Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Chúa Nhật V Thường niên năm B



Lời Chúa: Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.
       Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
      Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

      Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.  Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
        Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một ngày làm việc bận rộn của Chúa Giêsu trong hội đường, với một thái độ ân cần, tận tình và đầy lòng thương xót. Rồi ngài đến nhà ông Simon thăm bà mẹ vợ ông đang ốm, ngài đến cầm tay nâng đỡ bà cụ, dù bận công việc như vậy. Nhưng Ngài không quên ra nơi thanh vắng và cầu nguyện với Chúa Cha, và  cuộc đời Chúa Giêsu không chỉ là rao giảng Tin Mừng, nhưng còn là sự cảm thông, chia sẻ, chữa lành những đau khổ của nhân loại. Ngài đã chữa cho người mù được sáng mắt, người bệnh phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người câm được nói, cho kẻ chết sống lại vv và vv… Người đã lấy sức mạnh nơi Thiên Chúa trong những giờ cầu nguyện với Chúa Cha, và chính Chúa Giêsu đã đi trên con đường này rồi Người đã đi đến tận cùng khi chịu chết treo trên cây thập tự. Những đau khổ và cái chết đã không dừng lại ở đây, mà kết thúc ở sự Phục sinh vinh quang của Người.
        Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải là Thiên Chúa của tình yêu, Người là Đấng giải phóng chúng ta khỏi mọi sự dữ. Phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu là những dấu chỉ nói lên tình yêu đầy quyền năng của Thiên Chúa, dẫn chúng ta đến sứ điệp của Đức Kitô, hướng chúng ta về với Thiên Chúa và làm cho chúng ta hiểu rằng, căn bệnh nặng nề nhất của con người hôm nay là sự thiếu vắng Thiên Chúa, thiếu vắng nguồn suối chân lý và tình yêu, chỉ có sự hòa giải với Thiên Chúa mới có thể mang lại cho chúng ta sự chữa lành thật sự, sự sống thật sự, bởi vì một cuộc sống mà không có tình yêu và chân lý thì chẳng phải là cuộc sống nữa… Do đó sự rao giảng và chữa lành bệnh tật của Đức Giêsu luôn liên hệ mật thiết với nhau, tạo nên một sứ điệp duy nhất về niềm hy vọng và ơn cứu độ.
      Mỗi người Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi, để chia sẻ và xoa dịu nỗi đau khổ của anh chị em mình, nếu như chúng ta muốn làm chứng cho Thiên Chúa. Chúng ta vẫn có thể cầu nguyện cho mọi người, bằng tất cả những việc làm yêu thương nhỏ bé nhất thường ngày, chúng ta nói với mọi người về Chúa Giêsu của chúng ta. Đó cũng là cuốn Tin Mừng sống động viết bằng chính cuộc đời của chúng ta.  Amen


Ngày 08/02 – Thánh Giôsêphina Bakhita, Trinh nữ (khoảng 1868-1947)
Giôsêphina Bakhita là một nô lệ trong nhiều năm nhưng tinh thần của bà luôn tự do và thanh thản. Giôsêphina sinh tại Olgossa, miền Darfur, Nam Sudan, bị bắt cóc lúc 7 tuổi, bị bán làm nô lệ và được đặt tên là Bakhita (nghĩa là “vận may”). Bakhita bị bán đi bán lại vài lần, cuối cùng là năm 1883, bà bị bán cho Callisto Legnani, lãnh sự Ý ở Khartoum, Sudan.
Hai năm sau, Callisto đưa Bakhita sang Ý và giao cho bạn ông ta là Augusto Michieli. Bakhita giữ con cho Mimmina Michieli, rồi Bakhita cùng Mimmina đến Trường Tân tòng (Institute of the Catechumens) ở Venice, do các nữ tu Canossa điều hành. Khi Mimmina đang học, Bakhita cảm thấy muốn theo đạo Công giáo. Và rồi Bakhita được rửa tội và thêm sức năm 1890, có tên là Giôsêphina. Khi gia đình Michieli trở về từ Phi châu, họ muốn đem Mimmina và Giôsêphina về với họ, Giôsêphina không chịu đi. Trong khi tìm cách kiện tụng, các nữ tu Canossa và thị trưởng Venice can thiệp giúp Giôsêphina. Thẩm phán kết luận rằng việc buôn bán nô lệ ở Ý là bất hợp pháp, và Giôsêphina được tự do từ năm 1885.
Giôsêphina vào Dòng Thánh Mađalêna Canossa năm 1893, ba năm sau Giôsêphina được tuyên khấn. Năm 1902, Giôsêphina được thuyên chuyển tới thành phố Schio (Đông Bắc Verona), ở đây bà giúp nhà dòng nấu ăn, may vá, thêu thùa và đón khách. Giôsêphina được trẻ em và dân địa phương quý mến. Có lần bà nói với họ: “Hãy sống tốt, hãy yêu mến Chúa, hãy cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa. Được biết Chúa là một hồng ân cao cả!”.
Án phong chân phước cho bà bắt đầu mở từ năm 1959. Mãi đến năm 1992, bà mới được ĐGH Gioan-Phaolô II phong chân phước và phong thánh vào năm 2000.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét