Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng



Lời Chúa: Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương.
“ Ha-lê-lui-a. Đức Chúa là vị thẩm phán của chúng ta, là nhà lập pháp của chúng ta và là vua của chúng ta, chính Người sẽ cứu độ chúng ta. Ha-lê-lui-a.”
Chúa chúng ta thật là cao cả
Uy lực vô biên trí tuệ khôn lường
Kẻ thất hèn Chúa nâng đỡ dậy

Bọn gian ác Người hạ xuống đất đen.

Ngày 06/12 – Thánh Nicôla, Giám mục Tiến sĩ (qua đời năm 350?)
Cả Giáo hội Đông phương và Tây phương đều tôn kính ngài. Sau Đức Mẹ, ngài là vị thánh được các họa sĩ Kitô giáo vẽ chân dung nhiều nhất. Theo lịch sử, ngài là giám mục GP Myra, thuộc Lycia, một tỉnh của Tiểu Á.
Có nhiều truyện về ngài đầy màu sắc xuyên suốt nhiều thế kỷ. Truyện nổi tiếng về ngài có thể liên quan đức bác ái đối với người nghèo, những người không thể cho con gái mình của hồi môn khi đến tuổi kết hôn. Không muốn thấy họ bị ép làm gái mại dâm, thánh Nicôla lấy vàng trao cho các bà mẹ để họ cho con gái làm của hồi môn đi lấy chống. Qua nhiều thế kỷ, truyền thuyết này ảnh hưởng tập tục tặng quà nhau vào ngày lễ kính ngài. Tại các nước nói tiếng Anh, ngài được coi là Ông già Noel.


Ngày 6-12-1832-1861 Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang Thầy giảng dòng Đaminh Tử đạo.
Giuse Nguyễn Duy Khang, thầy giảng, Dòng Ba Ða Minh; sanh 1832 tại Trà Vi, Nam-Ðịnh; chết ngày 06 tháng 12 năm 1861, tại Hải Dương. Thánh Khang là người giúp việc cho Ðức Cha Hermosilla. Trong khi cố gắng cứu chủ thoát ngục, ngài bị bắt, bị trừng phạt 120 roi. Sau nhiều lần bị tra tấn, ngài bị xử trảm (chém đầu). Phong Á Thánh 1906
* Một môn sinh trung thành.
Thánh Giuse Nguyễn Duy Khang được các tín hữu Việt Nam tôn kính trong số bốn thánh tử đạo Hải Dương. Tuy thánh nhân tử đạo sau hơn một tháng, nhưng vẫn được chung vinh dự với linh mục Almate Bình, hai Giám mục Valentinô Vinh và Hemosilla Liêm, vì đã cùng đồng lao khổ với ba vị huynh trưởng đó trong dòng Đaminh. Là người trợ tá của Giám mục Hemosilla Liêm, thầy Giuse Khang đã theo sát gương cha chung của giáo phận Đông Đàng Ngoài trong những ngày lưu lạc. Rồi khi quân lính vây bắt Đức cha thì với nhiệt tâm của thánh Phêrô tông đồ xưa trong vườn cây dầu, thầy định dùng võ lực để chống cự. Nhưng sau cùng, thầy đã nghe lời của vị mà mình muốn bảo vệ. Thầy chấp nhận bị bắt để làm chứng cho điều cao thượng hơn : Làm chứng cho tình thương, cho lòng nhân ái và thứ tha của Tin Mừng.
* Một tu sĩ đạo đức.
Giuse Nguyễn Duy Khang chào đời năm 1832, tại Cao mại, xã Trà Vi, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cha mẹ cậu là những giáo hữu đạo đức, hướng dẫn các con vào đời sống đạo ngày từ nhỏ. Nhưng cha cậu đã sớm qua đời, cậu được mẹ săm sóc tận tình. Bà lo niệu cho cậu được học hành, gợi cho cậu ý muốn hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và gởi cậu vào nhà Đức Chúa Trời giúp việc cho cha Matthêu Năng dòng Đaminh.
Sau mười năm sống với vị linh mục lão thành thánh thiện này, cậu Giuse Khang được cha gửi vào chủng viện Kẻ Mốt để học tiếng Latinh, chuẩn bị cho sứ vụ linh mục tương lai. Giai đoạn này thầy Giuse Khang xin gia nhập dòng ba Đaminh, và được anh em tín nhiệm bầu làm trưởng tràng điều hành mọi công việc trong nhà như lao động, nấu ăn, liên lạc với các bề trên. Mặc dù bận rộn, thầy Khang vẫn nêu gương sáng cho anh em trong việc học hành và kỷ luật. Những ai đã tiếp xúc với thầy đều nói thầy đạo đức, có tính cương trực, nhưng lại luôn luôn hòa nhã với hết thảy mọi người. Khi đó, Đức cha Hemosilla Liêm cũng ở Kẻ Mốt đã tín nhiệm thầy cách đặc biệt và chọn thầy làm người phụ tá riêng. Thầy Khang vui vẻ phục vụ Đức cha cách tận tình : từ việc dọn bàn thờ, sắp xếp các hồ sơ, sao chép các hồ sơ luân lưu, cho đến công tác cơm nước, liên lạc. Có lần thầy còn đào hang trú ẩn cho hai cha nữa.
* Mẫu gương can đảm.
Giáo Hội Việt Nam lúc ấy đang trong tình trạng bị bách hại khốc liệt, dưới thời vua Tự Đức. Để tiêu diệt hết đạo Gia Tô trong cả nước, nhà vua ban hành chiếu chỉ phân sáp ngày 05.08.1861. theo chiếu chỉ đó, mọi tín hữu Gia Tô già trẻ lớn nhỏ, nam nữ đều bị phân tán vào các làng ngoại giáo. các tín hữu bị khắc chữ trên má, gia đình bị phân chia, vợ một nơi, chồng một nẻo, con cái mỗi đưa một miền. Các thánh đường, nhà chung, tài sản của giáo hữu bị tịch thu, bị chia chác hay phá hủy.
Trong bối cảnh đó, ngày 18.09, Đức cha Hemosilla Liêm vô cùng đau đớn khi phải quyết định giải tán chủng viện Kẻ Mốt. linh mục Khoa, đại diện ngài nói với các chủng sinh: "Anh em khỏi chào Đức cha, kẻo ngài không cầm nổi nước mắt". Riêng thầy Khang nhất quyết xin và được chọn để đi theo Đức cha cho tới cùng. Khi giã từ các bạn, thầy nói nửa đùa nửa thật: "Tôi nhất định theo Đức cha, các quan có bắt ngài, ắt sẽ chẳng tha tôi. Đức cha chết vì đạo, tôi cũng chết theo, mất đầu còn chân sợ gì". Từ đêm đó, hai cha con bắt đầu sống lưu lạc. Tương lai tuy mờ mịt, nhưng thầy Khang vẫn vui tươi nhờ lòng tin tưởng phó thác và tâm tình hiến dâng mạng sống nếu Chúa muốn.
Ba tuần lễ đầu, thầy Khang cùng với Đức cha sống trong hang trú ẩn ở Thọ Ninh. Nhưng quan quân đã phát hiện nơi ẩn đó, nên hai cha con phải bỏ đất liền, xuống một thuyền đánh cá. Thầy Khang chèo thuyền qua thị xã Hải Dương đến tá túc trên thuyền của một giáo hữu tên Bính. Chính nơi đây đã thành "Tòa Giám mục lưu động" của vị chủ chăn. Được vài ngày, hai vị tình cờ gặp Đức cha Valentinô Vinh và linh mục Almatô Bình đi thuyền từ Kẻ Nê xuống. Thật là cuộc gặp gỡ vô cùng cảm động và vui mừng của bốn thánh tử đạo Hải Dương. Các vị tạ ơn Chúa vì cơ may đặc biệt này, trao đổi tin tức và cùng nhau cầu nguyện cho Giáo Hội. Đến sáng, các vị chia tay mỗi thuyền đi một ngả.
Một hôm gia đình Trương Bính xảy ra cuộc cãi lộn. Người con trai tức giận với cha mẹ nên tố cáo ông bà chứa chấp đạo trưởng. Thế là đội Bảng liền đem gia nhân đến bắt Đức cha. Thấy họ tới nơi, thầy Khang liền nhổ cây sào chống thuyền và chạy đến đứng chắn trước mặt họ như muốn ngầm bảo : phải bước qua xác tôi, rồi muốn bắt ai thì bắt. Nhưng vị Giám mục khả kính và nhân ái đã đến nắm lấy vai thầy, ngài nói: "Đừng làm gì hại họ, hãy phó mặc cho ý Chúa". Thầy Khang ngỡ ngàng quay lại nhìn người cha già và chợt hiểu ra ý ngài, thầy chỉ nói được một lời : "Thưa vâng", rồi bỏ sào tre xuống đưa tay cho lính trói. Lính giải hai vị vào thành Hải Dương và giam mỗi vị một nơi.


* Vị tử đạo Hải Dương.
Một tháng rưỡi trong tù, thầy Khang được sống chung với một số giáo hữu. Thầy liền tổ chức cho cả phòng giam đọc kinh chung mỗi ngày ba lần, và mỗi tối làm việc thống hối đền tội để chuẩn bị đón nhận phúc tử đạo. Trong thời gian này, thầy bị đưa ra tòa tra tấn ba lần, bị đánh đòn khắp hai bên mông. Lần nào thầy cũng can đảm chịu đựng, không hề tiết lộ bất cứ chi tiết nào về hàng giáo sĩ, không chịu bỏ đạo như các quan yêu cầu. Sau mỗi trận đòn, các giáo hữu trong ngục đều nấu nước rửa và xoa bóp cho thầy dịu bớt cơn đau. Đặc biệt ở trong tù, thầy Khang vẫn tiếp tục viết thư cho các bạn học đang lưu lạc ở làng Hảo Hội. một lá thư thầy viết : "Các quan mới tra tấn tôi một kỳ để hỏi Đức cha đã ở những đâu, song tôi chẳng trả lời, trái lại vui lòng chịu đòn. Xin anh em cầu nguyện cho tôi".
Trong lá thư khác thầy viết : "Anh em cho tôi một cái quần, vì quần tôi cũ, phải đòn nhiều đã rách nát. Cũng xin gửi cho tôi một cái khăn để khi tôi chết, có cái mà liệm xác đem chôn".
Ngày 06.12.1861, thầy Giuse Khang được nghe bản án trảm quyết ở kinh đô gửi ra, thầy vui vẻ theo lịnh ra pháp trường Năm mẫu, nơi đã thấm máu người cha kính yêu của thầy ngày 01.11 trước đó. sau khi bị chém đầu, dân chúng địa phương an táng thi thể ngay ở ngoài ruộng. Năm 1867, theo lệnh của Đức cha Hy, thầy cai Hinh, anh ruột của vị tử đạo đã dời hài cốt em của mình về nhà nguyện Kẻ Mốt.
Ngày 20.5.1906, Đức Thánh Cha Piô X suy tôn thày Giuse Nguyễn Duy Khang lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lời bất hủ, trong lá thư thầy viết: Thầy Khang nói với bạn bè: "Tôi nhất định theo Ðức cha (Liêm), các quan có bắt ngài , ắt sẽ chẳng tha tôi, Ðức cha chết vì đạo, tôi cũng chết theo, mất đầu còn chân sợ gì". Khi lính đến bắt Ðức cha, thầy Khang toan dùng sào tre để chống cự cứu Ðức cha, ngài bảo: "Ðừng làm gì hại họ, hãy phó mặc cho ý Chúa". Thầy Khang chỉ nói được một lời "Thưa vâng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét