Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Thứ Ba Lễ Nhớ Đức Mẹ Mân Côi.



Lời Chúa: Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.
“ Ha-lê-lui-a. Kính chào Đức Maria, Mẹ đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc hơn mọi người phụ nữ. Ha-lê-lui-a.”
Chúa độ trì Ít-ra-en tôi tớ của Người
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

Và cho con cháu đến muôn đời.


Ngày 07/10-Đức Mẹ Mân Côi
ĐGH Piô V thiết lập lễ này năm 1573. Mục đích là tạ ơn Chúa về chiến thắng của Kitô giáo đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Lepanto – một chiến thắng nhờ Kinh Mân Côi. ĐGH Clêmentô XI cho mừng lễ này trong toàn Giáo hội năm 1716.
Sự phát triển Kinh Mân Côi là một lịch sử dài. Đầu tiên, Chuỗi Mân Côi được phát triển là 150 kinh Lạy Cha để bắt chước bộ 150 thánh vịnh. Sau đó thêm 150 kinh Kính Mừng. Không lâu sau, các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu được thêm vào sau kinh Kính Mừng. Dù việc Đức Mẹ trao Chuỗi Mân Côi cho thánh Đa Minh được ghi nhận, việc phát triển Chuỗi Mân Côi vẫn thuộc về những người theo thánh Đa Minh. Một người trong số đó là tu sĩ Alan de la Roche, được coi là “Tông đồ của Chuỗi Mân Côi”. Ngài đã thành lập Hội Mân Côi (Confraternity of the Rosary) từ thế kỷ 15. Thế kỷ 16, Chuỗi Mân Côi được phát triển thành dạng như ngày nay – với 15 mầu nhiệm (Vui, Thương, Mừng). Năm 2002, chân phước GH Gioan Phaolô II đã thêm 5 mầu nhiệm Sự Sáng vào Kinh Mân Côi.


ĐỨC MẸ MÂN-CÔI FATIMA.

Khi chọn 3 em Thiếu Nhi Fatima để hiện ra năm 1917, hình như Mẹ Maria đã có ý định là sẽ trao phó cho mỗi em một sứ mệnh thì phải.
Lucia, bấy giờ 10 tuổi, là Thiếu Nhi Fatima lớn nhất, theo Mẹ tiết lộ cho biết là "sẽ phải ở lại thế gian lâu hơn (hai em mình)". Tại sao? Vì "Chúa Giêsu muốn dùng con để làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến", bởi "Người muốn thiết lập trên thế gian lòng tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ". Như thế, sứ mạng của Lucia là làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến bằng cách truyền bá lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ.
Phanxicô, bấy giờ xít xoát 9 tuổi, là Thiếu Nhi Fatima nam duy nhất, trong tất cả 6 lần Ðức Mẹ hiện ra, em chỉ được nhìn thấy Mẹ mà không hề được nghe thấy Mẹ nói gì. Thế nhưng, chính ấn tượng về hình ảnh sầu bi của Mẹ khi hiện ra lần cuối cùng, với lời van xin loài người "Ðừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều lắm rồi", đã làm cho Phanxicô thương Mẹ hơn ai hết. Em đã không bỏ lỡ một dịp nào có thể làm em lánh xa mọi sự, kể cả Lucia và Giaxinta thân yêu nhất của em, để âm thầm cầu nguyện, an ủi Mẹ "là Ðấng Quá Buồn".
Kinh nguyện mà Phanxicô thường dùng để cầu nguyện, đó là Kinh Mân Côi, kinh mà Mẹ Maria, ngay từ lần hiện ra đầu tiên, đã bảo em phải lần hạt mới được thấy Mẹ và mới được lên Thiên Ðàng. Như thế, sứ mệnh của Phanxicô là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi để an ủi đền tạ Ðức Mẹ.
Giaxinta, bấy giờ mới có 7 tuổi, là Thiếu Nhi Fatima nhỏ nhất, nhưng cũng có một sứ mệnh rất đặc biệt, đó là hy sinh cầu cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Thật vậy, sau khi được Ðức Mẹ cho xem thấy hỏa ngục vào lần hiện ra thứ ba của Người, Giaxinta bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bởi thế, em đã không bỏ lỡ một cơ hội nào, như Thiên Thần dạy, "làm mọi sự có thể để hy sinh" cầu cho tội nhân cho khỏi sa hỏa ngục đời đời.


Nếu việc cứu các linh hồn Tội nhân cho khỏi hư mất đời đời, Ðức Mẹ đòi các em Thiếu Nhi Fatima bấy giờ, mà thần tượng là Giaxinta, phải "sẵn sàn hiến mình cho Thiên Chúa chịu đựng tất cả mọi đau khổ Ngài gửi đến cho" và phải "làm mọi sự có thể để hy sinh", thì việc cứu toàn thế giới chịu khỏi chiến tranh để được hưởng một nền hòa bình chân thật, Ðức Mẹ lại đòi các em, mà Phanxicô là thần tượng, phải lần hạt Mân Côi, như Người tỏ cho các em biết vào lần hiện ra thứ ba, ngày 13.8.1917, là: "Hãy tiếp tục cầu nguyện Kinh Mân Côi, cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh, vì chỉ có Người mới có thể cứu giúp các con."
Tại sao lần hạt Mân Côi là điều kiện duy nhất và là phương thế hữu hiệu, theo ý của Ðức Mẹ, để cứu thế giới cho khỏi chiến tranh và được hưởng hòa bình?
Phải chăng, như lời Mẹ nói, vì Mẹ là "Ðức Mẹ Mân Côi". Bằng không, tại sao Mẹ lại liên kết, trong cùng một câu, ba ý tưởng, đầu tiên là "để tôn kính Ðức Mẹ Mân Côi", tiếp theo là "cầu cho hòa bình thế giới và chấm dứt chiến tranh", và kết luận là "vì chỉ có Người mới có thể cứu giúp các con?"
Thật vậy, chính vì Mẹ Maria là "Ðức Mẹ Mân Côi" mà chúng ta lần hạt để tôn kính Mẹ, Mẹ sẽ ban hòa bình cho thế giới. Thế nhưng "Ðức Mẹ Mân Côi" là gì?
Tại sao "Ðức Mẹ Mân Côi" sẽ ban hòa bình cho thế giới nếu chúng ta lần hạt Mân Côi?


"Ðức Mẹ Mân Côi" là một tước hiệu có tính cách diễn giải về thiên chức "Mẹ Thiên Chúa" của Ðức Mẹ. Mẹ Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, Ðấng là tâm điểm của Mầu Nhiệm Mân Côi và làm nên Mầu Nhiệm Mân Côi, nếu không muốn nói Chúa Giê-su Kitô còn chính là Mầu Nhiệm của Thiên Chúa (xem Côlôsê 2:2), Mầu Nhiệm được thể hiện trọn vẹn và tóm gọn nơi Mầu Nhiệm Mân Côi.
"Ðức Mẹ Mân Côi", vì là một tước hiệu có tính cách diễn giải về Mẹ Thiên Chúa như thế, do đó, nói đến "Ðức Mẹ Mân Côi" là nói đến việc Người đã khai mào cho mầu Nhiệm Mân Côi, đã tham dự vào Mầu Nhiệm Mân Côi và đã áp dụng Mầu Nhiệm mân Côi.
Vì đã khai mào, tham dự và hoàn thành Mầu Nhiệm Mân Côi như thế, Mẹ Maria vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc. Bởi thế, tước hiệu "Ðức Mẹ Mân Côi" cũng là một tước hiệu có tính cách thực hiện cho sứ mệnh làm "Mẹ Ðồng Công" của Mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét