Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Thứ Năm Tuần XIII Thường Niên Mt 9,1-8.


Lời Chúa: Dân chúng tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
Ha-lê-lui-a. Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Ha-lê-lui-a.
Chúa là Đấng nhân từ chính trực,
Thiên Chúa chúng ta một dạ xót thương,
hằng gìn giữ những ai bé mọn,

tôi yếu đuối, Người đã cứu tôi.

Ngày 02/07 –  Thánh Oliver Plunkett, Giám mục Tử đạo (1629-1681)
Thánh Oliver Plunkett tử đạo vì bảo vệ đức tin ở Ai-len trong thời bách hại dữ dội.
Ngài sinh tại County Meath năm 1629, học ở Rôma và thụ phong linh mục năm 1654. Sau vài năm dạy học và phục vụ người nghèo ở Rôma, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận Armagh ở Ai-len. Năm 1673, một làn sống chống Công giáo nổi lên, buộc ngài phải làm mục vụ bí mật và sống lén lút. Trong khi đó, nhiều linh mục bị đi đày, các trường học bị đóng cửa, thánh lễ phải cử hành bí mật, các dòng tu và chủng viện bị hạn chế.
Là TGM, ngài phải chịu trách nhiệm về mọi cuộc nổi loạn hoặc hoạt động chính trị trong các giáo dân. Ngài bị bắt tù ở Dublin Castle năm 1679, nhưng bị xử tại London. Sau 15 phút ngị án, thẩm phán kết án ngài tội xúi giục nổi loạn. Ngài bị treo cổ, bị kéo lê và bị phân thây làm tư vào tháng 7-1681. Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI phong thánh cho ngài năm 1975.
Ngày 03/07 –  Thánh Tôma, Tông đồ
Tội nghiệp thánh Tôma! Ngài đã từng bị gắn mác là “Tôma đa nghi”. Nhưng nếu ngài không nghi ngờ thì ngài cũng tin. Ngài nói một câu minh nhiên nhất trong Tân ước: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” (x. Ga 20:24-28), đó là câu tuyên xưng đức tin đã cho các tín hữu một lời cầu nguyện mãi mãi cho đến tận thế. Ngài cũng gợi ra một lời khen của Chúa Giêsu dành cho các tín hữu: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).
Thánh Tôma có tiếng là can đảm. Có thể điều ngài nói là mạnh mẽ – vì ngài chạy, cũng như những người khác, khi bị thử thách – nhưng ngài có thể không thành thật khi ngài bày tỏ sự sẵn sàng chết với Chúa Giêsu. Cơ hội là khi Chúa Giêsu đề nghị đi tới Bêtania sau khi Ladarô đã chết. Vì Bêtania gần Giêrusalem, nghĩa là đi bộ ngay giữa lòng quân thù và hầu như là chết chắc! Nhận ra điều này, thánh Tôma đã nói với các tông đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16b).

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên Mt 8, 28-34.
Lời Chúa: Chưa tới lúc mà Ngài đã đến đây làm khổ loài ma quỷ chúng tôi.
Ha-lê-lui-a. Chúa Cha đã tự ý dùng lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người. Ha-lê-lui-a.
Các con ơi, hãy đến mà nghe,
ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa.
Ai là người thiết tha cuộc sống,

ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan ?

Ngày 01/07 –  Chân phước Giuniperô Serra, Linh mục (1713-1784)
 Năm 1776, khi cuộc Cách mạng Hoa Kỳ bắt đầu ở miền Đông, một vùng khác của Hoa Kỳ sau đó cũng được sinh ra tại California. Năm đó, một tu sĩ Dòng Phanxicô thành lập Hội Truyền giáo Thánh Gioan Capistranô (Mission San Juan Capistrano). Thánh Gioan Capistranô là Hội Truyền giáo thứ 7 trong 9 Hội Truyền giáo được thành lập theo hướng dẫn của người Tây Ban Nha bất khuất (indomitable Spaniard).
 Sinh tại đảo Mallorca, thuộc Tây Ban Nha, Serra vào Dòng Phanxicô, lấy tên theo người bạn của Thánh Phanxicô là Juniperô. Tới lúc 35 tuổi, ngài dành nhiều thời gian học tập – đầu tiên học thần học rồi làm giáo sư. Ngài cũng nổi tiếng về giảng thuyết. Bất ngờ ngài bỏ hết mọi sự khi nghe nói về việc truyền giáo của thánh Phanxicô Sôlanô ở Nam Mỹ. Ước mong của ngài là hoán cải dân bản xứ ở Tân Thế Giới.
Đến Vera Cruz, thuộc Mexico, ngài và một người bạn đi bộ 250 dặm tới thành phố Mexico. Trên đường đi, chân trái ngài bị nhiễm trung do bị côn trùng cắn và đôi khi đe dọa tính mạng trong suốt phần đời còn lại của ngài. Suốt 18 năm, ngài làm việc ở miền Trung Mexico và ở bán đảo Baja, ngài trở thành trưởng nhóm truyền giáo ở đó.
 Hứa ở lại với dân địa phương, ngài và một tu sĩ nữa bắt đầu làm tuần cửu nhật chuẩn bị lễ Đức Thánh Giuse 19-3. Sau đó có thêm các Hội Truyền giáo khác là Hội Truyền giáo Monterey/Carmêlô (1770); Hội Truyền giáo Thánh Antôniô và Thánh Gabriel (1771); Hội Truyền giáo Thánh Luís Obispo (1772); Hội Truyền giáo Thánh Phanxicô và Thánh Gioan Capistranô (1776); Hội Truyền giáo Thánh Clara (1777); Hội Truyền giáo Thánh Bônaventura (1782). Sau khi ngài qua đời, có thêm 12 nhóm truyền giáo khác được thành lập.
 Đời sống truyền giáo của ngài là cuộc chiến với cái lạnh và cái đói, với quân đội không thông cảm và với cả cái chết rình rập vì dân bản xứ. Nhưng hàng đêm ngài vẫn hăng say cầu nguyện, thường là từ nửa đêm tới sáng. Ngài rửa tội cho hơn 6.000 người và thêm sức cho 5.000. Hầu như ngài đi vòng quanh trái đất. Ngài đem lại cho người Mỹ bản xứ không chỉ đức tin Công giáo mà còn tiêu chuẩn sống nên được họ quý mến. Sau khi qua đời, ngài được an táng tại Dòng Truyền Giáo San Carlo Borromeo, Carmel, và được phong chân phước năm 1988.

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Ngày 30/06/1764-1838 Thánh Vinhsơn Đỗ Yến Linh Mục Dòng Đaminh Tử Đạo.


* Ông lão lang thang.

Vinh Sơn Đỗ Yến được họa lại dưới chân dung một cụ già tuổi ngoài thất tuần, râu tóc bạc phơ sau hơn bốn mươi năm tận tụy với đoàn chiên Chúa tại nhiều giáo xứ ở Hải Dương. Như lương y tận tâm với con bệnh, vị linh mục cao niên khả kính, đạo đức, hiền từ ấy đã luôn hiện diện giữa giáo hữu trong mọi cơn thử thách. Giờ đây khi nhà vua gắt gao truy lùng các linh mục và hăm dọa phá bình địa khu vực dám chứa chấp bất cứ đạo trưởng nào, vị tông đồ lão thành không muốn gây liên lụy cho đoàn chiên, đã từ giã xứ Kẻ Sặt thân thương lên đường bước tới một phương trời vô định… như Đức Kitô xưa "cáo có hang, chim có tổ, nhưng con người không chỗ tựa đầu". Cuộc ly biệt đoàn chiên yêu quí dưới thế đã đưa cha Vinh Sơn Đỗ Yến đến đoàn tụ với các thánh trên trời : Vị cha già đã lãnh triều thiên tử đạo làm phần thưởng muôn đời Thiên Chúa trao ban.

* Linh mục dòng thuyết giáo.
Vinh Sơn Đỗ Yến chào đời năm 1764 (thời Hậu Lê), tại Trà Lũ, xứ Phú Nhai, tỉnh Nam Định. Đây là một miền đất "phì nhiêu" đã phát sinh nhiều vị thánh : Vinh Sơn Liêm, Tôma Dụ, Đaminh Đạt… Cậu Vinh Sơn Yến, theo lời Chúa gọi sống đời tu trì ngay từ thời niên thiếu. Sau một thời gian rèn luyện nhân đức và học hỏi các môn triết, thần, thầy được Đức Giám Mục Delgado Y phong chức linh mục năm 1798. Người ta tưởng cuộc đời tông đồ của ngài kết thúc ngắn ngủi, vì ngài đã bị bắt trong cơn cấm đạo cuối đời cảnh Thịnh. Nhưng may mắn nhờ các tín hữu dùng tiền chuộc lại, cha đã được tha về.
Ngày 22.07.1807, cha Vinh Sơn Đỗ Yến lãnh áo dòng Đaminh và được tuyên khấn năm sau. Đời tu dòng giúp cha kết hiệp mật thiết hơn với tình yêu Chúa. Ngài sống rất khiêm tốn, thường hy sinh hãm mình và thầm lặng lâu giờ trong chiêm niệm. Tâm hồn luôn bùng cháy lòng mến Chúa yêu người, cha nhiệt tâm với việc tông đồ truyền giáo, không nề quản mệt nhọc hay hiểm nguy đến tính mạng. Dưới triều Gia Long (1802-1820) và đầu thời vua Minh Mạng cha Vinh Sơn Yến thi hành sứ mệnh tông đồ trong bầu không khí bình an. Thoạt tiên cha đảm trách giáo xứ Kẻ Mốt, sau chuyển sang xứ Kẻ Sặt, thuộc tình Hải Dương. Nơi nào Ngài cũng hết mình củng cố đức tin cho các tín hữu và hoán cải nhiều người ngoại giáo tin theo đạo Chúa. Các tín hữu khẳng định ngài luôn vui tươi khôn ngoan, bình tĩnh, dịu hiền và thánh thiện.
* Bước chân lưu lạc.
Năm 1838, vua Minh Mạng truyền các quan chức phải triệt để thi hành chiếu chỉ cấm đạo tại các giáo phận Đàng Ngoài. Nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo hữu đã anh hùng hy sinh mạng sống vì trung thành với đức tin. Nhiều thánh đường chủng viện, nhà chung bị tàn phá. Cha Vinh Sơn Đỗ Yến, chánh sứ Kẻ Sặt, rất đau lòng chứng kiến cảnh các con chiên mình chịu cưỡng bách hạ ngôi thánh đường khang trang do công sức vất vả và tiền bạc họ đóng góp để xây dựng nên. Vì thuơng đoàn chiên đang cảnh ngộ gian nan, ngài ở lại giữa họ, nay ở nhà này, mai ở nhà khác, ban đêm lo cử hành phụng vụ dâng lễ, ban ngày đến khuyên bảo các tín hữu và ban bí tích cho họ. Tất cả những điều đó cha phải làm kín đáo tương tự thời sơ khai của Giáo Hội. Nhưng khi hay tin cha Vinh Sơn Yến vẫn còn lẫn trốn trong xứ Kẻ Sặt, các quan liền cho tăng cường kiểm soát chặt chẽ, quyết lùng bắt ngài cho kỳ được, và dọa tàn phá bình địa làng Sặt. Vì muốn giáo hữu được, yên ổn, vị chủ chăn âm thầm ra đi, mang theo nỗi niềm đau xót phải xa cách đoàn chiên yêu quý. Cha hoàn toàn tín thác mọi sự vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Trước hết cha đến họ Thừa, nhưng thấy nơi đây không bảo đảm, ngài lại lên đường đến họ Lực Điền (Hưng Yên). Đường xa mệt mỏi, ngài dừng chân nghỉ dưới bóng bụi tre. Một khách bộ hành đi qua hỏi : "Ông lão đi đâu sao lại ngồi đây ?" Để giấu tung tích, cha liền giả vờ hỏi xem đường nào đi Kẻ Sặt, đường nào về Lực Điền. Người khách chỉ giúp rồi bỏ đi tiếp tục cuộc hành trình, ngày 08.06 cha gặp ông Cai Phan. Ông làm bộ thương cảm nài nỉ ngài nên nhgi3 chân ở nhà mình. Thế rồi ông trở mặt bắt ngài, cho đóng gông và chuẩn bị giải về Hải Dương. Khi hay tin giáo xứ Kẻ Sặt và Lực Điền đem trâu và tiền đến chuộc, nhưng ông Cai nhất định không cho vì hy vọng được quan ban thưởng nhiều hơn. Cha Vinh Sơn phải hết lời khuyên can mới ngăn được hai họ khỏi dùng vũ lực để giải thoát ngài.
Tại Hải Dương 3 ngày sau vị tông đồ được đưa ra trước công đường. Quan tuần phủ tỉnh này vốn lòng nhân hậu, lại có lời can thiệp của ông lang Hàn, y sĩ chữa bệnh cho quan, nên không muốn vấy máu người có đạo, ông xin vị linh mục tự nhận là lang y để ông phóng thích. Vị chứng nhân trả lời : "Không, tôi không phải là thầy lang. Tôi là thầy cả chuyên giảng đạo và tế lễ Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết vì lẽ đó, chứ không nói dối để được sống".
Quan tìm cách khác để trả tự do cho cha Yến. Ông truyền vẽ vòng tròn xung quanh chỗ cha đứng, bảo ngài bước qua đó như bước quan Thánh Giá vậy. Một lần nữa vị tuyên xưng đức tin lại cương quyết từ chối : "Làm như thế không khác nào tôi chối đạo". Quan tuần phủ thấy không thể làm lay chuyển đức tin của vị linh mục lão thành, liền làm sớ tường trình vế kinh. Nhưng vì không muốn đích thân xử án người vô tội, quan xin phép triều đình cho giải cha về tỉnh nguyên quán là Nam Định.


* Giờ phúc ân thưởng.
Vua Minh Mạng không chấp thuận và kết án tử hình ngay. Bản án ký ngày 20.06.1838, về tới Hải Dương ngày 30.06, nội dung như sau:
"Đỗ Yến bản quốc là đạo trưởng Gia Tô, bị bắt mà không chịu bỏ đạo, thật là người ngu muội cố tình không theo đường phải, vậy trảm quyết ngay đem về Nam Định làm gì?".
Trong 3 tuần lễ bị giam, nhờ sự can thiệp của ông lang Hàn, cha Vinh Sơn Yến không phải mang gông xiềng, được phép nhận lương thực giáo hữu thăm nuôi khá đầy đủ. Ngày đêm ngài chỉ chuyên cần nguyện kinh và trầm lặng trong suy niệm lâu giờ.
Ngày 30.06.1838, quan tuần phủ thi hành ngay bản án mới nhận được. Cha Vinh Sơn hiên ngang tiến ra pháp trường ở ngã tư, gần họ Bình Lao, cách thành Hải Dương một cây số vế phía Tây. Gương mặt hiền từ của vị linh mục lão thành đáng kính với dáng điệu thanh cao khiến nhiều người xúc động. Tới nơi ngài quỳ gối cầu nguyện thật sốt sắng, rối lý hình thi hành phận sự. Chỉ một nhát gươm vung lên đầu vị tử đạo rơi xuống đất.
Quan tặng một tấm vải đế tẩm liệm và truyền khâu đầu vị tử đạo vào cổ, rối cho phép tín hữu họ Bình Lao đưa về an táng. Tám tháng sau, tín hữu cải táng vào nhà thờ Thọ Ninh. Khi cải táng người ta thấy thi hài của cha Vinh Sơn còn nguyên vẹn như mới ly trần. Ông Trưởng Dong một người ngoại giáo, được chứng kiến tận mắt đã nói : "Thật là người sống khôn thác thiêng, đã tám tháng mà không tiêu hao chút nào, không hôi tanh, lại thon thoảng mùi thơm nữa."
Anh hùng tử đạo Vinh Sơn Đỗ Yến, linh mục dòng Đaminh, đã được Đức Lêo XIII suy tôn chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Thứ Ba Tuần XIII Thường Niên Mt 8, 23-27.



Lời Chúa: Đức Giê-su trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển lặng như tờ.
Ha-lê-lui-a. Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Ha-lê-lui-a.
Xin đừng bắt con đồng số kiếp với tội nhân,
chung vận mạng với phường khát máu.
Tay chúng đầy tội ác tầy trời,
riêng tay mặt đầy quà biếu lô.

Lạy Chúa, con hằng nghĩ tới tình thương của Chúa.


Ngày 30/06 – Các thánh tử đạo tiên khởi Rôma (qua đời năm 68)
Có những Kitô hữu ở Rôma trong khoảng hơn 10 năm sau khi Chúa Giêsu bị giết chết, dù họ không là những người trở lại đạo nhờ “vị tông đồ dân ngoại” (Rm 15:20). Thánh Phaolô chưa hề đến thăm họ khi ngài viết thư gởi giáo đoàn Rôma vào khoảng năm 57-58.
Có nhiều người Do Thái ở Rôma. Có thể là kết quả tranh luận giữa người Do Thái và các Kitô hữu người Do Thái, hoàng đế Claudius trục xuất hết người Do Thái ở Rôma năm 49-50. Sử gia Suetonius nói rằng sự trục xuất là do náo động trong thành phố “gây ra bởi một ông Kitô nào đó”. Có thể nhiều người trở lại sau khi Claudius băng hà năm 54. Thư của thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn có các thành viên là người Do Thái và dân ngoại.
Tháng 7 năm 64, hơn một nửa Rôma bị thiêu cháy. Người ta đổ lỗi cho Nero, người muốn mở rộng bờ cõi của mình, luôn nguyền rủa các Kitô hữu. Theo sử gia Tacitus, nhiều Kitô hữu bị sát hại vì nòi giống. Thánh Phêrô và Phaolô có thể cũng là nạn nhân trong số này.
Bị kết án tử, Nero đã tự sát năm 68 lúc 31 tuổi.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Thứ Hai Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, Tông Đồ Lễ trọng Mt 16,13-19.



Lời Chúa: Anh là Phê-rô, Thầy sẽ trao cho anh chìa kháo Nước Trời.
Ha-lê-lui-a. Anh là Phê-rô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Ha-lê-lui-a.
Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa,
ta đồng thanh tán tụng danh Người.
Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại,

giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng.

Ngày 29/06 – Hai thánh Phêrô và Phaolô, Tông đồ (qua đời năm 64 & 67)
Thánh Phêrô: Ngài đã tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8:29b). Đó là một trong những khoảnh khắc vinh quang trong đời ngài, bắt đầu từ ngày ngài được Chúa Giêsu gọi bỏ lưới ở biển Galilê tới lúc trở thành kẻ chài lưới người ta.
Tân ước cho thấy thánh Phêrô là tông đồ trưởng, được Chúa Giêsu chọn để có quan hệ đặc biệt. Cùng với Giacôbê và Gioan, nthánh Phêrô được ưu tiên chứng kiến giây phút Chúa biến hình, làm cho đứa trẻ hồi sinh và giây phút hấp hối trong vườn Giệtsimani, nhạc mẫu ngài được chữa lành. Ngài được sai đi cùng thánh Gioan chuẩn bị lễ Vượt qua trước khi Chúa Giêsu chịu chết.
Chúa Giêsu đã nói với ngài: “Anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:17-19).
Thánh Phêrô bỏ tất cả mà theo Chúa, ngài hỏi Chúa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” (Mt 19:27). Ngài được ưu tiên, nhưng ngài cũng bị Chúa Giêsu trách mắng nặng nhất: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23).
Ngài sẵn sàng chấp nhận giáo lý tha thứ của Chúa Giêsu, nhưng chỉ giới hạn là 7 lần. Ngài tin và đi trên mặt biển đến với Chúa, nhưng ngài lại sợ và chìm dần. Ngài từ chối cho Chúa rửa chân, nhưng rồi lại muốn Chúa rửa cả đầu và mình nữa. Tại Bữa Tiệc Ly, ngài thề không bỏ Chúa, nhưng ông đã chối Chúa ngay trước mặt người tớ gái. Ngài thể hiện lòng trung thành và thẳng tính nên chém đứt tai của Mancô (Malchus), nhưng cuối cùng cũng bỏ chạy với những người khác. Trong sâu thẳm nỗi ân hận, Chúa Giêsu đã quay lại và tha thứ cho thánh Phêrô, và ngài liền ra ngoài khóc lóc thảm thiết vì ăn năn.
Thánh Phaolô: Sức thuyết phục của thánh Phaolô là đơn giản và tuyệt đối: Chỉ có Thiên Chúa mới khả dĩ cứu độ nhân loại. Không nỗ lực nào của con người có thể tạo nên người tốt. Để được cứu độ, con người phải hoàn toàn mở lòng mình ra với ơn cứu độ của Chúa Giêsu.
Ngài luôn yêu quý gia đình Do Thái của mình, dù ngài tranh luận cả đời với họ về sự vô ích của Lề luật nếu không có Chúa Giêsu. Ngài tự thú: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19). Ngài căn dặn chúng ta: “Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu” (Dt 12:3-4).

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Chúa Nhật XIII Thường Niên năm B


Lời Chúa: " Hỡi em bé, Ta bảo em hãy trỗi dậy".
       Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
       Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".

       Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

SUY NIỆN & CẦU NGUYỆN
       Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu trong một thời gian ngắn đã làm tới hai phép lạ, phép lạ chữa cho một phụ nữ bị bệnh xuất huyết nhiều năm, và phép lạ lớn hơn là làm cho một bé gái mười hai tuổi con ông trưởng hội đường đã chết và sống lại. Chúng ta biết rất rỏ quyền năng Thiên Chúa tỏ hiện qua các phép lạ, nhưng nói đúng hơn chúng ta vô cùng cảm phục trước tình thương Thiên Chúa đối với nhân loại đau khổ và tội lỗi, và đồng thời học được cách diễn tả niềm tin yêu phó thác quan phòng của Thiên Chúa nơi người phụ nữ mắc bệnh xuất huyết và nhất là người cha của bé gái mười hai tuổi chết đi và sống lại.
      Những câu hỏi ấy có thể sẽ dẫn chúng ta đến những cách chọn lựa, để có thể khám phá trực tiếp được quyền năng và tình thương của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Chẳng hạn chọn những giây phút yên lặng trầm tĩnh để cầu nguyện một mình trước Thánh Thể, hoặc trong không khí thinh lặng của sa mạc, của biển cả mênh mông, của trời rộng bao la, hay trước sự hùng vĩ của núi đồi thiên nhiên bất tận, để từ đó nhận ra sự tương quan giữa các chi thể trong thân thể của chúng ta, nhận ra tương quan của chúng ta với tha nhân, tương quan của chúng ta với các tạo vật, và cũng từ giây phút cảm nghiệm thánh thiện trong các tương quan ấy, sẽ khám phá và cảm nghiệm được Thiên Chúa và tình yêu sâu thẳm của Ngài ngay trong nội tâm của mỗi người chúng ta.
     Lạy Chúa, cuộc sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt nội tâm mới cho chúng con cảm nhận được phép lạ triền miên ấy. Sống đích thực, sống dồi dào, là biết chiêm ngưỡng để đón nhận phép lạ từng ngày. Nguyện xin Chúa ban cho cuộc sống chúng con luôn được thấm nhập bởi ánh sáng và chân lý lời Chúa.  Amen

Ngày 28/06 – Thánh Irênê, Giám mục Tử đạo (130?-220)
Thánh Irênê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho Flôrinô:
- “Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu. Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa. Thánh Irenê còn phấn khởi ghi thêm:
- “Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng”.
Như vậy, thánh Irênê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời năm 155. Vậy có thể là thánh Irênê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irênê còn ở trong vòng ánh sáng mà tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm dài “Adversus Haereses” của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được thấm nhiễm một trực giác hiếm có.
Thánh Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irênê cho Giáo hội thật lớn. Ngài chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền thoại và các hệ thống triết học ngoại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô, nại đến thánh nhân để củng cố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng các vùng Gaules ở Phương Tây. Năm 177, thánh Irênê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh
Trở lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irênê được bầu lên kế vị. Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng, thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng, bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội. Thánh Irênê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những kẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật:
- “Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống .... Khốn khổ cho ai lìa xa sự hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản”.
Các tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đáng được gọi là “Ánh sáng bên trời Tây”.
Dưới sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai phổ biến Tin Mừng đến những miền khác.
Hoàng đế Seltinô – Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài. Thánh Irênê đã dùng tài năng và trí thông minh Chúa ban để bảo vệ đức tin. Noi gương Thánh nhân, chúng ta hãy xin Chúa ban ơn để mỗi chúng ta cũng biết tận dụng khả năng Chúa ban cách riêng cho mỗi người để làm sáng danh Chúa.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

Ngày 27/06/1764-1840, Thầy Giảng Dòng Đaminh Tôma Toán Tử Đạo.


* Tuổi Già can đảm.
Sau 13 ngày bị lột trần phơi nắng phơi sương, không một hạt cơm vào bụng, quân lính đem bày trước mặt tử tội một mâm cơm đầy thức ăn ngon và mời mọc. Thế nhưng cụ già 76 tuổi đó đã từ chối : "Nếu ăn mà phải xuất giáo, tôi không bao giờ ăn !"
* Cụ già dũng cảm đó là thầy giảng Tôma Toán.
Sinh năm 1764 tại làng Cần Phán, tỉnh Thái Bình, Tôma Toán vừa là hội viên dòng ba Đaminh, vừa là thầy giảng có uy tín làm nhiệm việc truyền giáo ở Trung Linh. Nhà dòng giao cho thầy chức phụ tá quản lý nhà chung tại đây. Thời Minh Mạng bách hại, thầy Toán là cánh tay phải đắc lực của cha già Tuyên trong việc tông đồ.
* Sa ngã và thống hối.
Trong làng Trung Linh có ông lang Tư, vì ham tiền thưởng tố cáo với quan phủ Xuân Trường rằng làng có đạo trưởng, nên ngày 16.12.1839, quân lính đến càn quét lục sóat làng này. Cha Già Tuyên may mắn trốn xuống hầm nên thoát nạn. Thầy Toán không kịp lẩn tránh, bị điệu ra trình diện. Thầy khai tên là Thi và ngồi chung với dân làng. Nhưng do sự chỉ điểm của ông lang Tư, quân lính tiến về phía thầy, kéo khăn trên trán ra và tri hô lên : "Tên này sói đầu đúng là đạo trưởng đây". Về sau chúng biết thầy không phải là Linh mục, nhưng vì tội không chịu xuất giáo nên vẫn bắt giam thầy.
* Cuộc tử đạo của thầy Toán được ghi dấu bằng hai lần chối đạo.
Lần thứ nhất, sau một tháng bị tra khảo, ngày 19.01.1840 thầy đã nhát sợ bước qua Thánh Giá. Thế nhưng Tổng đốc Trịnh Quang Khanh vẫn chưa tha cho thầy về ngay, còn muốn thử xem thầy có thật lòng bỏ đạo không. Khi lính đưa thầy già về ngục, cha Giuse Hiển đã ân cần nhủ khuyên thầy thống hối và tiếp tục tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.
Lần thứ hai, ngày 18.04, quan Trịnh Quang Khanh bắt hai người đã xuất giáo đến xúi giục thầy Toán, và dọa nếu không thành công sẽ giết cả hai. Những người này năn nỉ khóc lóc xin thầy thương kẻo họ bị chết, và họ nói nhiều lời phạm đến Chúa và Đức Mẹ suốt hai ngày liền. Để họ khỏi phạm thượng, thầy Toán một lần nữa lại bước qua Thánh Giá. Lần này thấy mình quá dại dột để bị đánh lừa, thầy thống hối khóc lóc đêm ngày không ai ngăn cản được. 15 ngày sau, cha Đaminh Trạch bị bắt cũng được dẫn tới giam chung một ngục, cha an ủi và giải tội cho thầy. Từ đây thầy trở thành một con người mới, đủ sức đương đầu cách phi thường với những thử thách nặng nề hơn trước.
* Không gì lay chuyển.
Ngày 09.05, trước khi xử chém cha Giuse Hiển, thầy Toán cũng bị đưa ra tòa với cha. Sau khi hai vị cương quết không đạp lên Thập Giá, quan cho quản tượng lùa hai thớt voi đến sau lưng húc xô hai vị. Thầy Toán và cha Hiển bình tĩnh cố tránh qua một bên, nhất định không bước qua Thập Giá. Trịnh Quang Khanh tức giận truyền đưa thầy già về ngục, và lệnh đưa vị linh mục ra pháp trường xử chém tức khắc.
Một hôm viên quan nói khôi hài với lính : "Dẫn lão Toán ra đây để nó bước qua Thập tự, kẻo nó quên". Nhưng ông hoàn toàn thất vọng, người chiến sĩ đức tin lần này gan dạ lạ lùng, dù bị tra tấn dã man, thầy vẫn một lòng trung thành với đạo Chúa. Sau một trận đòn tưởng chết, quân lính lôi thầy bước qua Thánh Giá, thầy liền vùng dậy quỳ phục xuống đọc kinh Ăn Năn Tội, quan giận dữ cho giam thầy nơi khác, bắt nhịn ăn, nhịn khát, và cho lính muốn bày trò hành khổ gì tùy ý. Thế là quân lính liền lột hết quần áo thầy, buộc hai Thánh Giá nhỏ vào hai bàn chân, bắt phơi nắng 13 ngày liền không được ăn uống gì cả. Trong khi đó, chúng vây quanh trêu chọc thầy : bứt râu giựt tóc, nhéo tai, vuốt mũi… Khi thấy thầy rơi vào tình trạng đói cực độ, người như lả đi, quan Trịnh Quang Khanh âm mưu cho dọn một mâm cơm rượu thịt thơm ngon và nói : "Ăn đi, rồi bước qua Thập tự". Nhưng vị anh hùng đức tin thà chết đói hơn là phải bỏ đạo, thầy nói : "Nếu ăn mà phải xuất giáo, tôi không bao giờ ăn cả". Quan tức mình tống giam, bắt thầy nhịn đói thêm năm ngày nữa cho chết rũ tù. Có người lính canh tên Thám tội nghiệp, ngấm ngầm tiếp tế đôi chút, nhưng rồi anh bị phát hiện và bị quan trừng phạt.

* Cho tới hơi thở cuối cùng.
Từ đó thầy Toán phải chịu đói khát hoàn toàn cho đến khi ngã gục và tắt hơi thở trong tù ngày 27.06.1840. thi hài thầy Toán được chôn cùng với xác tù nhân. Bảy tháng sau, anh dậu cải lên an táng tại Lục Thủy chung với nhiều vị tử đạo khác.
Đức Lêo XIII suy tôn thầy Tôma Toán lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Thứ Bảy Tuần XII Thường Niên Mt 8,5-17.


Lời Chúa: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc.
Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gáng lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.
 Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
 Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc.
 Ðấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
 Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ người
 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
 Chúa độ trì, Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

Và cho con cháu đến muôn đời.

Ngày 27/06 – Thánh Cyrilô Alexandria, Giám mục (376?-444)
Ngài phá và đóng cửa các nhà thờ dị giáo theo thuyết cải cách, tham gia vào việc truất phế thánh Gioan Chrysostom và xung công quỹ tài sản của người Do Thái, bắt đi đày những người Do Thái ở Alexandria để trả đũa việc họ tấn công vào người Kitô giáo.
Tầm quan trọng của ngài về thần học và lịch sử giáo hội là ngài bênh vực nguyên nhân của tính chính thống chống lại tà thuyết của Nestorius. Sự tranh luận tập trung vào 2 bản tính nơi Chúa Kitô. Nestorius không đồng ý danh hiệu “người mang Thiên Chúa” (God-bearer) dành cho Đức Maria. Ngài lại thích cách gọi “người mang Chúa Kitô” (Christ-bearer), ngài nói rằng có hai con người riêng biệt nơi Đức Kitô (Thiên Chúa và con người) chỉ được kết hợp bằng sư liên kết luân lý. Ngài nói rằng Đức Mẹ không là Mẹ Thiên Chúa mà là Mẹ của Đức Kitô làm người, nhân tính của Chúa Giêsu chỉ là đền thờ của Thiên Chúa. Thuyết của Nestorius (Nestorianism) cho rằng nhân tính của Chúa Kitô chỉ là sự cải trang (a mere disguise).
Khi làm đại diện của Đức giáo hoàng tại Công đồng Ephêsô (năm 431), thánh Cyrilô kết án thuyết của Nestorius và tuyên bố Đức Maria thực sư là “người mang Thiên Chúa” (Mẹ của một người thực sự là Thiên Chúa và thực sự là con người). Theo sau sự lầm lẫn, Cyrilô bị truất phế và bị tù 3 tháng, sau đó ngài lại được tiếp đón về Alexandria như một Athanasiô đệ nhị (thánh Athanasiô vô địch về chống tà thuyết Arian.
Tới khi ngài qua đời, phương cách hiện đại hóa của ngài vẫn có nhiều người ủng hộ. Lúc hấp hối, dù bị áp lực, ngài vẫn từ chối kết tội Nestorius.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Ngày 26/06/1797-1838 Phanxico Đỗ Văn Chiểu Thầy Giảng Dòng Đaminh tử Đạo.



* Lễ vật đẫm máu.
Hình ảnh đáng ghi nhớ nhất trong cuộc tử đạo của thầy giảng Phanxicô Chiểu là chiếc thủ cấp đẫm máu của thầy, sau khi rời khỏi cổ, đã được Đức cha Minh nhận lấy, kính cẩn dâng lên cao như lễ vật tinh tuyền hiến dâng lên Thiên Chúa. Cả pháp trường đều thinh lặng ngây ngất trong giây phút linh thiêng có một không hai đó, giây phút kết tinh trọn cuộc đời dâng hiến của một người con cái Chúa. Thầy Chiểu đã hòa lẫn máu mình với hy tế Đức Giêsu trên đồi Canvê, và giờ đây hân hoan trở về trong vòng tay ấm êm của Chúa Cha từ ái.
* Một tông đồ tràn đầy tâm huyết
Phanxicô Đỗ Văn Chiểu sinh năm 1797 tại làng Trung Lễ, giáo xứ Liên Thủy, Tỉnh Nam Định, thuộc giáo phận Đông Đàng Ngoài. Cậu Chiểu đi tu từ hồi niên thiếu, và được đào tạo thành thầy giảng của giáo phận. Trong thời gian bốn năm học thần học, thầy Chiểu luôn sống đạo hạnh và có tinh thần kỷ luật cao, nên được các vị hữu trách tín cẩn. Sau đó thầy gia nhập dòng ba Đaminh, và trở thành cộng sự viên thân tín của Đức cha Minh.
Bận tâm lớn nhất của thầy Chiểu là phần rỗi của mọi người. Lần kia, tại làng Kiên Lao, một người lính đến gặp thày ngỏ ý muốn được giúp xưng tội và rước lễ để thêm can đảm trong cơn bách hại. Thầy đã tiếp truyện với anh khá lâu, khuyến khích anh trung thành với đức tin Kitô giáo cho đến chết. Hai người cùng nhau cầu nguyện sốt sắng trước khi chia tay. Lần khác khi nghe tin người em bị bắt vì đạo, thầy xin cha Hiển dâng hai thánh lễ cầu cho người em được cam đảm chấp nhận mọi gian khổ để tuyên xưng đức tin.
* Cùng chung số phận.
Từ năm, 1838 Tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh quyết tâm lùng bắt các vị thừa sai để lập công với vua Minh Mạng. Ông đã đem đến cho người Công Giáo Đàng Ngoài muôn điều khổ cực. Thầy Chiểu theo Đức cha Henares Minh đến ẩn trốn tại làng Kiên Lao, một giáo xứ lớn tương đối an toàn. Nhưng ngày 27.05.1838, do sự tố cáo của thầy đồ Hy, quan Tổng đốc đã cho lính bao vây làng Kiên Lao. Quân lính bắt được Đức cha Delgado Y, còn Đức cha Henares Minh và thầy Chiểu may mắn thoát nạn trong gang tấc, liền trốn ra bờ sông đi thuyền về Hải Dương. Dọc đường đi hai cha con vào trốn tạm tại nhà ông Nghiêm gần họ Hà Quang, xứ Trung Thành, sau qua làng Quần Anh và Xương Điền. Một ngư phủ ngoại giáo nhận cho hai vị trú ngụ và hứa che dấu cẩn thận. Ai ngờ, ngày 09.06.1838, chính người đó đi tố giác với quan, nên hai vị đã bị bắt. Đức cha Henares Minh thì bị lính nhốt trong cũi, còn thầy Chiểu, quan bắt mang gông nặng và tống giam vào ngục. Trong ngục, thầy tuyên bố : "Tôi sẵn sàng theo Đức cha Minh cho đến chết, sẵn sàng chịu mọi cực khổ như ngài, kể cả cái chết dữ tợn nhất". Hai ngày sau, lính phủ Xuân Trường áp giải cả hai về tỉnh Nam Định. Khi tới cổng thành Nam Định, mặc dù cổ mang gông nặng, dù bị những ngọn roi tàn bạo, thầy Chiểu cố cúi xuống cầm lấy Thánh Giá dưới đất lên hôn kính, rồi chờ cho cũi của Đức cha Minh đi qua, thầy mới để Thánh Giá lại như cũ và tiến vào thành.
* Cực hình gian nan…
Tại dinh Tổng đốc, các quan tra hỏi thầy nhiều lần, lần nào thầy cũng tuyên xưng đức tim một cách can đảm, không sợ sệt. Khi các quan bảo thầy bước qua Thánh Giá thì sẽ được tha về, còn bất tuân thì sẽ bị xử tử, thầy Chiểu trả lời : "Đức Chúa Trời là Chúa thật, là căn nguyên của mọi sự, người ta phải thờ lạy kính mến ngài. Vì thế tôi không giám bước qua Thánh Giá, chắc chắn tôi không làm được điều đó".
Dùng lới khuyên dụ không được, quan sai lính trói tay chân thầy vào cọc rồi đánh 30 roi, nhưng thầy vẫn không nao núng. Quan truyền cho xích thầy và tống giam vào ngục. Sau đó các quan kết án như sau: "Tên Đỗ Văn Chiểu đã đi theo và học với tên Trùm Hai (tức Đức cha Henares Minh). Nó học những điều giả dối. Nó ngoan cố và bất tuân lệnh vua cải tà qui chánh. Mặc dù bị bắt giam, bị tra tấn, nó vẫn nhất mực ngoan cố theo tả đạo Gia Tô. Vậy nay nó đáng phải chịu trảm quyết".
Các quan đệ trình bản án này về kinh đô xin vua phê chuẩn. Trong 15 ngày bị giam, thầy Chiểu đã trải qua nhiều thử thách, chịu đòn vọt, chịu đói khát… như thầy viết gửi thầy Quỳnh ngày 21.06: "Ở trong này tôi phải chịu nhiều cực hính đau đớn, chịu đói khát, không có tiền mua cơm ăn. Tôi nhờ thầy gặp các cha xin các ngài giúp đỡ tôi. Thầy xin lỗi mọi người giúp tôi nhé. Chắc chắn tôi sẽ được tử đạo, vì nhờ ơn chúa, tôi vẫn trung thành và bề đỗ với Ngài".
Trong khi đó, vua Minh Mạng phê bản án và gửi bản án về tới Nam Định ngày 25.06.1838. ngay trong ngày cuối đời, thầy Chiểu còn phải đương đầu với những dụ dỗ của các quan. Quân lính dẫn thầy ra công đường, quan đọc bản án và hứa nếu đạp lên Thánh Giá, quan sẽ tha ngay. Thầy Chiểu bình tĩnh và mạnh dạn trả lời : "Khi quan lớn nằm nghỉ, quan có bằng lòng để cho người con của quan đạp lên không ? Phương chi Đức Chúa Trời là Chúa trời đất, mọi người phải kính thờ thì làm sao tôi giám bước qua ảnh của người".
Trước lời khẳng khái của thầy, quan nổi giận và cho thầy là xấc láo. Có ông đòi xử tử ngay, ông khác nói để đến ngày mai vì đã quá muộn, chỉ nên cho lính đánh đòn rồi tống ngục. Thế là quân lính ra tay đánh đập cho đến khi thầy ngất lịm với biết bao vết bầm tím trên da thịt, mới khiêng thầy ném vào ngục thất.


* Giờ phút vinh quang.
Sáng hôm sau 26.06.1838, quân lính dẫn Đức cha Henares Minh và thầy Chiểu tới pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Tuy mang gông ở cổ, kèm thêm hai sợi xích nối từ gông xuống đến chân, thầy Chiểu bình tĩnh lê từng bước như xưa Chúa Giêsu vác thập giá lên Núi Sọ. Thấy nhiều tín hữu khóc lóc, thầy nói với họ : "Anh chị em về nhà đi, đừng khóc nữa thày trò chúng tôi hôm nay về Quê thật mà".
Tới nơi, lính mở cũi đưa Đức cha ra, và tháo gông cho thầy Chiểu. Đức cha Minh xin chém thầy Chiểu trước để được thấy tận mắt người con thiêng liêng của mình đã trung thành với Chúa đến giây phút cuối cùng. Viên quan chỉ huy chấp thuận. Thế là thầy Chiểu quỳ xuống trước mặt Đức cha và lãnh bí tích giải tội. Xưng tội xong, thầy quỳ gối cầu nguyện và kêu tên Chúa Giêsu ba lần. Cũng như thánh Stêphanô xưa, thầy Chiểu thưa với Chúa : "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Ngài".
Ngay sau đó, lý hình chém một nhát trúng vào xích nơi cổ thầy, họ phải chém thêm ba nhát nữa thì đầu mới lìa khỏi cổ, và linh hồn thầy về hưởng phúc Thiên Đàng, thọ 41 tuổi. Lý hình tung thủ cấp thầy lên ba lần cho các quan và mọi người thấy rõ. Thế rồi một khung cảnh trào dâng xúc động : Đức cha Minh đã cầm thủ cấp thầy Chiểu và kính dâng lên Thiên Chúa như lễ vật hy hiến trước khi Đức cha được phúc tử đạo. Giáo dân an táng thi thể thầy tại nơi pháp trường, về sau di hài cốt về quê ở Trung Lễ.
Đức Lêô XIII suy tôn Chân Phước thầy Phanxicô Đỗ Văn Chiểu ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.



Ngày 26/06/1765-1838 Thánh Đaminh Henares Minh Giám Mục Dòng Đaminh Tử Đạo.


* Lời kinh và ước vọng
Lạy Chúa Giêsu rất dịu hiền là cha của lòng con. Xin Chúa vì cuộc tử nạn thánh, vì công nghiệp và lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin đoái thương đến bác của con, Đưc Giám mục Đaminh. Xin gìn giữ bác khỏi mọi sự dữ. Xin cho bác yêu Chúa thiết tha, trung thành phục vụ Chúa suốt cuộc đời. Và nếu cần để tôn vinh và làm hiển danh Chúa hơn, xin cho bác được phúc đổ máu mình và hiến dâng mạng sống cho tình yêu Chúa để làm chứng cho đức tin. Amen.”

Đó là lời kinh mà Đức Cha Minh từ miền truyền giáo Việt Nam đã soạn gửi về quê nhà cho cháu mới năm tuổi đọc cầu cho bác. Cô bé đã dâng lời nguyện đó hằng ngày, dù em biết rất ít về người bác mình. Khi bà con lối xóm hởi em về ông bác giám mục, em chỉ biết thưa: “Bác tên Đaminh, tu dòng Đaminh, đang truyền giáo ở xa, thật xa, nơi mà người ta đang tàn sát các Kitô Hữu”. Và chúa đã nhận lời khẩn xin tha thiết của hai bác cháu tại hai phương trời xa xăm đó.


* Theo tiếng gọi truyền giáo.
Đaminh Henares sinh ngày 19.12.1765 tại làng Baena, giáo phận Cordoda, nước Tây Ban Nha. Một vài năm sau, gia đình dọn về Granada, nơi cậu đã lớn lên và theo học các lớp phổ thông, được thừa hưởng nơi người mẹ lòng đạo đức sốt sắn, Đaminh Henares đã biết cách phát triển nó một cách tuyệt vời.Trong khu phố, các phụ huynh thường nhắc đến cậu như một mẫu gương cho con cái mình. Còn bản thân cậu, càng ngày càng sôi sục trong lòng tiếng Chúa kêu gọi vào đời sống tu trì. Năm 16 tuổi, Henares xin nhập dòng tu Đaminh ở tỉnh Granada. Nhưng mãi đến ngày 30.08.1783, cậu mới được lãnh tu phục dòng tại tu viện Guadix (18 tuổi), năm sau thì tuyên khấn và theo học triết học. Ngay từ niên khóa đầu, thầy Henares đã tỏ ra là một sinh viên xuất sắc, nên cuối năm đó, khi thầy xin phép chuyển qua tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi để được truyền giáo ở Việt Nam, các bề trên đều tiếc nhớ. Thầy Đaminh đã nhận ra tiếng Chúa kêu mời qua lời cổ động khẩn thiết của Đức cha Obelar Khâm, giáo phận Đông đàng Ngoài: Đã 15 năm giáo phận chưa thêm được một thừa sai nào cả.
Thế là thầy Henares liền tham gia một nhóm tu sĩ trẻ lên đường đến Phi Luật Tân dưới sự dẫn dắt của tu sĩ Delgado. Kể từ nay cuộc đời hai vị gắn liền với nhau một cách khăng khít. Sau hơn một năm lênh đênh trên biển cả, vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, phái đoàn đã cập bến Manila ngày 09.07.1786. tại đây thầy Henares vừa tiếp tục học thần học, vừa dạy văn chương cho học sinh trường Santo Tomas. Ngày 20.09.1789 thầy thụ phong linh mục và được gửi đi truyền giáo tại Bắc Việt. Khi thuyền đến Macao, cha Henares gặp lại linh mục Delgado đã khởi hành trước một năm nhưng vẫn chưa tới Việt Nam. Hai cha cùng với hai thừa sai khác là Vidal và Gatillepa, cả bốn vị đã vào lãnh thổ giáo phận Đông Đàng Ngoài ngày 29.10.1790, trong niềm hân hoan của cả giáo phận, vì khi đó chỉ còn ba vị thừa sai, mà tất cả đều đã cao niên.
Riêng cha Henares Minh, với tuổi trẻ 25, cha học tiếng Việt rất nhanh chóng. Sau sáu tháng, cha đã được trao phó việc coi sóc chủng viện Tiên Chu. Trong nhiều năm, cha kiên trì dạy các chủng sinh học tiếng Latinh và giúp họ rèn luyện các nhân đức. Từ năm 1789, giữa cơn bách hại của vua Cảnh Thịnh, cha được tỉnh dòng ủy nhiệm làm bề trên phụ tỉnh (cha chính) các cha dòng Đaminh tại Việt Nam. Năm sau, khi đức cha Alonso Phê qua đời, Đức cha Delgado Y lên kế vị, cha Minh được đặt làm cha chính của giáo phận. Ngày 09.09.1800, Đức cha Piô VII bổ nhiệm cha làm giám mục hiệu tòa Fez và Giám mục Phó có quyền kế vị của Đức cha Delgado Y. Nhưng tình hình Việt Nam căng thẳng, sau hai năm sắc phong mới tới xứ truyền giáo.
* Vị mục tử nhân hiền.
Ngày 09.01.1803 là ngày hội lớn của toàn giáo phận Đông Đàng Ngoài. Các thừa sai ngoại quốc, hơn 30 linh mục Việt Nam, hàng chục ngàn giáo dân từ các nơi tuốn về Phú Nhai tham dự lễ tấn phong Giám mục phó Henares Minh, khởi đầu một giai đoạn bình an kéo dài hơn 20 năm. Hai vị giám mục Delgado Y và Henares Minh, hai anh em “sinh đôi” như một số người quen gọi, cùng mang những thao thức như nhau, cùng được đào tạo một nơi, cùng đến đất Việt một ngày. từ nay luôn tâm đầu ý hợp, cùng nhau đưa giáo phận đến giai đoạn cực thịnh. Hai vị chia nhau đến thăm từng họ đạo nhỏ nhất. Đức cha Minh với tinh thần phục vụ cao, thường chọn cho mình những họ đạo xa hơn, thuộc trấn Kinh Bắc, nơi rừng sâu nước độc mà trước đó ít năm, Đức cha Phê đã bỏ mạng vì bệnh sốt rét rừng.
Linh mục Hermosilla Vọng đã viết về Đức cha Minh như sau: “Ngài là một thủ lãnh thanh khiết trong đời sống, là vị mục tử nhiệt tâm không hề mỏi mệt vì ơn cứu độ các linh hồn và là đấng khao khát mãnh liệt phúc tử đạo. Ngài sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào trách nhiệm đòi hỏi, dù đang nửa đêm khuya vắng. Ngài có lòng đạo đức trổi vượt, biểu lộ qua việc cầu nguyện không ngừng, đồng thời siêng năng nghiên cứu các giáo phụ. Ngài sống nghèo khó Tin Mừng thực sự, và như một người cha hiền dịu, ngài quảng đại với những người xấu số nhất. Đó là những nhân đức chính mà ngài luôn nêu gương”.
Với lòng khiêm tốn, bác ái, Đức cha Minh nhiệm nhặt với mình, nhưng lại rộng lượng với mọi người. Tuy bận rộn với bao công việc của giáo phận, ngài vẫn tự may vá lấy y phục của mình, và cố gắng sửa lại những quần áo cũ để phân phát cho người nghèo. Nhờ biết chút ít về nghề thuốc, Đức cha là ân nhân của nhiều người bệnh tật. Đi đâu ngài cũng mang theo một hộp nhỏ đựng thuốc phát cho bệnh nhân nan y, mọi người đều cho là họ được khỏi do lời cầu nguyện và chúc lành hơn là nhờ thuốc.
* Nếu giờ chưa đến.
Chính tráp đựng thuốc bác ái đó một lần kia đã cứu ngài thoát chết. Khi ngài đang ở họ Thượng Hộ thuộc Sơn Nam Hạ thì bị một nhóm cướp bắt cóc để tống tiền. Giữa đêm chúng lẻn vào nhà, bắt và dẫn Đức cha vào rừng. Bỗng tên cướp ôm chiếc tráp thuốc vấp ngã, những chai lọ đổ lỏng chỏng ra ngoài, một vài dụng cụ kim loại lấp lánh trong đêm, khiến chúng tưởng là vàng bạc xô lại trang giành, Đức cha liền nhanh chân náu mình trong một bụi cây rậm rạp gần đó. Đám cướp sục sạo một lát thì trời tảng sáng và nghe dân làng đánh kẻng báo động đi tìm Đức cha, họ ùa nhau bỏ chạy.
Theo ý Tổng trấn Hà Nội Nguyễn Văn Thành, ông muốn tổ chức một buổi trao đổi công khai về tôn giáo. Đức cha Minh cùng đức cha Longer Gia giáo phận Tây Đàng Ngoài nhận lời và đưa ra đề tài: “Không ai được bắt ép người Công Giáo làm việc dị đoan”. Nhưng vì tổng trấn không chấp nhận đề tài đó, nên cuộc trao đổi phải bãi bỏ. Đức cha Minh thấy vậy đã nhận định rằng: “Bao lâu còn thiếu ánh sáng bởi trời thì dù lý luận mấy cũng vô ích”.
Khi vua Minh Mạng lên ngôi được vài năm, miền bắc có nhiều cuộc khởi nghĩa: Lê Duy Lương, Nùng Văn Vân. Ở Nam Định và Hải Dương có Phan Bá Vành. Nói chung dân Bắc Hà vẫn còn hoài nhớ triều Lê, chứ không ưa triều Nguyễn. Chính Gia Long phải mượn cớ phò Lê để thống nhất cả nước. Lúc đó, thế lực nhóm Phan Bá Vành ngày càng lớn, năm 1826, vua Minh mạng phải cử Lê Văn Duyệt và Nguyễn Công Trứ ra đánh dẹp. Quân của Vành thua rút vào làng Trà Lũ, cầm cự được ba tháng, mới bị bắt, cuộc chiến thắng này có phần đóng góp của hơn 300 giáo hữu, thế nhưng vì trong số tù nhân cũng có những người Công Giáo, họ khai là có biết Đức cha Minh và 10 cha dòng người Việt, khiến từ đó Đức cha bị ghi vào “sổ đen” của nhà vua.
Ngày 13.05.1827, Tổng đốc Nam Định thừa lệnh nhà vua đem 800 quân và voi trận đến vay Trà Lũ bắt Đức cha, nhưng ngài đã kịp biết tránh đi nơi khác. Dù rất mong mỏi được đổ máu làm chứng cho tình yêu Chúa, Đức cha thường tâm sự rằng tử đạo là ơn phúc trọng đại, không ai được tự tiện liều lĩnh ngoài thánh ý Chúa. Tiếp theo đó là 10 năm phục vụ, tuy có phần khó khăm âm thầm hơn, nhưng nói chung giáo phận Đông Đàng Ngoài vẫn tương đối được bình an. Cho đến tháng 04.1838, vì phát hiện sáu lá thư của cha Viên gởi cho giám mục và bốn linh mục, nhà vua biết có sự hiện diện của các ngài. Vua đã khiển trách Tổng đốc Trịnh Quang Khanh nặng lời, và phái thêm 2000 lính kinh đô ra tăng viện, quyết lùng bắt hết các giáo sĩ. Đức cha Minh và thầy Chiểu phải bỏ Tiên Chu đi ẩn tại Kiên Lao, gần chỗ Đức cha Y và hai vị thừa sai khác. Ngày 28.05, khi Đức cha Y bị bắt, Đức cha Minh đang lánh thân trong nhà bà Tư, giả bộ xay lúa, mỗi khi quân lính đi ngang, bà Tư lấy nong che mặt cho ngài.


* Bản án phải được sửa lại.
Tối hôm đó, Đức cha Minh bỏ nhà bà Tư đi sang làng Trung Thành, rồi làng Quần Anh và Xương Điền. Khi thấy quân triều đình lảng vảng theo dõi, Đức cha và thầy Chiểu xuống thuyền đi ngược ra biển. Một ngư phủ ngoại giáo nói với các tín hữu: “Coi chiếc thuyền ngược gió kia, tôi đóan là một thừa sai chạy trốn cuộc bách hại mà chưa biết về đâu. Các bác tìm cách đưa ngài vào đây, tôi sẽ lo liệu chỗ trọ và che dấu giùm cho”. Quá tin vào ông ta, các tín hữu ra mời ngài trở lại, ai ngờ ông ta đi báo quan quân đến bắt đức cha và thầy Chiểu tại nhà mình.
Quan phủ Xuân Trường đối đãi với Đức cha khá tử tế, nhưng vì sợ nhà vua, ông đành phải đóng cũi và ván ép giải lên Nam Định ngày 11.06.1838. tại đinh Tổng đốc, có hai chiếc cũi của ngài và của đức cha Y được đặt gần nhau, hai vị nói truyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Không rõ các vị nói những gì, nhưng chắc chắn quả là niềm an ủi lớn lao, khi được chia sẻ với nhau những tâm sự thầm kín. Gần nửa thế kỷ sát cánh bên nhau để phục vụ giáo phận trên đường về Thiên Quốc. Mọi người thấy rõ niềm vui lộ trên khuôn mặt của hai vị.
Khi quan tòa đòi Đức cha Minh phải ký vào bản án đã viết sẵn, ngài yêu cầu cho nghe trước rồi mới ký. Vừa nghe đọc hai chữ “Tả Đạo”, Đức cha cắt ngang: “Xin quan sửa lại chữ đó thành đạo Đức Chúa Trời”. Quan đồng ý và sửa lại. Khi đọc đến chữ “.lừa đảo ngu dân”, Đức cha lại lên tiếng: “Không đúng, chúng tôi không lừa đảo ai, chúng tôi chỉ đến đây giảng đạo chân chính”. Đức cha không chịu ký vào cho đến khi quan đồng ý sửa bản văn lại. Ngày 12.06.1838, bản án được gửi về kinh đô, nhà vua châu phê và gởi lại Nam Định ngày 25.06.1838, Đức cha còn được một ngày để chuẩn bị tâm hồn lãnh phúc tử đạo.
* Chứng tá cuối cùng.
Một số binh sĩ Công Giáo giữ đạo cách bí mật đã bỏ tiền ra xin được vinh dự khiêng cũi Đức cha. Và trước khi khởi hành ra pháp trường, nhiều binh sĩ đã trót nhát sợ đạp lên Thánh Giá, đến quỳ khóc lóc trước cũi, xin Đức cha cầu nguyện và tha thứ. Đức cha đã nhân ái an ủi họ và giúp họ thống hối đền tội. Trên đường đến Bảy Mẫu, Đức cha Minh trong cũi với nét mặt hân hoan, miệng thầm thĩ nguyện kinh và giơ tay ban phép lành cho các tín hữu đang khóc thương hai bên đường. Thầy Chiểu mang gông đi phía sau. Cuối cùng là năm binh sĩ không chịu bước qua Thánh Giá, trong đó có ba vị tử đạo sau này là Augustinô Huy, Nicolas Thể và Đaminh Đinh Đạt, nhưng hôm ấy đến nửa đường, cả năm binh sĩ đều được đưa trở về ngục.
Tại pháp trường, Đức cha Minh muốn chứng kiến cái chết kiên trung anh dũng của người môn đệ quý yêu: thầy Phanxicô Chiểu, Đức cha xin xử trảm thầy trước. Viên quan đồng ý. Thế là quân lính xử chém và trao đầu thầy cho vị Giám Mục. Ngài trân trọng đón lấy, rồi ngửa mặt lên trời cầu nguyện trang nghiêm như đang dâng lễ vật đẫm máu lên Thiên Chúa. Đến lượt mình, Đức cha nghiêng đầu cho lý hình thi hành quân sự. Hôm đó là ngày 26.06.1838, Thiên Chúa đã gọi Đức cha Henares Minh về trời lãnh ngành thiên tuế tử đạo, chấm dứt 73 năm trên dương thế với 48 năm phục vụ tại Việt Nam, 38 năm giám mục.
Thi hài Đức cha được lý hình an táng ngay tại pháp trường, nửa tháng sau các tín hữu cải về Lục Thủy. Đầu của ngài bị treo ở cổng thành ba ngày, rồi ném xuống sông Vị Hoàng, vài ngày sau một dân chài Công Giáo may mắn vớt được, các tín hữu đưa về táng chung với thi hài. Về sau khi ngưng bách hại, họ long trọng đưa hài cốt Đức cha về tòa Giám mục Bùi Chu.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn Giám mục Henares Minh lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển Thánh.

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Thứ Sáu Tuần XII Thường Niên Mt 8,1-4.


Lời Chúa: Nếu ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.
Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô đã mang lấy các tật nguyền của ta, và gáng lấy các bệnh hoạn của ta. Ha-lê-lui-a.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
Xin Chúa từ Xi-on xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời

bạn được thấy Giê-ru-sa-lem phồn thịnh. 

Ngày 26/06 – Chân phước Raymond Lull, Nhà truyền giáo (1235-1315)
Chân phước Raymond Lull sinh tại Palma, trên đảo Mallorca, thuộc Địa Trung Hải. Ngài có một vị trí trong triều đình ở đó. Một hôm, một bài giảng đã đánh động ngài tận hiến cuộc đời hoạt động để hoán cải các tín đồ Hồi giáo ở Bắc Phi. Ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô và thành lập trường đại học để các nhà truyền giáo học tiếng Ả Rập cần thiết cho việctruyền giáo. Khi nghỉ hưu, ngài sống ẩn dật 9 năm. Trong thời gian đó, ngài viết đủ loại sách, nên người ta gọi ngài là “Tiến sĩ được khai sáng” (Enlightened Doctor).
Ngài có nhiều chuyến đi khắp Âu châu làm cho các giáo hoàng, các vua chúa và các hoàng tử bằng lòng thành lập các trường đại học để chuẩn bị tương lai cho các nhà truyền giáo. Ngài đạt được mục đích năm 1311 khi công đồng Vienne ra lệnh thành lập các khoa tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập và tiếng Chaldean tại các trường đại học Bologna, Oxford, Paris và Salamanca. Năm 1314, lúc 79 tuổi, ngài đi truyền giáo ở Bắc Phi. Ngài bị một đám người Hồi giáo quá khích ném đá ở thành phố Bougie. Các thương gia Genoa đưa ngài về đảoMallorca và ngài qua đời. Ngài được phong chân phước năm 1514.

Thứ Năm Tuần XII Thường Niên Mt 7,21-29.



Lời Chúa: Nhà xây trên đá và nhà xây trên cát.
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến với người ấy. Ha-lê-lui-a.
Xin cho con được thấy tỏ tường
phần phúc lộc dành cho những người được Chúa chọn,
để chúng con được vui niềm vui dân Chúa
và cùng hiên ngang với gia nghiệp của Ngài. 


Ngày 25/06 – Chân phước Jutta Thuringia (qua đời năm 1264?)
Nhân đức và lòng sùng kính là điều quan trọng đối với CP Jutta và chồng bà. Hai vợ chồng bà đều là giới quý tộc, cùng đi hành hương đến nhiều nơi tại Thánh địa Giêrusalem, nhưng chồng bà qua đời trên đường đi hành hương. Sau khi lo cho các con xong, góa phụ Jutta quyết định phân phát của cải để sống cho Chúa bằng cách vào Dòng Ba Phanxicô.
Bà quan tâm người nghèo, săn sóc người mù và các bệnh nhân, đặc biệt là người phong cùi. Nhiều người trong thành phố Thuringia thấy vậy thì cười nhạo bà. Tuy nhiên, bà vẫn thấy khuôn mặt Chúa nơi dân nghèo.
Khoảng năm 1260, không lâu trước khi qua đời, Jutta đã sống gần những người ngoại giáo ở Đông Đức. Tại đó bà xây dựng một nhà ẩn tu và không ngừng cầu nguyện cho họ trở lại. Bà được tôn phong là vị bảo trợ đặc biệt của Prussia.