Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Ngày 06/04/ 1739-1857 Thánh Phao lô Lê Bảo Tịnh Linh mục Tử đạo


* Từ ẩn sĩ đến tử đạo
Khởii đầu là vị ẩn tu, kết thúc là vị tử đạo. Hai hình ảnh có vẻ như khác biệt nhau. Nhưng đối với Thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh, điều quan trọng đâu có phải là hình ảnh, là lối sống, mà chính là NIỀM TIN : Thiên Chúa là tất cả. Lối sống có thể thay đổi, nhưng niềm tin mới là nền tảng chính yếu. Chính niềm tin đó đã dẫn dắt cuộc đời Phaolô Tịnh, từ một vị ẩn sĩ trở thành một vị linh mục nhiệt thành truyền giáo, một giáo sư tận tụy và sau cùng đến phúc tử đạo vinh quang.
* Rừng Vắng và sứ mạng
Phaolô Lê Bảo Tịnh sinh năm 1793 tại xã Trinh Hà, huyện Hoàng Hóa, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, là con thứ ba trong một gia đình Công Giáo. Năm 12 tuổi, cậu vào ở với cha Duệ xứ Bạch Bát. Sau ba năm, cậu được cha gửi đi học tại chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định). Trong chủng viện, cậu là một chủng sinh gương mẫu. Trí thông minh bình thường, nhưng cậu hơn hẳn anh em về sự chăm chỉ, về tinh thần đạo đức,hãm mình, cậu ăn chay các ngày thứ sáu, đánh tội và nằm đất. Khuynh hướng sống khổ hạnh đó là bước đầu dẫn đến ý định ẩn tu của thầy Tịnh.
Có thể nói Lê Bảo Tịnh là một con người mến yêu Thiên Chúa triệt để. Thầy đã cương quyết hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Thầy đã chọn Chúa, và muốn thể hiện điều ấy cách trọn vẹn. Chính vì thế, thầy tích trữ cơm khô, âm thầm rời bỏ chủng viện vào sâu trong rừng vắng để có dịp cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa bằng đời sống khắc khổ trong cô tịch.
Thế nhưng, đâu phải ai cũng có quyền sống đạo đức theo ý riêng. Thiên Chúa mời gọi con người vào công trình cứu chuộc cùa Ngài, thì chính Ngài sẽ xếp đặt công việc cho họ. Chính vì vậy, Đức cha Longer Gia đã chỉ thị cho các cha trong địa phận :” Nếu thầy Tịnh đến xưng tội, không linh mục nào được quyền giải tội, phải bảo thầy đến gặp Đức cha ngay”.
Và vị ẩn sĩ đạo đức ấy đã tìm ra ý Chúa qua vị Giám mục. Một năm trời quen với rừng sâu, giờ đây thầy phải từ giã để đón nhận những hy sinh mới, những công tác mà Giáo Hội đang cần đến thầy.
* Vị tông đồ trên đất Lào.
Để chuẩn bị cho những công tác lớn lao hơn, Đức cha cho thầy Tịnh về tiếp tục học thần học, lãnh các chức nhỏ, đồng thời tiếp tục dạy học. Đức cha Havard Du, kế vị Đức cha Gia, cử thầy sang Macao để
nhận những khoản trợ cấp cho địa phận. Hai chuyến đi trong hai năm, đồng thời cũng là hai lần thoát chết khỏi tay cướp biển và giông tố.
Năm 1837, Đức cha đề ra chương trình truyền giáo tại Lào, thầy Tịnh đã hăng hái lên đường. Sau một năm hoạt động, thấy việc tông đồ tiến triển tốt đẹp, thầy trở về địa phận xin Đức cha phái thêm người đi truyền giáo. Thế nhưng tình hình trong nước đã thay đổi. Thi hành lệnh vua, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh lúc đó ra lệnh cấm đạo gắt gao.. Cha Mai Năm, ông Trùm Đích, ông Lý Mỹ bị bắt và tử đạo, chủng viện Vĩnh Trị phải đóng cửa, Đức cha Du phải ẩn tránh và qua đời ngày 05-07-1838. Đức cha Cao chịu tử đạo không kịp lãnh nhiệm vụ. Vì vậy, đoàn truyền giáo ở Lào phải về nước, chuẩn bị nhận công tác mới.
* Vào tù lần nhất và lưu đày..
Đức cha Retord Liêu, người kế vị Đức cha Du, cử thầy Tịnh đi dạy giáo lý tân tòng tại làng Thạch Tổ, xứ Bích Trì, tỉnh Hà Nam. Cuối năm 1841, Lý trưởng làng Thạch Tổ đã rình bắt được thầy Tịnh. Giáo hữu đem tiền nộp quan mong chuộc được thầy, nhưng thầy tỏ ra khí khái nói với quan :” Nếu chỉ vì có tiền mà tha thì tôi không muốn”.
Thế là thầy Tịnh bị giải về Tuần phủ Hà Nam, rồi lên Hà Nội. Ở đâu con người ấy tuy mảnh khảnh, y phục thô sơ, luôn đi chân đất, cổ đeo gông, nhưng tâm hồn thì chính trực và cương quyết. Các vị quan hung hổ đã không thể nào khuất phục nổi. Họ chỉ còn cách là đề án về kinh xin trảm quyết. Nhưng rất may, khi vua Thiệu Trị lên ngôi, bầu khí ác cảm với đạo đã giảm đi. Sáu lần quan đệ án vào kinh, cả sáu lần không được chấp thuận, để đến lần thứ bảy chuyển thành án lưu đày chung thân ở Phú Yên (Bình Định).
Trên đường lưu đày, người tù có thân hình mảnh mai nhưng tâm hồn cương nghị ấy luôn chứng tỏ lòng trung thành quả cảm với chân lý đức tin mình đang theo. Thầy đã mãnh liệt phản đối khi người ta gọi :” Gia Tô tà đạo”, đồng thời giải thích với mọi người về tôn giáo của mình.

Thời gian phát lưu không lâu thì vua Thiệu Trị băng hà (04-11-1847). Vua Tự Đức lên kế ngôi và ban ân xá, giải phóng tù nhân. Trở về địa phận trong niềm vui khôn xiết của nhiều người, thầy Tịnh vâng lời Đức cha lãnh chức linh mục, khi đã 56 tuổi. Khoảng một năm sau, vị tân linh mục được giữ chức Giám đốc kiêm giáo sư chủng viện Vĩnh Trị. Nhờ trước đây đã từng là ân nhân chữa bệnh đau mắt cho quan Tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng, nên cha Giám đốc đã xin được giấy phép cho chủng viện được hoạt động một cách bán công khai, dưới hình thức một trường dạy chữ Nho và thuốc.
* Chân dung cha Phao lô Tịnh.
Thoạt nhìn, người ta chỉ có thể nhận thấy Phaolô Tịnh là một linh mục có thân hình dong dỏng cao gầy guộc, dáng vẻ đạo mạo, khắc khổ. Nhưng chỉ những ai gặp gỡ cha mới nhận ra đó là vị linh mục đầy lòng nhân ái, giản dị, khôn ngoan từng trải. Có lẽ những bước thăng trầm đây đó cùng với số tuổi khá cao khi lãnh chức linh mục, đã ảnh hưởng nhiều tới cuộc đời Tông đồ của cha. Ngài tận dụng thời giờ thật khít khao, cốt sao đạt được ích lợi tối đa. Trong những năm tháng đảm nhiệm chủng viện Vĩnh Trị với bao công việc, thế mà cha Giám Đốc vẫn thu xếp thời giờ để viết lách. Ta có thể kể những tác phẩm của cha :
- Phúc âm dẫn giải.
- Giáo lý đại cương
- Lục vấn lương tâm
- Những lời khuyên thực hành để giúp xa lánh tội trọng và dọn mình chết lành
Trong khi hướng dẫn chủng sinh, cha thường khuyên các thầy tuân giữ kỷ luật, vì chính cha đã từng có kinh nghiệm sâu sắc : Kỷ luật là ân nhân giúp thể hiện lòng mến Chúa, nâng đỡ đời tu. Đàng khác, cha còn chú tâm huấn luyện chủng sinh về đời sống cầu nguyện. Theo cha, một nhà truyền giáo mà không chú trọng việc cầu nguyện thì lời giảng sẽ không có sức thuyết phục. Lúc này, tuy không còn trực tiếp coi sóc giáo hữu, nhưng cha Tịnh rất siêng năng giải tội, giúp đỡ các tâm hồn hòa giải với Chúa. Một khía cạnh khác trong đời cha Phaolô Tịnh là lòng yêu mến Thánh Giá. Bất cứ nơi nào cha đã từng sống, đều có bong dáng của cây Thập Giá. Sau này khi bị bắt, các quan thấy cha có nhiều Thánh Giá quá, liền kháo nhau :” Ông cụ này nghiền Thánh Giá”.
Đúng vậy, không phải cha “nghiện” Thánh Giá bằng cách dựng nên khắp nơi, nhưng vì lòng tôn kính cuộc tử nạn của Chúa Ki-tô, đồng thời, ao ước sống cuộc đời Thánh Giá, mong muốn mình được góp phần vào dòng máu của Thầy Chí Thánh đã đổ ra để cứu chuộc trần gian.Lòng yêu mến ấy đã được bộc lộ qua nếp sống thật nhiệm nhặt, cả khi còn làm thầy sống ẩn tu, cũng như khi làm cha Giám đốc chủng viện. Bữa cơm thường nhật của cha là vài chén cơm với chén nước mắm và đĩa rau xanh. Cha ngủ nghỉ thường ở dưới đất, và ít khi ở trên giường. Thân xác cha hao mòn, nhưng bên trong vẫn chứa đựng một tâm hồn mãnh liệt, một trí thông minh sắc sảo.
Cha sống nhiệm nhặt đến quên mình, nhưng lại luôn lo lắng cho người khác. Cha thường thăm viếng, an ủi, ban các bí tích, giúp đỡ người nghèo, nhất là các bệnh nhân., kể cả những người bị bệnh nan y như phong cùi. Có thể nói cha Lê Bảo Tịnh đã tử đạo ngay trong cuộc sống, trước khi được phúc thực sự đổ máu vì đức tin trung kiên.
* Bị bắt lần hai.
Năm 1857, hai cha Kỳ và Hảo về tổ chức lễ tại nhà thờ Phát Diệm. Dịp này, ngoài thánh lễ còn có những cuộc rước long trọng. Biến cố rầm rộ này bị kẻ xấu báo cáo xuyên tạc với viên quan Ninh Bình:” Cụ đạo mở cờ khao quân”. Quan quân liền kéo về Phát Diệm vây bắt, nhưng hai cha Kỳ và Hảo đã về Vĩnh Trị rồi, nên họ gửi giấy yêu cầu quan Nam Định đi bắt hai linh mục đó. Quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Hưng vẫn nhớ ân tình với cha Phaolô Tịnh ( vị ân nhân đã chữa mắt cho mình ), nên đã cố gắng cản ngăn nhưng không xong. Kế hoạch vây bắt được ấn định vào ngày 27-02-1857 do quan phủ Nghĩa Hưng chỉ huy.
Trong khi đó, quan Tổng đốc đã nhờ người báo cho cha Tịnh ở Vĩnh Trị, nhưng vì Bất Ưng bị bệnh nặng, người đó không đi báo được, nên chủng viện Vĩnh Trị vẫn sinh hoạt bình thường cho đến khi quan quân vây kín làng. Sau mấy phút hội ý, Đức cha Liêu và các cha đồng ý chạy trốn, chỉ để lại cha Tịnh ở lại đối phó, với hy vọng tránh được những tàn phá. Cha Tịnh bình tĩnh mời quan phủ Nghĩa Hưng và ông Phán Trứ vào phòng uống nước, rồi trình bày giấy phép của quan Tổng đốc. Tuy nhiên, vì thấy trong nhà trường có nhiều đồ quốc cấm như sách latinh, đồ lễ và nhiều vật dụng khác từ nước ngoài gửi về, nên quan phủ cho lập biên bản và yêu cầu cha Tịnh ra tỉnh để điều tra thêm.
Trước khi đi, cha Tịnh vào nhà thờ cầu nguyện và từ giã các chủng sinh, những người con yêu quý nhất của cha. Đức cha Liêu có tìm cách chuộc lại cha Tịnh trước khi quan phủ giải cha lên tỉnh, nhưng không thành công. Đức cha liền cho người báo trước với quan Tổng đốc để nhờ quan lo liệu. Hôm sau, ông Phán Trứ giải cha Tịnh ra tỉnh. Tờ giấy phép mà quan Tổng đốc đã cấp cho cha Tịnh đã đưa quan vào thế kẹt. Các quan khác nghĩ rằng, chắc hẳn cha Tịnh phải mất một số tiền khá lớn mới kiếm được tờ giấy phép này.
Quan tổng đốc lâm vào tình thế thực khó xử, biết rõ cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của cha Tịnh, thế mà chính quan Thượng Hưng lại là người hỏi cung cha. Trước tòa, quan không hỏi han gì cả, chỉ xin cha quá khóa thì sẽ tha về, nhưng cha Tịnh với tư cách là một linh mục làm sao có thể chấp nhận đề nghị ấy.
Năm ngày sau, cha Tịnh lại được đưa ra trước công đường. Cũng một câu hỏi, và cũng một lòng son sắt đó. Khi được lệnh viết lại bản lý lịch, cha vẫn xác nhận mình là linh mục. Quan Thượng Hưng khuyên cha không nên viết thế, chỉ nên khai là giáo hữu chuyên dạy chữ nho và làm thuốc, mới hy vọng thoát án chết. Đáp lại, cha cám ơn lòng tốt của quan, vẫn giữ y lời khai vì cho đó là một vinh dự lớn lao. Cha sẵn sàng chịu đựng tất cả vì vinh dự ấy. Lần cuối cùng, quan Thượng Hưng tìm cách cứu gỡ vị ân nhân của mình. Chính tay ông viết bản án và điền thêm ở dưới :
“ Xét rằng Lê Bảo Tịnh đã ngoài 60 tuổi, chiếu theo luật nước , không nên xử tử những người già nua tuổi tác như thế, xin cứ giam ở Nam Định và cứ giữ ở đó là tiện nhất”.
* Linh hồn tôi thuộc về Chúa.
TRong khi chờ đợi vua trả lời về bản án, cha Tịnh bị giam ở Trại Vệ. 37 ngày sống tại đây là cơ hội để cha củng cố đức tin cho các anh em yếu đuối, tìm cách liệu cho họ lãnh được lương thực tinh thần cũng như những trợ giúp về vật chất. Nhờ đó, họ thêm can đảm làm chứng cho Chúa trong những giây phút bi thương nhất. Về phần cha, đây là dịp chuẩn bị lần cuối để xứng đáng với diễm phúc tử đạo mà cha hằng ao ước. Cha sửa soạn cho giờ phút đó một cách đều đặn bằng việc đọc kinh nguyện ngắm. Chính khi củng cố lòng can đảm nơi người khác, cũng là lúc cha củng cố lòng tin cho mình. Trong những ngày này, cha không thể nào quên được đoàn con thân yêu ở chủng viện Vĩnh Trị. 12 ngày trước khi bị xử án, cha viết cho các chủng sinh một tâm thư rất cảm động và chan chứa những tư tưởng đạo đức.
Ngày 05-04-1857, án ra tới tỉnh, người hồi hộp nhất là quan Tổng đốc. Vua cải án giam thành án tử hình trảm quyết. Nhận được bản án, quan Thượng cố gắng một lần chót bằng cách khuyến dụ cha Tịnh xuất giáo. Nhưng làm sao cha lại chấp nhận được ? Cả một đời đã tận tụy với Thiên Chúa, cả một đời khát khao mong chờ diễm phúc lớn lao này, đến nay sắp được toại nguyện, lẽ nào lại bỏ đi ? Cha từ tốn đáp lại lời quan :”Tôi xin chân thành cám ơn quan, vẫn luôn có lòng tốt tìm cách cứu tôi. Thân xác tôi ở trong tay quan, xin làm khổ nó tùy ý, tôi rất vui lòng, không oán than gì. Nó chết đi nhưng mai này sẽ sống lại vinh quang. Còn linh hồn tôi là của Thiên Chúa, không có gì làm tôi hy sinh nó được, không ai có thể làm lay chuyển lòng tin của tôi. Đạo Thiên Chúa là chính đạo, là đạo thật, tôi yêu mến và giữ đạo ấy từ thủa bé, và dù tôi có chết cũng chẳng bỏ được”.
Lời khẳng khái ấy phát sinh từ quyết định thật can đảm và sáng suốt. Quyết định lựa chọn cái chết một cách hiên ngang, vì tin chắc rằng mình sẽ được sống muôn đời (Ga 12, 25)
Vinh phúc ấy, cha Phaolô Tịnh đã đạt được ngày 06-04-1857 tại pháp trường Bảy Mẫu ( Nam Định ) trong lời từ biệt gửi tới mọi người :” Anh em ở lại bình an, chịu khó giữ đạo và can đảm bền vững, đừng sợ chết nhé”.
Đức Thánh Cha Piô X đã suy tôn cha Phaolô Lê Bảo Tịnh lên bậc Chân Phước ngày 02-05-1909. Vào ngày 19-06-1988 Đức giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong cha lên bậc Hiển thánh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét