Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B



Lời Chúa: Người giảng dạy như một Đấng có uy quyển.
      Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

      Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rỏ uy quyền của Chúa Giêsu được mọi người công nhận, kể cả thần ô uế. Nếu người Do Thái chuyên tâm đọc Sách Thánh sẽ dễ dàng nhận ra Chúa  chính là vị ngôn sứ mà Cựu ước đã loan báo. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại những lời giáo huấn của ông Môisen, vị thủ lãnh đã dẫn đưa dân Dothái ra khỏi Aicập. Trong những lời trăng trối cuối đời, ông Môisen đã nói đến một vị ngôn sứ Chúa sẽ gửi đến. Vị này cũng đầy quyền uy để lãnh đạo dân Ítraen như ông Môisen, và còn hơn cả Môisen nữa. Sứ mạng của vị Ngôn sứ này là đem lời Chúa làm lương thực nuôi dân chúng như lời bài đọc1. Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ muôn dân mong đợi. Ngài đến để thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi, để thiết lập một nền phụng vụ đích thực, không còn những uế tạp trần tục, nhưng có khả năng để thánh hóa con người. Những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục và công nhận: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.
      Và chúng ta là những người tín hữu, cũng phải đối diện với nhiều cuộc chiến giữa thiện và ác trong cuộc đời của chính mình, khi chúng ta càng lúc càng lớn lên và già đi. Những cuộc chiến này càng lúc càng gay go hơn, chúng ta phải đối diện với những ơn Chúa giúp chúng ta, để lớn lên trong đời sống thánh thiện và sự dữ tội lỗi mà ác thần luôn lôi kéo chúng ta phạm tội, làm  mất tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với mọi người khác. Để chiến thắng sức mạnh của sự dữ, chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa,  phải là những người sống thánh thiện. Thực ra, người tín hữu vốn có uy quyền của chính Chúa Giêsu để tiêu diệt sự dữ trong lòng mình, bởi vì từ khi lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta  đã thuộc về Chúa và nhận lãnh những quyền bính của chính Người, chúng ta là những người thánh thiện của Thiên Chúa. Qua bí tích rửa tội, Chúa Giêsu ban tặng cho người tín hữu đời sống thần linh và thánh hóa chúng ta, rồi cũng ban tặng cho chúng ta  quyền năng để chiến thắng ác thần và sự dữ.
       Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con, và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria luôn luôn Xin Vâng, và chúng con cũng phải luôn Xin Vâng phải lắng nghe mà còn thực hành lời Chúa mỗi ngày trong đời sống chúng con.  Amen


Ngày 01/02 – Thánh Ansgar, Giám mục (801-865)
Vị “tông đồ của phương Bắc” (vùng Scandinavia) có đủ thất vọng để trở nên thánh – nhưng ngài đã làm được. Ngài là tu sĩ dòng Bênêđictô ở Corbie, Pháp, nơi ngài đã được giáo dục. Ba năm sau, khi vua Đan mạch trở lại đạo, Ansgar đến nước này truyền giáo 3 năm, dù không có thành công nào đáng kể. Người Thụy điển yêu càu các nhà truyền giáo Kitô giáo, và ngài đã đến, bị hải tặ bắt và gặp nhiều gian khó khác trên đường đi. Gần 2 năm sau ngài là tu viện trưởng một dòng khác ở Corbie (Corvey) và trở thành giám mục giáo phận Hamburg. Giáo hoàng chọn ngài làm đại sứ truyền giáo cho người Scandinavia. Ngân quỹ cho các tông đồ phương Bắc khi Hoàng đế Louis băng hà. Sau 13 năm làm việc ở Hamburg, thánh Ansgar chứng kiến thành phố này bị người phương Bắc san thành bình địa, người Thụy điển và Đan mạch trở thành ngoại giáo.
Ngài điều hành việc tông đồ khác ở phương Bắc, đến Đan mạch và làm cho một vua khác trở lại đạo. Nhờ công cụ lạ là rút thăm, vua Thụy điển cho phép các nhà truyền giáo trở lại. Các nhà viết tiểu sử của thánh Ansgar nhận thấy ngài là một người rao giảng ngoại hạng, là một linh mục khiêm nhường và khổ hạnh. Ngài được chọn là thánh bổn mạng của người nghèo và bệnh nhân, noi gương Chúa Giêsu rửa chân cho họ và phục vụ họ ở bàn ăn. Ngài qua đời tại Bremen, Đức. Ngài muốn được tử đạo nhưng không trọn ước nguyện. Sau khi ngài qua đời, người Thụy điển lại bỏ đạo, mãi đến 200 năm sau mới có những nhà truyền giáo khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét