Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm B

Lời Chúa: Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều.
     Một hôm, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: "Người ta nói Thầy là ai?" Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó." Người lại hỏi các ông: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô trả lời: "Thầy là Đấng Ki-tô." Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
     Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: "Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

     Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay muốn nói lên con đường Cứu Thế của Đức Chúa là con đường thập giá, là con đường đau khổ. Sở dĩ ông Phêrô và các môn đệ đã chưa nhận ra được con đường của Thầy là đau khổ, chết trên thập giá và Phục Sinh khải hoàn là bởi các ông chưa được Thánh Thần soi sáng và tác động. Ông Phêrô và các môn đệ khác chỉ có thể nhận ra con đường Cứu Độ của Đức Chúa sau khi Ngài từ trong cõi chết sống lại, và chữ Kitô có nghĩa là gắn liền với thập giá, chúng ta mang danh hiệu người Kitô hữu cũng có nghĩa là gắn liền với sự đau khổ vào thập giá của Đức Kitô, là Chúa của chúng ta.
      Vâng cuộc đời này sẽ đi qua, tiền tài, danh vọng và lạc thú tất cả chỉ là phù vân về với phù vân. Cái chết sẽ làm chúng ta đoạn tuyệt tất cả, nếu cuộc đời chết là hết thì chẳng có gì đáng nói. Nếu chết là hết thì cuộc đời là một thảm hoạ đối với bản thân chúng ta và đồng loại, người ta đâu cần rèn luyện tài đức, người ta chỉ cần vun quén cho bản thân, và mặc xác cho đồng loại sống chết mặc kệ họ.
      Nhưng cuộc đời không dừng lại ở cái chết, cái chết là ngưỡng cửa mở ra cho sự sống vĩnh cửu. Và ở cõi đời đời con người đau khổ hay hạnh phúc lại tuỳ thuộc ở cuộc sống hôm nay. Vì thế, nếu chúng ta chọn sự sống đời đời là phải từ bỏ tham sân si, từ bỏ mọi đam mê bất chính, và phải chịu hy sinh cái tôi của chúng ta và vượt thắng những cám dỗ, như các Tông đồ ngày xưa đã vượt thắng tất cả vì tin rằng Chúa là Đường là sự Thật, và là sự Sống. Các Ngài đã từ bỏ mọi sự mà theo Chúa, còn chúng ta có dám vì sự sống bất diệt ngày mai ở bên Chúa để can đảm khước từ những đam mê bất chính, những bon chen danh lợi và lạc thú, để sống theo giáo huấn của Chúa hay không ? Hạnh phúc hay đau khổ còn tuỳ thuộc vào sự chọn lựa của chúng ta ngày hôm nay ?
      Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con để vinh danh Chúa và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa dạy.  Amen.

Ngày 13/09 –  Thánh Gioan Chrysostom, Giám mục Tiến sĩ (qua đời năm 407)
Thánh Gioan Chrysostom còn được gọi là Gioan Kim khẩu hoặc Kim ngôn – nghĩa là “có tài ăn nói”, theo ý nghĩa từ Chrysostom. Ngài được đưa đến Constantinople sau 12 năm thi hành sứ vụ linh mục tại Syria, ngài thấy mình là nạn nhân đối với thủ đoạn của đế quốc khi chọn ngài làm giám mục của một thành phố lớn nhất đế quốc. Ngài sống khổ hạnh, giản dị nhưng có phẩm cách, và bị đau bao tử từ khi là tu sĩ, ngài bắt đầu sứ vụ giám mục dưới sự bảo vệ của chính trị đế quốc.
Cơ thể ngài yếu, nhưng miệng lưỡi ngài mạnh. Những bài giảng, những bài chú giải Kinh thánh của ngài không bao giờ thiếu điểm nổi bật. Đôi khi điểm nhấn đó “chạm” vào những người quyền cao chức trọng. Có những lúc ngài giảng tới 2 giờ. Cách sống của ngài không được các cận thần hoàng đế ưa thích. Ngài phàn nàn với ban ngoại giao triều đình đã ưu tiên ngài trước mặt các quan chức cao cấp.
Ngài phản đối các giám mục bất xứng ở Tiểu Á là những người tham lam, lạm dụng giáo quyền. Hai nhân vật quan trọng làm mất uy tín ngài là TGM Theophilus, TGP Alexandria, và nữ hoàng Eudoxia. TGM Theophilus kết án thánh Gioan Chrysostom là ấp ủ tà thuyết, đồng thời chọc giận các giám mục được nữ hoàng Eudoxia đỡ đầu. Nữ hoàng bực tức vì các bài giảng của ngài tương phản với Phúc âm và triều đình. Dù muốn hay không, các bài giảng của ngài nói tới Jezebel và Herodias bất kính đã cấu kết với nữ hoàng. Chính nữ hoàng đã bắt ngài đi đày, và ngài qua đời năm 407 khi đang bị lưu đày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét