Đây là bức tranh được trưng bày trong đại lễ suy tôn Các
Thánh Tử Đạo Việt Nam, ngày 19-06-1988 tại quảng trường thánh Phêrô tại Roma,
do họa sĩ Gordon Faggetter trình bày. Bức tranh lấy cảm hứng từ câu 9 trong đoạn
7 của sách Khải Huyền : "Tôi đã thấy một đoàn người đông đảo không tài nào
đếm nổi, thuộc mọi nước mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng
rước ngài Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế"
Bức tranh lấy cảm hứng từ câu 9 trong đoạn 7 của sách Khải
Huyền : "Tôi đã thấy một đoàn người đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc
mọi nước mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng rước ngài Con
Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế" . Theo Thánh Gioan,
đám người đông đảo tượng trưng cho muôn vàn vị Tử Ðạo trong lịch sử Giáo Hội
hoàn vũ đã bỏ mình vì trung kiên với Thiên Chúa, và hiện nay đang vinh hiển
trong cõi hoan lạc trường sinh. Còn trong Giáo Hội VN, 117 Thánh Tử Ðạo tượng
trưng cho trên dưới 130,000 bạn đồng hành đã anh dũng hy sinh mạng sống trong
suốt 261 năm bách hại: từ sắc chỉ cấm đạo đầu tiên năm 1625, cho tới hết thời
Văn Thân (1886).
Đứng hàng thứ nhất chính giữa hình là sáu vị đứng đầu danh
sách 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, được XƯỚNG DANH trong nghi thức SUY TÔN đó là :
Linh mục Anrê Dũng Lạc, Thanh niên chủng sinh Tôma Thiện và Cụ Trùm gia trưởng
Emmmanuel Lê Văn Phụng, đại diện chính thức cho 96 vị thánh Việt Nam, thuộc ba
miền Bắc Trung Nam.
Hai giám mục Dòng Đaminh Hermosilla Liêm và Valentino Vinh,
đại diện cho 11 thừa sai Tây Ban Nha Dòng Đaminh (6 giám mục – 5 linh mục) và
27 vị khác quốc tịch Việt Nam thuộc gia đình Đaminh, (11 linh mục, 6 thầy giảng,
3 linh mục và 7 giáo dân dòng Ba Đaminh)
Linh mục Théophane Vénard Ven, (áo chùng đen, cổ có ba gạch
trắng) đại diện cho 10 thừa sai Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris. (gồm 2 giám mục,
8 linh mục). Cũng ở hàng đầu từ trái qua phải là : Linh mục Phaolô Lê Bảo Tịnh,
Hai vị Dòng Đaminh tử đạo tiên khởi trong danh sách 117 là cha Vinhsơn Phạm Hiếu
Liêm là cha Castaneda Gia (quỳ phía trước).
Quỳ phía bên phải : Quan Thái bộc Micae Hồ Đình Hy.
Sau lưng là ba vị gia đình cụ Án Đaminh Phạm Trọng Khảm, với
con trai Luca Phạm Trọng Thìn và người em Giuse Phạm Trọng Tả.
Riêng thánh nữ Annê Lê Thị Thành cũng đứng ngay gần giữa bức
tranh, đại diện duy nhất của nữ giới Giáo hội Việt Nam. Thánh nữ đã 60 tuổi,
nhưng họa sĩ đã xin phép được vẽ trẻ hơn một chút tính theo tuổi của Nước trời.
Họa sĩ Gordon Faggetter còn chủ tâm vẽ rải rác trong bức họa
đủ tám mũ Giám mục, thêm 24 Linh mục triều mặc lễ phục trắng đeo dây stola đỏ,
và 7 Thánh Binh trong y phục quân nhân.Dưới chân bức họa là một số dụng cụ gia
hình trong các cuộc tử đạo : gông cùm, xiềng xích, dây thừng thắt cổ, roi đòn,
kìm kẹp và thanh đao xử trảm.
Cụm hoa sen chỉ ý nghĩa trong sáng của cuộc đời 117 vị
thánh, theo biểu tượng văn hóa Việt Nam, Sen tượng trưng người quân tử :
"Trong đầm gì đẹp bằng sen… gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".
Phía sau bức tranh là giang sơn gấm vóc của đất Việt, tượng
trưng bằng một số KIẾN TRÚC :
- Chùa Một Cột (Bắc), chùa Thiên Mụ (Trung) và chợ Bến Thành
(Nam)
- Và 5 ngôi thánh đường :
Chính tòa Sài Gòn: nơi còn bảo toàn hài cốt một số các vị Tử
Ðạo miền Nam;
La Vang (Huế): chỗ Ðức Mẹ đã hiện ra an ủi đoàn con bị truy
nã vì tin theo Chúa Giêsu Kitô (1789);
Phát Diệm: ngôi thánh đường duy nhất theo kiến trúc Á Ðông,
và là nơi vị linh mục chánh xứ Trần Lục xưa kia đã một thời bị bách hại
(1858),và bị đầy trên Lạng Sơn (1859-1860);
Bùi Chu: giáo phận đã đóng góp con số tử đạo nhiều nhất (26
vị trong số 117), vì thế mà vẫn là nơi sản xuất dân số Công Giáo đông nhất
trong 26 giáo phận Việt Nam;
Chính tòa Hà Nội: một trong hai giáo phận đầu tiên tại Bắc
Việt (1679), là xuất xứ của nhiều vị Tử Ðạo (16 vị, trong đó có Cha Thánh Anrê
Dũng Lạc).
- Mở rộng đến tận chân trời là biển khơi và cánh đồng lúa,
chính là môi trường truyền giáo của các con cháu các vị Anh Hùng. Họ được kêu mời
thêm tin tưởng vững bước tiến vào tương lai. Vì từ trên cao, Đức Kitô với một
tay mở rộng đón đợi và một tay đang chúc lành, như muốn lập lại lời Ngài xưa :
"Trong thế gian anh em sẽ còn phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên,
Thầy đã thắng thế gian"
Ngày 24-11-1808-1838 Thánh Phêrô Borie Cao Giám Mục Thừa Sai Paris Tử đạo
Ðức Cha Phêrô Cao (Pierre Rose Dumoulin Borie), Sinh năm
1808 tại Beynat, Tulle, Pháp, Giám mục Hội Thừa Sai Paris, địa phận Tây Ðàng
Ngoài, bị xử trảm ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng, được
phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII, lễ kính vào ngày 24/11.
Giám mục Botie Cao chưa làm Giám mục đến một ngày, nhưng
ngài xứng đáng với tước hiệu đó. Căn cứ vào khả năng và nhiệt tình. Đức cha
Havard Du đã chọn ngài làm Giám mục phó có quyền kế vị. Cha Cao nhận được giấy
quyết định của Tòa Thánh đang khi ở trong tù, và vì thế chưa kịp thụ phong. Tên
thường gọi của ngài là Dumoulin do bạn bè đặt (tiếng Pháp Dumoulin là máy xay
lúa). Thế nhưng danh xưng Dumoulin đã đi vào lịch sử với hai tước hiệu vinh
quang : Giám mục và tử đạo. Quả thật đối với Chúa, giá trị con người là nhân đức
và thiện chí, dù thuộc giai cấp nào, mọi người đều được kêu gọi nên thánh.
Phêrô Borie sinh ngày 20.02.1808, tại Beynat miền Correze,
thân phụ tên là Guillaume Borie, thân mẫu là Rose Borie. Thế nhưng vì song thân
làm nghề xay lúa, bạn bè hàng xóm quen gọi cậu là Dumoulin. Sinh trưởng trong một
gia đình tầm thường như vậy, nên thuở bé Dumoulin có tính cẩu thả. Cha mẹ ép cậu
vào chủng viện, cậu nghe theo nhưng chẳng hứng thú gì, và vi phạm kỷ luật liên
tục. Cha giám đốc phải sử dụng nhiều hình thức xử phạt cũng chẳng làm cậu khá
hơn được. Tuy vậy, Thiên Chúa đã can thiệp vào cuộc đời con người Ngài tuyển chọn.
Bất ngờ Borie bị một cơn sốt trầm trọng. Trên giường bệnh, cậu
có cơ hội suy tư về đời mình. Một hôm đang khi đọc cuốn niên giám của trường Thừa
Sai ghi lại cuộc đời các vị truyền giáo, cậu thấy một tia sáng chói lòa trong
tâm hồn. Thế là như thánh Phaolô trên đường Damas xưa, cuộc đời cậu Borie từ
nay chỉ lấy Đức Giêsu làm lẽ sống, từ đó cậu siêng năng đến gặp Chúa trong
Thánh Thể. Và trong những giờ gặp gỡ ấy, cậu nghe như Ngài kêu gọi cậu lãnh nhận
một sứ mạng cao quý hơn: Sứ mạng truyền giáo.
Trong những giây phút nguyện cầu linh thiêng ấy, Borie như
thấy Chúa nói với mình về vùng Viễn Đông xa xăm, về những người ở đây còn chưa
biết Chúa, về những thừa sai đã đến đó rao giảng Tin Mừng và hỏi cậu có yêu
Ngài đủ để ra đi như thế không. Câu trả lời của Borie đã được chính cậu ghi lại
trong một buổi tận hiến cho Đức Maria :
"Lạy Mẹ của con ! Xin hãy tin nơi con, khi con trưởng
thành, con sẽ hiến toàn thân con cho việc cảm hóa những người chưa tin. Xin Mẹ
giúp con đi theo con đường và tinh thần của ơn kêu gọi đó. Xin cho con được đau
khổ vì danh Đức Kitô, được đón nhận ngành lá tử đạo và đến bến vinh
quang".
Đức Mẹ như đã nhận lời cậu. Càng ngày Borie càng cương quyết
hơn với giấc mơ truyền giáo. Để giấc mơ có thể thành hiện thực, cậu xin chuyển
qua chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Tại đây cậu kiên trì học tập, lãnh chức phó
tế năm 1829, rồi năm sau thụ phong linh mục (21.11.1830). Ngày 01.12.1830, vị
tân linh mục bắt đầu xuống tàu khởi hành đến Viền Đông. Thế nhưng vì bão tố phải
dừng lại ở Macao khá lâu, ngày 15.5.1832, cha Borie mới tới được Việt Nam.
Nửa năm sau, ngày 06.1.1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm
đạo trên toàn quốc. Các thừa sai bị lùng bắt gắt gao, lên phải di chuyển liên tục,
nay nhà này, mai nhà khác. Ngày 24.03, cha Borie kể trong thư là "Tôi đã
phải đổi chỗ ở đến 17 lần". Nhưng năm sau, mỗi năm cha đổi chỗ khoảng hai
đến sáu lần nữa. Nét đặc biệt của cha Dumoulin là hòa mình rất nhanh với phong
tục địa phương. Ngày đầu tiên, cha đã có thể ăn nước mắn cách ngon lành (điều
này rất khó với người Châu Âu), cha học tiếng Việt cách dễ dàng và phát âm khá
chính xác. Nhờ bản tính bình dân vui tươi và hoạt bát, cha nhanh chóng lấy được
cảm tình của các tín hữu và với cả lương dân nữa.
Năm 1836, khi đọc những điều vu cáo trong chiếu chỉ của vua
Minh Mạng, cha Borie Cao định viết một lá thư điều trần, nhưng các thừa sai cản
lại, vì nói là vô ích thôi. Năm 1838, sau khi giết thừa sai Jaccard Phan, vua
Minh Mạng vẫn chưa thỏa mãn. Ông cho lệnh tiếp tục truy tầm cha Candalh Kim,
Giám đốc chủng viện Di Loan. Ngày 02.7, khi quan quân bắt linh mục Khoa thì bắt
được hai thày giảng Đức và Khang. Thày Khang lúc bị tra tấn quá đau, đã khai rằng
có một thừa sai Châu Âu ở Bố Chính, thủ phủ của Nghệ An. Người bị tiết lộ tung
tích đó là cha Cao, không phải là cha Candalh. Dựa vào lời thày Khang, quân lính
bủa vây khắp vùng Bố Chính, bắt bớ nhiều tín hữu rồi đe dọa, tra tấn và dụ dỗ,
để tìm cho ra chỗ ẩn của vị linh mục.
Giai đoạn này cha Cao không thể ở nhà nào được đến vài giờ,
luôn luôn ngài phải di động. Các tín hữu có người muốn cho trú, nhưng lại sợ người
khác khi bị đánh đập, sẽ tố cáo họ. Cuối cùng ngày 13.7, cha Cao đành xuống một
thuyền nhỏ chèo ra khơi, chờ mong cuộc lùng bắt lắng dịu. Nhưng trời bỗng nổi
cơn giông bão, dồn ghe của cha tấp vào bờ. Cha nghĩ rằng đây là dấu Chúa muốn
mình ở lại, cha bỏ ghe trở lên đất liền, và ẩn núp dười một hố sâu có cây cối
tre phía trên.
"Các anh đi tìm ai ?"
Một thiếu nữ 16 tuổi bị bắt và bị tra khảo. Dù biết chỗ cha ẩn
trốn, cô cắn răng chịu đựng, không tiết lộ điều mình biết. Nhưng bố cô không dằn
lòng được khi thấy con mình bị đánh đập, đã chỉ chỗ cho lính đến chỗ nơi ẩn trốn
của ngài. Dầu đang giữa đêm, quân lính cũng kéo nhau rất đông đi bắt vị thừa
sai. Cha Cao nghe rất rõ tiếng chân của đám lính, biết rằng không thể thoát được
nữa, cha liền lao lên và hỏi : "Các anh đi tìm ai ?". Tất cả đám lính
đều ngỡ ngàng trông thấy một bóng đen to lớn từ dưới đất chui lên, họ cứ tưởng
là ma, nên hoảng sợ không dám hé môi. Lát sau, khi lấy lại bình tĩnh, biết là
linh mục, họ yêu cầu cha ngồi xuống, và cha Cao nhẹ nhàng ngồi xuống. Ngài muốn
bước vào cuộc hiến tế bằng một thái độ vâng phục hoàn toàn.
Thày Tự thấy cha bị bắt cũng vội chạy đến xưng là đệ tử của
cha. Cha định không nhận, nhưng thày khẩn khoản : "Xin cha cho con theo
cha đến cùng". Cha Cao nghe thày xin thế thì xúc động, ngài tháo chiếc
khăn quàng, xé một mảnh trao cho người môn sinh và nói: "Cầm lấy, con hãy
giữ nó làm bằng chứng cho lời con đã hứa". Thày Tự đã giữ mãi miếng vải đó
trong những ngày tháng cùng bị giam với cha. Sau này, thày đã viết lại cuộc tử
đạo đau thương của Tôn Sư mình. Và cuối cùng, với mảnh vải như kỷ vật giao ước,
thày Tự đã theo gót người cha kính yêu: hy sinh mạng sống vì Đức Kitô ngày
01.7.1840.
Tại Đồng Hới, cha Cao phải ra tòa chung với cha Điểm và cha
Khoa. Quan hỏi: "Đạo trưởng Cao, vua đã cấm Gia Tô. Nếu ông bước qua Thập
Giá, ta sẽ thả ông về ngay". Cha trả lời: "Thà tôi chết ngàn lần còn
hơn". Quan hỏn tiếp: "Tại sao ông không về nước mà giảng, ở đây làm
gì để phải trốn tránh hết chỗ này đến chỗ khác?". Cha đáp: "vua cấm đạo
sau khi tôi đã đến nước này, từ đó vua cấm tàu Au Châu cập bến Việt Nam thì làm
sao tôi có thể về được". Quan lại hỏi: "Ông đã ở nhà những ai
?". Cha trả lời: "Tôi đã bị quan bắt, tôi xin chịu cực hình một mình
tôi thôi". Quan liền ra lệnh đánh cha 30 roi, lính nọc cha ra, đánh cho đủ
số. Tuy rất đau đớn, cha Cao vẫn không kêu than một lời, quan hỏi ngài có đau
không, cha đáp: "Tôi cũng bằng xương bằng thịt như ai khác, lẽ nào không
đau. Nhưng mặc kệ, trước và sau trận đánh tôi vẫn thấy thoải mái".
Quan đành giải cha về ngục, hôm khác, quan bắt cha chứng kiến
cảnh tra tấn thầy Tự, nhưng đến khi thẩm tra lại, ông gọi cha Cao ra đối chất:
- Tại sao ông cứng đầu thế?
- Thưa, câu hỏi của ngài tôi không trả lời khác hơn được.
- Đã vậy ngày mai ông sẽ chịu 100 roi.
- Thưa dù đánh 300 roi tôi cũng chịu, chỉ xin một điều là đừng
hỏi tôi về dân chúng.
- Thế nếu ông phải ra mắt vua, đứng bên lò lửa cháy bừng, với
những chiếc kìm nung đỏ sắt lóc thịt ông ra, liệu ông còn im lặng được không?
- Thưa, chừng đó sẽ biết, tôi không dám quá tự phụ về mình.
Biết không thể làm cha đổi ý, quan liền nghị án gởi về kinh
đô. Cha Cao bị giam chung với hai cha Điểm và Khoa, ba vị linh mục hằng ngày
cùng nhau đọc kinh Mân Côi và hát vang bài "Ave Maria Stella": Kính
chào Mẹ Maria là Sao Mai rực rỡ, xin chuyển cầu cho chúng con". Mấy ngày đầu,
vì chưa tìm ra tràng hạt, ba vị nhổ lông quạt để đếm kinh. Ba cha phó thác đời
mình cho nữ vương các linh mục : "Như xưa Mẹ đã dâng Con yêu quý trong đền
thờ, nay cũng xin hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo đầy hồng phúc".
Trong những ngày tù tội, cha Cao nhận được văn thư Tòa Thánh
gởi tới, đặt ngài làm Giám mục Giám mục hiệu tòa Acanthe và làm Đại diện Tông
tòa coi sóc giáo phận Tây Đàng Ngoài, thay thế Đức cha Harvard Du. Thế nhưng,
vì đang bị cầm tù, ngài không thể tiến hành nghi lễ thụ phong. Chức vụ đó sau
này được trao cho cha Retord Liêu.
Ngày 24.11.1838, quan vào ngục tuyên đọc bản án xử trảm. Đức
cha Cao yên lặng lắng nghe sắc chỉ của nhà vua, rồi nói với quan rằng :
"Thưa quan, từ bé đến nay tôi chưa lạy ai, vì bên Âu Châu chúng tôi, đó là
hành vi kính trọng chỉ dành cho Đấng Tối Cao. Nhưng điều tôi vừa nghe làm tôi
quá vui mừng, xin được bày tỏ lòng tri ân của tôi theo kiểu Đông Phương".
Nói xong, ngài quỳ xuống định lạy, nhưng viên quan quá xúc động,
không thốt lên lời, vội cản ngăn ngài lại.
Lúc dẫn đi xử, Đức cha Cao đi dầu, cổ mang gông tay cầm
tràng hạt, vừa đi vừa đọc kinh. Một viên quan khác, ít thiện cảm với người Công
Giáo đi lại gần, hỏi Đức cha có sợ chết không. Ngài trả lời : "Tôi đâu phải
là quân phiến loạn hay quân trộm cướp mà sợ chết. Tôi chỉ sợ một mình Thiên
Chúa. hôm nay tôi chết, mai sẽ đến phiên ông".
Nghe thế, viên quan thét lên: "Láo quá! Tát cho nó vài
cái". Nhưng không người lính nào tuân lệnh ông. Đức cha nói với quan :
"Nếu lời đó làm phiền ông thì xin ông tha lỗi".
Tại pháp trường Đồng Hới, hai cha Khoa và Điểm bị xử giảo
trước. Đến lượt xử chém Đức cha cao, người lý hình rất kính phục ngài, phải uống
rượu để lấy bình tĩnh, không ngờ vì quá ché, anh đã chém trật vào tai, hàm và
vai Đức cha. mãi đến nhát thứ bẩy, đầu vị thừa sai mới lìa khỏi cổ. Thân xác
ngài được chôn cất ngay tại chỗ, năm sau mới được các tín hữu cải táng về họ Hướng
Phương.
Năm 1843, hài cốt Đức cha Cao được đưa về chủng viện Hội Thừa
Sai Paris, đặt cạnh hài cốt các thừa sai Gagelin Kính và Jarcard Phan.
Đức Lêo XIII suy tôn Giám mục Borie Cao lên bậc Chân Phước
ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài
lên bậc Hiển thánh.
Ngày 24-11-1790-1838 Thánh Phêrô Vũ Ðăng Khoa Linh mục Tử đạo.
Phêrô Võ Ðăng Khoa, Sinh năm 1790
tại Thuận Nghĩa, Nghệ An, Linh mục, bị xử giảo ngày 24 tháng 11 năm 1838 tại Ðồng
Hới dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Vũ đăng Khoa lên bậc
Chân Phước ngày 27-5-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài
lên bậc Hiển thánh.. Lễ kính vào ngày 24/11.
* An vui trong hiểm nguy.
Phêrô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790
tại làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Cậu là con thứ ba trong bẩy
người con ông Phaolô Vũ Đình Tân và bà Maria Nguyễn Thị Hoan. Lên tám tuổi, cậu
Khoa được học chữ Hán, rồi tiếp tục học thêm với hai linh mục Hòa (Hoan) và
Phương. Nhận thấy cậu có trí thông minh, tính tình hiền lành và có ý dâng mình
cho Chúa, hai cha đã gửi cậu vào học tại chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định), dướisự
giáo huấn của cha chính Jeantet Khiêm. Năm 1820, thầy Khoa được lãnh chức linh
mục.
Với nhiệt tình của người thanh
niên 30 tuổi, cha Vũ Đăng Khoa được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Nguyễn Thế Điểm,
coi sóc hai xứ Luca Loan Đăng và Vĩnh Phước, thuộc hạt Bố Chính. Trong thời
gian chín năm làm phụ tá, cha Khoa đã hăng say trong nhiệm vụ, học hỏi thêm
trong chức vụ chủ chăn . nhờ có đời sống đạo đức và niềm nở với mọi người, cha
đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Năm 1829, Đức cha Havard Du bổ nhiệm cha về
coi sóc giáo xứ Cồn Dừa. Về nhận xứ mới, cha Khoa đã vận dụng hòan cảnh thuận lợi,
khiến cho công tác mục vụ ngày càng tiến triển không ngừng. Trong những công việc
bận rộn của giáo xứ, cha vẫn giữ được nét trang nghiêm, nói năng điềm đạm, nhất
là luôn quảng đại, nhân từ, nên được mọi người kính nể và yêu mến.
Ngày 06.1.1833 vua Minh Mạng ra
chiếu chỉ tòan quốc : Lùng bắt các giáo sĩ nước ngoài cũng như bản xứ, kể cả
các tín hữu, triệt hạ các thánh đường và các cơ sở tôn giáo. Nhất là sau chiếu
chỉ thứ ba ban hành ngày 25.1.1836, cha Khoa phải thay đổi chỗ ở luôn để có thể
tiếp tục công tác mục vụ trong hai năm liền (1836 – 1838). Mặc dù hoàn cảnh bất
lợi và nhiều hiểm nguy, cha vẫn an vui vì thấy mình đang sống như Chúa Giêsu
xưa "cáo có hang, chim có tổ, nhưng Con Người không chỗ gối dầu".
* Trọn đường khổ giá.
Người môn đệ của Chúa Kitô, cha
Phêrô Vũ Đăng Khoa đâu ngờ mình sắp được chia sẻ con đường khổ nạn theo chân
Thày Chí Thánh. Đó là đêm 02.7.1838, cha đang trú ẩn ở làng Lê Sơn, hạt Bố
Chính thì một văn nhân tên là Tú Khiết đột nhập vào nhà bắt trói cha cùng với
thầy giảng Đức và Khang. Sau đó Tú Khiết tra gông vào cổ, giải tất cả các ngài
lên Đồng Hới, thuộc tỉnh Quảng Bình ngày 10.07.1838.
Tại công đường Đồng Hới, quan tra
vấn cha Khoa nhiều lần, khuyên dụ cha bỏ đạo và khai báo chỗ ở của linh mục thừa
sai Candalh Kim. Quan ra lệnh đánh cha 76 roi để uy hiếp tinh thần, nhưng quan
vẫn chẳng khai thác được điều mong đợi. Không thành công trong việc tra khảo
cha Khoa, quay sang hai thầy gỉang Đức và Khang. Thầy Khang khai báo sao đó,
khiến quan tìm ra nơi trú ẩn của thừa sai Cao và cha Điểm. Ít lâu sau, hai vị
này cùng bị bắt giam chung với cha Khoa (31.7).
Quan tiếp tục thi hành nhiều mưu
kế và khổ hình để lung lạc đức tin cha Khoa cùng các vị khác. Là linh mục, là
chủ chăn, làm sao lại có thể chối Chúa được, cha Khoa cương quyết đi trọn con
đường khổ nạn. Các quan thua cuộc và quyết định lên án xử giảo cha. Các quan đệ
án vào kinh đô xin nhà vua phê chuẩn cùng với án trảm quyết thừa sai Cao và án
xử giảo cha Điểm. Từ đó ba chiến sĩ đức tin mong đợi ngày vinh quang sắp tới,
phó thác đời mình qua tay Đức Mẹ.
Ba vị linh mục hàng ngày cùng
nhau đọc kinh Mân Côi và hát vang bài "Ave Maria Stella" kính chào Mẹ
maria, là Sao Mai rực rỡ, xin chuyển cầu cho chúng con". Mấy ngày đầu vi
chưa tìm ra tràng hạt, ba vị nhổ lông quạt để đếm kinh. Ba cha phó thác đời
mình cho Nữ Vương các linh mục như xưa Mẹ đã dâng Con Yêu Quý trong đền thờ,
nay cũng xin Mẹ hiến dâng chúng con trong cuộc tử đạo đầy hồng phúc.
Trong những ngày tù tội, cha Cao
nhận được văn thư Tòa Thánh gửi tới, đặt ngài làm Giám mục hiệu tòa Acanthe và
làm đại diện Tông tòa coi sóc giáo phận Tây Đàng Ngoài, thay thế Đức cha Havard
Du.
Vua Minh Mạng châu phê bản án và
ban lệnh thi hành. Ngày 24.11.1838, quân lính áp giải cha Khoa, Đức cha Cao và
cha Điểm đến pháp trường ngoài thành Đồng Hới. Tấm thẻ ghi án của cha Khoa viết:
"Đạo trưởng Vũ đăng Khoa, bất khẳng quá khóa, phải xử giảo".
Đến nơi chỉ định, cha quỳ xuống cầu
nguyện. Lý hình tròng dây vào cổ cha. nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây
xiết mạnh cho đến khi vị anh hùng đức tin nghẹt thở và lịm dần. Với 48 tuổi đời
và 18 năm linh mục, cha Phêrô Khoa đã thi hành trọn vẹn chức vụ linh mục của
mình : Hòa với của lễ vô giá là đức Kitô, cha hiến tế chính mạng sống mình để
dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương nhân loại.
Đức Lêo XIII suy tôn cha Phêrô Vũ
đăng Khoa lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc
Hiển thánh.Ngày 24-11 Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa Linh mục
Ngày 24-11-1761-1838
Thánh Vinhsơn Nguyễn Thế Điểm Linh mục tử đạo.
Vincentê Nguyễn Thế Ðiểm, Sinh năm 1761 tại Ân Ðô, Quảng Trị,
Linh mục, bị xử giảo ngày 24/11/1838 tại Ðồng Hới dưới đời vua Minh Mạng.Linh mục
Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm được Đức Lêo XIII suy tôn Chân Phước ngày 27.5.1900.
Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính
vào ngày 24/11.
* Cuộc đời thánh thiện.
Vinh sơn Nguyễn Thế Điểm sinh năm 1761 tại An Do, gần Cửu
Tùng, tỉnh Quảng Trị. Lớn lên cậu theo học tại chủng viện Kẻ Vĩnh, Nam Định thuộc
giáo phận Tây Đàng Ngoài, và sau được thụ phong linh mục.
Lãnh nhiệm vụ chánh xứ Cồn Nam và coi sóc giáo hữu các vùng
lân cận thuộc hạt Bố Chính, cha VinhSơn Điểm nêu gương vị mục tử đạo đức, nhân
từ, hay thương giúp người nghèo khổ, chuyên cần giảng truyền lời Chúa, nhiệt
tình ban phát các bí tích cho giáo dân và loan báo Tin Mừng cho muôn dân. ngài
rất quan tâm, chuyên chú huấn luyện và đào tạo các thày giảng. Mặc dầu đã cao
niên, với tinh thần hy sinh cao độ, ngài vẫn ăn chay mỗi tuần hai ngày, thứ tư
và thứ bảy, hẳn là có ý tôn kính Đức Maria và thánh Giuse.
* Đi về đâu … ?
Vào năm 1838, cuộc bách hại Công Giáo của vua Minh mạng trở
nên ác liệt hơn. Ngày 02.07 năm ấy, quan quân tần nà vùng Bố Chính truy lùng thừa
sai Candalh Kim, bắt được linh mục Vũ Đăng Khoa, trước là phó xứ của linh mục
Vinh Sơn Điểm, cùng với hai thầy giảng Đức và Khang tại làng Lệ Sơn, rồi nộp
các vị cho quan Đồng Hới. Bị tra khảo đau đớn, thầy Khang đã tiết lộ nơi trú ần
của cha Borie Cao.
Quân lính liền được lệnh truy nã bủa vây khắp vùng Bố Chính.
Quan chưa tìm thấy vị thừa sai, nhưng khi đến gần làng Đơn Sa, họ bắt được linh
mục Vinh Sơn Điểm và một chú học trò.
Nguyên do khi nghe tin cha Khoa bắt, cha Điểm sai chú Sang đến
làng An Bì hỏi giáo hữu có sẵn lòng cho ngài đến trú ẩn không ? Giáo hữu thấy
làng mình không đủ bảo đảm an ninh, nên không dám nhận lời. Vị linh mục lão
thành còn đang lang thang ngoài ruộng đồng, nhận được câu trả lời như thế,
không biết đi về đâu để tìm nơi ẩn trú. Ngài tiếp tục đi một quãng nữa thì bị bắt
giải về Đồng Hới. Trong tù, linh mục Vinh sơn Điểm gặp lại cha Khoa, và mấy tuần
sau gặp cha Cao, thày giảng Nguyễn Khắc Tự, rồi ông trùm Nguyễn Hữu Quỳnh. Cả
năm chứng nhân Chúa Kitô sau này đều được phúc tử đạo.
* Thà chết trăm lần.
Trong lần tra vấn đầu tiên, vì mệt mỏi và sợ hãi, cha Vinh
Sơn Điểm lỡ lời khai ra nhà mấy giáo hữu, nhưng ngài rất mạnh dạn tuyên xưng đức
tin, nhất quyết không bước qua ảnh Chuộc Tội. Đến khi gặp cha Cao vào tù cho biết
những lời khai ấy đã làm tổn hại đến một số giáo hữu, cha Điểm tìm cách sửa lỗi,
thưa lại với quan : "Tôi già nua lẩm cẩm, trong lúc sợ hãi quá, đã khai
dông dài, có khi gây oan ức cho một số người. xin quan bỏ qua lời khai của tôi,
đừng bận tâm tới những người ấy kẻo lầm".
Những cuộc tra khảo sau này chung với cha Cao và cha Khoa,
ngài thường thinh lặng. Tuy nhiên, khi cần thiết, ngài cũng lên tiếng minh chứng
niềm tin của mình. Một lần quan hỏi ngài : "Này đạo trưởng Điểm, Hoàng Thượng
đã ra lệnh cấm đạo rất ngặt, dầu vậy, nếu ông chịu quá khóa, ta sẽ thánh cho
ông ngay tức khắc". Cha đáp: "Tôi thà chết trăm lần, chẳng thà quá
khóa". Vì đã 77 tuổi, cha Điểm không bị đánh đập, luật pháp đương thời cấm
tra tấn tù nhân tuổi tác.
Trong thời gian bị giam giữ, cha Vinh Sơn đã luôn nêu gương
đạo đức trung kiên cho các tín hữu cùng bị bắt và đối xử bác ái quảng đại với
các bạn tù ngoại giáo. Ngài chia sẻ lương thực và khuyên họ sống ngay chính
lương thiện. Tại đây, cha Điểm được vinh dự chia sẻ niềm vui của cha Cao qua
văn thư Tòa Thánh đặt vị này làm Giám mục giáo phận Tây Đàng Ngoài.
Được Đức cha Cao khuyên bảo và ban các bí tích cần thiết,
cha Vinh Sơn Điểm như được thêm ơn Chúa Thánh Thần, càng ngày cha càng tỏ ra
can đảm vững tin hơn, đêm ngày cha cầu nguyện và mong ước được hiến mạng sống để
làm chứng cho đạo thánh Chúa Kitô.
Ngày 24.11.1838, bản án được vua Minh Mạng chuẩn phê về Đồng
Hới. Ước nguyện của vị mục tử lão thành được thỏa mãn, ngài bị kết án xử giảo.
Ba vị tông đồ mục tử : Đức cha Cao, cha Khoa và cha Vinh Sơn Điểm được dẫn ra
pháp trường. Người lính đi đầu cầm tấm thẻ ghi chữ Hán cho mọi người biết đây
là đạo trưởng tả đạo cố chấp bất tuân lệnh vua nên phải chết.
Đến nơi xử, cha Vinh Sơn Điểm quỳ xuống cầu nguyện một lát.
Quân lính thi hành nhiệm vụ, trói chân tay cha vào cột, quấn dây thừng vào cổ,
và theo hiệu lệnh, họ kéo mạnh hai đầu dây cho đến khi vị chứng nhân Chúa Kitô
tắt thở. Cha Phêrô Nguyễn Đăng Khoa cũng bị xử như vậy. Riêng Đức cha Cao bị trảm
quyết cùng ngày ngay tại đây. Người ta chôn cất ba vị tử đạo ngay tại pháp trường
Đồng Hới. Về sau linh mục Tự cải táng hài cốt về nhà thờ họ Hướng Phương.
Linh mục lão thành Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm được Đức Lêo
XIII suy tôn Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét