* Vay mượn để giúp người.
"Nếu bà và các con không cho
tôi lấy của nhà giúp người, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê, kiếm tiền giúp họ".
Đó là một câu nói đầy cương quyết nhưng chân thành của quan vệ uý, cũng là ông
lang và là ông trùm : Ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh. Câu nói đó cho chúng tôi thấy
và hiểu về một cuộc đời 72 năm phục vụ con người để phục vụ Thiên Chúa.
Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh sinh năm
1768 tại làng Mỹ Hương, huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình. Cha là Antôn Nguyễn Hữu
Hiệp, mẹ là Mađalêna Lộc. Theo gia phả ông Quỳnh là con cháu đời 15 của đệ nhất
Công Thần Nguyễn Trãi (1380-1442). Vì là con thứ năm, nên thường được gọi là
Năm Quỳnh.
Thời niên thiếu, cậu xin làm đệ tử
Đức Cha Labartette Bình có ý học làm linh mục, nhưng vì hai người anh trai cũng
xin đi tu nên gia đình gọi cậu về để nối dõi tông đường. Năm 1800, theo việc cắt
cử của làng xã, anh gia nhập đội quân của Nguyễn Ánh, góp phần chiến thắng quân
Cảnh Thịnh và được thăng chức Vệ Uý. Đến khi đất nước đã thống nhất (1802), Gia
Long lên ngôi, ông thấy đời quân ngũ không thích hợp, liền xin giải ngũ. Trở về
quê nhà, ông mua một thửa đất canh tác và buôn bán thêm để sinh sống. Đồng thời
ông dành nhiều giờ học thêm nghề thuốc, và dần dần trở thành một lương y nổi tiếng
khắp vùng. Nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng khá giả hơn.
Thánh Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh Trùm Họ
* Gia đình, xã hội và giáo hội.
Thế nhưng đối với ông Quỳnh, tài
sản khả năng Chúa ban cho là để phục vụ mọi người, nên thay vì thu tích cho bản
thân, ông quan tâm phục vụ dân nghèo một cách tận tình. Đối với họ ông chữa bệnh
miễn phí, săn sóc và đôi khi còn tặng họ thêm tiền để làm vốn nữa. Khi vợ con
lên tiếng kỳ kèo, ông trả lời rằng : "Tôi chưa thấy những ai hay giúp đỡ
người nghèo khó mà túng bấn bao giờ. Kinh thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ
như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống tất sẽ quan phòng cho
ta đủ dùng". Khi các con khôn lớn, ông nói với chúng : "Cha đã nuôi
dưỡng các con từ nhỏ, nay đã lớn khôn, các con sẽ lo tất cả cho gia đình. Cha
muốn để dành tiền bán thuốc để chia sẻ với bà con nghèo khổ"
Lòng thương người của ông được biểu
hiện rõ rệt hơn khi làng ông gặp thời kỳ dịch tả. Ông bỏ ra cả hàng trăm quan
tiền để phát thuốc nuôi dưỡng và chăm sóc các bệnh nhân cách tận tuỵ quên mình.
Thế nhưng tinh thần bác ái Kitô giáo đòi ông phải đi xa hơn một bước nữa. Ông
vâng lời Đức Cha Labartette Bình phụ trách dạy giáo lý trong hạt. Để phục vụ
con người một cách trọn vẹn hơn cả xác lẫn hồn, ông Năm Quỳnh nhận lời phục vụ
làng Mỹ Hương giữ chức trùm trưởng.
Trong thời cấm đạo các linh mục tu
sĩ phải rút vào bóng tối, vai trò của những người như ông rất cần thiết. Từ nay
nhà ông biến thành lớp giáo lý trong hạt, thành nơi tiếp nhận các thừa sai và
giáo sĩ. Từ nay ông đứng ra điều khiển tổ chức mọi sinh hoạt kinh nguyện, tang
lễ và bác ái trong vùng. Tuổi càng cao, ông càng sắp xếp công việc một cách trọn
vẹn và chín chắn hơn, do đó ông càng được mọi người tin phục. Điều đáng lưu tâm
là dầu bận rộn với công việc tông đồ, ông vẫn khéo léo chăm sóc dạy dỗ con cái
sống Tin Mừng. Cô gái lớn gia nhập dòng mến Thánh Giá, sau làm bà nhất toàn thể
dòng mến Thánh Giá giáo phận. Những người con khác cũng theo gương ông: trung
kiên với niềm tin, và cùng với ông quên lợi riêng để lo cho công ích.
* Hoa quả của đức tin.
Năm 1838, vua Minh Mạng ra lệnh
truy nã linh mục thừa sai Candalh Kim. Ông Quỳnh thân hành đưa cha lên Kim Sen,
một trang trại cũ của tổ tiên mình, và đem theo một số sách vở cũ, ảnh tượng của
xứ Mỹ Hương. Thấy ông đi vắng lâu ngày, quan sai lính đến nhà ông khám xét. Họ
lôi các đầy tớ ra đánh đập tra khảo, một người sợ quá đã khai ra chỗ ở của chủ.
Khi đó quan định bắt luôn bà Quỳnh và hai cô con gái út, một cô 14 tuổi, một cô
10 tuổi đang ở nhà. Quan cưỡng bức ba mẹ con xuất giáo nhưng không ai tuân lệnh.
Tức giận quan cho lính đánh vào chân hai đứa bé để ép buộc bước qua Thánh Giá,
hai cô vẫn không chịu khuất phục. Đám lính liền xông đến lôi kéo hai chị em bứơc
qua. Dĩ nhiên với tuổi nhỏ sức yếu, hai cô bé không thể chống cưỡng lại được,
nhưng một mực hai cô bé kêu khóc mình bị ép buộc, chứ lòng luôn luôn tôn kính
Thánh Giá. Quan không dấu được sự thán phục tấm lòng son sắt, và đã tha cho cả
ba mẹ con.
Tiếp đó quân lính đến vây trại
Kim Sen. Sau khi bắt được ông Quỳnh và tịch thâu được một số sách đạo, họ liền
áp giải ông về Đồng Hới. Giữa đường ông nhắn tin một người con kín đáo đến gặp
và hối lộ cho lính 50 quan tiền để đốt sổ ghi tên những người tín hữu trong xứ.
Tại trại giam Đồng Hới, ông Quỳnh
vui mừng vì gặp được linh mục thừa sai Borie Cao, cha Điểm, cha Khoa cùng thầy
Tự. Nhiều lần ông cũng bị tra tấn chung với các vị ấy. Nhưng bao giờ ông cũng
tuyên xưng: "Thà chết chớ không chối Chúa, dù chỉ trong giây lát". Có
lần quan cho lính lôi ông qua Thánh Giá, ôn liền lớn tiếng phản kháng rằng :
"Việc này do quan lớn làm, nếu có tội là quan phạm tội, chứ không phải
tôi". Câu nói đó làm quan bực mình truyền đóng gông giải ông về ngục. Mấy
bữa sau quan hỏi cha Cao tại sao ông Năm lại cứng cổ đến thế. Vị thừa sai trả lời:
"Các giáo hữu bước qua Thánh Giá vì họ không hiểu rõ giáo lý và nhát gan,
còn ông Năm đã am tường lẽ đạo, lại mạnh mẽ đức tin, quan lớn cưỡng bách mấy
cũng vô ích, chẳng có lợi gì đâu". Thất vọng quan gởi án về kinh đô. Đức
Cha Cao bị án trảm quyết (chặt đầu), hai cha Điểm, cha Khoa thì bị kết án xử giảo
ngay, còn thầy Tự và ông Antôn cũng bị xử giảo nhưng "giam hậu",
nghĩa là lệnh xử sẽ ban hành sau.
Thời gian trôi qua quá nhanh thấm
thoát ông Quỳnh và Thầy Tự đã giam hai năm tròn. Trong thời gian đó quan sốt ruột
gởi sớ về kinh ba bốn lần xin xử tử, nhưng vua Minh Mạng cứ trì hoãn, viết thư
khuyên quan quân cứ từ từ kiên nhẫn. Trong một lá thư gởi về hội Thừa Sai, cha
Miche Mịch giải thích lý do như sau:
"Ông Antôn quen biết nhiều
các quan, lại từng chữa bệnh cho nhiều vị quan nữa. Rất nhiều người biết đến
nhân đức và kiến thức của ông nên trọng nể. Do đó, thái độ của ông có tầm ảnh
hưởng lớn trong dân. Đối với họ, cướp được con mồi lớn như thế từ tay Đức Giêsu
là một chiến thắng lớn lao. Thế nên chẳng lạ gì "hỏa ngục" phải tìm
trăm nghìn phương kế để dành lại phần thắng sắp mất".
Phần ông Quỳnh dù đã 72 tuổi, vẫn
biểu lộ đức can đảm và nhẫn nại đáng khâm phục. Suốt ngày ông lo đọc kinh cầu
nguyện, như mọi giáo hữu ở ngoài, ông giữ chay và yêu thương giúp đỡ mọi người.
Nghề lang y của ông vẫn có cơ hội dùng đến, có lần ông chữa cho một viên quan ở
Đồng Hới, và nhất là chữa bệnh cho các bạn tù đồng số phận.
* Lời trăn trối sau cùng.
Thấy thời gian cũng không làm nản
lòng ông Quỳnh, vua Minh Mạng chấp thuận cho quan tỉnh Quảng Bình xử giảo ông
ngày 10-07-1840.
Bản tường trình cuối cùng của vị
quan có nhiệm vụ xét xử các ngài: "Hạ thần Nguyễn Xuân Quang, quan án tỉnh
Quảng Bình, thừa hành theo lệnh của Hoàng Thượng xin tấu trình rằng: Vào tháng 09
năm Minh Mệnh thứ 19, quan tổng đốc có giao nộp một bản án nói rằng đã bắt được
tên Nguyễn Khắc Tự, đồ đệ của Thừa Sai Cao (Cha Borie), và một người nữa tên là
Nguyễn Hữu Năm đã thú nhận tội cất giấu sách đạo. Quan án Phan Trư đã báo cáo
như sau: Nguyễn Hữu Năm có tội vì cất giấu sách đạo, không chịu đạp ảnh và cũng
không chịu bỏ đạo. Không phải là đạo trưởng nhưng hắn cũng cứng đầu và có tội
như đạo trưởng Khoa và Đạo trưởng Ðiểm. Vì thế hắn phải xử án chém đầu. Nhưng
án này đã được đổi lại ngày 28-11-1838. Còn về tên Nguyễn Khắc Tự giúp việc cho
Thừa Sai Cao, đã không chịu đạp ảnh và thuộc hạng cố chấp và bất trị. Vì vậy thần
kết án phải đòn 100 roi và lưu đầy xa ba ngàn dặm, tức là đi Phú Yên, khắc vào
má bên trái hai chữ 'Tả Ðạo’ và má bên phải hai chữ 'Phú Yên'. Tờ trình của
quan án Phan Trư đã được châu phê như sau: Tên Nguyễn Hữu Năm đã cất giấu sách
đạo, còn tên Nguyễn Khắc Tự đã không biết hổ thẹn khi giúp việc cho tên mọi rợ
(ám chỉ cha Cố Cao) và cố chấp không đạp ảnh. Hiển nhiên cả hai tên phải xếp
vào hạng cố chấp và bất trị. Mặc dù chúng không phải là đạo trưởng, nhưng chúng
cũng không kém phần mù quáng và cố chấp, và vì vậy phải liệt chúng vào số những
người đáng ghét. Vậy cả hai phải bị xử giảo giam hậu. Cứ thế mà thi hành.
Năm sau tức là Minh Mệnh nguyên
niên thứ 20, theo lệnh Hoàng Thượng hạ thần lại đòi hai tên Nguyễn Hữu Năm và Nguyễn
Khắc Tự ra trước sảnh đường hai ba lần, khuyên nhủ họ thức tỉnh trở về đường
ngay. Nhưng chúng vẫn cố chấp như trước, không chịu đạp ảnh. Thần xin lập tờ báo
cáo tâu trình Hoàng Thượng: Quả thật hai tên Kitô này không phải là linh mục
nhưng mù quáng và cố chấp thật đáng ghét. Thần nghĩ không còn lý do gì mà phải
giam giữ họ trong tù nữa. Ðó là tờ trình của thần, nhưng các thượng quan trong
tòa Tam Pháp lại xét rằng hai tên này phải xử giảo ngay. Ðến tháng 10 thần lại
nhận được thư của tòa Tam Pháp truyền rằng theo lệnh của Hoàng Thượng phải hoãn
lại việc hành quyết và triệu tập hội đồng hàng tỉnh, thúc ép họ trong tòa xem
có hối cải không, rồi trình lại tất cả sự việc và chờ lệnh. Theo lệnh vừa nói,
thần lại gọi hai tên tín đồ Kitô ra trước tòa, khuyên bảo và ra lệnh đạp ảnh, từ
bỏ cố chấp. Chúng vẫn cương quyết không tuân lệnh. Chứng tỏ chúng vẫn chìm đắm
trong u mê mù quáng. Vì vậy thần lập tờ trình này để trông thánh chỉ của Hoàng
Thượng".
Lệnh cuối cùng của Vua Minh Mệnh:
"Chúng tôi, Võ Xuân Cẩn, Bùi Ngọc Quí và Ðinh Văn Huy, vâng theo lệnh
Hoàng Thượng, đã xét tờ trình của quan vào ngày 21-05. Chúng tôi truyền lệnh
như sau: Tên Nguyễn Hữu Năm và Nguyễn Khắc Tự theo tà đạo, tội đáng chết. Nhưng
vì chúng thuộc hạng lê dân ngu dốt và vì lòng nhân từ của Hoàng Thượng không muốn
đối xử cay nghiệt nên đã không ngừng ra lệnh cho các quan phải khuyên nhủ chúng
sửa đổi để được ơn khoan hồng. Thế nhưng hai tên tội phạm vẫn ngụp lặn trong u
mê mù quáng và cố chấp không chịu đạp ảnh. Vì vậy chúng đã tự chuốc lấy án chết.
Vậy hai tội phạm phải bị xử giảo không trì hoãn nữa để cái chết của chúng răn bảo
những kẻ còn cố chấp không biết tự cải hóạ Cứ thế mà thi hành".
Khoảng 100 binh lính dẫn ông ra
pháp trường chung với thầy Tự. Đến nơi hai vị hỏi chỗ xử Đức Cha Cao và hai cha
Khoa và cha Điểm năm trước, rồi dừng lại đúng chỗ đó mà cầu nguyện : "Lạy
Chúa xin tạ ơn Chúa cho con được ân phúc như các ngài…" Nguyện cầu xong,
ngồi xuống, ông Quỳnh bình tĩnh chậm rãi hút hết điếu thuốc được quan trao cho.
Hai người con đến từ giã ông, ông
nhắc họ qua giã biệt thầy Tự, xin thầy về bên Chúa nhớ khẩn cầu cho các con. Thế
rồi ông nói những lời sau cùng : "Cha gởi lời chào các chức sắc và anh em
giáo hữu Mỹ Hương. Cầu chúc mọi người bình an, trung thành giữ đạo. Hãy yêu
thương nhau và sống đạo đức, các con sẽ gặp lại cha trên Thiên Đường"
Nói xong ông nằm xuống trên chiếu
trải sẵn, ông quỳnh giang tay ra nói : "Xưa Chúa cũng chịu giang tay như
thế này để chịu đóng đinh". Quân lính tròng dây qua cổ và giữa tiếng thanh
la vang rền. Họ mạnh tay xiết chặt hai đầu dây, đưa người tôi trung của Đức
Kitô về hưởng hạnh phúc trường sinh.
Đức Lêo XIII suy tôn ông Antôn
Nguyễn Hữu Quỳnh lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Ngày nay mọi người vẫn còn cảm
kích với hai câu thơ khắc trên bia mộ ông Quỳnh ở xứ Kim Sen, nơi thi hài ông
được an táng với tổ tiên dòng họ :
"Nghĩa khí nêu cao trên đất
nước,
Oai linh phù hộ khắp non
sông"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét