* Ông lão lang thang.
Vinh Sơn Đỗ Yến được họa lại dưới
chân dung một cụ già tuổi ngoài thất tuần, râu tóc bạc phơ sau hơn bốn mươi năm
tận tụy với đoàn chiên Chúa tại nhiều giáo xứ ở Hải Dương. Như lương y tận tâm
với con bệnh, vị linh mục cao niên khả kính, đạo đức, hiền từ ấy đã luôn hiện
diện giữa giáo hữu trong mọi cơn thử thách. Giờ đây khi nhà vua gắt gao truy
lùng các linh mục và hăm dọa phá bình địa khu vực dám chứa chấp bất cứ đạo trưởng
nào, vị tông đồ lão thành không muốn gây liên lụy cho đoàn chiên, đã từ giã xứ
Kẻ Sặt thân thương lên đường bước tới một phương trời vô định… như Đức Kitô xưa
"cáo có hang, chim có tổ, nhưng con người không chỗ tựa đầu". Cuộc ly
biệt đoàn chiên yêu quí dưới thế đã đưa cha Vinh Sơn Đỗ Yến đến đoàn tụ với các
thánh trên trời : Vị cha già đã lãnh triều thiên tử đạo làm phần thưởng muôn đời
Thiên Chúa trao ban.
* Linh mục dòng thuyết giáo.
Vinh Sơn Đỗ Yến chào đời năm 1764
(thời Hậu Lê), tại Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Đây là một miền đất
"phì nhiêu" đã phát sinh nhiều vị thánh : Vinh Sơn Liêm, Tôma Dụ,
Đaminh Đạt… Cậu Vinh Sơn Yến, theo lời Chúa gọi sống đời tu trì ngay từ thời
niên thiếu. Sau một thời gian rèn luyện nhân đức và học hỏi các môn triết, thần,
thầy được Đức Giám Mục Delgado Y phong chức linh mục năm 1798. Người ta tưởng
cuộc đời tông đồ của ngài kết thúc ngắn ngủi, vì ngài đã bị bắt trong cơn cấm đạo
cuối đời cảnh Thịnh. Nhưng may mắn nhờ các tín hữu dùng tiền chuộc lại, cha đã được
tha về.
Ngày 22.07.1807, cha Vinh Sơn Đỗ
Yến lãnh áo dòng Đaminh và được tuyên khấn năm sau. Đời tu dòng giúp cha kết hiệp
mật thiết hơn với tình yêu Chúa. Ngài sống rất khiêm tốn, thường hy sinh hãm
mình và thầm lặng lâu giờ trong chiêm niệm. Tâm hồn luôn bùng cháy lòng mến
Chúa yêu người, cha nhiệt tâm với việc tông đồ truyền giáo, không nề quản mệt
nhọc hay hiểm nguy đến tính mạng. Dưới triều Gia Long (1802-1820) và đầu thời
vua Minh Mạng cha Vinh Sơn Yến thi hành sứ mệnh tông đồ trong bầu không khí
bình an. Thoạt tiên cha đảm trách giáo xứ Kẻ Mốt, sau chuyển sang xứ Kẻ Sặt,
thuộc tình Hải Dương. Nơi nào Ngài cũng hết mình củng cố đức tin cho các tín hữu
và hoán cải nhiều người ngoại giáo tin theo đạo Chúa. Các tín hữu khẳng định
ngài luôn vui tươi khôn ngoan, bình tĩnh, dịu hiền và thánh thiện.
* Bước chân lưu lạc.
Năm 1838, vua Minh Mạng truyền
các quan chức phải triệt để thi hành chiếu chỉ cấm đạo tại các giáo phận Đàng
Ngoài. Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo hữu đã anh hùng hy sinh mạng sống vì
trung thành với đức tin. Nhiều thánh đường chủng viện, nhà chung bị tàn phá.
Cha Vinh Sơn Đỗ Yến, chánh sứ Kẻ Sặt, rất đau lòng chứng kiến cảnh các con
chiên mình chịu cưỡng bách hạ ngôi thánh đường khang trang do công sức vất vả
và tiền bạc họ đóng góp để xây dựng nên. Vì thuơng đoàn chiên đang cảnh ngộ
gian nan, ngài ở lại giữa họ, nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ban đêm lo cử hành
phụng vụ dâng lễ, ban ngày đến khuyên bảo các tín hữu và ban bí tích cho họ. Tất
cả những điều đó cha phải làm kín đáo tương tự thời sơ khai của Giáo Hội. Nhưng
khi hay tin cha Vinh Sơn Yến vẫn còn lẫn trốn trong xứ Kẻ Sặt, các quan liền
cho tăng cường kiểm soát chặt chẽ, quyết lùng bắt ngài cho kỳ được, và dọa tàn
phá bình địa làng Sặt. Vì muốn giáo hữu được, yên ổn, vị chủ chăn âm thầm ra
đi, mang theo nỗi niềm đau xót phải xa cách đoàn chiên yêu quý. Cha hoàn toàn
tín thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Trước hết cha đến họ Thừa, nhưng
thấy nơi đây không bảo đảm, ngài lại lên đường đến họ Lực Điền (Hưng Yên). Đường
xa mệt mỏi, ngài dừng chân nghỉ dưới bóng bụi tre. Một khách bộ hành đi qua hỏi
: "Ông lão đi đâu sao lại ngồi đây ?" Để giấu tung tích, cha liền giả
vờ hỏi xem đường nào đi Kẻ Sặt, đường nào về Lực Điền. Người khách chỉ giúp rồi
bỏ đi tiếp tục cuộc hành trình, ngày 08.06 cha gặp ông Cai Phan. Ông làm bộ
thương cảm nài nỉ ngài nên nhgi3 chân ở nhà mình. Thế rồi ông trở mặt bắt ngài,
cho đóng gông và chuẩn bị giải về Hải Dương. Khi hay tin giáo xứ Kẻ Sặt và Lực
Điền đem trâu và tiền đến chuộc, nhưng ông Cai nhất định không cho vì hy vọng
được quan ban thưởng nhiều hơn. Cha Vinh Sơn phải hết lời khuyên can mới ngăn
được hai họ khỏi dùng vũ lực để giải thoát ngài.
Tại Hải Dương 3 ngày sau vị tông
đồ được đưa ra trước công đường. Quan tuần phủ tỉnh này vốn lòng nhân hậu, lại
có lời can thiệp của ông lang Hàn, y sĩ chữa bệnh cho quan, nên không muốn vấy
máu người có đạo, ông xin vị linh mục tự nhận là lang y để ông phóng thích. Vị
chứng nhân trả lời : "Không, tôi không phải là thầy lang. Tôi là thầy cả
chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết vì lẽ đó, chứ
không nói dối để được sống".
Quan tìm cách khác để trả tự do
cho cha Yến. Ông truyền vẽ vòng tròn xung quanh chỗ cha đứng, bảo ngài bước qua
đó như bước quan Thánh Giá vậy. Một lần nữa vị tuyên xưng đức tin lại cương quyết
từ chối : "Làm như thế không khác nào tôi chối đạo". Quan tuần phủ thấy
không thể làm lay chuyển đức tin của vị linh mục lão thành, liền làm sớ tường
trình vế kinh. Nhưng vì không muốn đích thân xử án người vô tội, quan xin phép
triều đình cho giải cha về tỉnh nguyên quán là Nam Định.
* Giờ phúc ân thưởng.
Vua Minh Mạng không chấp thuận và
kết án tử hình ngay. Bản án ký ngày 20.06.1838, về tới Hải Dương ngày 30.06, nội
dung như sau:
"Đỗ Yến bản quốc là đạo trưởng
Gia Tô, bị bắt mà không chịu bỏ đạo, thật là người ngu muội cố tình không theo
đường phải, vậy trảm quyết ngay đem về Nam Định làm gì?".
Trong 3 tuần lễ bị giam, nhờ sự
can thiệp của ông lang Hàn, cha Vinh Sơn Yến không phải mang gông xiềng, được
phép nhận lương thực giáo hữu thăm nuôi khá đầy đủ. Ngày đêm ngài chỉ chuyên cần
nguyện kinh và trầm lặng trong suy niệm lâu giờ.
Ngày 30.06.1838, quan tuần phủ
thi hành ngay bản án mới nhận được. Cha Vinh Sơn hiên ngang tiến ra pháp trường
ở ngã tư, gần họ Bình Lao, cách thành Hải Dương một cây số vế phía Tây. Gương mặt
hiền từ của vị linh mục lão thành đáng kính với dáng điệu thanh cao khiến nhiều
người xúc động. Tới nơi ngài quỳ gối cầu nguyện thật sốt sắng, rối lý hình thi
hành phận sự. Chỉ một nhát gươm vung lên đầu vị tử đạo rơi xuống đất.
Quan tặng một tấm vải đế tẩm liệm
và truyền khâu đầu vị tử đạo vào cổ, rối cho phép tín hữu họ Bình Lao đưa về an
táng. Tám tháng sau, tín hữu cải táng vào nhà thờ Thọ Ninh. Khi cải táng người
ta thấy thi hài của cha Vinh Sơn còn nguyên vẹn như mới ly trần. Ông Trưởng
Dong một người ngoại giáo, được chứng kiến tận mắt đã nói : "Thật là người
sống khôn thác thiêng, đã tám tháng mà không tiêu hao chút nào, không hôi tanh,
lại thon thoảng mùi thơm nữa."
Anh hùng tử đạo Vinh Sơn Đỗ Yến, linh
mục dòng Đaminh, đã được Đức Lêo XIII suy tôn chân phước ngày 27.05.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét