Việc dâng hoa tôn kính Mẹ trong
tháng Năm không là một truyền thống riêng gì của người Kitô hữu Việt Nam. Tháng
Năm ở vùng nhiệt đới như Việt Nam và một số nước Á châu khác , hẳn không phải
là tháng của hoa mà phải là tháng của nắng cháy khô cằn, của cỏ khô thì đúng
hơn. Việc dâng hoa kính Đức Mẹ đã bắt nguồn từ truyền thống Tây phương.
Từ nghìn xưa trước Kitô giáo xuất
hiện, người dân Tây phương đã xem tháng Năm là tháng của hoa. Bước vào cao điểm
của mùa xuân, khí hậu dịu mát, đi đâu người ta cũng thấy hoa nở rộ. Hoa dễ gây
cảm xúc và gợi hứng trong lòng người. Thanh niên thiếu nữ thường múa hát và tặng
hoa cho nhau.
Kitô giáo luôn biết thích nghi với
văn hoá của con người. Những yếu tố tự nhiên đây, mặc dù là của các tôn giáo cổ
xưa đã được người Kitô hữu mượn để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Maria, tạo vật
cao cả nhất, đồng thời cũng là người phụ nữ cao quý đẹp đẽ nhất.
Người đầu tiên gắn liền tháng Năm
với hình ảnh Mẹ Maria có lẽ là Anphongsô thứ X, vua vùng Catilia vào khoảng cuối
thế kỷ thứ XIII. Ông đã để lại một tập thơ ca tụng Đức Mẹ, kêu gọi thánh hoá
tháng Năm thành một niềm vui thánh thiện dâng kính Mẹ. Tại Rôma, vào khoảng thế
kỷ thứ XVI, thánh Philipphê Nêri dạy cho các bạn trẻ cách tôn kính Mẹ trong tháng
Năm. Song song với việc kết hoa lên các ảnh tượng của Đức Mẹ, thánh nhân nhắn
nhủ các bạn trẻ không những ca hát để chúc tụng Mẹ, nhưng còn thực thi các hành
vi đạo đức và yêu thương của mình. Đó là những bước khởi đầu trong lịch sử
tháng Năm. Mãi cho đến gần cuối thế kỷ XVII, người ta mới thấy việc tôn kính Đức
Mẹ trong tháng Năm được hệ thống hoá. Tại một tập viện Đaminh nọ bên Italia,
các tu sĩ dâng tháng Năm để tôn kính Mẹ bằng những việc đạo đức đặc biệt. Ban đầu
người ta dành riêng ngày đầu tháng Năm, sau đó là mỗi ngày thứ bảy trong tháng
Năm, để rồi cuối cùng vào khoảng năm 1701, tất cả mọi ngày trong tháng Năm thường
được dâng kính cho Đức Mẹ. Dần dà hình thức tôn kính Mẹ trong tháng Năm được
truyền bá đi khắp Âu châu, Mỹ châu và các xứ truyền giáo.
Tháng Năm vẫn là tháng sốt sắng của
các Kitô hữu nhất là các Kitô hữu Việt Nam. Bầu khí của những gặp gỡ, quang cảnh
của những buổi dâng hoa, đều gợi lên niềm sốt sắng của người Kitô hữu. Con người
là một thực thể duy nhất, nghĩa là gồm có lý trí, tình cảm, những sinh động gắn
liền với ngoại cảnh và thân xác. Giáo Hội vẫn luôn tôn trọng tất cả những thành
phần sáng tạo cao quý của con người. Đó là lý do khiến Giáo Hội luôn cổ võ những
hình thức đạo đức bình dân. Tuy nhiên những hình thức cũng dễ đưa con người đến
chỗ lệch lạc. Một cách cụ thể: nền đạo đức bình dân nào cũng có thể làm cho con
người đánh mất những chiều kích khác trong đức tin, ý nghĩa của phụng vụ, những
đòi hỏi của bác ái, công bình. Trong tông huấn về việc tôn kính Đức Mẹ, Đức cố
Giáo Hoàng Phaolô VI đã đặt lại chỗ đứng của việc tôn kính Đức Mẹ Maria, nghĩa
là việc tôn kính Mẹ Maria phải được đặt vào trong tương quan của mầu nhiệm ơn cứu
rỗi, việc tôn kính Đức Mẹ phải được đi đôi với những mầu nhiệm trong cuộc đời của
Đức Kitô.
Việc tôn kính Mẹ Maria trong
tháng Năm là một truyền thống tốt đẹp, nhưng nhờ Mẹ Maria để đến với Chúa, cùng
đích của mọi việc tôn thờ là chính Chúa. Trong niềm hiếu thảo đối với Mẹ Maria,
người Kitô hữu luôn được mời gọi để không ngừng kết hiệp với Chúa. Bên trên những
biểu dương có tính cách tình cảm, người Kitô hữu luôn được mời gọi để thanh luyện
đức tin của họ, nghĩa là mỗi lúc một đi sâu vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa
qua đời sống Bí tích, cũng như thực hành đức ái. Trong ý hướng ấy người Kitô hữu
không nhìn lên Mẹ Maria như một Nữ Thần, mà là một tín hữu mẫu mực, một người
tín hữu đã tiên phong trong hành trình đức tin.
Sưu Tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét