Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2017

Chúa Nhật Chúa Hiển Linh Năm A

Lời Chúa: Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người.
       Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: "Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

       Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
     Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy. Lễ Giáng Sinh và lễ Hiển Linh là hai biến cố khác nhau, nhưng cùng qui về một mầu nhiệm duy nhất của mùa Giáng Sinh là Thiên Chúa đã nhập thể làm Người. Lễ Hiển Linh cử hành biến cố ba nhà đạo sĩ Phương Đông đến thờ lạy Chúa, họ được coi là dân ngoại đã khám phá và tin nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình. Vì thế, ngày lễ này được coi là ngày lễ của niềm tin và niềm vui, để chiêm ngắm cuộc hành trình đức tin của ba nhà đạo sĩ và chúng ta cũng có dịp để hâm nóng lại đức tin của chính  mình.
     Vị Vua tình yêu đã giáng trần, đã cho con người chúng ta lần tìm ra chân lý tình yêu của Thiên Chúa. Biết bao lương dân giờ đã nhận biết Chúa, biết bao người tội lỗi đã trở về cùng Thiên Chúa. Chúng ta thật hạnh phúc vì là thần dân của Vị Vua đầy tình yêu này, một Vị Vua không hề biết nói đến sự tiêu diệt. Một Vị Vua không ngồi trên ngai vàng để cai trị, nhưng luôn hiện diện trên thập giá để sẵn sàng chịu chết thay cho con dân của Ngài. Đó chính là Vị Vua Giêsu, là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ nhân trần. Tình yêu của Ngài giờ đây trải rộng đến khắp muôn dân.
     Lạy Chúa Giêsu Hài Nhi, chúng con nhớ lời Chúa nói: "Bất cứ điều gì các con làm cho người khác là làm cho chính Thầy." Vâng, chúng con luôn gặp Chúa trong cuộc sống hằng ngày qua những anh chị em sống với chúng con, và tất cả những gì chúng con làm cho họ là chúng con làm cho chính Chúa. Như vậy, lễ vật làm hài lòng Chúa nhất chính là những gì chúng con trao tặng cho tha nhân. Amen

Ngày 08/01 – Chân phước Angela Foligno (1248-1309)
Một số các thánh cho thấy các dấu hiệu thánh thiện rất sớm. Nhưng Angela thì không! Xuất thân từ một gia đình thế lực ở Foligno, bà chìm đắm suy tư và của cải và vị thế xã hội. Khi làm vợ và làm mẹ, bà tiếp tục cuộc sống suy tư này. Khoảng năm 40 tuổi, bà nhận thấy sự trống rỗng của cuộc sống và bà tìm sự giúp đỡ của Thiên Chúa qua bí tích Hòa giải. Linh mục Dòng Phanxicô giải tội và giúp bà tìm kiếm sự tha thứ của Thiên Chúa đối với cuộc sống trước đó và bà tận hiến cuộc đời chuyên chăm cầu nguyện và làm việc từ thiện.
Không lâu sau khi trở lại đạo, chồng và các con bà đều qua đời. Bán hầu hết tài sản, bà vào Dòng Ba Phanxicô. Bà bị thu hút bởi việc suy niệm về Chúa Giêsu bị đóng đinh nhờ việc giúp đỡ người nghèo ở Foligno với tư cách là y tá và đi xin người khác giúp đỡ họ. Các phụ nữ khác cùng bà làm thành một cộng đoàn tôn giáo.
Theo lời khuyên của cha giải tội, Angela viết cuốn Book of Visions and Instructions (Thị kiến và Hướng dẫn). Trong đó bà nhớ lại một số cám dỗ mà bà đã chịu sau khi trở lại đạo; bà cũng diễn tả tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về việc nhập thể của Chúa Giêsu. Cuốn sách này và cuộc đời bà khiến bà được tôn phong danh hiệu “sư phụ của các thần học gia”. Bà được tôn phong chân phước năm 1693.

1 nhận xét: