Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B



Lời Chúa: Đức Giê-su chịu Xatan cám dỗ, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
     Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

      Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Gie-su đến niềm Galilê rao giảng Tin mừng của Thiên chúa. Người nói: “ Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
        Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay, thường được mệnh danh là ngày Chúa nhật Chúa bị cám dỗ. Nhưng ước gì chúng ta hãy nghĩ đúng về biến cố này, như bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, là biết đúng theo ý của Giáo hội. Muốn chúng ta sống ngày hôm nay và suốt tuần lễ này như thế nào? Trước tiên là thời gian Ân sủng, thời gian Chúa yêu thương chúng ta và muốn giao ước thân hữu mãi mãi với mọi người chúng ta. Thế nên không ai được sợ đi vào mùa Chay Thánh. Ðừng ai nghĩ ngay tới việc ăn chay, hãm mình, kẻo đâm ra ngại ngùng. Ngược lại, chúng ta cần phải nhớ mình là những người đã được chịu phép Rửa, đã được đưa ra khỏi trận lụt Hồng Thủy của tội lỗi, để bây giờ được Thiên Chúa coi như con cái. Như xưa Ngài đã xử sự với ông Nô-ê và con cái ông. Chỉ với những tâm tình như vậy, chúng ta mới hiểu được hết ý nghĩa của bài Tin Mừng này và mới kết hợp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm Phụng vụ.Và đó là ý nghĩa của việc Chúa bị cám dỗ, bốn mươi ngày, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
       Trong đời sống xã hội ngày nay, có quá nhiều những bất công, những cái chết tức tưởi vì chiến tranh và khủng bố, những người thấp cổ bé miệng bị đày đoạ trong những cảnh sống lầm than, bị tước đoạt những quyền lợi chính đáng, rồi chúng ta dễ bị rơi vào tâm trạng bi quan lo lắng, liệu những nỗ lực nhỏ bé của mình có đem lại điều gì tốt đẹp hơn cho cuộc sống hôm nay. Như sứ điệp của Lời Chúa giảng dạy là: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Rồi sẽ giải thoát chúng ta khỏi những bất công đang đè nặng trên cuộc đời của chúng ta. Tất nhiên để điều đó trở nên hiện thực, không loại trừ chúng ta cũng phải vác thập giá mình mà đi theo chân Chúa.
      Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con luôn tin vào sức mạnh của Tin Mừng và sự Phục Sinh của Chúa, để chúng con sẽ được giải thoát và nhìn thấy ánh sáng ân phúc của Chúa.   Amen.


Ngày 22/02 – Tông tòa Thánh Phêrô
Lễ này kỷ niệm việc Chúa Giêsu chọn thánh Phêrô làm đầu Giáo hội.
Thiên thần nói với Madalêna: “Ngài đã sống lại! Hãy đi nói với các tông đồ và Phêrô”. Thánh sử Gioan kể lại rằng khi ngài và thánh Phêrô tới mộ, người trẻ đến trước người già nên đứng đợi. Phêrô vào mộ, thấy khăn liệm trên đất, khăn trùm cuộn lại gọn gàng. Gioan thấy và tin. Nhưng thánh Gioan nói thêm: “...Hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20:9). Họ trở về. Tin mừng lan truyền, điều không thể trở nên có thể. Chúa Giêsu hiện ra với họ khi họ đang sợ hãi chờ đợi trong căn phòng được khóa chặt. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em” (Ga 20:21b), và họ vui mừng.
Lễ Hiện xuống hoàn tất kinh nghiệm của thánh Phêrô về Đức Kitô phục sinh: “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:4a).
Chỉ khi đó thánh Phêrô mới hoàn tất trọng trách Chúa Giêsu đã trao: “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22:32). Ngay lúc đó ngài trở thành phát ngôn viên cho Nhóm Mười Hai về kinh nghiệm Thánh Thần – trước mặt chính quyền đời, những người muốn cấm các tông đồ rao giảng, trước công hội Jerusalem, đối với cộng đoàn Ananias và Sapphira đang gặp rắc rối. Ngài là người đầu tiên rao giảng Phúc Âm cho dân dân ngoại. Khả năng chữa bệnh của Chúa Giêsu nơi ngài được minh chứng: làm cho Tabitha sống lại, chữa lành người ăn xin bị què. Người ta đem các bệnh nhân ra đường khi thánh Phêrô đi ngang qua với hy vọng bóng ngài sẽ lướt trên các bệnh nhân và được khỏi.
Ngay cả một thánh nhân cũng trải qua khó khăn trong đời sống Kitô giáo. Khi thánh Phêrô không ăn uống với các tân tòng vì ngài không muốn làm tổn thương các Kitô hữu người Do thái, thánh Phaolô nói: “Tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kê-pha trước mặt mọi người: "Nếu ông là người Do-thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do-thái?” (Gl 2:11b, 14a).
Cuối Phúc Âm theo thánh Gioan, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21:18). Lời Chúa Giêsu nói cho thấy cách chết của thánh Phêrô. Trên Đồi Vatican ở Rôma, thời Nero, thánh Phêrô đã làm vinh danh Chúa bằng cái chết: bị đóng đinh ngược.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét