Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm A

Lời Chúa: Đức Giêsu sinh làm con bà Maria. Bà đã thành hôn với ông Giuse, con cháu vua Đa-vít.

      Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, là con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
    Chúa nhật IV Mùa Vọng kể lại những thử thách cam go cuộc đời Thánh Giuse, ngài vẫn luôn giữ thái độ im lặng. Một thái độ thầm lặng để vâng theo thánh ý Chúa. Ngài không lên tiếng ăn to nói lớn, ngài không bào chữa cho những hành động của mình, nhưng tất cả đều theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh Giuse đã im lặng, chấp nhận dù rằng người cũng rất trăn trở, băn khoăn, bồn chồn, lo lắng. Nhưng mọi biến cố xẩy đến trong cuộc đời của Thánh Giuse đều được ngài  chấp nhận với lòng tin thẵm sâu, ngài hy sinh lợi ích riêng, để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thành công tốt đẹp.
     Mỗi người kitô hữu chúng ta cũng có thể là một Giuse hay một Maria khác, mặc dù chỉ là những con người bé nhỏ, tầm thường, tội lỗi, nhưng chúng ta cũng có thể góp phần vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nếu chúng ta biết thể hiện cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong sự tuân phục thánh ý Chúa, sống tinh thần Phúc âm, qua giáo huấn của Giáo hội và của các vị Bề trên. Thì cuộc sống tốt đẹp của chúng ta sẽ trở thành dấu chỉ cho người chung quanh, và gương sống đạo của chúng ta sẽ tác động những người khô khan và là một khuyến khích nâng đỡ cho những anh chị em đồng đạo của chúng ta.
     Mùa Noel nữa lại đến, như mời gọi chúng ta hãy là ánh sáng cho trần gian. Xin đừng vì những quyến luyến trần tục, những tham lam bất chính mà bán rẻ lương tâm nhân phẩm của mình. Nhưng mỗi người chúng ta hãy là những vì sao sáng trên bầu trời, để loan báo tin vui Chúa giáng sinh cho nhân trần, xin Đấng Em-ma-nu-en  mãi ở lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta cũng ra đi xây dựng tình yêu và hạnh phúc cho nhân trần.   Amen

Ngày 18/12 – Chân phước Antôn Grassi, Linh mục (1592-1671)
Cha ngài qua đời khi ngài mới 10 tuổi, nhưng ngài thừa hưởng lòng sùng kính Đức Mẹ Loreto từ người cha. Hồi nhỏ, ngài thường tới nhà thờ cầu nguyện và vào dòng lúc 17 tuổi.
Khi là sinh viên ngành mỹ nghệ, ngài có tiếng trong dòng là “tự điển sống” vì hiểu Kinh thánh và thần học rất nhanh. Một thời gian ngài khổ sở vì lưỡng lự, nhưng ngài thoát khỏi từ lúc ngài dâng thánh lễ đầu tiên. Từ đó, ngài sống bình an.
Năm 1621, lúc 29 tuổi, ngài bị sét đánh khi đang cầu nguyện trong nhà thờ Đức Mẹ Loreto, ai cũng nghĩ ngài không thể sống nổi. Nhưng vài ngày sau, ngài hồi phục và nhận ra rằng ngài hết bị chứng khó tiêu. Người ta đem quần áo bị cháy sém của ngài dâng cho Đức Mẹ Loreto để tạ ơn. Quan trọng là ngài cảm thấy cuộc đời mình hoàn toàn thuộc về Chúa. Năm nào ngài cũng hành hương tới Loreto để tạ ơn Đức Mẹ.
Ngài chú ý lắng nghe hối nhân khi ngài giải tội, nói vài lời và khuyên làm việc đền tội, ngài nói bằng chính tiếng nói của lương tâm. Năm 1635, ngài được bầu làm bề trên Dòng Fermo Oratory. Nhiệm kỳ 3 năm, nhưng lần nào ngài cũng tái đắc cử cho đến khi ngài qua đời. Ngài là người trầm lặng, dịu dàng, không hề nghiêm khắc. Ngài luôn khuyên mọi người sống như vậy.
Khi lớn tuổi, ngài có khả năng biết về tương lai, ngài thường dùng khả năng này để cảnh báo hoặc khuyên nhủ người khác. Nhưng ngài cũng gặp thử thách. Ngài khó giảng vì bị mất mấy cái răng, rồi ngài không giải tội nữa vì yếu sức, chỉ quanh quẩn trong phòng. Đức TGM hàng ngày đến trao Mình Thánh cho ngài. Một trong những hành động cuối cùng của ngài là hòa giải được 2 người đối lập nhau dữ dội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét