Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Ngày 22/05/1808-1857 Thánh Micae Hồ Đình Hy Quan thái bộc Tử đạo.


Thánh Micae Hồ Đình Hy Quan thái bộc

Micae Hồ Ðình Hy, Sinh năm 1808 tại Như Lâm, Thừa Thiên, Giáo dân, Quan Thái Bộc, bị xử trảm ngày 22 tháng 5 năm 1857 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn quan Thái bộc Hồ Đình Hy lên bậc Chân Phước ngày 02-05-1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 22-05.
* Bức chân dung sống động.
Đứng trước bức tranh "NÀY LÀ NGƯỜI" (Ecce Homo), diễn tả Đức Giêsu sau cuộc tra tấn được Philatô đem trình diện dân chúng (Ga 19, 5), Thánh nữ Têrêsa thành Avila thuật lại như sau:
"Bức tranh sống động trình bày Đức Giêsu mình đầy thương tích đó đã khiến tôi xúc động ngay khi vừa trông thấy. Tôi thấy mình run lên, vì cảm nhận được những đau khổ Chúa chịu vỉ chúng ta. Tim tôi như rạn nứt vì hối hận những bất trung của tôi đã đả thương ngài. Tôi liền quỳ xuống trước mặt Ngài, nước mắt đần đìa, xin Ngài ban chio tôi sức mạnh một lần cho trọn đời, để từ nay không bao giờ tôi làm phiền lòng Ngài nữa…"
Trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam, bức tranh "NÀY LÀ NGƯỜI" đã được phác họa không phải trên vải, mà là nơi chân dung Quan Thái bộc Hồ Đình Hy mình đầy thương tích, bị dẫn qua khu chợ và quanh thành nội Huế ba ngày, lính mở đường đi trước rao tên và tội "Tả Đạo". Bức chân dung ấy, thánh nhân đã nhận để biểu lộ lòng sám hối và đức tin của mình.
* Là một trung thần.
Micae Hồ Đình Hy sinh năm 1808 tại Nhu Lâm, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình quan chức. Cậu là con út trong số 12 anh chị em. Từ nhỏ, cậu đã theo học các thày đồ nho. Hình như cậu cũng biết đôi chút sinh ngữ Anh, Pháp. Khi ra làm việc, anh là một thơ lại bộ Công. Năm 20 tuổi, anh Hy kết hôn với cô Lucia Tân, sinh hạ được năm người con. Người con cả sau này đi tu, học tại Pénang, rồi sau thụ phong linh mục là cha Thịnh. Dần dần, vì ông Hy thực hiện tốt mọi công tác được giao, nên được thăng lên chức Tham tá, hàm Lục phẩm.
Dưới triều vua Tự Đức, ông lên tới chức Thái bộc, hàm Tam phẩm, đặc trách ngành dệt tơ lụa vải vóc trong cả nước. Uy tín ông ngày càng lớn và được vua tín cẩn. Khi một số quan lại ghen tương, xin truất chức quan Hồ Đình Hy, vua Tự Đức trả lời :
"Không thể truất nhiệm ông ta được, vì ông đã chu toàn trách nhiệm theo lương tâm. Trước đây chưa ai giữ chức ấy được hai năm cả. Cho đến nay, ta chưa có gì phải khiển trách ông ta. Có lẽ ta sẽ tăng lương cho xứng với việc của ông ấy nữa là khác".
Dù làm quan dưới triều vua bách hại đạo, quan Thái bộc không ngại tỏ ra mình là người Công Giáo. Trong nhà, ông đạt bàn thờ Chúa nơi xứng đáng, thắp đèn trưng hoa mỗi ngày. Thế nhưng, khi giao dịch với giới quan lại, ông chịu ảnh hưởng nhiều tật xấu và xa ngã đôi phen : Ông quan hệ với một thiếu nữ trẻ, và sinh được ba người con ngoại hôn. Để chuộc lại lỗi lầm, ông đã rửa tội và đưa chúng về nuôi nấng tử tế như con chính thức của mình. Ông cố gắng làm nhiều việc thiện để đền bù tội lỗi xin Chúa thứ tha. Một hôm, ông tâm sự với bạn bè : "Tôi nghĩ dù có lấy nước của các con sông trên địa cầu, cũng không rửa sạch tội của tôi được. Có lẽ chỉ có thể rửa sạch chúng bằng chính máu của tôi thôi".
Ở đây chúng ta có thể ôn lại một vài mẫu gương sống trong đời ông:
- Có một người bị tố cáo lấy trộm kho lẫm nhà vua. quan Thái bộc can thiệp xin vua Tự Đức ân xá. Người này đến xin tạ ơn vị cứu tinh, và đặt lên bàn một túi tiền lớn. Nhưng ông nói với anh ta rằng : "Cầm tiền và đi ngay, bằng không tôi sẽ giao anh cho công lý bây giờ". Nhiều người nghe chuyện phải thốt lên : "Chưa bao giờ chúng tôi thấy ai tốt như thế". Người được ân xá không ngờ mình đã chạm đến đức thanh liêm của vị ân nhân.
- Một người khác nghiện thuốc phiện bị bệnh trầm trọng, và được giới thiệu đến nhà quan Thái bộc. Quan tiếp đón bệnh nhân rất tận tình, thu xếp cho ở trong căn lều phía sau nhà. Rồi mỗi ngày trước khi tới nhiệm sở và khi về, quan Thái bộc đều ghé thăm hỏi và chăm sóc bệnh nhân. Khi có người trách, ông trả lời rằng : "Phải làm nhiều việc thiện để đền bù tội lỗi chúng ta. Mà đã làm thì đừng máy móc qua lần chiếu lệ, phải làm với thiện ý, có thể mới lập được nhiều công phúc". Và ông cứ tiếp tục săn sóc suốt 15 ngày, cho đến khi người bệnh qua đời. Ông còn tổ chức lễ an táng một cách cẩn thận, chu đáo.
- Trong vùng có một người quá nghèo, nên bán hai bé gái cho một người ngọai giáo. Nghe biết chuyện, quan Hồ Đình Hy bỏ tiền ra chuộc lại hai cháu này đem về rửa tội, và nuôi nấng cho đến khi trưởng thành. Sau đó, với tất cả lòng quảng đại, ông đã đáp ứng theo như ý của hai cô : một người xin đi tu, một người lập gia đình.
      Đức cha Pellerin Phan phụ trách giáo phận Đông Đàng Trong, tỏ ra tín nhiệm ông và trao cho ông trọng trách hỗ trợ các thày giảng ở tỉnh Thừa Thiên; sau đó lại ủy thác cho ông việc coi sóc tài sản và cơ sở truyền giáo trong giáo phận. Với trách vụ mới, ông đã quảng đại đóng góp nhiều tiền của, công sức cho Giáo Hội. Một lần kia, Đức cha đi thăm các giáo hữu, thuyền của Đức cha bị một thuyền khác tông vào. Chủ thuyền lạ này đòi bồi thường, ông Hy liền cởi chiếc áo quý ông đang mặc, trao cho người chủ thuyền đó, dù biết tai nạn này không do lỗi mình gây ra, nhưng vì ông muốn bảo đảm an toàn cho vị Giám mục. 


* Một lòng vì Chúa.
Cuối năm 1856, khi quân Pháp bắn phá cảng Đà Nẵng thì quan Thái bộc Hồ Đình Hy bị bắt. Triều đình lấy cớ ông đã gửi con đi học ở Pénang, nghĩa là có giao thiệp với nước ngoài. Ông bị giam ngay tại Trấn phủ (Huế).
