Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Chúa Nhật XVIII Thường Niên Năm c

Lời Chúa: Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?
      Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.”

      Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta nghe, có một người đến xin Chúa Giêsu xử kiện chia tài sản giúp cho anh ta. Rồi Chúa khuyên dạy, anh hãy giữ mình khỏi mọi sự tham lam. Là vì, mọi sự đều là hư không… Khi chưa có của thì mất ăn mất ngủ để tìm cho có, nhưng khi có rồi thì lại lo giữ của. Ăn ngủ không yên suốt ngày họ lo lắng sợ mất của và ban đêm lại không được yên lòng, đó sự tham lam ích kỷ của một kiếp người.
      Xét cho cùng, cuộc sống hôm nay không thiếu những người như ông phú hộ chỉ biết tích trử kho lẫm hoặc người xin Chúa xử kiện chia tài sản tham lam. Và trong mỗi người chúng ta vẫn có lòng tham hằng thúc đẩy chúng ta thâu tóm của cải cho thật nhiều, như không bao giờ thấy đủ. Trái lại, nếu chúng ta biết khôn khéo tích trữ thật nhiều của cải thiêng liêng, để trở nên người giàu có trước mặt Thiên Chúa, thì chúng ta có thể an tâm tự nhủ lòng mình. Hồn ta hỡi, hãy hoan lạc vui mừng, vì hoa trái Cậy Mến của ngươi đã đua nở trên trời, rồi mai đây sẽ vui hưởng phúc thiên đàng.
     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con biết ý thức rằng. Của cải trần gian chỉ chóng qua mau, nhưng tìm kiếm Nước Trời mới là niềm hạnh phúc đích thực. Xin dạy chúng con biết san sẻ hồng ân của Chúa cho mọi người, để thế gian này không còn cảnh bất công, luôn sống công bằng và yêu thương trong tình huynh đệ.  Amen

Ngày 31/07 –  Thánh Inhaxiô Loyola (1491-1556)
     Thánh Inhaxiô là vị sáng lập Dòng Tên. Ngài là một quân nhân và bị trái pháo làm bị thương ở chân. Khi nằm điều trị, không có sách nào hay để đọc, ngài “giết thời gian” bằng cách đọc sách về cuộc đời Chúa Kitô và hạnh các thánh. Ngài được đánh động sâu sắc. Thấy Đức Mẹ trong một thị kiến, ngài quyết định hành hương tới đền Đức Mẹ ở Montserrat (gần Barcelona). Ngài ở Manresa gần 1 năm, và thường vào hang động để cầu nguyện. Sau một thời gian lắng đọng tâm hồn, ngài cân nhắc cuộc đời. Làm thế nào cũng không thấy lòng bình an. Một thời gian dài sau ngài mới lấy lại được quân bình. Khi đó ngài bắt đầu viết kiệt tác “Luyện tập Tâm linh” (Spiritual Exercises).
     Ngài sống 11 năm ở các trường đại học Âu châu, ngài học rất khó khăn, bắt đầu như một đứa trẻ. Hai lần ngài bị nghi ngờ và 2 lần bị tù một thời gian ngắn.
     Năm 1534, khi ngài 43 tuổi, ngài và 6 anh em khác (trong đó có thánh Phanxicô Xaviê) khấn sống khó nghèo và khiết tịnh, và cùng tới Thánh Địa. Bốn năm sau, thánh Inhaxiô lập Dòng Tên và được ĐGH Phaolô III phê chuẩn, chính thánh Inhaxiô được bầu làm bề trên tổng quyền đầu tiên. Ngài còn thành lập trường ĐH Rôma, kiểu mẫu của các Đại học khác.
     Ngài thực sự là nhà thần bí. Ngài tập trung đời sống tâm linh vào các nền tảng chính của Kitô giáo – Chúa Ba Ngôi, Đức Kitô, và Thánh Thể. Tinh thần của ngài được diễn tả bằng câu châm ngôn của Dòng Tên: “Ad majorem Dei gloriam” (vì vinh quang Thiên Chúa). Theo khái niệm của ngài, vâng lời là nhân đức nổi trội, bảo đảm hiệu quả và tính di động của các tu sĩ. Mọi hoạt động được hướng dẫn bằng lòng yêu thực sự dành cho Giáo hội và vâng lời Đức Giáo hoàng vô điều kiện, do đó mà các tu sĩ Dòng Tên có lời khấn thứ tư là đến bất cứ nơi nào ĐGH sai đi để cứu các linh hồn.

1 nhận xét: