Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2016

Chúa Nhật XII Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu đau khồ nhiều.
      Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Dân chúng nói Thầy là ai?" Các ông thưa: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại". Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô thưa: "Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa". Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
      Người bảo rằng: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy".

       Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
        Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy, có ba góc độ nhận xét về Chúa Giêsu. Một, dân chúng nhận xét Chúa Giêsu là một tiên tri như Gioan Tẩy Giả, hoặc Êlia hay một ngôn sứ nào đó. Hai, là các môn đệ nhận biết về Chúa Giêsu, qua Phêrô đại diện các tông đồ mà thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Mức độ thứ ba, chính là cao điểm của toàn bộ Kinh Thánh và mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá và Phục Sinh. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Con người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày sẽ sống lại.” Đó mới là sứ mệnh chính yếu của Đức Kitô, tự nguyện chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá để cứu chuộc nhân loại chúng ta.
       Lời mời gọi vác thập giá theo Chúa vẫn vang vọng qua dòng lịch sử thời gian, thập giá hằng ngày của người Kitô hữu chúng ta đối diện. Là sự đau khổ của bệnh tật, nỗi cô đơn của tuổi già, những đau khổ do hận thù, ghen ghét, ganh tỵ,  sự cám dỗ hủy hoại sự sống bằng cách phá thai, cổ võ hôn nhân đồng tính vv… Những thập giá này đang đè nặng trên vai mỗi người chúng ta, không thập giá nào nặng hơn hoặc nhẹ hơn thập giá nào. Mà chúng ta cần phải can đảm đón nhận thập giá đời mình với sự mạnh dạn và xác tín rằng, Chúa Giêsu cũng đang đồng hành và vác thập giá cùng với chúng ta.
        Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con có thể hiểu cặn kẽ hơn Thánh ý của Chúa Cha. Nguyện xin Thánh Thần Chúa soi sáng cho những công việc chúng con đang làm và ban cho chúng con sức mạnh để chúng con có thể thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con, chúng con nguyện xin được noi gương Đức Maria không chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống của chúng con.  Amen

NGÀY 19 THÁNG 06:THÁNH RÔMUALĐÔ, VIỆN PHỤ (956-1027)
Thánh Rômualdô sinh tại Ravenna năm 956, trong một gia đình danh giá nước Ý. Bá tước Sergiô, cha ngài đã phụng dưỡng ngài trong một nếp sống xa hoa. Rômualdô đã chỉ tìm vui chơi mà không nghĩ gì tới bổn phận phải nên thánh. Dầu vậy, đôi lần đi săn thú, ngài thấy mình đơn độc giữa rừng vắng và phải suy nghĩ... Ngài đặt mình vào một ngày nào đó phải chết và bỗng thấy lo âu. Ngài cũng thấy rằng các ẩn sĩ chọn đời sống cô tịch, hãm mình để hiến thân phụng sự Chúa thật là đúng đắn. Những giấc mơ như vậy thanh luyện hồn ngài và cảm kích bởi ơn thánh, ngài tự hứa với mình là sẽ cải thiện đời sống nhưng rồi trở lại với những thú vui ngày thường ngài lại lùi bước trước nỗ lực và lao mình theo các thị hiếu.
Một biến cố đau thương đã thành phương tiện Thiên Chúa dùng để gỡ Rômualđô khỏi những ràng buộc với thế gian. Sergiô cha ngài gây lộn với một người bà con về việc sở hữu một cánh đồng đã thách đấu kiếm, ông còn bắt con mình dự vào cuộc đấu. Sergiô giết chết đối thủ, coi mình là đồng loã với tội phạm này và thấy phải đền trả. Rômuadô đã vào tu viện để thống hối suốt 40 ngày. Bị đánh động bởi thực tế trái ngược hẳn với lối sống phân tán của thế gian, ngài chỉ còn nghĩ tới việc bắt chước những khắc khổ mà ngài được chứng kiến.
Bá tước Sergiô cảm kích vì mẫu gương của con mình đã vào dòng. Khi bị cám dỗ trở về đường xưa, ông lại dẫn con mình kịp thời can thiệp và tiếp tục trung thành với đời sống đền bồi cầu nguyện.
Sau 7 năm sống trong dòng, Rômuado dấn mình vào sa mạc, sống gần vị ẩn sĩ già là Marinô. Đây là bậc thầy nghiêm ngặt mà ngài đã chọn, Marinô thường lấy roi đánh trên đầu môn đệ của mình để xua đuổi sự chia trí lo ra hay để phạt một lầm lỗi khi đọc thánh vịnh, hay hơn nữa để giúp họ quen chịu khổ. Ông lại hay đánh có một phía. Rômuado không hề phàn nàn kêu trách.
Một ngày kia Ngài nói với thầy: Thưa thầy, từ nay xin thầy đánh về phía mặt vì tai trái con hầu như điếc rồi. Rômuado thầm cảm phục và kính trọng môn đệ mình.
Rômuado nuôi chí hứơng canh tân dòng Biển Đức đang thời sa sút, ngài thiết lập một tu viện. Ngài làm cho các môn đệ nhiệt tình nên hoàn hảo trong việc hãm mình, khi phải chống lại sự dữ và phạt tội lỗi, thánh nhân đã tỏ ra cương nghị, chẳng hạn khi vua Othen III đến tu viện để đền bù tội lường gạt và sát hại một thủ lãnh loạn luân, ông được truyền dạy phải đi chân không tới Nhà thờ Thánh Micae và suốt Mùa Chay, phải ở trong đồng mà ăn chay, ngủ trên rơm cỏ.
Rômuado chống gậy rảo khắp nước Ý sang cả Pháp và Đức. Ngài xây nhiều nhà thờ, thiết lập nhiều tu viện, và các trung tâm ẩn tu trong sa mạc. Ngày kia, ngài tìm được một nơi thanh vắng trong dãy Apennins. Ngài mơ thấy một cái thang bắc lên trời, có các tu sĩ lên xuống. Vị lãnh chúa miền này cho ngài cánh đồng Malđôli. Thánh nhân lập dòng Camaldules sống đời liên lỉ.
Vào tuổi 120, Thánh Rômuado từ trần, ngày 19-06-1076.
Sau 439 năm, xác ngài còn nguyên vẹn và được đặt trong nhà thờ của dòng ở Fabrianô.

1 nhận xét: