* Niềm tin sống lại.
Hạnh tích thánh Giuse Uyển, vị thầy giảng 63
tuổi cho chúng ta thấy niềm tin vào ngày “xác loài người sống lại” các tử đạo
khi phải đối diện với cái chết. Đó là một ngày vinh hiển cho những ai trung
thành giữ đạo thánh Chúa. Lúc mới bị bắt quan tỉnh Hưng Yên dọa chém đầu, thầy
mạnh dạng trả lời: “Bẩm quan lớn, tôi có bị chém chết mới trông được sống lại
ngày mai”. Lần khác sau cuộc tra tấn vô hiệu, một người lính rút gươm ra dọa
chém ngay cổ, thầy Uyển vẫn bình tĩnh, mặt không hề biến sắc. Người lính hỏi:
“Lão không sợ ta chém ư ?”. Thầy điềm nhiên tuyên xưng niềm tin của mình: “Hãy
chém đi đến ngày phán xéttôi sẽ có một cái đầu mới”.
* Thầy
phòng bộ và thầy sở.
Giuse Nguyễn Đình Uyển sinh năm 1775 tại làng
Ninh Cường tỉnh Nam Định, lớn lên ngài vào sống trong chủng viện Tiên Chu và được
gởi đến cha Nhân. sau chính thức là thầy giảng và trợ tá đắc lực của Đức cha
Henares Minh (giáo phận Đông Đàng Ngoài). Theo lời khuyên của Đức cha, thầy gia
nhập dòng ba Đaminh. Mỗi lần Đức cha đi kinh lý các giáo xứ trong giáo phận đều
cho thầy tháp tùng. Mọi người gặp thầy đều ca tụng đời sống gương mẫu, đặc biệt
trong việc giữ kỷ luật dòng ba và tinh thần tông đồ của thầy. Năm 1838, khi cuộc
bách hại bùng nổ ở Đông Đàng Ngoài, hai giám mục và các linh mục phải tìm đường
lẫn tránh. Đức cha Minh chính thức giao cho thầy Uyển trách nhiệm coi sóc giáo
xứ Tiên Chu, dù thầy không có chức thánh vẫn chu toàn đầy đủ trách nhiệm đặc biệt
này, điều khiển mọi sinh hoạt trong xứ, khích lệ các tín hữu giữ niềm tin, được
Đức cha và các tín hữu yêu mến tín nhiệm.
Ngày 29.05.1838, quan quân đến vây làng Tiên
Chu tìm bắt Đức cha phó. Họ ra lệnh cho mọi người có đạo trình diện ở đình làng
để điểm danh. Thầy Uyển cũng ra trình diện với giáo hữu của mình. Vì vô ý để lộ
ra khỏi cổ chiếc áo dòng ba, thầy bị quan gọi riêng ra hỏi: “Ông có phải đạo
trưởng không?”. Thầy trả lời: “Không”. Một người lính đùa giỡn tới vuốt mũi thầy
và nói: “mũi ông này dài chắc là cố Tây chứ chẳng sai”. Thầy Uyển lắc đầu tỏ vẻ
phản đối nhưng không nói gì cả. Tiếp
theo quan bảo thầy bước qua Thánh Giá, nếu không sẽ bị chém đầu. Thầy Uyển từ
chối và tuyên xưng niềm tin của mình. Quan nổi giận truyền trói thầy rồi đến
chiều cho giải lên Hưng Yên. Quan tuần phủ Hưng Yên điều tra sơ khởi xem thầy
có chức bậc nào và ai truyền chức ? Các thừa sai trốn ở đâu ?.thầy không đáp một
lời nên bị đóng gông giam vào ngục.
* Gian truân nghìn nỗi.
Hôm sau, thầy Uyển bị dẫn ra toà.
Quan án nghiêm nghị truyền thầy bỏ đạo và ký giấy xuất giáo. Nhưng vị anh hùnh
đức tin cương quyết trung thành với Chúa. quan cho đánh 39 roi rồi hỏi về đạo.
Thấy Giuse Uyển lợi dụng cơ hội giải thích cho mọi người có mặt về 10 điều răn
Chúa. tối đến thầy lại bị tống giam vào ngục. Vì bị bệnh tả rất nặng, cộng thêm
với trận đòn ban ngày, thấy rũ liệt gần chết, quan án thương tình cho mời lương
y đến chữa trị.
Mười lăm ngày sau, khi cơn bệnh mới tạm khỏi,
quan lại cho điệu tù nhân ra tòa. Quan nói: “Ông Uyển hãy xuất giáo, ta sẽ tha
về với vợ con”. Thầy đáp: “Tôi không có vợ con”. Quan tòa quát lên: “Bước qua
Thập Giá đi để giữ lấy mạng sống, con chó còn ham sống dù chỉ một ngày, huống
chi con người.” Vị chiến sĩ anh hùng trả
lời: “Nếu quan để sống thì tôi cám ơn quan, còn việc bước qua Thánh Giá thì tôi
không làm”. Quan cho đánh 18 roi rồi nói: “Chỉ một bước là sống, sao ông không
chịu?”. Thầy trả lời: “Tôi coi sự sống đời này chỉ lớn bằng ngón tay thôi”.
Thế là quan nổi giận cho lính dùng sưc mạnh lôi
thầy qua Thánh Giá. Thầy bèn ngồi bệt xuống đất, mặc cho quân lính đánh đập. Bốn
người lính với hai đầu gông mới khiêng thầy lên nổi. Thầy Uyển co gập hai chân
để khỏi chạm vào Thánh Giá, đồng thời cầu nguyện xin Chúa giúp sức. Một viên
quan truyền lệnh: “Cắt bộ râu nó đi”. Anh lính đứng gần đó liền nắm râu của thầy,
tay kia định xén, nhưng thấy cụ già mệt và sắp chết nên lại thôi. Sau đó còn một
lần quan bảo thầy Uyển xuất giáo, nhưng mọi lần quan lại thấy chí khí của thầy.
Ông không dấu được lòng thán phục phải thốt lên: “Bề ngoài hắn như kẻ sắp chết,
thế mà lòng dạ lại cương quyết lạ lùng”. Rồi ông cho đeo gông nặng hơn, tống
giam vào ngục và gởi án về kinh xin xử
trảm, bản án nhắc đến Phanxicô Chiểu đã bị chém ngày 20.06 và xin vua phê một
án tương tự.
* Phúc trường sinh.
Trong khi chờ bản án được châu
phê, thầy Uyển còn bị cắt giảm phần ăn mỗi ngày. Thân xác kiệt quệ vì đòn roi,
vì đói khổ, vì bệnh hoạn, vì tuổi già. Thầy Giuse Uyển vẫn một lòng kiên vững với niềm tin sắt đá của mình. Thế rồi
hồi ba giờ chiều ngày 04.07.1838, ngài đã chết rục tù trong niềm tin vững mạnh
đó. Tuy chưa bị xử trảm nhưng cái chết
khổ đau của thầy Giuse thật xứng đáng đội triều thiên vinh phúc tử đạo. Các quan cho phép các tín hữu
đưa thi hài về an táng tại xứ Tiên Chu, nơi đã từng sống với họ trong những ngày lo âu gian khổ nhất.
Đức Lêô XIII suy tôn thầy giảng dòng ba Đaminh
Giuse Nguyễn Đình Uyển lên bậc chân phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét