Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Chúa Nhật Phục Sinh Năm C

Lời Chúa: Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết.
     Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giê-su đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì kìa hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã chỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại".
     Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giê-su đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. Mấy bà nói đây là bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, và bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. Nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn, nên chẳng tin.

     Dầu vậy, ông Phê-rô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
    Bài Tin Mừng hôm nay nói về cuộc Vượt Qua của Chúa và  Chúa Giêsu đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới. Chúa biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh, Chúa khiến cho cửa mồ trở thành cổng đón tiếp nhân loại vào Thiên Quốc. Chúa biến sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh, biến ngày cuối đời của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới.
     Từ đó, ngày Phục Sinh được gọi là ngày Chúa nhật, ngày của Chúa. Biến cố Phục Sinh không phải chỉ là một biến cố có tính cách lịch sử mà hơn thế nữa, còn là một biến cố làm nên lịch sử, vì biến cố ấy không ngừng được công bố và trở thành nền tảng niềm tin cho cả Giáo Hội. Bởi vì một khi Đức Kitô là đầu đã sống lại, thì chúng ta là chi thể, một ngày kia cũng sẽ sống lại, nếu như chúng ta trung thành gắn bó mật thiết với Chúa.
      Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho chúng con thêm mạnh mẽ trong niềm tin và cảm nghiệm thật sâu niềm vui ngày Chúa sống lại. Nhờ đó, chúng con biết sống và hăng say loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến cho mọi người. Amen.

Ngày 27/03 – Chân phước Phanxicô Fà Brunô, Linh mục (1825-1888)
Phanxicô sinh trưởng trong một gia đình quý tộc tại Bắc Ý, là con út trong 12 người con. Ngài sống trong thời gian rất hỗn loạn của lịch sử, khi những tình cảm chống Công giáo và chống giáo hoàng rất dữ dội. Sau khi được đào tạo làm sĩ quan quân đội, Phanxicô được Vua Victor Emmanuel II chú ý. Nhà vua ấn tượng với cá tính và sức học của chàng thanh niên này. Được nhà vua mời dạy kèm cho 2 hoàng tử, Phanxicô đồng ý và chuẩn bị học thêm. Như với vai trò của giáo hội trong việc gia đình là điểm khó đối với nhiều người, nhà vua phải rút lời đề nghị với Phanxicô và tìm gia sư khác thích hợp hơn với tình trạng thế tục.
Phanxicô sớm từ giã đời quân ngũ và theo học tiến sĩ ở Paris về toán học và thiên văn học; ngài cũng tỏ ra quan tâm nhiều về tôn giáo và lối sống khổ hạnh. Dù đã dành tâm huyết theo học chuyên ngành, Phanxicô vẫn dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động bác ái. Ngài lập Hội thánh Zita cho các cô gái và gia nhân nữ, sau mở rộng cho cả các bà mẹ đơn thân. Ngài giúp mở nhà tế bần và viện dưỡng lão. Ngài còn giám sát việc xây dựng một nhà thờ ở Turin để tưởng nhớ các chiến sĩ trận vong Ý trong cuộc chiến thống nhất nước Ý.
Ước muốn dành tâm huyết cho người nghèo, Phanxicô học làm linh mục. Lúc đầu ngài được ĐGH Piô IX ủng hộ nhưng bị tổng giám mục giáo phận phản đối vì ngài đi tu trễ. Nhưng cuối cùng ngài vẫn được thụ phong linh mục lúc 51 tuổi.
Là linh mục, ngài tiếp tục làm việc tốt, chia sẻ của cải và sức lực. Ngài còn mở một nhà tập thể cho các chị em làm gái làng chơi (prostitutes). Ngài qua đời tại Turin ngày 27/3/1888, và 100 năm sau ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong chân phước.

1 nhận xét: