* Một cuộc sống bi hùng.
Nếu so sánh những cuộc tử đạo như
những vở bi hùng kịch thì cuộc tử đạo của thánh Phanxucô Jaccard Phan là một
trong những bi hùng kịch hùng tráng nhất : Mười năm tù khi rộng khi ngặt, với
hai mươi tháng tù đày gian khổ và ba án tử hình. Giữa những khổ ải đó, nổi bật
lên chân dung một người hùng quả cảm. Ngài đã chiến thắng được đói khát và sốt
rét, đã trung thành tuyệt đối với chân lý của Tin Mừng là tha thứ và phục vụ kẻ
làm hại mình. Gan lì trước nghịch cảnh, từ chối mọi tiện nghi, như nhân xét của
Đức cha Cuénot Thể : "con người không còn gì để mất đó, đã luôn tiến về
phía trước để chinh phục tha nhân".
Thánh Phanxicô Jaccard Phan (Ninh) LM Thừa
Sai Paris
* Chí khí chàng nông dân.
Chào đời ngày 06.09.1799 tại
Onion thuộc miền Savoie nước Pháp, trong một gia đình nông dân nghèo, nhưng đạo
đức, cậu Phanxicô Jaccard thủơ nhỏ ham chơi hơn là học. Còn gì lý thú bằng chạy
nhảy giữa cánh đồng xanh tươi bát ngát. Khi được cha mẹ gởi vào chủng viện Mélan,
cậu Jaccard luôn là học sinh "đội sổ" nên đâm ra chán nản và trốn về
gia đình. Nhưng sau, nhờ bạn bè và thân nhân khích lệ, đàng khác vì ước muốn
làm linh mục, cậu xin trở lại chủng viện, cậu hứa với mọi người sẽ cố gắng tới
cùng.
Quả thực Jaccard đã giữ lời hứa.
Với sự chuyên cần và nỗ lực, anh hoàn thành chương trình chủng viện Mélan, rồi
được lên đại chủng viện giáo phận Chambery năm 1819. Hai năm sau, thày Jaccard
xin gia nhập hội Thừa Sai Paris, và thụ phong linh mục ngày 15.03.1823. Liền
đó, cha Jaccard được đề cử vào chức vụ giám đốc đại chủng viện. Nhưng cha thẳng
thắn trình bày với các Bề Trên : "Con tình nguyện vào đây để truyền giáo
phương xa, chớ không phải ở thành phố Paris này".
Thế là ngày 10.07.1823, cha xuống
tàu tại cảng Bordeaux giã từ quê hương yêu dấu. Ngày 25.11.1824, tàu của cha cập
bến Macao, nhưng mãi tháng 02.1826, vị thừa sai mới đến được giáo phận Đàng
Trong. Sau một thời gian học tiếng Việt ở chủng viện An Ninh, cha lấy tên là
Phan, hoạt động tại Nhu Lý, Phủ Cam, rồi làm giám đốc chủng viện An Ninh (Quảng
Trị).
* Tinh thần phục vụ hết mình.
Tháng 06.1827, vua Minh Mạng tập
trung về Huế ba vị thừa sai : Tabert Từ, Gagelin Kính và Odorico Phương, viện cớ
cần người thông ngôn và dịch sách. Ba tháng đầu, cha được đối xử tử tế, có thể
làm việc mục vụ cho giáo hữu Huế, nhưng các ngài như bị giam lỏng tãi Cung
Quán, lúc nào cũng có lính gác, đi dâu thì có ba lính đi kèm. Đến cuối năm nhờ
có Tả quân Lê Văn Duyệt can thiệp với vua, ba vị thừa sai được thả về. Còn
riêng cha Phan, tháng 07.1828, quân lính mang trát son, cáng điều đến triệu cha
về kinh đô. Ngài ở Cung Quán dịch các tài liệu tiếng Pháp ra tiếng Việt. thấy ở
Cung Quán như bị "bó tay buộc chân" không làm việc tông đồ được, cha
Phan liền xin vua đến ở họ Dương Sơn cách kinh thành 15 cây số, để vừa giúp các
tín hữu vừa dịch sách cho hoàng cung. Giai đọan này cha đã dịch các sách về
Napoléon, về việc chinh phục của Anh ở Ấn Độ, về lịch sử Âu, Mỹ, và dạy tiếng
Pháp cho nhiều người vua gởi tới. Vua muốn ban chức lộc triều đình, nhưng cha từ
chối không nhận.
Được tin vua Minh Mạng sắp mừng lễ
Tứ tuần, cha xin phép đứng ra tổ chức tám ngày liên tiếp, cầu nguyện cho Hoàng
Đế bằng những nghi thức long trọng. Ngoài các tín hữu, số lương dân đến tham dự
đông đảo như ngày hội. Nhiều người nhờ dịp này thêm quý mến đạo, trong đó có một
số quan đại thần và bà chị các Đức Vua.
* Người "lính" của vua Minh Mạng.
Tháng 09.1831, làng Dương Sơn do
cha Phan phụ trách bị dân làng Cổ Lão gây chuyện và tố cáo về tội chiếm đất. Đến
sau vì không có bằng cớ, họ đổi qua tố cáo về tội theo đạo. Lập tức 73 người bị
giam tù, mỗi người lãnh 100 roi đòn, viên phó lý bị lưu đầy, Lý trưởng và cha
Phan bị án tử hình. Riêng với cha Phan, vua Minh Mạng tỏ vẻ nhân đạo hơn, đổi từ
án xung quân, bắt nhập ngũ trong quân đội hoàng gia, và được điệu về giam lỏng ở
Cung Quán để tiếp tục dịch sách vở, thơ từ …
Giai đoạn này cha Phan nhiều lần
tiếp xúc với vua Minh Mạng. Chính Vua nhờ cắt nghĩa các tranh ảnh Cựu ước và
Tân ước… Vị tông đồ của Chúa liền tranh thủ giải thích cho vua hiểu về giáo lý
trong đạo, về Thiên Chúa sáng tạo, linh hồn bất tử và thưởng phạt đời sau. Một
lần cha Phan đánh bạo gởi cho vua cuốn giáo lý dành cho người xin học đạo. Đối
lại nhà vua sai quan Thượng thư bộ lễ đến bắt cha phải đốt hết các sách tôn
giáo đó, nhưng cha cương quyết từ chối. Quan nói: "Tôi tha cho ông, nhưng
khi ra trước hội đồng các quan, ông phải nói đã gởi sách và đồ lễ về Tây rồi,
và hứa không giảng đạo nữa". Cha đáp: "Thưa quan, quan biết là đạo cấm
nói dối, còn việc ngừng giảng đạo, tôi không thể vâng được". Viên quan tiếp:
"Vậy ông sẽ bị án xử tử". Cha trả lời: "Tôi đã bị lên án một lần,
có lên án lần nữa cũng chẳng sao". Vua Minh Mạng biết chuyện nhưng lờ đi
vì thấy chưa đến lúc, chỉ ra lệnh cho người canh gác cha nghiêm ngặt hơn trước.
* Người tù lưu đày bất khuất.
Tháng giêng năm 1833, sau sắc lệnh
cấm đạo toàn quốc, cha Phan có thêm người bạn đồng hàng, cha Odorico Phương
dòng Phanxicô mới bị bắt ở Cái Nhum. Mỗi đêm, hai cha âm thầm dâng lễ với nhau ở
Cung Quán, đồ lễ giấu ở sàn nhà. Từ đây hai vị sống bên nhau trong một năm rưỡi,
cùng chia sẻ ngọt bùi đắng cay, cùng đón nhận người bạn tù đặc biệt, cha
Gagelin Kính và hiệp thông với hy lễ tử đạo của ngài. Nhiều tuần lễ liền, mỗi
buổi sáng khi thức dậy, hai vị lại giúp nhau chuẩn bị dọn mình lãnh phúc tử đạo,
nhưng giờ Chúa chưa đến.
Thời gian này miền Nam có cuộc nổi
loạn của Lê Văn Khôi. Vua Minh Mạng nghe đồn các tín hữu tham gia rất đông, nên
lo sợ và thảo một lá thư dụ hàng, đưa cho thừa sai ký. Hai cha thức suốt một
đêm để viết một lá thư khác kêu gọi các anh em tín hữu. Theo lá thư, việc chống
lại triều đình có hại cho đạo, và Tin Mừng không bao giờ chấp nhận việc huynh đệ
tương tàn. Thế nhưng số tín hữu theo Lê Văn Khôi thực tế không đông, nên lá thư
này không mang lại hiệu quả bao nhiêu.
"Giận cá chém thớt",
vua Ming Mạng nổi cơn thịnh nộ, truyền xử tử hai vị giáo sĩ. May có sự can thiệp
của Hoàng Thái Hậu Thuận Thiên. Bà không muốc con làm điều thất nhân ác đức, và
nhắc con coi chừng nước Pháp trả thù. Thế là bản án được đổi thành lưu đày
chung thân tại Lao Bảo (ở biên giới Lào), nơi rừng sâu nước độc. Sau mười ngày
trèo non lội suối, ngày 12.12.1833, hai cha đến đất lưu đầy, phải sống trong trại
tù có rào chắn và chông nhọn xung quanh. Niềm an ủi lớn lao của hai cha là vẫn
được nhiều tín hữu viếng thăm tiếp tế lương thực.
Nhưng chưa được một tháng, Vua
thay viên cai ngục khó tính hơn, và nhắn lời dụ dỗ hai vị xuất giáo. Việc dụ dỗ
thất bại, viên cai ngục liền chuyển hai cha sang trại cấm cố, cho giam riêng
trong một túp lều trật hẹp, bớt phần cơm và cấm tiếp tế. Thêm vào đó, ông còn
cho tịch thu toàn bộ sách kinh, giấy viết. Cha Odorico Phương hay nói đùa :
"Chúa thấy tôi làm thừa sai vụng về nên cho đổi qua nghề làm bếp. Tôi là đầu
bếp, cha Jaccard rửa chén. Nhưng vấn đề là không có gì bỏ vào nồi để nấu
thôi".
Ngoài nắm cơm mỗi ngày mỗi nhỏ bớt,
hai cha phải đi hái hoa cỏ dại, chuối xanh về luộc với một ít muối để đủ sống
qua ngày. Đời sống kham khổ, đói khát và cơn bệnh sốt rét ác tính đã cướp đi
sinh mạng của người bạn của cha Phan. Cha Odorico Phương đã từ trần ngày 25.05.1834
sau một tuần liệt giường. Còn lại một mình cha Phan đã sống sót cách tài tình
cho tròn hai mươi tháng lưu đầy. Cũng sốt rét, cũng kiết lỵ, nhưng ngài đã khuất
phục được chúng. Không những thế, cha tiếp tục làm việc tông đồ trong trại, học
tiếng lào để nếu có cơ hội sẽ qua đó truyền giáo. Cha cũng soạn được một cuốn
ngữ vựng tiếng Chàm, nhờ sự hỗ trợ của các bạn tù người Chàm.
* Vắt chanh bỏ vỏ.
Đến tháng 09 năm 1835, vì cần người,
vua Minh Mạng đưa cha về giam ở Cam Lộ (Quảng trị) để làm giáo sư. Vua gửi đến
sáu thanh niên học tiếng Pháp nhưng cấm không được nói chuyện về đạo. Vua nhờ
cha hướng dẫn về địa lý và lịch sử Âu Mỹ, giải thích các phong tục, tập quán và
luật lệ của họ. Đặc biệt cha giúp Vua tìm hiểu về Châu Âu, nhất là luật pháp nước
Nhật. Dầu bận rộn vất vả, nhưng cha rất tận tụy với Vua, vì như cha nói:
"Tôi muốn chứng tỏ phải dùng điều thiện để thắng điều ác".
Ba năm trời ở Cam Lộ, niềm vui lớn
nhất của cha Phan là được dâng lễ trong ngục. Một tấm ván bắc qua hai chiếc ghế
làm bàn thờ, cha dâng lễ vào giữa đêm khuya, rồi thu xếp dọn dẹp ngay sau đó.
Vì được quan quân kính nể, cha có thể chốn thoát dễ dàng. Chính Đức cha Thể
cũng gợi ý điều đó, nhưng cha không thực hiện, vì cha biết quan quân sẽ truy
lùng gắt gao. Việc truy lùng đó sẽ làm hại các tín hữu và lỡ ra nhiều người sẽ
bị bắt vì mình.
Đầu năm 1838, một biến cố lớn làm
thay đổi hoàn cảnh cha Phan. Số là khi triệt hạ chủng viện An Ninh gần Di Loan,
cha gíam đốc Candalk Kim chạy thoát nên vùng núi, vua liền trút cơn thịnh nộ
lên cha Phan "Kẻ thông đồng với tội nhân qua thư từ". Ngày 07.03 cha
bị bắt trói, hỏi cung rồi bị mang gông xiềng áp giải về Quảng Trị.
* Đường lên núi sọ.
Tại Quảng Trị, quan cho căng nọc
vị thừa sai và cho đánh từ 9 giờ đến trưa, nát nhiều chiếc roi, để bắt cha phải
bỏ đạo. Cha trả lời : "Đạo của tôi không do Đức Vua, nên tôi không buộc phải
bỏ đạo theo ý Vua được". Lần khác, cha bị tra tấn bằng kìm nung đỏ kẹp vào
đùi, thịt cháy khét, đau đớn vô cùng, nhưng cha vẫn cương quyết không chối đạo.
Từ 18.07.1838, cha được giam
chung với chủng sinh Tôma Thiện. Hai cha con tạ ơn Chúa, và cùng nhau nguyện cầu
xin Ngài trợ giúp. Bản án từ Quảng Trị gởi vào kinh đô xin xử trảm, nhưng vua
Minh Mạng đổi thành xử giảo và ký ngày 17.09. Sáng ngày 21.09.1838, quan quân dẫn
hai cha con ra khỏi trại giam, đến một ngọn đồi ở làng Nhan Biều (Quảng Trị). Tới
nơi xử, hai cha con từ chối bữa ăn ân huệ, và quỳ đối diện quay vào nhau cùng cầu
nguyện.
Theo ý cha Phan, muốn thấy tận mắt
sự trung thành của người môn sinh trẻ tuổi, nên quân lính hành xử chủng sinh
Tôma Thiện trước. Sau đó, vòng dây qua cổ vị giáo sĩ rồi kéo mạnh hai đầu, đưa
linh hồn ngài về Thiên Quốc.
Bà mẹ của cha Phan khi hay biết,
đã reo lên "Thật là tin vui, gia đình ta có một vị tử đạo". Bà nói :
"Xin chúc tụng Chúa. tôi vẫn sợ sẽ buồn khổ biết bao, nếu con tôi bị khuất
phục trước gian khổ, trước cực hình’.
Thi hài vị tử đạo được chôn cất
ngay tại pháp trường, đến năm 1847 được cải táng về chủng viện Thừa Sai Paris.
Đức Lêo XIII suy tôn linh mục Phanxicô Jaccard Phan lên hàng Chân Phước ngày
27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc
Hiển thánh.