Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên Lc 4,31-37.

Lời Chúa: Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Ha-lê-lui-a. Vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người. Ha-lê-lui-a.
Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc Chúa ban
trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Hãy cậy trông vào Chúa,
Mạnh bão lên, can đảm lên nào !

Hãy cậy trông vào Chúa.

Ngày 01/09 Thánh Giles (qua đời năm 710?)
Mặc dù nhiều điều về cuộc đời thánh Giles vẫn là bí ẩn, nhưng chúng ta có thể nói rằng ngài là một trong các vị thánh nổi danh nhất thời Trung cổ. Có thể ngài sinh vào giữa thế kỷ VII ở Đông Nam Pháp quốc. Đó là nơi ngài đã xây một tu viện nổi tiếng được nhiều khách hành hương dừng chân để tới Compostela ở Tây Ban Nha và Thánh Địa.
Tại Anh quốc, nhiều nhà thờ và bệnh viện cổ được dâng kính thánh Giles. Một trong các giáo phái của thành phố ở Bỉ đã đặt theo tên ngài. Tại Đức, thánh Giles là một trong 14 vị thánh bảo trợ, một số thánh mà người ta cầu nguyện, nhất là xin khỏi bệnh và xin sức mạnh trong giờ chết. Trong 14 vị thánh đó có thánh Christopher, thánh Barbara và thánh Blase. Trong đó, thánh Giles là vị thánh duy nhất không tử đạo. Lòng sùng kính các thánh này rất mạnh ở khắp Đức quốc, Hungary và Thụy Điển. Lòng sùng kính như vậy lan rộng rất nhanh. Thánh Giles được nhận là thánh bổn mạng của người nghèo và người khuyết tật.

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Thứ Hai Tuần XXII Thường Niên Lc 4,16-30.

Lời Chúa: Chúa sai tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Không một ngôn sứ nào chấp nhận tại quê hương mình.
Ha-lê-lui-a. Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Ha-lê-lui-a.
Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,
kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,

cho mọi nước hay những kỳ công của Người.

Ngày 31/08. Các Thánh Giuse-Arimathêa và Nicôđêmô
Những hành động của hai nhà lãnh đạo Do Thai có thế lực này cho thấy mức độ thu hút của Chúa Giêsu và các giáo huấn Chúa dạy, và cả mức độ nguy hiểm có thể liên lụy tới những ai theo Chúa.
Giuse  Arimathêa là một nhà lãnh đạo đáng kính, giàu có, và đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu chết, ông Giuse xin Philatô cho lấy xác Chúa, tẩn liệm rồi an táng. Vì thế, ông Giuse được coi là bổn mạng của những người mai táng. Quan trọng hơn là sự can đảm mà ông chứng tỏ khi xin xác Chúa từ Philatô, dù Chúa Giêsu là một tử tội bị xử tử công khai. Theo một vài truyền thuyết, ông Giuse đã bị phạt và bị tù vì hành động liều lĩnh đó.

Nicodemô là người Pharisêu và, cũng như Giuse Arimathêa, là nhân vật quan trọng của Do Thái hồi thế kỷ I. Chúng ta biết rất ít về ông Nicodemô. Chúng ta chỉ biết qua Phúc âm của thánh Gioan: Nicodemô đã bí mật đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm để hiểu rõ hơn về các giáo huấn của Ngài về Nước Trời. Sau đó, Nicodemô mạnh dạn nói về Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt và đã giúp an táng Chúa Giêsu.

Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm B

Lời Chúa: Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.
      Một hôm, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: "Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?" Người trả lời họ: "Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:
      Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm."
      Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.

     Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế."

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta nghe, Đức Giêsu đã tranh luận với người Pha-ri-sêu và các kinh sư, về việc giữ cho thanh sạch và đừng để ô uế theo Lề Luật. Đức Giêsu đã dùng lời ngôn sứ I-sai-a để phê phán thứ tôn giáo hình thức vụ luật của người Pha-ri-sêu và các kinh sư, họ lầm lạc khi bỏ thi hành giới răn của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục của loài người. Theo ý Chúa, lòng đạo đức đích thực không dựa trên việc làm hình thức theo Lề Luật, nhưng nó phát xuất từ nội tâm là lòng mến Chúa và yêu người, đó mới là trọng tâm trong việc thờ phượng Chúa.
     Điều đáng nói không phải là chuyện ăn uống hay tiếp xúc, mà là hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta tin khi chủ trương và thực hành những quy định và lề luật. Thiên Chúa lưu tâm đến tất cả những gì Người đã làm ra, đặc biệt là loài người chúng ta. Chương trình của Thiên Chúa là cứu độ và ban sự sống cho mọi người chúng ta, bất kể những sự khác biệt về chủng tộc hay văn hóa hoặc tôn giáo. Thiên Chúa yêu tất cả mọi người chúng ta, Ngài yêu thế giới con người và mọi thứ làm cho mọi người chúng ta hướng đến sự phát triển hoàn hảo và viên mãn, cách thực hành của người Pharisêu và các kinh sư đã làm méo mó hình ảnh của Thiên Chúa.
    Lạy Chúa, xin hãy tạo sự thinh lặng trong lòng mỗi người chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong Kinh Thánh và trong các sự kiện của đời sống thường ngày và  những người xung quanh chúng con, nhất là những người nghèo khổ và bất hạnh. Chúng con cầu xin vì danh Đức Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến thánh hóa chúng con.  Amen.

Ngày 30/08. Chân phước Jeanne Jugan (1792-1879)
Chân phước Jeanne Jugan sinh trong một gia đình nghèo ở Brittany, Pháp. Bà phải làm việc vất vả khi còn nhỏ. Mẹ bà là góa phụ nhưng biết dạy con biết giá trị của đức tin. Lúc 16 tuổi, Jeanne đi nấu ăn cho một gia đình nọ, gia đình này hay đưa Jeanne đi thăm người bệnh và người nghèo. Dần dần Jeanne cảm thấy yêu thương người già, nhất là các góa phụ nghèo.
Lúc bà 47 tuổi, vài phụ nữ khác đến ở chung nhà với bà và lập thành cộng đoàn tu trì. Họ cùng nhau cầu nguyện và chọn Jeanne làm bề trên. Họ nâng đỡ nhau trong công việc nhà, lúc rảnh họ dạy giáo lý cho trẻ em và giúp người nghèo theo khả năng. Sau một thời gian, cộng đoàn của bà trở thành Dòng Tiểu muội Người nghèo (Congregation of the Little Sisters of the Poor), chuyên giúp đỡ người già và người nghèo. Dòng có 4 lời khấn: Khó nghèo, Vâng lời, Khiết tịnh và Hiếu khách.
Nữ tu Maria Thánh giá tỏ ra là người có tài và biết tổ chức gây quỹ, nhưng lại ganh tỵ và buộc Jeanne phải từ chức bề trên. Cha linh hướng khuyên bà “sống ẩn dật ở nhà mẹ”. Suốt 27 năm cuối đời, bà sống âm thầm. Bà lặng lẽ giám sát công việc của các thỉnh sinh, những người không hề biết chuyện gì về bà, một nữ tu lớn tuổi luôn yêu thương và động viên họ. Bà còn sống và được ĐGH Lêô XIII phê chuẩn tu luật Dòng Tiểu muội Người nghèo năm 1879. Nhưng mãi 14 năm sau khi bà qua đời, người ta mới biết nữ tu Jeanne Jugan là vị sáng lập Dòng Tiểu muội Người nghèo. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã phong chân phước cho bà năm 1982.

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Thứ Bảy Thánh Gioan Tẩy Giả Bị Trảm Quyết Lễ Nhớ Mc 6,17-29.

Lời Chúa: Con muốn Ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan tẩy Giả, đặt trên mâm.
Ha-lê-lui-a. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.
Vì lạy chúa, chính ngài là đấng con trông đợi,
lạy Thiên Chúa, chính Ngày là đấng con tin tưởng
ngay từ độ thanh xuân.
Từ thuở sơ sinh, con nương tựa vào ngài,

Ngài đã kéo con ra khỏi lòng mẹ.

Ngày 29/08. Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết
Thánh Gioan được gọi là Tẩy giả vì ngài đã làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu. Ngài là vị ngôn sứ “giao thời” giữa Cựu ước và Tân ước, là ngôn sứ vĩ đại nhất và chịu số phận hẩm hiu như nhiều vị ngôn sứ thời Cựu ước: Bị chống đối và bị giết chết. “Tiếng kêu trong sa mạc” đã không ngại ngùng kết án kẻ tội lỗi, can đảm nói sự thật.
Ngài là nhà cải cách tôn giáo vĩ đại được Thiên Chúa sai đến để chuẩn bị lòng dân cho Đấng Thiên Sai. Sức mạnh duy nhất mà ngài tuyên xưng là Thần Khí của Giavê: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và Lửa” (Mt 3:11).
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng nhiều người đi theo thánh Gioan để hy vọng, có thể là được tham dự quyền thiên sai nào đó. Ngài không bao giờ cho phép mình tiếp nhận những người này vì vinh danh mình. Ngài biết mình được gọi để chuẩn bị. Thời giờ đã điểm, ngài dẫn các môn đệ tới gặp Chúa Giêsu: “Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su” (Ga 1:35-37). Chính thánh Gioan Tẩy giả đã chỉ cách đến với Đức Kitô. Cuộc đời và cái chết của ngài là việc hiến dâng cho Thiên Chúa và mọi người. Đời sống giản dị của ngài là cách sống tách khỏi mọi thứ vật chất. Tâm hồn ngài tập trung vào Thiên Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần nói trong tâm hồn mình. Tin vào hồng ân Thiên Chúa, ngài can đảm kết tội, kêu gọi sám hối và nói về ơn cứu độ.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

Thứ Sáu Thánh Augustinô Giám mục tiến sĩ Hội Thánh Lễ nhớ Mt 23,8-12.

Lời Chúa: Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em.
Ha-lê-lui-a. Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời; anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô. Ha-lê-lui-a.
Môi con hằng nhẩm đi nhắc lại,
các quyết định miệng Ngài phán ra.
Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng

hơn là tiền rừng bạc bể.

Ngày 28/08. Thánh Augustinô, Giám mục Tiến sĩ Giáo hội (354-430)
Ngài vào đạo lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi. Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân.
Đó là nhờ nước mắt của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.
Trong những năm đầu đời, ngài đắm chìm trong kiêu ngạo và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời ngài – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý. Chính kinh nghiệm đời ngài mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ.
Cũng như tiên tri Giêrêmia và các tiên tri khác, thánh Augustinô cũng không thể im lặng: “Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Thứ Năm Thánh Nữ Mônica Lễ nhớ Mt 24,42-51.

Lời Chúa: Anh em hãy sẵn sàng.
Ha-lê-lui-a. Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Ha-lê-lui-a.
Bảo nhau sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng Ngài cao cả lắm thay !
Nhắc nhở luôn Ngài nhân ái vô cùng,

hoan hô Ngài công chính.

Ngày 27/08. Thánh Monica (322?-387)
Thánh Monica bị coi là một người vợ hay cằn nhằn, là con dâu đau khổ và là người mẹ thất vọng, nhưng bà không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh. Dù bà là một Kitô hữu, cha mẹ vẫn bắt bà kết hôn với người ngoại giáo tên là Patrixiô, dân thành phố Tagaste ở Bắc Phi. Patrixiô có vài đặc điểm bù lại, nhưng ông rất nóng tính và phóng túng. Monica phải chịu đựng bà mẹ chồng cực kỳ khó tính. Patrixiô phê bình vợ vì tính bác ái và đạo hạnh, nhưng vẫn luôn tôn trọng bà. Lời cầu nguyện và gương lành của Monica đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công giáo. Patrixiô mất năm 371, sau khi được rửa tội 1 năm.
Thánh Monica có 3 người con. Con cả là Augustinô, người nổi tiếng nhất. Lúc người cha mất, Augustinô 17 tuổi và đang là sinh viên khoa hùng biện ở Carthage. Thánh Monica rất buồn khi biết con trai mình theo tà thuyết Manichean (*) và sống vô luân. Bà không cho Augustinô ăn uống hoặc ngủ trong nhà. Một đêm kia, bà thấy thị kiến chắc chắn Augustinô sẽ trở lại. Từ đó bà luôn theo sát con, cầu nguyện và ăn chay vì con.
Lúc 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy khoa hùng biện. Thánh Monica quyết định đi theo. Một đêm nọ, Augustinô nói với mẹ là sắp đi tạm biệt một người bạn. Nhưng không, Augustinô lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica rất đau khổ khi biết con lừa dối mình, nhưng bà vẫn đi theo. Bà vừa đến Rôma thì biết tin con trai “trời đánh” Augustinô đã đi Milan. Dù việc đi lại khó khăn, thánh Monica vẫn theo con tới Milan.
Tại Milan, Augustinô chịu ảnh hưởng một vị giám mục là thánh Ambrôsiô, đồng thời là linh hướng của thánh Monica. Bà nghe lời khuyên của thánh Ambrôsiô và khiêm nhường từ bỏ mọi sự. Thánh Monica trở thành trưởng nhóm của các phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi bà ở Tagaste.
Bà tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô. Lễ Phục sinh năm 387, thánh Ambrôsiô rửa tội cho Augustinô và vài người bạn của Augustinô. Ngay sau đó, nhóm của Augustinô đi Phi châu. Biết mình không còn sống bao lâu nữa, bà nói với Augustinô: “Con này, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”. Sau đó bà lâm bệnh, và sau 9 ngày bệnh nặng thì bà qua đời. Hầu như những gì chúng ta biết về thánh Monica là nhờ các tác phẩm của thánh Augustinô, đặc biệt là cuốn Tự Thuật (Confessions).

Thứ Tư Tuần XXI Thường Niên Mt 23,27-32.

Lời Chúa: Các người là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ.
Ha-lê-lui-a. Ai giữ lời Đức Ki-tô dạy, thì nơi kẻ ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thật sự nên hoàn hảo. Ha-lê-lui-a.
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan ?
con có lên trời, Chúa đang ngự đó,

nằm cõi âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.

Ngày 26/08. Thánh Giuse Calasanz, Linh mục (1556-1648)
Giuse Calasanz sinh tại Aragon, rồi sang Rôma, cũng tại đây ngài qua đời lúc 92 tuổi. Cuộc đời ngài nhiều thăng trầm. Ngài là một linh mục có bằng cấp về giáo luật và thần học, được kính trọng vì sự khôn ngoan và giỏi quản lý. Ngài bỏ mọi sự vì quan tâm giáo dục trẻ em nghèo. ĐGH Clementô VIII hỗ trợ ngài mở trường học, và việc này kéo dài tới thời ĐGH Phaolô V. Các trường khác cũng được mở thêm. Nhiều thanh niên bị thu hút vào công việc này, và năm 1621 cộng đoàn này được công nhận là dòng tu, gọi là Học viện Giáo sĩ hoặc Dòng Piarists – cũng gọi là Dòng Scolopi. Không lâu sau, ngài được bổ nhiệm làm bề trên.
Vì thành kiến, tham vọng chính trị và thủ đoạn khiến cho học viện bị xáo trộn. Một số người không ủng hộ việc dạy trẻ em nghèo, vì giáo dục như vậy khiến những người nghèo không thỏa mãn với nhiệm vụ đối với xã hội! Một số người khác cho rằng một số tu sĩ đã được sai đi để hướng dẫn Galileo (một người bạn của Giuse Calasanz) làm bề trên. Sự phân chia các thành viên thành những nhóm đối lập. Liên tục bị các Ủy ban Tòa thánh kiểm tra, ngài bị giáng chức, còn các tu sĩ Dòng Piarists bị áp bức. Mãi đến sau khi ngài qua đời người ta mới chính thức công nhận nhóm của ngài là một tu viện.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên Mt 23,23-26.

Lời Chúa: Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.
Ha-lê-lui-a. Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rỏ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghĩ ngơi, Chúa điều xem xét,

mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.

Ngày 25/08. Thánh Louis, Vua nước Pháp (1226-1270)
Khi đăng quang là vua nước Pháp, thánh Louis tuyên thệ sẽ ăn ở xứng đáng một người được xức dầu của Thiên Chúa, là người cha của dân tộc và là vua yêu chuộng hòa bình. Dĩ nhiên các vua khác cũng tuyên thệ như vậy. Nhưng vua Louis khác vì ngài làm nhiệm vụ trong ánh sáng của đức tin. Hai triều đại trước đầy bạo lực, nhưng triều đại của vua Louis lại đầy hòa bình và công lý.
Ngài lên ngôi lúc mới 12 tuổi, sau khi phụ vương ngài băng hà. Mẫu hậu ngài là Blanche Castile đã cai trị nhiếp chính khi ngài còn nhỏ. Năm ngài 19 tuổi, ngài kết hôn với Marguerite Provence (lúc đó phu nhân mới 12 tuổi). Đó là cuộc hôn nhân lâu dài, không gặp thử thách. Họ có 10 người con.
Lúc 30 tuổi, vua Louis cầm Thánh Giá cho một Thập tự quân. Quân đội của ngài chiếm Damietta ở Nile, nhưng không lâu sau, do bị kiết lỵ và yếu sức, ngài bị bắt. Ngài được thả nhờ trả lại thành phố Damietta. Ngài sống ở Syria 4 năm.
Ngài luôn tuân phục Đức Giáo hoàng, nhưng ủng hộ các mối quan tâm của hoàng gia nghịch ý các giáo hoàng và không chấp nhận lời kết án của ĐGH Innocent IV chống lại hoàng đế Frederick II. Ngài tận tâm với mọi người, mở các bệnh viện, thăm viếng bệnh nhân theo gương thánh bổn mạng ngài là thánh Phanxicô, chăm sóc các bệnh nhân phong cùi.
Hàng ngày ngài ăn chung với 13 “vị khách đặc biệt” là những người nghèo, và nhiều người nghèo khác được phục vụ bữa ăn gần hoàng cung. Trong mùa Vọng và mùa Chay, ai đến cũng được ngài cho ăn uống, và đích thân ngài phục vụ họ. Ngài luôn có danh sách những người nghèo khổ, và ngài thường xuyên giúp đỡ họ.
Bị Hồi giáo quấy nhiễu ở Syria, năm 1267 đích thân dẫn quân đi chiến đấu, khi đó ngài 41 tuổi. Thập tự quân của ngài chuyển sang Tunis theo ý người anh em của ngài. Quân đội bị bệnh mất 1/10 chỉ trong vòng 1 tháng, và chính ngài cũng băng hà trên đất khách quê người ở tuổi 44. Sau 27 năm, ngài được phong thánh. Vua Thánh Louis là một trong những thánh bổn mạng của Dòng Ba Phanxicô.

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Thứ Hai Thánh Barthôlômêô Tông Đồ Lễ kính Ga 1,45-51.

Lời Chúa: Đây chính thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.
Ha-lê-lui-a. Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen. Ha-lê-lui-a.
Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong việc Người làm.
Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,

mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.

Ngày 24/08. Thánh Batôlômêô, Tông đồ
Trong Tân ước, thánh Batôlômêô chỉ được nhắc đến trong danh sách các tông đồ. Một số học giả xác định ngài với Nathanael, một đàn ông người Cana ở Galilê đã được Philipphê nói cho biết về Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khen ông: “ Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1:47). Khi Nathanael hỏi Chúa Giêsu làm sao biết ông, Chúa Giêsu nói:“Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi” (Ga 1:48). Điều mặc khải lạ lùng là Nathanael tuyên xưng: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en!” (Ga 1:49). Chúa Giêsu nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa” (Ga 1:50).
Nathanael đã thấy những điều lớn lao hơn. Ngài là một trong các tông đồ được Chúa Giêsu hiện ra trên bờ biển Tibêria sau khi phục sinh (x. Ga 21:1-14). Họ đã đánh cá suốt đêm mà vô ích. Đến sáng, họ thấy một người đứng trên bờ nhưng không ai biết đó là Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã bảo họ thả lưới, họ làm theo và đánh được rất nhiều cá. Rồi Gioan nói với Phêrô: “Thầy đấy”.
Khi họ cho thuyền vào bờ, Chúa Giêsu bảo họ nướng cá, và cùng họ dùng bữa. Biết là Thầy rồi nên các ông không dám hỏi xem đó là ai. Thánh Gioan nói đó là lần thứ ba Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B

Lời Chúa: Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
     Tại hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời.” Nghe vậy, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
     Nhưng trong anh em có những kẻ không tin." Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: "Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa.

     Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?" Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa."

CẦU NGUYỆN & SUY NIỆM
      Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói: “Ai ăn Thịt và uống Máu tôi, thì được sống muôn đời”. Nghe rồi, nhiều môn đệ liền nói: “ Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi ?” Vậy, Đức Giêsu lấy gì để bảo đảm cho lời nói của Ngài là đáng tin cậy và đâu là sự thật ?
       Đức Giêsu là một sự kiện, là một biến cố và là một mầu nhiệm. Những từ ngữ và lý giải, là để hiểu đúng và hiểu hơn về Đức Giêsu Kitô. Người ta chưa hiểu hết về Ngài, người ta đang cố gắng hiểu và diễn tả về Ngài, mỗi lần diễn tả giúp con người hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Đức Giêsu. Và có thể, cũng che khuất Ngài dưới một khía cạnh nào đó. Một điều đáng mừng là ngày nay người ta vẫn còn đang truy tìm về Đức Giêsu Kitô, người ta đang cố gắng diễn tả về Đức Giêsu Kitô với hy vọng giúp con người ngày nay hiểu và chấp nhận Đức Giêsu Kitô hơn. Tất cả những điều này cho thấy, hiện nay Thánh Thần Thiên Chúa vẫn đang hoạt động nơi con người ngày hôm nay một cách rất sống động.
      Đời sống người Kitô hữu chúng ta chọn Chúa là chân lý, là kim chỉ nam của cuộc đời chúng ta. Không biết bao cám dỗ trong cuộc mưu sinh vì cơm áo gạo tiền, có những lúc chúng ta quên mất sự lựa chọn thuộc về Chúa. Và trong cuộc đời, có những lúc chúng ta dường như sắp sửa mất tất cả, thì điều quan trọng đó là chúng ta cần phải được giúp đỡ để không thất vọng và nản chí. Các môn đệ cũng vậy, niềm tin của các ông đang bị thử thách. Trước lời xác quyết của Chúa: “ Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống” Thì một số môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, vì không thể nào chấp nhận được lời giảng dạy ấy, số còn lại trong nhóm mười hai thì vẫn trung thành với Chúa và Phêrô đã thay mặt cho nhóm mà tuyên xưng: “ Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”
     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin cảm tạ Chúa đã lập Phép Thánh Thể để làm của ăn uống thiêng liêng cho chúng con. Xin Chúa làm no thoả những đói khát của chúng con, khi chúng con lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Và xin cho chúng con giữ vững lời Chúa, đừng để chúng con nghe theo lời quyến rũ rỉ tai của ma quỷ, mà chối bỏ đức tin và xa lìa Chúa.   Amen.

Ngày 23/08. Thánh Rôsa Lima, Trinh nữ (1586-1617)
Đây là vị thánh tiên khởi của Tân Thế giới. Bà đã bị chống đối hơn là được khâm phục và bắt chước vì bà hành xác quá nhiều.
Bà sinh trưởng trong một gia đình người Tây Ban Nha ở Lima, Peru, lúc mà Nam Mỹ đang lúc được Phúc âm hóa hồi. Bà noi gương thánh Catarina Siena, dù bị cha mẹ và bạn bè chế nhạo.
Các vị thánh luôn có tình yêu vĩ đại dành cho Thiên Chúa đến nỗi có vẻ kỳ lạ đối với chúng ta, thậm chí chúng ta còn coi thường. Vì Rôsa đẹp nên được nhiều người ái mộ và thích nựng, thế nên bà lấy tiêu xoa mặt để mặt bà bị những vết sưng tấy cho xấu đi. Sau đó, bà đeo những khoen bạc trên đầu có những đinh nhọn đâm vào đầu như mạo gai vậy.
Khi cha mẹ bà gặp rắc rối về tài chính, suốt ngày bà lao động ngoài vườn và may vá vào ban đêm. Cha Mẹ muốn bà kết hôn nhưng bà không chịu và bà phải đấu tranh suốt 10 năm. Họ không cho bà đi tu, nhưng bà vẫn tiếp tục đền tội, vào Dòng Ba Đa Minh và khấn giữ mình đồng trinh tại gia. Bà khao khát sống như Chúa Giêsu nên bà dành nhiều thời gian sống cô tịch ngay tại nhà.
Trong vài năm cuối đời, bà dành một phòng để chăm sóc các trẻ em cơ nhỡ, người già và người bệnh. Đây là khởi đầu cho công việc xã hội ở Peru.
Bà có một tình yêu rất mãnh liệt đối với Thiên Chúa, dù bà bị cám dỗ dữ dội và kém sức khỏe. Bà qua đời khi mới 31 tuổi, cả thành phố tuôn ra đường đưa tang bà. Những người khiêng quan tài bà là những đàn ông giỏi giang xuất chúng.

Thứ Bảy Đức Maria Nữ Vương Lễ nhớ Lc 1,26-38.

Lời Chúa: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
Ha-lê-lui-a. Kính chào Đức Maria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. Ha-lê-lui-a.
Ai sánh tày Thượng Đế Chúa ta,
Đấng ngự chốn cao vời,

cúi xuống nhìn xem bầu trời trái đất.

Ngày 22/08. Đức Maria Trinh vương
ĐGH Piô XII thiết lập lễ này năm 1954. Nhưng lễ Đức Maria Trinh vương có nguồn gốc từ Kinh thánh. Khi sứ thần Gabriel báo tin Con Mẹ sẽ nhận Vương triều David và cai trị đời đời. Mẹ đi thăm chị Elizabeth, Mẹ được gọi là “Mẹ Thiên Chúa”. Trong mọi bí ẩn cuộc đời Mẹ, Mẹ luôn kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu: Thiên chức Nữ vương là chia sẻ Thiên chức Quốc vương của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nhớ lại trong Cựu ước, mẹ của vua có ảnh hưởng nhiều trong việc triều chính.
Thế kỷ IV, thánh Ephrem gọi Đức Mẹ là “Lệnh Bà” và “Nữ vương”, rồi các Giáo phụ và các Tiến sĩ Giáo hội vẫn tiếp tục dùng danh hiệu này. Các bài thánh ca (hymns) hồi thế kỷ XI và XIII đều tôn xưng Mẹ là Nữ vương: “Kính mừng Nữ vương”, “Kính mừng Nữ hoàng Thiên quốc”, “Nữ vương Thiên đàng”. Chuỗi Mân côi của thánh Đa Minh và triều thiên của thánh Phan Sinh cũng như nhiều lời cầu trong Kinh cầu Đức Bà (Mary’s litany) đều nhắc đến chức Nữ vương.
Lễ này theo sau lễ Đức Mẹ Mông triệu một cách hợp lý và được mừng vào ngày thứ tám sau lễ Mông triệu. Trong tông thư “Nữ hoàng Thiên quốc” (To the Queen of Heaven), ĐGH Piô XII nói rằng Đức Maria xứng đáng nhận danh hiệu này vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sống kết hợp mật thiết với công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu với cương vị là Eva mới, vì Mẹ hoàn hảo trổi vượt và vì Mẹ có quyền bầu cử cho chúng ta.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Ngày 21/08- 1787-1838 Thánh Giuse Đặng Đình Viên Linh Mục Tử Đạo

Giuse Ðặng Ðình Viên còn có tên là lương, Sinh năm 1787 tại làng Tiên Chu, huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, Linh mục triều, bị xử trảm ngày 21/8/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn cha Giuse Đặng Đình Viên lên hàng Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 21/08.
Ngày 17-04-1838, quan quân đang lùng bắt những đạo trưởng Công Giáo thì tại An Liêm, lương dân bắt được một người lạ mặt, một thầy giảng với sáu bức thơ và bình đựng dầu thánh. Thầy giảng này do Cha Viên sai đi để gửi các thư và lấy dầu thánh.
Tại làng An Liêm, một làng nửa Công Giáo nửa bên lương, đã từ lâu có sự hiềm khích vì người Công Giáo đã được phép chước không phải góp tiền vào các dịp cúng lễ trong năm. Nhân dịp này bên lương yêu cầu bên giáo hủy bỏ điều này, từ nay góp tiền vào việc cúng thần thì sẽ bỏ qua nội vụ. Song lệnh của đức cha và của tòa thánh là không thể thông công vào các việc dị đoan. Thế là dân làng An Liêm đem nộp cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Ông này mừng rỡ liền sai 800 lính đến Cao Xá theo lời khai của thầy giảng để lùng bắt Cha Viên. Từ đây mở màn cho những cuộc lùng bắt ghê gớm tại các tỉnh Nam Ðịnh, Hưng Yên....
Cha Giuse Viên, tác giả sáu bức thư, sinh năm 1787 tại làng Tiên Chu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Cha mẹ là những tín hữu sốt sắng đã gửi cậu Viên vào nhà Ðức Chúa Trời ở họ Vân, xứ An Thị Sau đó cậu được gửi theo học Latinh và Thần Học tại Lục Thủy, và năm 1824 ngài được thụ phong linh mục. Lúc đó Cha Viên mới 36 tuổi.
Hai năm sau, Cha Viên được đổi về miền Bắc Ninh, và trong suốt 16 năm trời cha hoạt động rất đắc lực cho Chúa và các linh hồn tại các họ Ðông Bài, Thiết Nham, Như Thiết, An Mỹ.
Vì những lá thơ đó, Cha Viên bị các quan quân truy nã rất gắt gao. Họ được lệnh đi tìm bắt Cha Viên bằng mọi giá. Quan đầu tỉnh Hưng Yên là Hà Thúc Lương gửi người về tỉnh và huyện để tra khảo tên tuổi lý lịch Cha Viên nhưng không ai biết Cha Viên ở đâu. Sau cùng họ bá cáo về kinh, vua phẫn nộ và trách quở quan tuần. Vua còn ra chỉ thị cho quan phải bắt Cha Viên trong một thời kỳ đã ấn định sẵn. Trong thời gian khá lâu, quan cũng không tìm ra tông tích nên quan lại phải xin vua gia hạn. Biết rằng tìm kim đáy biển, quan liền bày ra một diệu kế và mạo nhận viết một lá thơ cho Cha Viên lấy tên là người nhà của Cha Viên. Trong lá thơ tỏ ra rất lo lắng cho số mạng của Cha Viên và chỉ muốn giúp đỡ Cha Viên mà thôi. Qua diệu kế và lời hứa thưởng bội hậu, quan đã tìm thấy hai tên phản bội. Hai tên này là Ðặng Ðình Lại và Ðặng Ðình Nhật, anh ruột và cháu ruột của Cha Ðặng Ðình Viên.
Theo sự kiện trên, chúng ta thấy lời Chúa hoàn toàn ứng nghiệm: "Các con sẽ bị nộp trước tòa bởi chính cha mẹ, anh em bạn hữu mình". (Lk 21, 16). Hai tên phản bội này mất cả tháng trời để dò la tin tức về Cha Viên, sau cùng họ tìm ra nhà bà Hai Nhi, nhà mà họ nghi là Cha Viên đang ẩn núp, ở họ Cầu Chảy, xã Như Thiết. Họ đưa cho người đàn bà ra mở cửa một lá thơ đề tên Cha Viên. Chị này cầm đến cho cha, khi cha mở ra thì biết rằng mình bị mắc mưu. Cha cố gắng dán thơ lại nhưng không thể nào giống như cũ được cha đành phải vội vàng trả lại. Khi hai tên này nhận được thơ thì biết ngay là chỗ ở của Cha Viên, mặc dầu người trong nhà tìm đủ cách để đánh lạc hướng. Hai tên phản bội cũng ngầm đi báo lính canh gần đấy. Sau này chính hai tên này xưng hô rằng chúng muốn đích thân để bắt Cha Viên nhưng sợ không đủ thời giờ đành phải nhờ lính. Chúng muốn tri hô lên vậy để kiếm thêm tiền thưởng. Vừa nói xong quan tuần đến ngay. Chỉ kịp giờ cho Cha Viên chạy ra vườn mía sau nhà. Từ vườn mía cha không thể lẩn trốn ngay mà không bị lộ tông tích, tuy nhiên nếu lanh chân cha vẫn có thể trốn thoát nếu không vì lòng thương xót kẻ khác thúc đẩy để cha ra nộp mình.
Hiểu biết như vậy, quan tuần lôi một đứa trẻ thuộc gia đình đó ra tra tấn. Mặc dầu bị tra tấn rất dã man, em bé vẫn can đảm chịu đựng và sau cùng không chịu được nữa em phải kêu lên: "Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin đến cứu con, con không biết chỗ ẩn núp của linh mục đó".
Em đau đớn rên rỉ làm Cha Viên phải xuất đầu lộ diện và nói: "Tôi đây là linh mục Viên, hãy bắt tôi và tha cho em đó".
Hôm ấy là ngày 01-08, Cha Viên bị bắt. Thấy vậy quan quân cũng phải đem lòng khâm phục vì gương anh dũng và lòng thương người của Cha Viên. Trước khi quân lính lăn xả vào trói Cha Viên, chúng nói với nhau: "Nếu người này có cái răng gẫy, chính là đạo trưởng Viên".
Khi khám phá ra dấu đó, lính lăn xả vào trói và đánh Cha Viên. Khi đánh xong chúng đeo gông và xiềng xích vào cho ngài rồi lôi ra đình làng, sau đó từ đình làng tới Hưng An và nhốt cha trong tù chung với những kẻ trộm cướp, sát nhân.
Mặc dầu bị đau đớn hành khổ cùng đeo xiềng xích Cha Viên vẫn một lòng trung tín cùng Chúa và đạo thánh người. Họ tra khảo lý lịch và bắt cha dịch ngay lá thơ viết bằng ngoại ngữ ra tiếng Việt, cha vâng lời ngay tức khắc.
Ðức Cha Marti đã viết trong cuốn hồi ký của ngài rằng khi Cha Viên dịch ra tiếng Việt thấy lá thơ không có mưu đồ hại gì càng làm cho quan rất phẫn nộ vì chính ông đinh ninh rằng thơ này có ẩn ý gì hoặc hãm hại ông hay vua.
Một điều chắc là họ muốn tìm bắt cho được Cha Hermosilla, vị truyền giáo còn lại mà những lá thơ này đã ám chỉ đến ngài.
Lẽ dĩ nhiên Cha Viên là tác giả những lá thơ đó, nên bị hành khổ tra tấn rất dã man và với ơn Chúa giúp, cha vẫn khăng khăng một mực từ chối không tiết lộ điều gì có nguy hại cho các linh mục cả.
Qua những sự kiện này họ vẫn không thể lay chuyển được Cha Viên nên ngày 03-08 các quan làm án như sau: "Hết lòng trung thành với vua, chúng tôi đã bắt được tên Ðặng Ðình Viên, người bản quốc và là công dân triều đình vì tội hắn là đạo trưởng Gia-tô, hắn thuộc loại ngu ngốc, đã dám theo người tây phương và chẳng những đã theo đạo tà này lại còn dạy kẻ khác theo nữa và dùng mưu mô để lường gạt dân chúng. Khi có lệnh vua cấm, hắn vẫn ngang nhiên phản lại. Hắn còn dám thông đồng và viết thơ cho người Tây phương bằng ngôn ngữ của họ. Hiển nhiên, hắn đã làm quấy và khờ dại không biết phải trái. Về phần chúng tôi, chúng tôi vẫn một lòng dạ với vua và do đó hắn phải xử trảm như Ðỗ Yến. Vậy xin vua phê cho Ðặng Đình Viên cũng như vậy".
Ngày 12-08, vua phê như sau: "Ðạo trưởng tên Lương cũng gọi là Ðặng Ðình Viên, thần dân của nước trẫm và là đạo trưởng của đạo Gia-tô đã theo tả đạo. Ðã vậy hắn vẫn không sợ hoặc ăn năn hay xuất đạo, ngược lại hắn đã viết thơ bằng tiếng ngoại ngữ cho bốn người tây phương, nếu vậy hắn là thứ đạo trưởng của tả đạo. Ta đồng ý và tuyên án, hắn phải trảm quyết".
Từ khi bị kết án rồi, theo lời một nhân chứng, quan quân còn dùng đủ cách để tra khảo và bắt ép Cha Viên phải chà đạp thánh giá và xuất đạo, nhưng đầy tớ Chúa vẫn khăng khăng một mực trung tín. Có lúc chúng dùng lời nịnh bợ và cố để lọt vào tai cha. Chúng nói với nhau: "Nếu ông này chọn sống với chúng ta, ông ấy có thể làm lớn như chúng ta vì ông có bộ mặt rất sắc sảo thông minh hơn người".

Cha Viên nghe vậy, ngài chỉ làm thinh.

Lệnh vua về tới Nam Ðịnh ngày 21-08, quan quân lập tức thi hành ngay. Một trong hai tên phản bội đấm ngực và xin được tha thứ. Cha Viên sẵn sàng ngay nhưng cha cho hắn ta biết tội rất nặng và đòi anh ta phải đi xưng tội và làm việc đền tội. Hành động xin tạ tội này không thật lòng vì sau này anh ta vẫn tiếp tục làm hại các linh mục.
Cha Viên bị đeo gông, và xiềng xích rất nặng như một tên tội nhân cùng khổ nhất. Trước khi hành xử chúng còn cố gắng dụ dỗ cha xuất giáo một lần nữa nhưng cha cương quyết cự tuyệt sau đó chúng mới đọc bản án.
Quan quân tụ họp ngay tại đình làng. Dẫn đầu bằng một tên lính mang bản án. Sau hắn ta là đoàn lý hình với gươm giáo rồi đến quan quân chễm chệ trên lưng voi dẫn ra pháp trường. Theo sau có rất đông dân chúng cả lương lẫn giáo. Vừa đi Cha Viên vừa chăm chỉ cầu nguyyện, có lúc cha khóc lóc và ăn năn vì tội mình. Một người ngoại đạo, ngạc nhiên nói với người Công Giáo vì anh ta cho rằng Cha Viên có lẽ sợ nên đã khóc. Người Công Giáo bảo anh ta rằng: "Ông lầm rồi, cha chúng tôi không khóc vì sợ chết, mà khóc vì vui mừng đó thôi".
Khoảng trưa thì cả đoàn người đã tới pháp trường gọi là Ba Tòa. Họ tháo gông và xiềng xích cho cha. Một vài giáo dân đã đem theo sau mảnh chiếu và trải cho cha ngồị
Họ cũng mang đồ ăn cho cha. Nhưng cha chỉ nếm thôi để làm hài lòng họ. Sau mấy phút trầm ngâm cầu nguyện, cha đưa hai cánh tay cho họ trói giật lại. Cha Viên, như con chiên trên bàn hiến tế, ngoan ngoãn giương cổ cho lý hình đang chờ sẵn. Lúc đó hai tên phản bội lăn xả xuống và xin Cha Viên tha tội. Cha nói, cha sẵn sàng tha cho họ với điều kiện họ phải đi xưng tội và làm việc đền tội. Trong hồi ký, Ðức Cha Marti kể rằng: "Có một người ngoại đạo tên Hòa đến gần Cha Viên và nói thầm với cha rằng: 'Hôm nay cha về trời, nếu cha cần phải nhắn bảo hay làm gì, con sẵn sàng làm theo ý cha".
Thinh lặng trong phút cầu nguyện, cha hướng mặt về trời lần sau chót và lý hình vung gươm chém một nhát. Ðầu cha lăn ngay xuống đất và linh hồn hạnh phúc ấy được hợp hoan cùng Chúa muôn đời. Cha thọ 52 tuổi.
Theo tập quán của thời này, dân chúng lương cũng như giáo chạy ra và thấm máu cha cũng như họ đã tranh nhau lấy tất cả những gì thuộc về cha và có người bán chác ngay tại chỗ, thậm chí có người dám cắt tai cha để bán lại cho giáo dân.
Sau đó, bổn đạo tại làng Vân xin giữ đầu Cha Viên, nhưng giáo dân làng Tiên Chu ngăn cản họ. Trong khi đó quan tuần đã cho phép dân chúng làng Tiên Chu giữ cả xác và đầu Cha Viên và họ đã chôn cất tại nhà thờ mà vua đã cho phá. Làng Tiên Chu có khoảng ba ngàn giáo dân.
Sau vụ này, vua ban thưởng ba trăm quan. Số tiền này họ chia nhau và cho cả hai tên phản bội nữa. Sau đó quan tuần được thăng chức. Ðó là tất cả các lợi lộc, chức tước của đời này, còn chúng ta những người Công Giáo thì sao? Chúng ta phải đợi phán xét xử công minh của Chúa. Ðó mới là chính phần thưởng vĩnh cửu đời sau.
Đức Lêo XIII suy tôn cha Giuse Đặng Đình Viên lên hàng Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Thứ Sáu Tuần XX Thường Niên Mt 22,34-40.

Lời Chúa: Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, và yêu người thân cận như chính mình.
Ha-lê-lui-a. Lạy Thiên Chúa con thờ, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài. Ha-lê-lui-a.
Chúa phù trợ những khách ngoại kiều.
Người nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.
Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,

xi-on hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời.

Ngày 21/08. Thánh Piô X, Giáo hoàng (1835-1914)
Có lẽ ĐGH Piô X được nhớ đến nhiều nhất vì ngài khuyến khích rước lễ thường xuyên, nhất là đối với trẻ em.
Là con thứ hai trong 10 anh chị em trong một gia đình người Ý nghèo, Giuse Sarto trở thành ĐGH Piô X lúc 68 tuổi, một trong các vị giáo hoàng vĩ đại nhất thế kỷ XX.
Ngài biết phận mình nên ngài nói: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, tôi sẽ chết nghèo hèn”. Ngài lúng túng vì một số nghi thức long trọng đăng quang giáo hoàng. Ngài nói trong nước mắt với các bạn già: “Nhìn kìa! Người ta cho tôi mặc đẹp biết bao!”. Ngài nói với người khác: “Phải chấp nhận như thế là việc đền tội. Họ dẫn tôi đi với lính tráng vây quanh như Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt trong vườn Gếtsimani vậy”.
Quan tâm tới chính trị, ngài khuyến khích người Công giáo Ý quan tâm tới chính trị hơn. Một trong các hành động trong triều đại giáo hoàng của ngài là chấm dứt quyền được coi là của chính phủ can thiệp vào việc bầu giáo hoàng – một động thái làm giảm tự do của mật viện.
Năm 1905, khi Pháp từ bỏ thỏa hiệp với Tòa thánh và đe dọa tịch biên tài sản giáo hội nếu chính phủ không có quyền kiểm soát giáo hội, ngài vẫn thẳng thừng từ chối yêu cầu vô lối của Pháp.
Dù không có những tông thư nổi tiếng như những vị tiền nhiệm, ngài vẫn tố cáo những cách cư xử tồi tệ với những người Ấn tại các đồn điền ở Peru, ngài còn gởi phái đoàn cứu trợ tới Messina sau khi động đất và cho họ tị nạn bằng chính tiền riêng của ngài.
Dịp kỷ niệm năm thứ 11 trên cương vị giáo hoàng của ngài, Âu châu chìm trong thế chiến I. Ngài đã biết trước điều đó. Ngài nói: “Đây là nỗi đau khổ cuối cùng mà Chúa sẽ đến thăm tôi. Tôi vui mừng dâng Chúa sự sống của tôi để cứu các trẻ em nghèo trong tai họa khủng khiếp này”. Ngài qua đời sau khi thế chiến xảy ra được vài tuần.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Thứ Năm Tuần XX Thường Niên Mt 20,1-16a.

Lời Chúa: Gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới.
Ha-lê-lui-a. Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa. Ha-lê-lui-a.
Đức công chính của Ngài,
con loan truyền giữa lòng đại hội;
lạy Chúa, Ngài từng biết:

con đâu ngậm miệng làm thinh.

Ngày 20/08. Thánh Bênađô Clairvaux, Viện phụ, Tiến sĩ Giáo hội (1091-1153)
Thánh Bernard Clairvaux là cố vấn của các giáo hoàng, người giảng thuyết của Thập tự quân Đệ nhị (Second Crusade), người bảo vệ đức tin, người chữa lành ly giáo, người cải cách đời sống đan viện, học giả Kinh thánh, thần học gia và nhà thuyết giảng lưu loát.
Năm 1111, lúc 20 tuổi, ngài vào Dòng Xitô (Citeaux). Năm anh em ngài, hai người thúc bá và khoảng 30 người bạn trẻ đều theo ngài đi tu. Trong 4 năm, cộng đoàn đang suy yếu đã hồi phục nhanh đến nỗi mở thêm tu viện mới ở thung lũng Wormwoods gần đó, và ngài là Viện phụ. Thung lũng này được đổi tên thành Clairvaux – nghĩa là thung lũng ánh sáng. Ngài qua đời ngày 20-8-1153.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Thứ Tư Tuần XX Thường Niên Mt 20,1-16a.

Lời Chúa: Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức.
Ha-lê-lui-a. Lời Thiên Chúa là lời sống động và hữu hiệu, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Ha-lê-lui-a.
Chúa đã ân cần ban muôn phúc lộc,
vương miện vàng, Ngài đội cho vua.
Vua xin được sống, Ngài cho được sống,

năm tháng dài lâu, tuổi thọ miên trường.

Ngày 19/08. Thánh Gioan Eudes, Linh mục (1601-1680)
Ngài sinh tại một nông trại ở miền Bắc nước Pháp. Thời đó ngài là một tu sĩ, một nhà truyền giáo, người sáng lập 2 cộng đoàn tu sĩ và là người thúc đẩy lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Maria (Trái tim Vẹn sạch Đức Mẹ).
Ngài vào Dòng Hùng Biện và thụ phong linh mục lúc 24 tuổi. Trong những năm đại dịch, từ 1627 tới 1631, ngài tình nguyện chăm sóc những người nhiễm bệnh trong giáo phận.
Lúc 32 tuổi, ngài trở thành nhà truyền giáo. Ngài có biệt tài giảng thuyết và giải tội. Ngài giảng thuyết ở hơn 100 giáo xứ truyền giáo, có những nơi ngài giảng trong vài tuần hoặc vài tháng.
Ngài quan tâm việc thay đổi tâm linh giáo sĩ, ngài thấy rằng đó là nhu cầu lớn nhất đối với các chủng viện. Ngài được phép của Bề trên tổng quyền, Giám mục và Hồng y Richelieu để bắt đầu công việc này, nhưng Bề trên tổng quyền kế vị lại không chấp thuận. Sau khi cầu nguyện và tham khảo ý kiến, ngài quyết định rời khỏi tu viện. Cùng năm đó, ngài thành lập một dòng mới gọi là Dòng Eudists (Dòng Chúa Giêsu và Đức Mẹ – Congregation of Jesus and Mary), chuyên đào tạo giáo sĩ bằng việc linh hướng các chủng viện. Việc này được các giám mục đồng thuận, nhưng cũng gặp đối lập ngay, nhất là từ phía tà thuyết Gian-sen (*) và một số bạn đồng liêu cũ. Ngài mở vài chủng viện ở Normandy, nhưng không được Rôma phê chuẩn (một phần vì ngài không khéo léo trong giao tế).
Trong việc truyền giáo, ngài bị quấy nhiễu bởi gái làng chơi, do họ muốn thoát cảnh sống khốn khổ. Các nhà mở tạm thời được thành lập nhưng sắp xếp không được ổn thỏa. Một người tên Madeleine Lamy, chăm lo cho một số phụ nữ, đã nói với ngài: “Ngài đi đâu bây giờ? Thiết nghĩ ngài hãy tới một nhà thờ nào đó mà ngài thấy trong hình và nghĩ mình sùng đạo. Điều luôn cần ở ngài là mở một nhà cho những sinh vật khốn khổ này”. Những lời đó đã đánh động ngài. Thế là một cộng đoàn tu mới được thành lập, đó là Dòng Tiểu muội Bác ái Trú ẩn (Sisters of Charity of the Refuge).
Có thể ngài được biết nhiều do các chủ đề trong các tác phẩm của ngài: Chúa Giêsu là nguồn sự thánh thiện, Mẹ Maria là mẫu gương đời sống Kitô giáo. Ngài rất sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẫu Tâm Maria, ĐGH Piô XI tôn vinh ngài là tổ phụ của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Ngài qua đời lúc 79 tuổi.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Thứ Ba Tuần XX Thường Niên Mt 19,23-30.

Lời Chúa: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.
Ha-lê-lui-a. Đức Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có. Ha-lê-lui-a.
Vâng, chính Chúa tặng ban phúc lộc
và đất chúng ta trổ sinh hoa trái.
Công lý đi tiền phong trước mặt Người,

mở lối cho Người đặt bước chân.

Ngày 18/08. Thánh Jane Frances Chantal, Nữ tu (1562-1641)
Jane Frances là vợ, là mẹ, là nữ tu và sáng lập dòng. Bà mồ côi mẹ khi mới được 18 tháng tuổi. Cha bà là nghị sĩ trưởng ở Dijon, Pháp, có ảnh hưởng nhiều tới việc giáo dục cô con gái Jane Frances. Bà phát triển thành một phụ nữ đẹp, khéo léo, hoạt bát và vui vẻ. Lúc 21 tuổi, bà kết hôn với nam tước Chantal, rồi sinh 6 đứa con, nhưng 3 đứa chết từ nhỏ. Sống trong lâu đài sang trọng nhưng bà vẫn giữ thói quen đi lễ hàng ngày, và làm nhiều việc bác ái. Sau 7 năm kết hôn, chồng bà bị giết chết, bà thu mình trong vỏ ốc ưu sầu 4 tháng tại nhà mình. Cha chồng dọa không cho các con bà thừa hưởng thừa kế nếu bà không trở về nhà chồng. Lúc đó cha chồng bà đã 75 tuổi nhưng vẫn tự phụ, hung dữ và phung phí. Bà vãn vui vẻ dù cha chồng là người ngược ngạo.
Lúc 32 tuổi, bà gặp thánh giám mục Phanxicô Salê, người linh hướng cho bà. Bà muốn đi tu nhưng thánh Phanxicô Salê thuyết phục bà trì hoãn ý định đó. Bà thề không tái hôn và vâng lời cha linh hướng.
Sau 3 năm, thánh Phanxicô Salê  cho bà biết về kế hoạch của ngài là thành lập một dòng nữ. Dòng này chuyên chăm thực hành các nhân đức của Đức Mẹ khi thăm viếng thánh Êlidabét, do đó dòng có tên là Dòng Đức Mẹ Thăm Viếng, sống khiêm nhường và hiền lành, theo tu luật của thánh Augustinô.
Thánh Phanxicô Salê viết một cuốn sách nổi tiếng cho dòng này là cuốn Treatise on the Love of God(Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa). Khi lập dòng chỉ có 3 nữ tu, thánh Jane Frances lúc đó 45 tuổi. Bà chịu đựng nhiều điều mất mát: Thánh Phanxicô Salê qua đời, con trai bà bị giết chết, đại dịch hoành hành nước Pháp, con dâu và con rể bà cũng qua đời. Bà động viên chính quyền địa phương nỗ lực vì các nạn nhân bị dịch bệnh và bà phân phát tài sản của nhà dòng cho những người bệnh.
Có những lúc bà đã phải chịu đựng về tinh thần: đau khổ nội tâm và khô khan tâm linh. Bà qua đời khi đang đi thăm các nhà dòng thuộc hội dòng của bà.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Thứ Hai Tuần XX Thường Niên Mt 19,16-22.

Lời Chúa: Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh, anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Ha-lê-lui-a. Phúc thay ai có tam hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Ha-lê-lui-a.
Đã bao lần Chúa thương giải cứu,
nhưng họ vẫn cố tình phản nghịch.
Chúa thấy họ truân chuyên ngàn nỗi,

nghe thấy lời cầu cứu vang xin.

Ngày 17/08. Thánh Joan Thánh giá, Nữ tu (1666-1736)
Cuộc gặp gỡ một bà cụ nghèo khổ đã giúp thánh Joan dành cả đời mình cho người nghèo. Đối với thánh nữ, là một thương gia chú trọng thành công về tiền bạc, thì đó là một bước ngoặt quan trọng.
Sinh năm 1666 tại Anjou, Pháp, thánh Joan hành nghề kinh doanh rất sớm với một cửa tiệm nhỏ của gia đình ở gần một đền thờ. Sau khi cha mẹ mất, bà quản lý cửa tiệm. Bà mau chóng “được” mọi người biết về tính tham lam và vô cảm của bà đối với những người ăn xin.
Joan được đánh động bởi một bà cụ xa lạ, bà cụ này yêu cầu Joan nên sống thân thiết với Chúa. Joan có bản chất tốt nên đã trở thành một con người mới. Bà bắt đầu cham sóc trẻ em cơ nhỡ, người nghèo, người bệnh và người già nua, những người đến nhờ bà giúp đỡ. Một thời gian sau, bà bỏ kinh doanh để có thể dành cả thời gian làm việc thiện và ăn năn đền tội.
Cuối cùng bà đã lập Dòng Thánh Anna Chúa Quan phòng (Congregation of St. Anne of Providence). Lúc đó bà lấy tên dòng là Joan Thánh giá. Bà qua đời năm 1736, đến lúc này bà đã thành lập được 12 tu viện, nhà tế bần và trường học. Bà được ĐGH Piô XII phong chân phước ngày 5-11-1947, và được. Bà được Chân phước Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 31-10-1982.