Lời Chúa: Cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận
xét, còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét ?.
“ Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin
ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.”
Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành
Được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người
Tìm thánh nhan Thiên chúa nhà Gia-cóp.
Ngày 24/10 –
1825-1860 Thánh Giuse Lê Đăng Thị Cai đội tử đạo
* Cùng bạn về trời
Đúng ngày bị hành quyết, cai đội Giuse Lê Đăng Thị thức dậy rất
sớm. Ông đánh thức một tù nhân bị xử tử cùng ngày, rồi đưa anh vào một gócnhà
giam. Sau nhiều ngày tận tâm hướng dẫn người bạn dự tòng này, hôm nay (24.10)
ông nghiêm trang đổ nước rửa tội cho anh "Nhân Danh Cha và Con và Thánh
Thần". Thế là ông có một người bạn đồng hành với mình vào quê hương vĩnh
phúc trên Trời.
Giuse Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, làng Văn Quy, tỉnh
Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ anh giữ chức Cai đội. Lớn
lên anh cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nhà vua.
Một thời gian sau, anh được thăng Chưởng vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được
dời vào Nghệ An. Tại đây, anh lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.
* Bão tố và niềm tin.
Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện ra
lệnh của mình chưa được thi hành đồng loạt, vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo,
cũng có người theo đạo Công Giáo. Ngày 15.12.1859, nhà vua ra thêm một chiếu
chỉ bắt tất cả các quan có đạo đó. "những quan nào có đạo (theo tà đạo),
dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm
thêm những viên chức triều đình theo tà đạo. Những ai không tố giác, hoặc chứa
chấp trong nhà mình, cũng bị trừng phạt như chúng…". Nhà vua còn bắt tất
cả các quan quân phải bước qua Thánh Giá trước khi ra trận đánh giặc Tây.
"Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát
lưu".
Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội Lê Đăng Thị làm đơn
xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Đơn xin được chấp thuận, ông trở về quê cũ để vợ
con ở lại Nghệ An. Tháng giêng năm 1860, chiếu chỉ vua Tự Đức trên đây được áp
dụng triệt để trên toàn quốc, ông cai Thị vì có kẻ tố giác, nên bị bắt ngày
29.1, cùng với một số bạn đồng ngũ khác và bị giải về Quảng Trị. Ông vui vẻ
nhận mình là cai đội và là Kitô hữu.
Cuối tháng hai, ông phải ra tòa cùng với 31 quân nhân khác. Trong
số đó có ba người bỏ đạo. Tất cả đều bị cách chức, một được tha về vị gìa yếu,
còn lại 10 người bị thích tự, lưu đày chung thân, 17 người bị án tử hình giam
hậu.
Riêng ông cai Lê Đăng Thị nhận án xử giảo, nhưng hẹn đến cuối
tháng mười mới thi hành. Từ đó ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Trong một
lá thư gửi về cho vợ, ông viết: "Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau
nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn
nhớ đến em và các con mỗi ngày".
* Xứng danh huynh trưởng
Suốt thời gian trong tù, vì là người có cấp bậc cao nhất, ông cai
Thị khích lệ các anh hùng đức tin cùng bị giam bằng lời nói và nhất là bằng mẫu
gương trung thành, cam đảm. Cũng do chức vụ ấy, ông bị mang một gông rất nặng
và bị đánh đập tra tấn nhiều hơn mọi người. Dù còn trẻ trung sung sức, nhưng
trước những cực hình dã man, ông đã ngã bệnh. Khi đó, ông chia sẻ với các bạn
tù lo lắng lớn nhất của mình. ông nói : "Tôi không rõ Chúa có cho tôi sống
đến ngày tử đạo không. Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm hơn. Than ôi ! Chắc vì
tội tôi, nên Chúa từ chối cho tôi ơn trọng ấy".
Một linh mục đã đến thăm và giải tội cho ông. Hôm sau một thày
giảng cũng lén vào trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ngày 24.10.1860, ông Cai bị
dẫn đi hành hình. Viên quan đề nghị ông lần cuối cùng xuất giáo, và hứa xin vua
ân xá, nhưng ông cai Thị quyết liệt từ chối. Bản án của ông được ghi như sau :
"Lê Đăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể
tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu".
* Vạn phúc
Tại pháp trường An Hòa (Huế), ông Cai kính cần qùy trên chiếc
chiếu cầu nguyện. Một linh mục đứng lẫn trong đám dân chúng ra dấu và giải tội
lần cuối cho ông. Sau đó, ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp
được tử đạo". Lý hình quấn một sợi dây vào cổ ông cai đội, rồi chia ra hai
bên kéo thật mạnh cho tới khi chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Các tín hữu Phủ Cam
tổ chức lễ an táng đông đảo tại xứ mình. Hiện nay hài cốt vị tử đạo còn được
lưu giữ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế - Huế.
Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày
02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên
hàng Hiển thánh.
Ngày 24/10-Thánh Antôn Maria Claret, Giám mục (1807-1870)
Ngài được mệnh danh là “người cha tinh thần của Cuba”, là
nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, nhà cải cách xã hội, tuyên úy của nữ
hoàng, nhà văn và nhà xuất bản, tổng giám mục và người tị nạn. Ngài là người
Tây Ban Nha nhưng làm việc ở Quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris, và tham dự
Công đồng Vatican I.
Ngài còn dệt và thiết kế ở một nhà máy dệt tại Barcelona,
ngài học tiếng Latin và học in ấn. Ngài thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức
khỏe yếu nên ngài không thể đi tu Dòng Phanxicô hoặc Dòng Tên, nhưng ngài là một
trong những nhà giảng thuyết nổi tiếng của Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để làm
sứ vụ và tĩnh tâm, luôn chú trọng Thánh Thể và tận hiến cho Trái tim Vô nhiễm Đức
Mẹ. Hầu như lúc nào ngài cũng lần Chuỗi Mân Côi. Lúc 42 tuổi, ngài lập Dòng
Truyền giáo, ngày nay gọi là Dòng Claret.
Ngài được bổ nhiệm tổng giám mục TGP Santiago ở Cuba. Ngài bắt
đầu cải cách bằng cách giảng thuyết và giải tội không ngừng, chịu đựng sự phản
đối của những người lấy vợ lẽ và hướng dẫn những người nô lệ da đen. Một tên
quá khích đã chém vào mạt và cổ tay ngài. Ngài xin cho tên này thoát án tử hình
bằng cách thay thế là chỉ bị tù. Ngoài những sách về đạo, ngài còn viết 2 cuốn
sách bằng tiếng Cuba: “Suy nghĩ về Nông nghiệp” và “Niềm vui Đất nước”.
Ngài được gọi trở lại Tây Ban Nha làm tuyên úy cho nữ hoàng.
Ngài đưa ra 3 điều kiện: Sống xa cung đình, chỉ giải tội cho nữ hoàng và hướng
dẫn các con của nữ hoàng, được miễn trừ các chức vụ triều đình. Trong cuộc cách
mạng năm 1868, ngài trốn sang Paris với phe của nữ hoàng và giảng đạo tại đây.
Ngài quan tâm việc xuất bản sách báo Công giáo. Ngài đã
thành lập NXB Tôn giáo, dự án xuất bản sách báo Công giáo ở Tây Ban Nha, viết
200 cuốn sách.
Tại Công đồng Vatican I, ngài là người bảo vệ trung thành về
ơn bất khả ngộ của Giáo hoàng, ngài được các giám mục yêu quý. ĐHY Gibbons của
Baltimore nhận xét về ngài: “Ngài là một vị thánh thực sự”. Ngài qua đời trong
thời gian đi đày ở gần biên giới Tây Ban Nha, lúc ngài 63 tuổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét