Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B



Lời Chúa: Người giảng dạy như một Đấng có uy quyển.
      Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

      Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rỏ uy quyền của Chúa Giêsu được mọi người công nhận, kể cả thần ô uế. Nếu người Do Thái chuyên tâm đọc Sách Thánh sẽ dễ dàng nhận ra Chúa  chính là vị ngôn sứ mà Cựu ước đã loan báo. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại những lời giáo huấn của ông Môisen, vị thủ lãnh đã dẫn đưa dân Dothái ra khỏi Aicập. Trong những lời trăng trối cuối đời, ông Môisen đã nói đến một vị ngôn sứ Chúa sẽ gửi đến. Vị này cũng đầy quyền uy để lãnh đạo dân Ítraen như ông Môisen, và còn hơn cả Môisen nữa. Sứ mạng của vị Ngôn sứ này là đem lời Chúa làm lương thực nuôi dân chúng như lời bài đọc1. Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ muôn dân mong đợi. Ngài đến để thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi, để thiết lập một nền phụng vụ đích thực, không còn những uế tạp trần tục, nhưng có khả năng để thánh hóa con người. Những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục và công nhận: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.
      Và chúng ta là những người tín hữu, cũng phải đối diện với nhiều cuộc chiến giữa thiện và ác trong cuộc đời của chính mình, khi chúng ta càng lúc càng lớn lên và già đi. Những cuộc chiến này càng lúc càng gay go hơn, chúng ta phải đối diện với những ơn Chúa giúp chúng ta, để lớn lên trong đời sống thánh thiện và sự dữ tội lỗi mà ác thần luôn lôi kéo chúng ta phạm tội, làm  mất tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với mọi người khác. Để chiến thắng sức mạnh của sự dữ, chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa,  phải là những người sống thánh thiện. Thực ra, người tín hữu vốn có uy quyền của chính Chúa Giêsu để tiêu diệt sự dữ trong lòng mình, bởi vì từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta  đã thuộc về Chúa và nhận lãnh những quyền bính của chính Người, chúng ta là những người thánh thiện của Thiên Chúa. Qua bí tích rửa tội, Chúa Giêsu ban tặng cho người tín hữu đời sống thần linh và thánh hóa chúng ta, rồi cũng ban tặng cho chúng ta  quyền năng để chiến thắng ác thần và sự dữ.
       Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con, và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria luôn luôn Xin Vâng, và chúng con cũng phải luôn Xin Vâng phải lắng nghe mà còn thực hành lời Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng con.  Amen


Ngày 01/02 – Thánh Ansgar, Giám mục (801-865)
Vị “tông đồ của phương Bắc” (vùng Scandinavia) có đủ thất vọng để trở nên thánh – nhưng ngài đã làm được. Ngài là tu sĩ dòng Bênêđictô ở Corbie, Pháp, nơi ngài đã được giáo dục. Ba năm sau, khi vua Đan mạch trở lại đạo, Ansgar đến nước này truyền giáo 3 năm, dù không có thành công nào đáng kể. Người Thụy điển yêu càu các nhà truyền giáo Kitô giáo, và ngài đã đến, bị hải tặ bắt và gặp nhiều gian khó khác trên đường đi. Gần 2 năm sau ngài là tu viện trưởng một dòng khác ở Corbie (Corvey) và trở thành giám mục giáo phận Hamburg. Giáo hoàng chọn ngài làm đại sứ truyền giáo cho người Scandinavia. Ngân quỹ cho các tông đồ phương Bắc khi Hoàng đế Louis băng hà. Sau 13 năm làm việc ở Hamburg, thánh Ansgar chứng kiến thành phố này bị người phương Bắc san thành bình địa, người Thụy điển và Đan mạch trở thành ngoại giáo.
Ngài điều hành việc tông đồ khác ở phương Bắc, đến Đan mạch và làm cho một vua khác trở lại đạo. Nhờ công cụ lạ là rút thăm, vua Thụy điển cho phép các nhà truyền giáo trở lại. Các nhà viết tiểu sử của thánh Ansgar nhận thấy ngài là một người rao giảng ngoại hạng, là một linh mục khiêm nhường và khổ hạnh. Ngài được chọn là thánh bổn mạng của người nghèo và bệnh nhân, noi gương Chúa Giêsu rửa chân cho họ và phục vụ họ ở bàn ăn. Ngài qua đời tại Bremen, Đức. Ngài muốn được tử đạo nhưng không trọn ước nguyện. Sau khi ngài qua đời, người Thụy điển lại bỏ đạo, mãi đến 200 năm sau mới có những nhà truyền giáo khác.

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Thứ Bảy Tuần III Thường Niên Mc 4,35-41



Lời Chúa: Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng phải tuân lệnh.
“ Ha-lê-lui-a. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời. Ha-lê-lui-a.”
Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham
Rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,
Và cho ta chẳng còn sợ hãi,
Để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,

Mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.


Ngày 31/01 – Thánh Gioan Bosco, Linh mục (1815-1888)
Gioan Bosco sinh ngày 16-08-1815 tại Berchi (Asti, Torino, Ý).
Lý thuyết giáo dục của thánh Gioan Bosco được dùng nhiều trong các trường học ngày nay. Đó là một hệ thống bảo vệ, phản đối hình phạt thể lý và đặt học sinh trong môi trường tránh dịp tội. Ngài khuyên thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài kết hợp việc đào tạo giáo lý và hướng dẫn, tìm cách kết hợp đời sống tâm linh với công việc, học và chơi.
Hồi nhỏ được khuyến khích làm linh mục nên ngài có thể làm việc với các em trai, ngài thụ phong linh mục năm 1841. Việc phục vụ người trẻ bắt đầu khi ngài gặp một đứa trẻ mồ côi và hướng dẫn cậu bé chuẩn bị rước lễ lần đầu. Rồi ngài tụ họp các bạn trẻ lại và dạy giáo lý.
Sau khi làm tuyên úy ở một nhà tế bần (hospice) dành cho ác em gái lao động, ngài mở Nhà nguyện thánh Phanxicô Salê cho các em trai. Vài nhà tài trợ giàu có và uy thế đã góp tiền để ngài có thể mở xưởng cho các em trai đóng giày và may. Năm 1856, Khánh lễ viện đã có tới 150 em trai và có nhà in để xuất bản các tập sách giáo lý và tôn giáo. Mối quan tâm của ngài về việc hướng nghiệp và xuất bản khiến ngài trở thành thánh bảo trợ giới trẻ học việc và các nhà xuất bản Công giáo. Danh tiếng giảng dạy của thánh Gioan lan nhanh. Năm 1850, ngài đã đào tạo được những người hỗ trợ ngài giảm bớt những khó khăn trong việc đào tạo các linh mục trẻ. Năm 1854 ngài và những người theo ngài cùng tụ họp lại dưới sự bảo trợ của thánh Phanxicô Salê.
Nhờ ĐGH Piô IX khuyến khích, thánh Gioan tụ họp 17 anh em và lập dòng Salêdiêng năm 1859. Hoạt động của dòng tập trung vào việc giáo dục và truyền giáo. Sau đó, ngài lập dòng nữ Salêdiêng để giúp đỡ các cô gái. Ngài qua đời lúc 4 giờ 45 ngày 31-01-1888 tại Valdocco, Torino, Ý, và được an táng chiều ngày 6-2-1888 tại Valsalice, Ý. Nhân dịp sắp phong chân phước, mộ ngài được khai quật ngày 16-05-1929. Lạ thay, xác ngài không có gì lạ thường và vẫn đầy đủ trọn vẹn.
ĐGH Piô XI tôn phong chân phước cho ngài ngày 02-06-1929 tại Vatican (lúc này chân phước Philip Rrinaldi là Bề trên cả). Ngày 09-06-1929, thánh quan Don Bosco được rước về Valdocco. Cũng chính ĐGH Piô XI tôn phong hiển thánh cho ngài ngày 01-04-1934 tại Vatican, đúng ngày đại lễ Phục sinh và kết thúc Năm thánh Cứu độ.

Ngày 30/01-1780-1860 Thánh Tôma Khuông Linh mục dòng Đaminh Tử đạo.




Cha Thánh Tôma Khuông, Sinh năm 1780 tại Nam Hào, Hưng Yên, Linh mục dòng Ða Minh, bị xử trảm ngày 30-01-1860 tại Hưng Yên dưới đời vua Tự Ðức. Ngày 29-4-1951 cùng với 24 vị tử vì đạo khác tại Việt Nam, cha Tôma Khuông được Đức Piô XII tuyên Chân Phúc. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II tuyên ngài vào hàng ngũ Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 30-01.

* Vì Chúa bỏ vinh sang.
Đọc lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy không lạ gì mẫu gương của thánh Phanxicô thành Assisi hay thánh Tôma thành Aquinô đã từ bỏ dòng dõi quí tộc giàu sang để vâng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa, đã theo gương Đức Kitô, Thầy Chí Thánh, Đấng Chủ Tể muôn loài chấp nhận trở nên nghèo khó không chốn nương thân để loan báo tin mừng cứu rỗi của Thiên Chúa.
Thánh Tôma Khuông cũng vậy, ngài đã quên đi dòng dõi quyền quý sang trọng, để theo tiếng Chúa kêu gọi và trở thành chứng nhân cho Đức Kitô, chứng nhân cho một tôn giáo mới mẻ đối với dân tộc Việt Nam, một tôn giáo bị miệt thị và chịu bách hại nặng nề. Quả thật, chỉ có Thiên Chúa mới khiến cha hy sinh được như thế. Và cũng thật quý báu biết bao tấm lòng của cha đã sẵn sàng đáp lại tiếng kêu gọi đó, đến nỗi hiến dâng chính mạng sống mình cho tình yêu Thiên Chúa.

* Phản đối bạo động.
Tôma Khuông sinh khoảng năm 1780 (thời Trịnh Nguyễn) tại làng Nam Hòa xứ Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên. Con đường danh vọng rộng mở cho cậu bé thông minh xuất sắc này, vì cha cậu đã từng làm Tuần Phủ ở Hưng Yên. Nhưng cậu đã nghe theo tiếng gọi linh thiêng và xin vào Nhà Đức Chúa Trời. Sau đó cậu theo học tại chủng viện và được thụ phong linh mục.
Trong trách nhiệm coi sóc các linh hồn, cha Khuông nổi tiếng là một linh mục khôn ngoan, thánh thiện, khéo giao thiệp và nhiệt thành với xứ vụ truyền giảng Phúc Âm. Sống trong giáo phận do Dòng Đaminh đảm trách, cha Khuông muốn liên kết sâu xa hơn với dòng, cha đã gia nhập dòng ba Đaminh và cổ động nhiều giáo hữu cùng tham gia để thánh hóa đời sống mỗi ngày.
Trải qua ba thời bách hại của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, cha Tôma Khuông đã khôn khéo thân thiện với quan chức địa phương để tiếp tục thi hành việc mục vụ. Nhiều lần cha bị bắt giữ, nhưng nhờ những quan hệ này, cha được trả tự do. Tuy nhiên từ năm 1858, cuộc bách hại của vua Tự Đức gia tăng mãnh liệt, công việc của cha gặp nhiều khó khăn hơn. Áp lực của quân Pháp đã khiến vua Tự Đức tức giận và nghi ngờ Công Giáo tiếp tay với thực dân, nên thẳng tay đàn áp họ. Một vài làng Công Giáo có tổ chức một số thanh niên để tự vệ trước sự càn quét của quân lính nhà vua. Cha Khuông khi đó đã gần 80 tuổi, hoàn toàn không hưởng ứng chủ trương này. Năm 1859, thấy một giáo dân Cao Xá tổ chức võ trang, cha liền ngăn cản và quyết định lánh sang đại phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng). Quyết định này khiến cha bị bắt và được lãnh phúc tử vì đạo.
Khi cha đến đầu cầu làng Trần Xá, cha thấy quân lính đã đặt sẵn ở đó một Thánh Giá buộc mọi người đi qua phải đạp lên. Là một linh mục của Chúa Giêsu Kitô, cha nhất định quay lưng trở lại tìm lối đi khác. Thái độ dứt khoát đó, khiến quân lính nhận ra và chặn cha lại. Khi cha khẳng khái từ chối việc bước qua Thánh Giá, lính liền bắt trói cha cùng với người tín hữu đi theo cha.

Sau 15 ngày giam giữ, cha Tôma Khuông và bốn giáo hữu khác có địa vị, được áp giải tới quan Tổng đốc xét xử. Quan tìm mọi cách ép buộc cha làm nhân chứng tố cáo: những Kitô hữu ở Cao Xá thông đồng với tàu Pháp – Tây Ban Nha đang bỏ neo ngoài cửa biển, âm mưu nổi loạn chống lại nhà vua. Cha Tôma thẳng thắn trình bày lập trường của Giáo Hội: "Đạo Công Giáo không những cấm các tín hữu chống đối chính quyền mà còn khuyến khích họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an ninh thịnh vượng". Bấy giờ quan không nói gì đến vấn đề này nữa, chỉ bắt cha bỏ đạo, bước qua Thánh Giá và yêu cầu cha khuyên các tín hữu khác làm như vậy để được tự do về nhà. Khi đó người tôi trung của Chúa trả lời: "Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là Linh Mục Công Giáo, tôi luôn luôn nhắc nhở các tín hữu trung thành giữ Đạo Thánh Chúa. Giờ đây nếu tôi khuyên họ chối đạo thì tôi thật bất xứng và chẳng đáng làm linh mục. Tôi và các bạn tôi không mong ước gì hơn là được hy sinh mạng sống vì đạo Chúa".


* Thánh Giá và vinh quang.
Lòng khao khát mong mỏi trên của vị anh hùng đức tin đã được thể hiện. Án trảm quyết do quan Tổng đốc đệ vào kinh được vua Tự Đức chuẩn y. Và ngày 30-1-1860 cha Tôma Khuông bị điệu ra pháp trường Hưng Yên. Trên đường tới đồi Canvê của mình, mọi người thấy vị cha già khả kính chống cây gậy mà cha đã cẩn thận cột thêm một thanh ngang cho giống hình Thánh Giá, bước đi chậm rãi. Cha vui vẻ chào giã biệt những người đang ngậm ngùi thương tiếc tiễn đưa.
Cây Thánh Giá, biểu tượng suốt đời cha đã tin tưởng và công bố; cây Thánh Giá mà cha không bao giờ giày đạp cho dù phải chịu muôn nỗi gian khổ và cả cái chết, thì giờ đây, với cách biểu hiện đơn giản đó, cha muốn nói với mọi người rằng : cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Thánh Giá vẫn mãi mãi là niềm an ủi và là chỗ dựa vững chắc cho Kitô hữu. Đến nơi xử, cha Khuông quỳ gối trang nghiêm cầu nguyện trước cây Thánh Giá đó rồi cuối đầu lãnh nhận lưỡi gươm đem lại vinh phúc ngàn thu.
Ngày 29-4-1951 cùng với 24 vị tử vì đạo khác tại Việt Nam, cha Tôma Khuông được Đức Piô XII tuyên Chân Phúc. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên ngài vào hàng ngũ các bậc Hiển thánh.

Thứ Sáu Tuần III Thường Niên Mc 4,26-34



Lời Chúa: Một người vãi hạt giống rồi ngủ, và hạt giống mọc lên trong khi người ấy không biết.
“ Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.”
Cứ tin tưởng vào Chúa và làm điều thiện
Thì sẽ được ở trong đất nước và sống yên hàn
Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn

Người sẽ cho phỉ chí toại lòng.

Ngày 30/01 – Thánh Hyacintha Mariscotti (1585-1640)

Hyacintha chấp nhận các tiêu chuẩn của Thiên Chúa hơi trễ. Xuất thân từ một gia đình quí tộc ở gần Viterbo, bà vô dòng nữ ở địa phương theo Luật Dòng Ba. Tuy nhiên, bà tự lo đủ thức ăn, quần áo và những đồ dùng khác để sống sung túc ở giữa các chị em sống khắc khổ.
Một lần Hyacintha bị bệnh nặng nên phải đưa Mình Thánh tới phòng riêng. Thấy bà sống quá thoải mái, linh mục khuyên bà sống khiêm nhường hơn. Hyacintha đã bỏ hết những trang phục và những tiện nghi khác, sống rất hãm mình ép xác, và sẵn sàng làm những việc hèn hạ nhất trong tu viện. Bà tận hiến cho sự đau khổ của Đức Kitô, sự ăn năn của bà trở nên nguồn cảm hứng cho các chị em trong tu viện. Bà được phong thánh năm 1807.

Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Ngày 31/01/2015 kỷ Niệm 200 năm Thánh Gioan don Bosco Linh mục



Cha thánh Don Bosco tên thật là Gioan Bosco sinh vào ngày 16 tháng 8 năm 1815, tại phía Bắc nước Ý. Cha của Don Bosco chết khi lúc người chỉ mới hai tuổi. Trong suốt thời niên thiếu, cậu sống trong cảnh nghèo túng. Ngay từ nhỏ, cậu mong muốn được đi học để tương lai trở thành một linh mục, nhưng đã gặp nhiều cản trở. Anh trai của Gioan Bosco tên là Giuse, tuy là người giúp ích được nhiều nhưng chỉ là anh họ. Anthony, lớn hơn Gioan Bosco những mười tuổi, tìm bất kỳ mọi cách để chống đối việc Gioan Bosco đi học.
Một vị linh mục về hưu già đã gặp và trò chuyện với Gioan Bosco khi cậu đang trên đường từ một ngôi làng về nhà mẹ của mình là bà Margaret. Ðó là cha Colosso, cha rất kinh ngạc vì trí nhớ tốt sắc bén của cậu bé Gioan. Và cha tình nguyện dạy kèm riêng cho cậu bé. Mọi việc tiến triển tốt đẹp được vài tháng cho đến khi người linh mục ấy qua đời.

12 tuổi, Gioan Bosco đã phải sống và làm việc tại một nông trường ở trong một ngôi làng gần đó. Lên 15 tuổi, Gioan Bosco đến thành phố Chieri; ở đây cậu được đến trường học. Sau giờ học cậu làm mọi công việc có thể tìm được, học một số nghề như: nghề may, mộc, rèn, hầu bàn - bất cứ nghề gì có thể kiếm được một số tiền nho nhỏ để mua đồ ăn hoặc quần áo. Năm 1835, Gioan Bosco gia nhập một trường dòng. 6 năm sau, Gioan Bosco chịu chức linh mục.


Công việc của Gioan Bosco dành cho giới trẻ bắt đầu vào ngày 8 tháng 12 năm 1841. Trong lúc cha Bosco đang đi vào nhà thờ để chuẩn bị dâng Thánh Lễ thì nghe thấy tiếng ồn ào nơi phòng áo. Ở đó cha thấy người trông coi phòng áo đang đánh liên tục một cậu con trai nghèo với một cây roi. Cha Bosco đã lập tức dừng ông ta lại và đuổi ra khỏi phòng thánh. Tên của cậu bé bị đánh ấy là Garelli Bartholomew, một chú trẻ mồ côi 16 tuổi làm nghề làm gạch. Ba ngày sau, Bartholomew rủ theo 8 người bạn của cậu ấy đến với Cha Bosco. Chỉ một việc đơn giản của cha Bosco như thế đã bắt đầu công cuộc giúp đỡ cho giới trẻ của người.
Khi bắt đầu một công việc gì, bao giờ cũng gặp khó khăn. Cha Bosco và những cậu thiếu niên nghèo phải đi lang thang trên phố để tìm một chỗ trước là để dạy giáo lý, để dâng lễ, giải tội, đồng thời là nơi chỗ để cho các cậu bé chơi đùa. Công việc của cha đã bị hiểu lầm bởi các tu sĩ và cảnh sát an ninh tại địa phương. Họ đã nhìn công việc của cha với cặp mắt hoài nghi. Ðã có những lần cha bị những người khác nói xấu và thậm chí cả lăng mạ, xỉ nhục. Nhưng giấc mơ của cha Bosco và lòng tin vững chắc của người không bao giờ phôi phai. Người đã nhận được nhiều khuyến khích từ cha Borel John, vị ân nhân đã giúp đỡ nhiều trong công việc của cha, đồng thời cha cũng nhận được nhiều khuyến khích nâng đỡ từ cha Cafasso Joseph, người bạn và người cha tinh thần của cha Bosco.


DonboscomuralCó một giấc mơ mà Gioan Bosco thấy lên 9 tuổi. Trong giấc mơ ấy một phu nhân đẹp đã bày cho cậu bé Bosco biết dùng yêu thương như một phương tiện để đến với các bạn trẻ. Giấc mơ này thường quay trở lại với cha Bosco để người cảm thấy vững tâm hơn.
Ngôi trường học mà cha Bosco thành lập đầu tiên cho trẻ em nghèo là một cái lều lụp sụp tại Valdocco, Turin. Ngày nay ở đó có một đền thờ Ðức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu nguy nga, một Trung tâm cho Giới trẻ, một trường học và một nhà xuất bản báo chí. Giấc mộng của Don Bosco đã thành sự thật. Những người cười nhạo người trước kia giờ đây nhìn cha Bosco với sự hâm mộ cao độ. Tên "Don Bosco" đã trở nên nổi tiếng khắp nước Ý.
Theo lời khuyên của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Don Bosco đã viết lên Hiến chương thành lập dòng của người, và ngày 18 tháng 12 năm 1859, mười tám thanh niên của cha Bosco, xưa là những chú nhỏ được cha Bosco chăm sóc, dạy dỗ đã trở nên những thành viên đầu tiên của Hội Dòng Salesian. Cha Don Bosco gọi họ là "những người Salesian" theo tên của thánh Franxicô de Sales, một vị thánh và cũng là Giám mục của Geneva, nguời đã làm cho cha Bosco luôn luôn say mê sùng mộ vì lòng tốt và nhiệt thành sùng đạo của người.
Năm 1872, cha thánh Gioan Bosco đã cùng với thánh Mary Mazzarello sáng lập Dòng Salesian nữ mang danh Những Người Con Của Ðức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu. Năm 1876, cha Bosco sáng lập và phát triển một hiệp hội cho các giáo dân tín hữu có nhiệt tâm chia sẻ và quan tâm đến giới trẻ. Ðây là những người độc thân, lập gia đình, hoặc giáo sĩ liên kết với các thành viên Salesian để làm việc với và cho giới trẻ.


Cha thánh Don Bosco sống trọn 72 năm đầy cố gắng và hy sinh dành cho Thiên Chúa và cho giới trẻ. Thậm chí trong những ngày cuối cùng của người, cho dù mắt đã yếu gần như mù, đầu cúi thấp với dáng vẻ mệt nhọc và khó khăn trong việc đi lại, cha vẫn đã giữ được liên hệ với tất cả các thành viên Salesians của cha. Cha đã hết mực lo lắng, khuyên nhủ, và động viên họ.
Ngày 31 tháng Giêng năm 1888, cha Bosco giã từ cuộc đời về với Chúa. Lời cuối cùng của cha là điều tượng trưng tất cả cho cuôc đời của cha: "Hãy nói với những giới trẻ của ta rằng: Ta sẽ đợi chờ chúng trên Thiên Ðàng!" Vào Lễ Chúa nhật Phục Sinh năm 1934, người đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XI phong lên hàng Hiển thánh. Sơ Mary Mazzarello được phong thánh do Ðức Giáo Hoàng Piô XII.
Theo chân cha thánh Don Bosco là một đội ngũ những người Salesians, các linh mục, các sơ, các thầy, và những người cộng tác viên Salesian đã và đang hiến dâng cuộc sống của mình cho việc phụng sự Chúa Kitô như những người bạn, những vị linh mục và những nhà giáo dục cho giới trẻ. Hôm nay những người Salesians đang phục vụ giới trẻ trên 108 quốc gia. Riêng Dòng Salesian Don Bosco đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 1952 cho đến nay.


Lạy Thánh Gioan don Bosco, Ngài là người cha, người thầy, người bạn tuyệt vời của các bạn trẻ. Xin cho chúng con biết noi gương Ngài, cả đời đem hết tâm huyết và nhiệt tình lo cho các em thiếu nhi và thiếu niên, giáo dục các em trước hết bằng tình yêu và sau là bằng gương sáng, để giúp các em đến với Chúa và ở lại với Chúa mãi mãi. Amen.
Sưu Tầm

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Thứ Năm Tuần III Thường Niên Mc 4,1-20



Lời Chúa: Mang đèn tới. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong đấu ấy cho anh em.
“ Ha-lê-lui-a. Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là anh sáng chỉ đường con đi. Ha-lê-lui-a.”
Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành
Được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người

Tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.


Ngày 29/01 – Tôi tớ Chúa Juniper, Tu sĩ (qua đời năm 1258)
Thánh Phanxicô nói về tu sĩ thánh thiện Juniper: “Anh em thân mến, ước gì tôi có cả một khu rừng gồm những Juniper như vậy”. Chúng ta không biết nhiều về Juniper trước khi ngài gia nhập dòng năm 1210. Thánh Phanxicô sai ngài đi mở các “tu sở” ở Gualdo Tadino và Viterbo. Khi thánh Clara hấp hối, tu sĩ Juniper đã an ủi bà. Ngài tận hiến cho cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và ngài có tiếng là sống giản dị.
Có vài câu chuyện về Juniper trong cuốn Little Flowers of St. Francis(Những bông hoa nhỏ của thánh Phanxicô) cho thấy lòng đại lượng của ngài. Có lần Juniper chăm sóc một bệnh nhân nam, người này rất thèm ăn giò heo. Tu sĩ này đến một cánh đồng gần đó bắt một con heo và cắt lấy một chân, rồi đem về nấu cho bệnh nhân kia ăn. Chủ nhân của con heo tức giận và lập tức đến gặp bề trên của Juniper. Khi thánh Juniper nhận ra lỗi mình, ngài hết lòng xin lỗi. Rồi ngài còn có thể xin chủ nhân cho con heo đó để các tu sĩ ăn!
Lần khác, thánh Juniper được lệnh không lấy quần áo của mình cho những người thiếu đồ mặc mà ngài gặp trên đường. Muốn vâng lời bề trên, có lần thánh Juniper nói với một người đàn ông nghèo khó rằng ngài không thể cho người đàn ông đó, nhưng ngài không ngăn cản người đàn ông kia lấy áo của ngài. Lúc đó, các tu sĩ biết rằng không để lại gì để thánh Juniper có thể cho đi. Ngài qua đời năm 1258 và được an táng tại nhà thờ Ara Coeli ở Rôma.

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Thứ Tư Tuần III Thường Niên Mc 4,1-20




Lời Chúa: Người gieo giống đi ra gieo giống.
“ Ha-lê-lui-a. Hạt giống là lời Thiên Chúa. Người gieo giống là Đức Ki-tô. Ai tuân giữ lời Người sẽ muôn đời tồn tại. Ha-lê-lui-a.”
Đức Chúa phán bảo rằng:
“ Ngày đăng quang con nắm quyền thủ lãnh,
Vẻ huy hoàng rực rỡ tựa thần linh.
Ngay trước lúc hừng đông xuất hiện,

Tự lòng Cha, Cha đã sinh ra con.”


Ngày 28/01 – Thánh Thomas Aquinas, Linh mục Tiến sĩ (1225-1274)
Theo sự công nhận toàn cầu, thánh Thomas Aquinas là phát ngôn viên xuất sắc của truyền thống Công giáo về tín lý và mạc khải. Ngài là một trong những thầy dạy vĩ đại của Giáo hội Công giáo thời Trung cổ, được tôn vinh là Tiến sĩ Giáo hội và Tiến sĩ Thiên thần. Thomas thông thái nhưng rất khiêm nhường.
Là con lãnh chúa Aquinas thuộc hoàng tộc Hohenstanfen nhưng Thomas không thích thế quyền. Lúc 5 tuổi, ngài được đưa vào dòng Benedict ở Monte Cassino vì cha mẹ ngài hy vọng ngài chọn cách sống đó và sau sẽ làm Tu viện trưởng để làm vẻ vang dòng dõi quí tộc. Năm 1239, ngài được gởi tới Naples để hoàn tất việc học. Tại đó ngài say mê triết học Aristote.
Năm 1243, Thomas bỏ kế hoạch của gia đình và gia nhập dòng Đa-minh, mẹ ngài rất thất vọng. Mẹ ngài cho người bắt ngài về và giam biệt lập ở nhà hơn 1 năm. Gia đình còn thuê gái điếm vào quyến rũ Thomas nhưng ngài đã lấy cây củi đang cháy trong lò sưởi mà đuổi đi. Ngài vẽ hình Thánh giá trên tường và qùy xuống cầu nguyện. Sau 1 tháng, ả gái điếm đành chịu thua. Người chị thương em nên giúp Thomas trốn khỏi nhà.
Khi được tự do, ngài đi Paris rồi tới Cologne và hoàn tất việc học với thánh Albert Cả. Ngài tốt nghiệp khi mới 20 tuổi và làm giáo sư trẻ tại Paris. Ngài sống trong dinh của Giáo hoàng Urban IV, hướng dẫn các trường dòng Đa-minh ở Rome và Viterbo, tranh luận với các tu sĩ khất thực, tranh luận với một số tu sĩ dòng Phan-xi-cô về thuyết của Aristote, và chống lại giáo thuyết Manich, kể cả phái Averroist. Ngài thường suy tư đến ngây người nên bị gán cho biệt danh “con bò câm”. Giáo sư Albert biết lực học của Thomas nên nói trước lớp: “Hãy học theo Thomas trong cách suy nghĩ. Đó là một con bò, nhưng tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế giới”. Quả thật, lời tiên báo đó của thánh Albert Cả đã hiện thực.
Danh tiếng ngài vang dội, nhiều người đổ xô đến xin ý kiến. Người ta hỏi:
    - Theo giáo sư, nhàn rỗi là gì?
    - Là cái búa mà kẻ thù bổ xuống đầu bạn.
    - Cái gì tạo ra sức mạnh của giáo sư: Kinh nguyện, việc làm hay ý chí?
    - Kinh nguyện. Ai không cầu nguyện thì như người lính ra trận không có vũ khí.
    - Làm thế nào để được cứu độ?
    - Phải khiêm nhường.
Khi ở Ý, ĐGH Urban IV giao cho ngài nhiều trọng trách – như giảng thuyết cho người Do thái, và muốn trao mũ gậy giám mục cho ngài nhưng ngài từ chối để được dạy học và lo việc cho nhà dòng. Tương truyền Thomas đã đàm đạo với Đức Mẹ, các thánh và cả với Chúa Giêsu nữa. Có lần Chúa Giêsu hỏi: “Sách con viết, Ta rất hài lòng. Con muốn được thưởng gì?”. Thomas đáp: “Con chỉ muốn được yêu mến Chúa mà thôi”.
Công đóng góp to lớn của ngài cho Giáo hội Công giáo là những sách ngài viết, đặc biệt là bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae) được viết từ năm 1266–1273. Sự hiệp nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của kiến thức con người tự nhiên và được mạc khải, thấm sâu vào những gì ngài viết. Có lẽ người ta hy vọng Thomas, với tư cách là người-của-phúc-âm, trở thành người bảo vệ hăng hái của chân lý mạc khải. Ngài hiểu biết sâu rộng đủ để thấy trật tự tự nhiên đến từ Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, và thấy lý lẽ là tặng phẩm từ trời rất được yêu mến.
Nhưng tác phẩm cuối cùng của ngài bộ Tổng luận Thần học, giải quyết toàn bộ Thần học Công giáo, lại chưa hoàn tất. Ngài ngừng viết tác phẩm này sau khi cử hành thánh lễ ngày 6/12/1273. Khi được hỏi tại sao ngài ngừng viết thì ngài nói: “Tôi không thể tiếp tục… Những gì tôi đã viết có vẻ như rơm rác so với những gì tôi nhìn thấy và những gì tôi được mạc khải”.
Ngài được ĐGH Grêgôriô mời đến dự công đồng Lyon. Ngài bị bệnh và qua đời trên đường đi ngày 07/03/1274, thọ 49 tuổi. Ngài được phong thánh năm 1323 và được phong Tiến sĩ Hội thánh năm 1567. ĐGH Leo XIII đã đặt ngài là bổn mạng các nhà thần học và các trường học Công giáo.

Thứ Ba Tuần III Thường Niên Mc 3,31-35



Lời Chúa: Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.
“ Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.”
Đức Vua vinh hiển đó là ai ?
Là Chúa Tể càn khôn

Chính Người là Đức Vua vinh hiển.


Ngày 27/01 – Thánh Angela Merici, Trinh nữ (1470?-1540)
Angela nổi bật về việc thành lập hội giáo dục đầu tiên cho các phụ nữ trong giáo hội mà ngày nay gọi là “Tu hội đời” (Secular Institute) của các nữ tu. Hồi trẻ, Angela nhập Dòng Ba Phanxicô (Third Order of Francis) và sống khổ hạnh, không có gì, thậm chí giường cũng không có, như thánh Phanxicô vậy. Thánh nhân sợ hãi khi thấy trẻ em nghèo bị bỏ rơi, cha mẹ chúng không thể hoặc không dạy dỗ chúng những điều về đạo. Thái độ thu hút và ngoại hình dễ nhìn của Angela đã bổ sung phẩm chất lãnh đạo của thánh nhân. Nhiều người cùng thánh nhân giáo dục các bé gái ở vùng lân cận.
Thánh nhân được mời gọi sống với một gia đình ở Brescia, tại đó thánh nhân đã thấy thị kiến để có ngày thánh nhân thành lập tu hội. Công việc của thánh nhân tiếp tục và được biết đến nhiều. Thánh nhân trở thành trưởng nhóm của những người cùng lý tưởng. Thánh nhân hăng hái dùng cơ hội đến Thánh Địa. Khi đến đảo Crete, thánh nhân bị mù. Bạn bè của thánh nhân muốn trở về nhưng thánh nhân xin mọi người tiếp tục đi hành hương, và thánh nhân đã sốt sáng kính viếng Mộ Thánh như thể còn sáng mắt vậy. Trên đường về, khi cầu nguyện trước Thánh Giá, thánh nhân sáng mắt trở lại ngay tại nơi mà thánh nhân đã bị mù.
Lúc 57 tuổi, thánh nhân tổ chức một nhóm 12 cô gái giúp dạy giáo lý. Bốn năm sau, nhóm này tăng lên 28 người. Thánh nhân làm họ thành Đội Quân Thánh Ursula (Company of St. Ursula), bảo trợ các trường đại học thời Trung cổ và được coi là vị lãnh đạo phụ nữ, với mục đích tái Kitô hóa đời sống gia đình qua việc giáo dục Kitô giáo vững chắc đối với các người vợ và người mẹ tương lai. Các thành viên tiếp tục sống tại gia, không tu phục và không lời khấn, qua Nội quy ban đầu buộc giữ thanh tịnh, thanh bần và thanh tuân. Ý tưởng về hội giáo dục phụ nữ còn mới lạ và cần thời gian để phát triển. Cộng đoàn hiện hữu như Tu hội giữa đời đến vài năm sau khi thánh Angela qua đời.

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Thứ Hai Thánh Timôthêô và Thánh Titô Giám mục Lễ nhớ Lc 10,1-9



Lời Chúa: Lúa chính đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
“ Ha-lê-lui-a. Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha. Ha-lê-lui-a.”
Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay

Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.


Ngày 26/01 – Thánh Timôthê và Titô, Giám mục
* Thánh Timôthê (qua đời năm 97?): Điều chúng ta biết qua Tân ước về cuộc đời thánh Timôthê có vẻ như cuộc đời của một vị giám mục bị phiền nhiễu hiện đại. Ngài vinh dự là tông đồ bạn của thánh Phaolô, cùng chia sẻ việc rao giảng Phúc âm và đồng lao cộng khổ.
Thánh Timothê có cha là người Hy lạp và mẹ là người Do thái, tên Eunice. Là kết quả của cuộc hôn nhân khác chủng tộc, ngài bị người Do thái coi là bất hợp pháp. Bà Lois, bà nội (ngoại) của ngài, là người đầu tiên trở thành Kitô hữu. Thánh Timôthê là người được thánh Phaolô cảm hóa vào khoảng năm 47 và được làm công việc tông đồ với thánh Phaolô. Ngài ở với thánh Phaolô khi thành lập giáo đoàn Côrintô. Trong 15 năm làm việc với thánh Phaolô, ngài là một trong số bạn bè trung tín nhất của thánh Phaolô. Ngài được thánh Phaolô sai đi làm nhiều nhiệm vụ khó khăn – thường gặp nhiều phiền toái ở các giáo đoàn địa phương mà thánh Phaolô đã thành lập.
Thánh Timôthê ở với thánh Phaolô tại Rôma trong khi nhà bị chiếm giữ. Có một thời gian chính thánh Timôthê đã bị tù (x. Dt 13:23). Thánh Phaolô đặt ngài làm người đại diện ở giáo đoàn Êphêsô. Thánh Timôthê tương đối non trẻ đối với công việc ngài đang làm lúc đó. Thánh Phaolô viết trong 1 Tm 4:12a: “Đừng coi thường người trẻ”. Một số điểm cho thấy ngài nhút nhát. Một trong số câu thánh Phaolô viết về ngài: “Đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm ít rượu vì anh thường đau bao tử và ốm yếu luôn” (1 Tm 5:23).
* Thánh Titô (qua đời năm 94?): Thánh Titô là bạn thân và là môn đệ của thánh Phaolô, đồng thời cũng là bạn truyền giáo. Ngài là người Hy lạp, vùng Antioch. Mặc dù Titô là dân ngoại, thánh Phaolô vẫn không để ngài phải chịu cắt bì (circumcision) ở Jerusalem. Thánh Titô được coi là người kiến tạo hòa bình, nhà quản lý, người bạn vĩ đại. Thư thứ 2 thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô cho thấy sự thấu hiểu tình bằng hữu với thánh Titô, một tình bạn trong việc rao giảng Phúc âm: “Khi tôi đến Troas... Tôi không yên tâm vì tôi không gặp Titô, người anh em của tôi. Nên tôi giã từ họ để đi Macedonia.... Thậm chí khi chúng tôi đến Macedonia, thân xác chúng tôi không yên chút nào, nhưng chúng tôi khổ sở trăm bề – xung đột bên ngoài, lo sợ bên trong. Nhưng Thiên Chúa, Đấng an ủi những người nản chí thất vọng, đã khuyến khích chúng tôi bằng cách gởi Titô đến...” (2 Cr 2:12a, 13; 7:5-6).
Khi thánh Phaolô gặp rắc rối với giáo đoàn Côrintô, thánh Titô là người đem thư của thánh Phaolô đi và làm cho mọi chuyện êm xuôi. Thánh Phaolô viết rằng ngài được vững mạnh không chỉ nhờ Titô đến mà còn “vì anh ấy đã được anh em an ủi. Anh ấy đã cho chúng tôi biết là anh em nóng lòng mong đợi, buồn phiền, nhưng vẫn đầy nhiệt tình đối với tôi, khiến tôi càng vui mừng hơn nữa.... Lòng anh ấy càng tha thiết quý mến anh em, khi nhớ lại anh em đã vâng lời, đã kính sợ và run rẩy đón tiếp anh.” (2 Cr 7:7a, 15). Thư gởi Titô nói ngài là người quản lý giáo đoàn ở đảo Crete, có trách nhiệm tổ chức, chấn chỉnh và bổ nhiệm các giám mục.

Chúa Nhật III Thường Niên Năm B



Lời Chúa: Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
       Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
        Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.

        Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Bài Tin Mừng hôm nay, tiếp tục đưa chúng ta suy niệm về mầu nhiệm ơn gọi. Chúa có cách chọn của Ngài, không ai có quyền bắt buộc Chúa phải thế này phải thế kia, không ai được hướng Chúa phải đi theo đường hướng của mình, đi theo sự chọn lựa của mình. Chúa hoàn toàn tự do trong sự kêu gọi của Chúa, tuyển chọn môn đệ là do tình thương vô biên của Chúa. Tất cả mọi sự chọn lựa của Chúa đều dựa vào cách nhìn của chính Ngài, là. Chúa đi qua, nhìn thấy và kêu gọi. Việc tuyển chọn môn đệ của Chúa, xem ra rất quan trọng vì mạng sống và cuộc đời của tông đồ nối liền với cuộc đời của Chúa Giêsu.
      Theo Chúa, là tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, gắn bó mình với Chúa, có nghĩa là cùng gánh vác thập giá với Chúa. Mà con đường của Chúa là cả một đoạn đường dài. Chúa đòi hỏi chúng ta và người môn đệ Chúa phải sống trọn vẹn thách đố, những đòi hỏi của Tin Mừng. Là phải sám hối là khiêm tốn nhìn nhận những sai sót lỗi lầm của mình, đồng thời hứa với Chúa sẽ thay đổi cuộc sống của mình nên tốt hơn. Một khi chúng ta thay đổi cuộc sống và thay đổi cách nhìn của mình đối với những người xung quanh, chúng ta sẽ nhận ra những điều tốt đẹp nơi người khác. Thay đổi cuộc sống sẽ giúp chúng ta thấy cuộc đời lạc quan đáng yêu hơn, đồng thời thúc đẩy chúng ta đóng góp phần mình, để nhân lên những điều thiện hảo trong cuộc sống.
      Lạy Chúa xin thương xót chúng con. Vì, mỗi vị thánh đều có một quá khứ, mỗi tội nhân đều có một tương lai. Và chúng ta đừng có mặc cảm về đời sống của chính mình, mà phải mạnh dạn thay đổi cuộc đời. Nếu mạnh dạn tiến bước, chúng ta chẳng còn là tội nhân, mà sẽ là những vị thánh, nhờ lòng yêu thương tha thứ và ơn phù trợ của Thiên Chúa, rồi cuộc đời này sẽ thay đổi, khởi đi từ sự thay đổi trong chính con người của chúng ta.  Amen


Ngày 25/01 – Thánh Phaolô, Tông đồ trở lại
Cả cuộc đời thánh Phalô có thể mô tả trong hai từ “kinh nghiệm” – cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu trên đường tới Damascus. Trong khoảnh khắc, ngài thấy rằng tất cả nhiệt huyết về cá tính mạnh mẽ của mình đều uổng phí, như sức mạnh của lực sĩ quyền anh nhún nhảy với dáng man rợ. Có lẽ ngài chưa bao giờ thấy Chúa Giêsu, người chỉ lớn hơn ngài vài tuổi. Nhưng ngài đã thù ghét Chúa Giêsu một cách quá khích, khi ngài bắt đầu làm phiền Giáo hội: “...đến từng nhà, lôi cả đàn ông lẫn đàn bà đi tống ngục” (Cv 8:3b). Ngày nay chính Ngài được “xem xét”, được sở hữu, tất cả nỗ lực đến một mục đích – là nô lệ của Đức Kitô trong sự hòa giải, là khí cụ giúp người khác nhận biết Đấng Cứu Thế.
Có một câu xác định thần học của ngài: “Tôi là Giêsu, người mà anh đang khủng bố” (Cv 9:5b). Chúa Giêsu xác nhận với mọi người một cách mầu nhiệm – nhóm người thích Saolê đã bỏ của chạy lấy người như những tên tội phạm. Ngài thấy Chúa Giêsu khỏa lấp những gì ngài đã mù quáng theo đuổi. Từ đó, công việc duy nhất của ngài là “giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi” (Cl 1:28b-29). “Vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, thì không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa” (1 Tx 1:5a).
Cuộc đời thánh Phaolô trở nên bản tuyên ngôn không ngừng và sống sứ điệp Thập giá: Các Kitô hữu chết cho tội và được mai táng với Đức Kitô. Họ chết cho những gì là tội và chưa được cứu độ trên thế gian. Họ là thụ tạo mới, thông phần chiến thắng của Đức Kitô và một ngày nào đó sẽ sống lại từ cõi chết như Đức Kitô. Qua Đức Kitô phục sinh, Chua Cha ban Thánh Thần trên họ, làm cho họ nên mới hoàn toàn.
Sứ điệp quan yếu của thánh Phaolô gởi cho thế giới là: Người ta được cứu độ hoàn toàn nhờ Thiên Chúa, không nhờ bất cứ thứ gì mà người ta có thể làm. Niềm tin cứu độ là tặng phẩm của sự tín thác nơi Đức Kitô trọn vẹn, tự do, riêng tư, và yêu thương, một sự tín thác sẽ sinh hoa kết trái nhiều hơn là Lề luật khả dĩ dự tính.

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Thứ Bảy Tuần 2 Thường Niên Mc 3, 20-21



Lời Chúa: Thân nhân của Người nói rằng Người đã mất trí.
“ Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, xin mỡ lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Ha-lê-lui-a.”
Lạy Chúa là Chúa Tể càng khôn
Đến khi nào Chúa còn móng giận
Chẳng màng chi lời dân Chúa nguyện cầu ?
Cơm Ngài cho ăn chỉ là châu lụy
Nước Ngài cho uống là suối lệ chứa chan
Ngài đã khiến chúng con làm cớ
Cho lân bang cãi cọ tranh giành
Cho thù địch nhạo cười chế giễu

Lạy Chúa, xin tảo ánh tôn nhan rạng ngờ để chúng con được ơn cứu độ.


Ngày 24/01 – Thánh Phanxicô Salê, Giám mục Tiến sĩ (1567-1622)
Người cha muốn Phanxicô làm luật sư để có thể thay thế vị trí thượng nghị sĩ tỉnh Savoy, Pháp quốc. Vì thế Phanxicô được gởi tới để học luật. Sau khi nhận bằng tiến sĩ luật, ngài trở về nhà trình bày với cha mẹ về ước muốn làm linh mục. Cha ngài không đồng ý. Sau khi nỗ lực và khôn ngoan thuyết phục, cha ngài đã đồng ý.
Phanxicô thụ phong linh mục và được bầu làm tổng đại diện giáo phận Geneva, rồi ngài chuyên đối phó với giáo phái Calvin. Phanxicô bắt đầu cảm hóa họ, đặc biệt ở quận Chablais. Bằng việc rao giảng và phân phát những tờ rơi mà ngài viết để giải thích về giáo lý Công giáo đích thực, ngài đã thành công đáng kể.
Lúc 35 tuổi, ngài dược bổ nhiệm Giám mục giáo phận Geneva. Trong khi điều hành giáo phận, ngài tiếp tục rao giảng, giải tội và dạy giáo lý cho trẻ em. Tính cách hiền dịu của ngài là “bí quyết” để ngài chiếm được các linh hồn. Ngài thực hành châm ngôn do ngài đặt ra: “Một muỗng mật ong thu hút nhiều ruồi hơn một thùng giấm” (A spoonful of honey attracts more flies than a barrelful of vinegar – tương tự tục ngữ Việt Nam: “Mật ngọt chết ruồi”).
Ngoài hai cuốn sách nổi tiếng của ngài (The Introduction to the Devout Life và A Treatise on the Love of God – Giới thiệu Đời sống Thành kính và Luận thuyết về Tình yêu Thiên Chúa), ngài còn viết nhiều cuốn sách nhỏ (pamphlets) và nhiều thư. Sách ngài viết thể hiện tinh thần hiền hậu của ngài và được giới thiệu với người ngoại giáo. Ngài muốn làm cho họ hiểu rằng họ cũng được gọi để nên thánh. Ngài viết trong cuốn The Introduction to the Devout Life: “Đó là một sai lầm, hoặc là một dị giáo, khi nói lòng sùng
đạo không tương thích với cuộc đời của binh sĩ, thương nhân, hoàng tử, hoặc phụ nữ có chồng,… Nhiều người đã gìn giữ sự hoàn hảo nơi sa mạc nhưng đã mất nó giữa thế gian”.
Mặc dù ngài sống thương đối ngắn ngủi và bận rộn, ngài đã dành thời gian cộng tác với thánh Jane Frances de Chantal trong việc lập dòng nữ Đức Mẹ Thăm Viếng (Sisters of the Visitation). Các nữ tu thực hành các nhân đức theo gương Đức Maria đi thăm thánh Êlizabet: khiêm nhường, sùng mộ và bác ái lẫn nhau. Họ bận rộn với việc thể hiện lòng nhân hậu đối với người nghèo và người bệnh. Ngày nay, một số cộng đoàn điều hành trường học, một số khác sống chiêm niệm nghiêm nhặt.

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Thứ Sáu Tuần 2 Thường Niên Mc 3, 13-19



Lời Chúa: Đức Giê-su gọi những kẻ Người muốn, để các ông ở với Người.
“ Ha-lê-lui-a. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Ha-lê-lui-a.”
Lạy Thiên Chúa xin biều thị uy phong khắp cõi trời
Và chiếu tỏa vinh quang đầy mặt đất
Vì tình thương của Ngài cao ngất trời xanh

Và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm.


Ngày 23/01 – Chân phước Marianne Cope, Trinh nữ (1838-1918)
Dù bệnh phong cùi làm dân Hawaii hoang mang hồi thế kỷ 19, chứng bệnh này vẫn nảy sinh lòng đại lượng ở người phụ nữ được biết đến là Mẹ Marianne ở Molokai. Lòng can đảm của bà giúp cải thiện những nạn nhân ở Hawaii, một vùng thuộc Hoa kỳ thời bà sống (1898).
Lòng đại lượng và can đảm của Mẹ Marianne được kính nhớ ngày 14-5-2005, ngày Mẹ được phong thánh tại Rôma. ĐHY Jose Saraiva Martins, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, nói rằng Mẹ là một phụ nữ nói với thế giới bằng “ngôn ngữ của chân lý và yêu thương”. ĐHY Martins, người chủ tế lễ phong thánh tại Đại Giáo đường thánh Phêrô, đã gọi cuộc đời Mẹ là “tuyệt tác của Hồng ân Thiên Chúa”. Nói về tình thương đặc biệt của Mẹ dành cho những người phong cùi, ĐHY Martins nói: “Mẹ nhìn thấy khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu nơi những người phong cùi. Như người Samaritanô nhân hậu, Marianne đã trở nên mẹ của họ”.
Ngày 23-01-1838, một bé gái được sinh ra là con của Peter và Barbara Cope, người vùng Hessen-Darmstadt, Đức quốc. Bé gái này được đặt theo tên người mẹ. Hai năm sau, gia đình Cope nhập cảnh Hoa kỳ và định cư ở Utica, New York. Bé gái Barbara lớn lên và làm việc trong một nhà máy cho đến tháng 8-1862 thì vào Dòng nữ Phanxicô (Sisters of the Third Order of Saint Francis) ở Syracuse, New York. Sau khi tuyên khấn vào tháng 11-1863, nữ tu Barbara được gọi là Marianne và bắt đầu dạy học tại trường của giáo xứ Mông Triệu.
Nữ tu Marianne giữ chức vị cao ở vài nơi, hai lần là giáo tập trong hội dòng và ba lần làm trưởng Bệnh viện Thánh Giuse ở Syracuse, nơi Mẹ biết sẽ hữu ích trong thời gian ở Hawaii. Được bầu làm giám tỉnh năm 1877, Mẹ Marianne lại tái đắc cử năm 1881. Hai năm sau, chính quyền Hawaii tìm một người để điều hành Trạm Tiếp Nhận Kakaako (Kakaako Receiving Station) chăm sóc những người nghi bị phong cùi. Hơn 50 cộng đồng tôn giáo ở Hoa kỳ và Canada đều được yêu cầu. Khi đến dòng nữ ở Syracuse, 35 nữ tu đã tình nguyện ngay. Ngày 22-10-1883, Mẹ Marianne và 6 nữ tu đi Hawaii nhận nhiệm vụ tại Trạm Tiếp Nhận Kakaako ở ngoại ô Honolulu. Trên đảo Maui, các nữ tu mở bệnh viện và trường học cho các em gái.
Năm 1888, Mẹ Marianne và hai nữ tu đi Molokai để thành lập nhà mở cho các phụ nữ và các cô gái không có ai che chở. Chính quyền Hawaii khá lưỡng lự khi để phụ nữ đảm nhận nhiệm vụ khó khăn này. Họ không cần lo về Mẹ Marianne như vậy! Ở Molokai, Mẹ đã đảm trách nhà mở mà Chân phước Damien DeVeuster (qua đời năm 1889) đã thành lập cho đàn ông và các em trai. Mẹ Marianne đã “đổi đời” ở Molokai bằng cách giới thiệu sự sạch sẽ, niềm hãnh diện và sự vui vẻ cho kiều dân. Những chiếc khăn quàng màu sáng và những chiếc áo đầm xinh xắn dành cho phụ nữ là một phần kế hoạch của Mẹ.
Chính quyền Hawaii đã tặng Huân chương Hoàng gia (Royal Order) của Kapiolani và được thi sĩ Robert Louis Stevenson nhớ đến Mẹ trong một bài thơ, Mẹ Marianne trung thành tiếp tục trách nhiệm. Nhiều cô gái Hawaii có ơn gọi đi tu và vẫn làm việc ở Molokai. Mẹr Marianne qua đời ngày 09-08-1918.

Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Thứ Năm Tuần 2 Thường Niên Mc 3, 7-12



Lời Chúa: Các thần ô uế kêu lên: Ông là Con Thiên Chúa. Nhưng Người cấm ngặt chúng không tiết lộ Người.
“ Ha-lê-lui-a. Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Ha-lê-lui-a.”
Tôi tin tưởng vào Thiên Chúa và không còn sợ hải
Phàm nhân làm gì nổi được tôi
Lạy Thiên Chúa, lời khấn cùng Ngài, con xin giữ

Lễ tạ ơn, con nguyện sẽ dâng lên Ngài.


Ngày 22/01 – Thánh Vincent, Phó tế Tử đạo (qua đời năm 304)
Khi Chúa Giêsu trên hành trình đến cái chết, thánh sử Luca nói rằng Ngài đã hướng về thành thánh Jerusalem. Chính lòng can đảm cứng như đá này là dấu chỉ đặc biệt của các vị tử đạo.
Hầu hết những gì chúng ta biết về vị thánh này là nhờ thi sĩ Prudentius. Vở kịch về ngài được thêu dệt tự do bằng sự tưởng tượng của người sưu tập. Thánh Augustinô, trong một bài giảng về thánh Vincent, đã nói về việc có vở kịch về việc tử đạo. Ít nhất chúng ta cũng biết chắc tên ngài, một phó tế, nơi ngài chết và an táng.
Theo tích truyện chúng ta có (và một số truyện về các vị tử đạo ban đầu, cách sùng đạo khác thường của ngài hẳn phải có nền tảng một cuộc sống rất anh dũng), thánh Vincent được phong chức Phó tế bởi tay người bạn là thánh Valerius Saragossa ở Tây ban nha. Các hoàng đế Rôma đã xuất bản các lệnh của ngài phản đối giới tu trì (clergy) năm 303, và năm sau là lệnh phản đối người ngoại giáo. Thánh Vincent và Đức Giám mục Valerius bị tù ở Valencia. Đói khát và bị hành hạ vẫn không làm các ngài nao lòng. Như chàng thanh niên trong lò lửa (sách Daniel, chương 3), họ có vẻ mạnh mẽ trong đau khổ. Valerius bị đi đày, thế là Dacian đổ cơn giận lên Vincent. Những đợt hành hạ dã man như thế chiến II bùng nổ, nhưng nỗ lực của Dacian không ăn thua. Ngài lại tiếp tục bị hành hạ.
Cuối cùng Dacian thỏa hiệp: Vincent phải bỏ sách thánh vào lửa theo lệnh của hoàng đế. Ngài một mực từ chối. Ngài bị đưa lên giàn nướng, tử tù Vincent vẫn anh dũng, những người hành hạ cũng “bó tay”. Thánh Vincent bị tống vào ngục dơ bẩn. Và ở đây ngài đã chuyển hóa được tân cai ngục. Dacian nổi giận lôi đình, bắt ngài phải chết. Các bạn đến thăm ngài, nhưng ngài đã yếu sức. Họ đặt ngài lên giường, và rồi ngài trút hơi thở cuối cùng.