Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Ngày 07-11- 1732-1773 Thánh vinhsơn Phạm Hiếu Liêm Linh mục dòng Đaminh Tử đạo.

* Hội Đồng Tứ Giáo.
Đọc lại chuyện  các anh hùng tử đạo, chúng ta thấy các ngài làm chứng cho Chúa Kitô hai lần: bằng mạng sống và bằng lời nói. Các vị đã nói để tuyên xưng niềm tin của mình, có vị giải thích những dư luận sai lầm, có vị cắt nghĩa giáo lý. Nhưng chuyện hy hữu nhất trong chuyện 117 thánh tử đạo  Việt Nam, là  linh mục Vinh Sơn Liêm và một  linh mục bạn, cha Jacinto Gia, đã tranh luận suốt ba ngày với đại diện ba tôn giáo lớn ở nước ta khi đó, là Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo.

Con người bởi đâu mà có ? Sống ở đời để làm gì ? Và chết rồi đi về đâu ? Đó là ba vấn đề lớn của cuộc nhân sinh, đã được đem ra trao đổi trong Hội Đồng Tứ Giáo. Những lời lẽ nhã nhặn và sáng sủa, những phân tích sâu sắc về lịch sử với các trích dẫn chính xác kinh điển của Khổng Tử, Lão Tử và Phật Giáo, đã được ghi lại trong cuốn “Hội Đồng Tứ Giáo” từng tái bản tới 14 lần tại Sài Gòn (1), sẽ mãi mãi nhắc chúng ta nhớ đến cha Vinh Sơn Liêm, tác giả cuốn sách, là người tham gia cuộc trao đổi, và là linh mục Việt Nam tử đạo đầu tiên.

* Vinh Sơn Hòa Bình.
Vinh sơn Phạm Hiếu Liêm mở mắt chào đời năm 1732 tại Thôn Đông, làng Trà Lũ, Phủ Thiên Trường, trấn Sơn Nam Hạ. Thân phụ cậu, ông Antôn Doãn, là một thân hào trong thôn. Thân mẫu cậu, bà Maria Doãn, một người mẹ đạo đức, đã hết mình với việc giáo dục con cái. Năm 12 tuổi, cậu Liêm vào tu trong nhà Đức Chúa Trời ở Lục Thủy. Qua sáu năm học tập, cậu đã tỏ ra là người thông minh đạo đức, nên được các cha đòng Đaminh thời đó đang phụ trách giáo phận Đông Đàng Ngoài để ý. Cha chính Espinnoza Huy đã chọn cậu vào số các thanh niên hưởng học bổng của Tây Ban Nha, gởi đi du học Manila (Phi Luật Tân) tại trường Juan de Letran.
Sau ba năm học thành công xuất sắc, thầy Liêm xin gia nhập dòng Đaminh và lãnh tu phục ngày 09.09.1753. Năm sau, thầy tuyên khấn trọng thể cùng với ba tu sĩ đồng hương (2) và lấy biệt hiệu là VINH SƠN HÒA BÌNH (Vincente de la Paz). Tiếp đó, thầy Vinh Sơn học thêm bốn năm thần học và được thụ phong  linh mục năm 1758.
Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm liền chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày 03.10 năm đó, khi giã từ các giáo hữu và thân hữu để xuống tàu hồi hương, cha không thể giấu nổi niềm xúc cảm với bao lưu luyến những bạn bè quen thuộc trong tám năm qua. Về đến Trung Linh ngày 20. 01.1759, cha đã không cầm nổi nước mắt, vì vui mừng được gặp lại cha chính Huy ra đón tận bến đò, được tái ngộ cùng thân quyến, đồng bào, xóm làng, và nhất là giáo hữu đang nôn nao đón chờ ngày “vinh quy” của vị  linh mục du học hải ngoại.
* Người loan báo Tin Mừng.
Về Việt Nam, trước hết cha Vinh Sơn được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đã đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của  linh mục Vinh Sơn Hòa Bình lại là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em. Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện dấn thân vào cánh đồng truyền giáo. Cha lần lượt đảm nhiệm các xứ Quất Lâm, Lục Thủy, Trung Lễ, Trung Linh, Trung Lao, và từ khi cha Jacinto Gia bị bắt, cha kiêm luôn cả vùng Lai Oån.
Hoạt động tông đồ của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách, nhất là từ thời chúa Trịnh Sâm (1767 - 1782). Tại bất cứ nơi nào, cha cũng luôn nhiệt tình yêu thương, giúp đỡ mọi người, nên ai cũng hết lòng thương mến. Cha khích lệ mọi người thêm can đảm, cha an  ủi những người  buồn sầu, và không nề hà bất cứ điều gì vì lợi ích thiêng liêng của họ.
Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự mãn với chính mình. Trong các thư của cha, ta còn đọc được: “Xin Đức cha và cha bề trên cầu nguyện cùng Chúa cho con, khi dâng lễ và trong kinh nguyện, để mỗi ngày con được hòan thiện hơn, vui lòng đón nhận những khốn khó theo ý Chúa”. Một ông hoàng, em thứ sáu của chúa Trịnh Doanh trước khi từ trần đã lãnh bí tích Thánh tẩy nhờ công của các vị thừa sai, cha Liêm đón nhận tin đó như niềm vui của Giáo Hội Việt Nam, và loan báo cho bề trên Giám tỉnh ở Manila (3).

* Lời chứng giữa công hội.
Năm 1773, cha Vinh Sơn Liêm đang đi giảng cho họ Lương Đống, chuẩn bị mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Các quan nghe tin, liền cho ông Điều Cam đem quân vây bắt cha tại nhà ông Nhiêu Nhuệ ngày 02.10. Sau một trận đòn chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ Matthêu Vũ, Giuse Bích, rồi đem nộp cho Chánh tổng Xích Bích. Viên Chánh tổng giam cha 12 ngày không thấy các tín hữu đưa tiền chuộc, sau đó mới chịu giải lên Phố Hiến nộp cho quan trấn. Ở đây cha Liêm gặp một linh mục cùng dòng, cha Castaneda Gia đã bị giam ở đó. hai anh em sung sướng cùng nhau chia sẻ ngọt bùi trong cảnh tù tội.
Ngày 20.10 quan trấn bắt hai cha mang chiếc gông có ghi bốn chữ “Hoa Lang Đạo Sư”, rồi trao cho quan phủ Thần Khê giải hai  cha và hai cậu giúp lễ về kinh đô Thăng Long, ra mắt chúa Trịnh Sâm. Chính tại đây đã diễn ra Hộ Đồng Tứ Giáo.
Có một quan lớn là chú của chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm. Mẹ của quan lớn, bà Thượng Trâm, quê xứ Hải Dương, vốn có đạo. Nhiều lần bà khuyên con tòng giáo. Quan lớn liền nảy ra sáng kiến triệu tập đại diện bốn tôn giáo để trình bày về đạo của mình. quan nói: “Lòng ta chuộng sự thật muốn biết đạo nào là đạo chính để thờ phượng”. Cuộc trao đổi kéo dài ba ngày, mỗi ngày một vấn đề về nguồn gốc con người, mục đích cuộc đời và đời sau của mỗi người. cha Liêm và cha Gia đại diện đạo Thiên Chúa đã khéo léo trình bày đến nỗi quan lớn phải trầm trồ khen ngợi. Nhưng vì biết Phủ Chúa vẫn cấm đạo, nên quan vẫn ngần ngại chưa theo (4).
Sau đó ít  bữa, hai cha có cơ hội để nói về đạo với Thái Tôn, mẹ của Chúa Trịnh Sâm. Bà vì tò mò, đã cho vời các ngài vào. Không nói rõ nội dung buổi nói chuyện ra sao, nhưng cuối cùng Thái Tôn hỏi: “Nếu chỉ có đạo các thày là đạo thật thì những người không theo đạo ấy, chết rồi đi đâu?”. Cha Liêm đáp: “Bẩm bà, sa hỏa ngục ạ”.(5) Nghe thế, Thái Tôn Dương Hậu đùng đùng nổi giận, bà dùng uy tín ép con là Tĩnh Đô Vương phải xử tử hai vị linh mục. Do đó, ngày 04.11, Tĩnh Đô Vương đã lên án trảm đã lên án trảm quyết hai cha, hai cậu giúp lễ bị kết án lưu đầy, đến khi nộp 100 quan tiền chuộc thì được trả tự do.
Ngày 07.11, hai cha bị đem đi xử, dân chúng đi xem rất đông. Khi đoàn người dừng trước hoàng cung, một viên quan đọc bản án. Theo phong tục thời đó, lúc này vua có thể ân xá cho tội nhân. một viên quan khác lớn tiếng nói: “Hoa Lang Đạo đã bị nghiêm cấm, nhưng cho đến nay, chưa người dân Việt nào bị xử tử vì đạo này (6) nên vua đại xá cho tên Liêm”. Nghe thế cha Liêm vội lên tiếng thưa rằng:
“Cha Gia bị án trảm quyết vì lẽ gì thì cũng phải lên án trảm quyết cho tôi vì lẽ đó. Cha Gia là đạo trưởng, tôi cũng là đạo trưởng. Nếu luật nước không kết án tôi thì cũng không được kết án cha Gia. Vì tôi là công dân nước Việt, lẽ ra tôi phải giữ luật nước hơn  ngài. Nhưng nếu giết  cha Gia, còn tôi lại tha, án của vua không công bằng. Yêu cầu tha thì tha cả hai, giết thì giết cả hai. Thế mới là án công bình”.

Những lời lẽ minh bạch của cha Liêm có thể là phát xuất từ tình nghĩa huynh đệ, không muốn xa lìa người anh em, cũng có thể là lời xin tha cho  linh mục bạn, vì nhiều người chứng kiến cảm động và muốn cả hai cha được tha. Nhưng lời lẽ đó cũng có thể do lòng ao ước muốn dâng hiến chính mạng sống mình để làm chứng cho sự thật.
Dầu sao thì bản án vẫn không thay đổi. Hai vị anh hùng đức tin đã vui mừng đọc kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp trường Đông Mơ. Những nhát gươm định mệnh, chứng tá tuyệt hảo cho Đức Kitô. Thi hài các ngài được rước về an táng tại Trung Linh.
Ngày 20.05.1906 Đức Thánh Cha Piô X suy tôn các ngài lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Riêng thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, nhiều trường học đã nhận ngài làm Bổn Mạng, trong đó có trường cao đẳng Juan de Letran ở Phi Luật Tân. Thánh nhân quả là ánh vinh quang của dân tộc Việt nơi hải ngoại.


1 nhận xét: