Lời Chúa:
Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu
tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là
Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc
dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. Sứ thần vào nhà trinh nữ và
nói : “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà
rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ
thần vào nhà trinh nữ và nói : “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp
lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là
Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là
Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị
vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần : “Việc ấy
sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng ?”
Sứ thần đáp : “Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà ; vì thế, Đấng Thánh sắp
sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với
bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai : bà ấy vẫn bị mang
tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, vì đối với Thiên Chúa,
không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần :
“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần
nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
Càng gần lễ Giáng sinh,
công việc chuẩn bị của chúng ta lại càng gấp rút. Xin Chúa chúc lành cho tất cả
mọi cố gắng của chúng ta, để lễ Giáng sinh năm nay được tràn đầy hồng ân Chúa.
Trong bầu khí nhiệt tình chuẩn bị Ðại lễ Giáng Sinh này, mà bài Tin Mừng hôm
nay đã nói lên sự chuẩn bị của Thiên
Chúa đối với Đức Maria. Ngài đã tạo dựng Mẹ như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất
vô nhị, chỉ vì Ngài muốn Mẹ xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của
Ngài. Đức Maria là một kiệt tác của Thiên Chúa, dù bề ngoài Mẹ chỉ là một thôn
nữ của một ngôi làng nhỏ bé miền quê. Thiên Chúa không ép buộc Đức Maria sinh Đấng Cứu Thế, dù Ngài đã chuẩn bị cho Mẹ
một cách đặc biệt, để đón nhận trách nhiệm cao cả này. Ngài tôn trọng tự do của
Mẹ, tự do mà chính Ngài đã ban cho Mẹ trong tư cách làm người. Ngài không đặt Mẹ
trước một sự đã rồi. Ngài muốn hỏi ý Mẹ, và chờ Mẹ ngỏ lời ưng thuận. Vâng, Mẹ
đã ưng thuận “ Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ
thần nói.”
Thiên Chúa đến gặp gỡ con
người để mang cho họ một niềm vui. Và mỗi khi chúng ta gặp gỡ nhau, chúng ta
cùng cộng tác xây dựng tình thân giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người
đồng loại với nhau. Mỗi cuộc gặp gỡ giữa chúng ta phải tăng thêm tình bạn, bớt
đi oán thù ngăn trở. Việc Chúa đến mang ý nghĩa sâu xa là thế, mà xem ra thường
ngày chúng ta hay bị lãng quên. Nhiều người chỉ nghĩ lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ
ngơi ăn chơi hội hè, mà quên nhận ra Đấng đã đến để ở với nhân loại. Có người
chỉ thấy qua lễ Giáng Sinh như một biến cố, từ hai ngàn năm xa xưa vời vợi mà
không biết rằng. Chúa đang hiện diện giữa chúng ta.
Xin cho chúng ta luôn hưởng
trọn vẹn niềm vui như Mẹ Maria khi biết sống hết mình vì tha nhân. Xin Mẹ giúp chúng ta luôn làm những điều đẹp
lòng Chúa, để chúng ta nhận lại niềm vui ngập tràn trong Chúa, và nhất là luôn
được Chúa chúc phúc như Mẹ. Xin cho cuộc đời mọi người chúng ta luôn được an
bình, hạnh phúc và hết lòng gieo niềm vui và hạnh phúc cho những người khác.
Amen
Ngày 21/12 – Thánh Phêrô Canisiô, Linh mục Tiến sĩ
(1521-1597)
Ngài là người đa tài, sống gương mẫu và phát triển tài năng
theo Kinh thánh vì Chúa. Ngài là nhân vật quan trọng trong thời Cải cách ở Đức,
giữ vai trò chính và thường được gọi là “vị tông đồ thứ hai của Đức” so với
thánh Boniface.
Lúc 19 tuổi, ngài có bằng đại học của ĐH Cologne. Không lâu
sau ngài gặp Peter Faber, đệ tử đầu tiên của thánh Inhaxiô Loyola, và cuộc đời
ngài đã thay đổi từ khi vào Dòng Tên.
Ngài thụ phong linh mục năm 1546, và nổi tiếng với những bài
viết về thánh Cyril Alexandria và thánh Leo Cả. Ngoài ra ngài còn thích làm việc
tông đồ, thăm viếng các tù nhân và các bệnh nhân.
Năm 1547, ngài dự vài khóa họp Công đồng Trentô. Ngài dạy tại
vài trường đại học, cùng thành lập nhiều đại học và chủng viện. Ngài viết sách
giáo lý giải thích về đức tin Công giáo theo cách mà người thường cóa thể hiểu
được – thời đó rất cần cách đó.
Ngài có tiếng về giảng thuyết, và khéo hòa giải các giáo
phái. Ngài còn viết những lá thư phê bình các vị lãnh đạo Giáo hội – nhưng có
cách nói yêu thương và cảm thông. Lúc 70 tuổi, ngài bị đột quỵ, nhưng vẫn rao
giảng và viết lách cho tới khi qua đời tại Nijmegen (Ba Lan) ngày 21-12-1597.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét