. Vua gửi đến sáu thanh niên học tiếng Pháp nhưng cấm không được nói chuyện về đạo. Vua nhờ cha hướng dẫn về địa lý và lịch sử Âu Mỹ, giải thích các phong tục, tập quán và luật lệ của họ. Đặc biệt cha giúp Vua tìm hiểu về Châu Âu, nhất là luật pháp nước Nhật. Dầu bận rộn vất vả, nhưng cha rất tận tụy với Vua, vì như cha nói: "Tôi muốn chứng tỏ phải dùng điều thiện để thắng điều ác".
Ba năm trời ở Cam Lộ, niềm vui lớn nhất của cha Phan là được dâng lễ trong ngục. Một tấm ván bắc qua hai chiếc ghế làm bàn thờ, cha dâng lễ vào giữa đêm khuya, rồi thu xếp dọn dẹp ngay sau đó. Vì được quan quân kính nể, cha có thể chốn thoát dễ dàng. Chính Đức cha Thể cũng gợi ý điều đó, nhưng cha không thực hiện, vì cha biết quan quân sẽ truy lùng gắt gao. Việc truy lùng đó sẽ làm hại các tín hữu và lỡ ra nhiều người sẽ bị bắt vì mình.
Đầu năm 1838, một biến cố lớn làm thay đổi hoàn cảnh cha Phan. Số là khi triệt hạ chủng viện An Ninh gần Di Loan, cha gíam đốc Candalk Kim chạy thoát nên vùng núi, vua liền trút cơn thịnh nộ lên cha Phan "Kẻ thông đồng với tội nhân qua thư từ". Ngày 07.03 cha bị bắt trói, hỏi cung rồi bị mang gông xiềng áp giải về Quảng Trị.

* Đường lên núi sọ.
Tại Quảng Trị, quan cho căng nọc vị thừa sai và cho đánh từ 9 giờ đến trưa, nát nhiều chiếc roi, để bắt cha phải bỏ đạo. Cha trả lời : "Đạo của tôi không do Đức Vua, nên tôi không buộc phải bỏ đạo theo ý Vua được". Lần khác, cha bị tra tấn bằng kìm nung đỏ kẹp vào đùi, thịt cháy khét, đau đớn vô cùng, nhưng cha vẫn cương quyết không chối đạo.
Từ 18.07.1838, cha được giam chung với chủng sinh Tôma Thiện. Hai cha con tạ ơn Chúa, và cùng nhau nguyện cầu xin Ngài trợ giúp. Bản án từ Quảng Trị gởi vào kinh đô xin xử trảm, nhưng vua Minh Mạng đổi thành xử giảo và ký ngày 17.09. Sáng ngày 21.09.1838, quan quân dẫn hai cha con ra khỏi trại giam, đến một ngọn đồi ở làng Nhan Biều (Quảng Trị). Tới nơi xử, hai cha con từ chối bữa ăn ân huệ, và quỳ đối diện quay vào nhau cùng cầu nguyện.
Theo ý cha Phan, muốn thấy tận mắt sự trung thành của người môn sinh trẻ tuổi, nên quân lính hành xử chủng sinh Tôma Thiện trước. Sau đó, vòng dây qua cổ vị giáo sĩ rồi kéo mạnh hai đầu, đưa linh hồn ngài về Thiên Quốc.
Bà mẹ của cha Phan khi hay biết, đã reo lên "Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo". Bà nói : "Xin chúc tụng Chúa. tôi vẫn sợ sẽ buồn khổ biết bao, nếu con tôi bị khuất phục trước gian khổ, trước cực hình’.
Thi hài vị tử đạo được chôn cất ngay tại pháp trường, đến năm 1847 được cải táng về chủng viện Thừa Sai Paris. Đức Lêo XIII suy tôn linh mục Phanxicô Jaccard Phan lên hàng Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Ngày 21/09-1820-1838 Thánh Tôma Trần Văn Thiện Chủng Sinh Tử Đạo

* Tuổi trẻ hào hùng.
Trong một phiên tòa năm 1836, viên quan án xúc động trước người tù trẻ tuổi với dáng dấp thư sinh nho nhã, khuân mặt khôi ngô tuấn tú, hứa hẹn một tương lai sán lạn, ông nói với anh thật dịu dàng : "Nếu con bỏ đạo, ta sẽ gả con gái cho, và sẽ lo liệu cho con làm quan".
Chàng thanh niển trẻ tuổi ấy, anh Tôma Trần Văn Thiện đã thẳng thắn trả lời : "Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng chi danh vọng trần thế".

Tuy mới 18 xuân xanh, lứa tuổi yêu đời ham sống, chưa nếm mùi khổ đau cuộc đời, cũng chưa được học tập thâm sâu về giáo lý, anh Tôma Thiện mới vừa tới ngưỡng cửa chủng viện, đã ứng phó khéo léo trước bạo lực, đâu thua kém gì bất cứ chiến sĩ đức tin nào khác trên hoàn cầu. Quả thực, anh đã thấu hiểu lời Đức Kitô : "Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì" (Mt.16,26).

Thánh Tôma Trần Văn Thiện Chủng Sinh Tử Đạo
* Con muốn "ở chú" với cha không ?
"Chú Thiện" như người đương thời quen gọi các chủng sinh, sinh năm 1820 trong một gia đình đạo hạnh làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình.
Nữ tu Madalena Yến, một nhân chứng sống cùng thời thuật lại rằng : "Chú Thiện có một người dì, gọi là dì Nghị, làm bà nhất nhà phước Trung Quán. Chú thường lui tới thăm dì và tỏ ra rất ngoan ngoãn, nhu mì, lễ phép. Khi linh mục đến dâng lễ ở họ nhà, chú quỳ dự lễ cách nghiêm trang. Lên tám, chín tuổi, chú bắt đầu học chữ Nho, tỏ ra thông minh bền chí và tiến bộ rất nhanh.
"Có lần chú theo dì Nghị đi lễ ở họ Mỹ Lương, sau lễ vào chào các linh mục. Các cha thấy cậu bé khôi ngô, hiền lành đều hỏi : Con có muốn ở chú (đi tu) với cha không ? Cậu Tôma Thiện không thưa gì. Nhưng, chỉ ít lâu sau, người ta thấy chú thường xuyên ở nhà cha Chính, họ Kẻ Sen. Vị linh mục này đã dạy tiếng Latinh cho chú nhiều năm…"

* Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa.
Nhờ tính tình tốt lành và trí thông minh, năm 18 tuổi (1838), chú Thiện được cha giám đốc Candalh Kim gọi về chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Nhận được tin, chú Thiện cùng với người chị tên Sao hăng hái lên đường. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Yến từ Di Loan về cho biết cha bề trên Candalh Kim đã phải trốn và quân lính đang lùng bắt, rồi khuyên hai chị em đừng đi nữa, nhưng chú Thiện tỏ ra cương quyết : "Dầu không gặp cha Bề Trên, con cũng phải đến tận nơi để biết rõ sự thể. Cha đã gọi, không lẽ chưa đến nơi đã bỏ về".
Tới chủng viện, hai chị em trình diện với cha Tự. Ngài nói : "Chúng tôi lo trốn chưa xong mà chị còn dẫn em đến, chỉ làm khó khăn thêm cho chúng tôi thôi". Chị Sao đáp: "Thưa cha, em con nhờ con dẫn đi, vì có giấy cha Bề trên gọi. Chúng con không biết cuộc bắt đạo lại xảy ra bất ngờ như thế".
Hai ngày sau, quân lính bao vây làng Di Loan, lục soát từng nhà. Không tìm thấy cha Kim, nên truyền tra hỏi cặn kẽ để biết cha Bề trên trốn ở đâu. Quan khuyên chú chối đạo, nếu không sẽ bị chết. Chú Thiện thành thật trả lời: "Tôi quê ở Trung Quán, Quảng Bình, đến tìm thày học đạo. Đạo dạy tôi tờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo".
Quan tỏ ra khoan nhượng khuyên dụ chú Thiện nhiều lần : nào là tuổi còn nhỏ, tương lai còn nhiều triển vọng, nào là sẽ thăng quan tiến chức nếu bỏ đạo. Hơn thế nũa, quan còn muốn nhận chú làm con rể mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới xin. Nhưng chú Thiện đã từ chối: "Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế.
Lời khẳng khái ấy không phải ai cũng thốt ra được. Trong số những người bị bắt, nhiều người tỏ vẻ luyến tiếc cho chú đã bỏ lỡ một "cơ hội ngàn vàng". Chàng trai có dáng vóc thư sinh nhưng chí khí thật kiên cường, khiến quan phải ngạc nhiên. Từ ngạc nhiên đến tức giận, vì dám xúc phạm đến sự "bao dung" và lòng "ưu ái" của mình, thế là ông truyền đánh đòn chàng. 40 roi đòn quất trên thân thể gầy yếu, máu chảy thấm qua y phục, nhưng vị chứng nhân không lay chuyển, vẫn gan dạ mỉm cười nói : "Hãy nhìn xem máu tôi chảy ra kìa".
Thấy chú cam đảm hơn người, quan truyền đóng gông xiềng giam chú Thiện vào ngục.
Trong ngục thất, Tôma Thiện không có bà con thân thích nào đến chăm nom tiếp tế. Các giáo hữu Di Loan cũng bị bắt, lúc đầu con chia sẻ cho chú đôi chút lương thực, nhưng sau họ không cho gì nữa. Họ đã nghe quan dụ dỗ để mong trở về với gia đình. Tuy thế quan vẫn chưa thả họ ngay. Vì muốn chú Thiện cũng phải khuất phục, quan dùng những kẻ nhẹ này gây áp lực, nhưng Tôma Thiện trước sau vẫn một mực trung thành với đức tin.
Chú Thiện tiếp tục bị thẩm vấn và bị đánh đòn hai lần nữa, nhưng chú vẫn vui vẻ lãnh nhận. Mỗi lần roi quất xuống, chú lại cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin thêm sức cho con chịu đau khổ vì Chúa". Ngoài ra chú còn bị phơi nắng và bị kìm kẹp, nhưng vị anh hùng trẻ tuổi vẫn không sờn lòng, chứng tỏ một nghị lực phi thường và một đức tin hiếm có.

* Đồng khổ, đồng vinh.
Sau khi bất lực trước ý trí sắt đá của Tôma Thiện, quan truyền giam chú chung với cha Jaccard Phan. Hai cha con gặp nhau vui mừng hết sức. Chú Thiện được cha an ủi, khích lệ và ban bí tích hòa giải. Riêng cha Phan thì sung sướng hãnh diện có một người con tinh thần dũng cảm trong đức tin. Hai cha con cùng nhau cầu nguyện, nâng đỡ trợ gíup lẫn nhau và quyết chí trung thành với đạo đến cùng.
Trước tinh thần bất khuất của hai chứng nhân Chúa Kitô, quan quyết định lên án xử trảm cả hai. Bản án chú Thiện như sau : "Tên Thiện bị mê hoặc theo Gia Tô, dầu bị tra tấn cũng không bỏ đạo, nên nó phải chết giống như đạo trưởng của nó".
Bản án gởi về kinh đô. Gần một tháng sau vua Minh Mạng mới châu phê và đổi thành án xử giảo. Có lúc nóng lòng trờ đợi, chú Thiện thưa với cha Phan : "Thưa cha, người ta cứ để cha con ta sống lâu mãi, sao không sớm cho cha con ta được tử đạo, để được kết hiệp cùng Chúa muôn đời". Chú cũng viết thư về gia đình vĩnh biệt cha mẹ, họ hàng, và khuyên mọi người trung thành giữ vững đức tin.
Sáng ngày 21.09.1838, hai cha con chứng nhân Chúa Kitô cùng được dẫn ra pháp trường ở làng Nhan Biều gần Quảng trị. Khi đi qua một quán ăn, viên đội chỉ huy cho hai vị dừng chân, ăn uống theo thói quen dành cho tử tội. Cha Phan không dùng gì cả, chú Thiện thưa với cha: "Con cũng không ăn, để về dự tiệc Thiên Đường vĩnh phúc, phải không cha?" Tới nơi xử, chú Tôma Thiện quỳ xuống trước mặt cha, lính tháo gông, tròng dây vào cổ. Lệnh xử ban hành, họ kéo hai dầu dây thật mạnh, dầu vị tử đạo 18 xuân xanh gục xuống. Sau đó, đến lượt cha Phan cũng bị xử như vậy.
Khác với các tử đạo trước, cuộc hành quyết này không có giáo hữu đi theo để xin an táng. Những người ngoại đã chôn cất hai vị ngay ở pháp trường. Năm 1847 thi hài vị tử đạo được cải táng về tôn vinh tại chủng viện Hội Thừa Sai Paris.
Ngày 27.05.1900 Đức Lêo XIII đã suy tôn chủng sinh Tôma Trần Văn Thiện lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Thứ Tư Thánh Matthêô, Tông đồ Tác Giả sách Tin Mừng Lễ kính Mt 9,9-13.

Lời Chúa: Anh hãy theo tôi. Ông Mát-thêu đứng dậy đi theo Đức Giêsu.
Ha-lê-lui-a. Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi Chúa. Ha-lê-lui-a.
Chẳng một lời một lẽ,
chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu,

và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển.

Ngày 21/09 –Thánh Matthêu, Tông đồ Thánh sử
Thánh Matthêu là người Do Thái, làm việc cho quân đội La Mã với nhiệm vụ thu thuế từ những người Do Thái. Dù người Do Thái không cho phép lấy thuế quá nặng, nhưng mối quan tâm của họ là hầu bao riêng. Họ không để ý những nông dân thu thuế đã lấy gì cho họ. Do đó dân thu thuế bị người Do Thái ghét như những kẻ phản bội. Người Pharisêu (Biệt phái) bị gán vào phường tội lỗi. Nên họ thấy “sốc” khi Chúa Giêsu gọi một người như thế làm môn đệ.
Chính nhân viên thu thuế Matthêu đã mời Chúa Giêsu đến dự tiệc tại nhà mình. Phúc âm cho chúng ta thấy rằng nhiều người thu thuế cũng đến dự tiệc. Người Pharisêu cũng cảm thấy “sốc”: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?”. Chúa Giêsu trả lời: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9:12-13). Chúa Giêsu không có ý coi thường nghi lễ và việc thờ phượng mà Ngài muốn nhấn mạnh việc yêu thương người khác là điều quan trọng hơn.