Vua Tự Đức ra lệnh cho quân lính bằng mọi cách bắt ông nhận tội, bắt bước qua Thập Gia và kê khai cac linh mục thừa sai hoặc linh mục Việt Nam, kể cả quân lính có đạo. Ông cương quyết không bỏ đạo, nhưng vì bị tra tấn quá đau đớn, ông lỡ lời nói tên một vài tín hữu. Thực ra, ông nghĩ rằng những người này đã trốn đi nơi khác, nào ngờ "bứt dây động rừng", dựa vào lời ông, triều đình bắt được 29 người. Trong đó tám người xuất giáo, còn 21 người kia kiê trung với đức tin, dù bị khắc trên má chữ "Tả Đạo" và bị lưu đày. Ông cho rằng tất cả bị bắt là bởi mình, nên khóc lóc ân hận, xưng tội xin Chúa thứ tha và kiên quyết dùng chính máu mình để rửa sạch lỗi lầm đó.
Một lần chính vua Tự Đức xét xử và khuyên ông nghĩ lại ít là giả bộ bước qua Thập Giá. Ông thẳng thắn từ chối : "Tâu bệ hạ, đã 30 năm phục vụ dưới ba triều vua, lúc nào hạ thần cũng là người hết lòng yêu nước và tôi trung. Hạ thần cam chịu mọi cực hình để nên giống Đức Kitô, đền bù tội lỗi và chết thánh thiện".
Trở về ngục, ông nói với các bạn : " Tôi thấy đời tôi sắp tận số rồi, chỉ mong sao giữ vững được đức tin đến giờ phút cuốic đời".
* Để nên giống Thầy Chí Thánh.
Ngày 30.04.1857, vua kết án quan Hồ Đình Hy : "Khinh luật nước, theo tả đạo, lại gởi con đi Tân Gia Ba thăm đạo trưởng Oai và bàn chuyện liên lạc với tàu Pháp. Rõ ràng là đứa hai lòng đáng chết nghìn lần. Ta truyền phải chém đầu làm gương".
* Vua còn ghi chi tiết phải xử thế nào:
"Ta hạ lệnh cho năm quan triều đình và 15 binh sĩ dẫn y đi vòng quanh Thành Nội ba ngày. Khi đi ngang qua chợ và nơi công cộng, phải rao tội nó lên cho dân biết… Hơn nữa, tại mỗi ngã ba đường, ta truyền đánh thêm 30 trượng. Sau ba ngày như thế thì chém đầu nó. Có thể bọn Gia Tô sẽ lấy làm tủi nhục mà lo sửa mình".
Tháng 5 năm đó, vào những ngày 15, 18 và 21 quân lính đã thi hành lệnh vua : Dẫn quan Thái bộc qua các nẻo phố Huế, dừng lại đánh đòn ở hai nơi, tổng số 60 trượng mỗi ngày. Một người lính đi trước tuyên bố theo lệnh rằng: "Hồ Đình Hy, kẻ theo tà đạo đứa ngỗ nghịch bất hiếu với mẹ cha, chống lại luật lệ triều đình. Vì thế y bị kết án phải chết. Bọn Gia Tô tin rằng chết vì đạo sẽ được phúc Thiên Đàng. Điều đó đúng hay sai không ai biết. Giêsu của Hồ Đình Hy đâu rồi, sao thấy y khổ mà không đến cứu ?"
Như thế đó, quan Hồ Đình Hy, bức chân dung "NÀY LÀ NGƯỜI" Việt Nam bị lôi qua các đường phố cách thảm thương và tủi nhục. Nhưng quan Thái bộc vẫn kiên nhẫn cho đến cùng, không bỏ đạo. Sáng ngày 22.05, ông bị đưa ra pháp trường. Dân chúng tuôn đến xem rất đông. Dù lương hay giáo, họ bùi ngùi thương tiếc vị quan thanh liêm tốt bụng. Lúc qua cầu An Hòa, ông nói với lính rằng: "Đi xa làm chi, ở đây tôi có nhiều bạn hữu bà con". Thế là thay vì đến cống Đốc Sơ, ông được xử ngay tại đó.
Vì là quan nổi tiếng, lính cũng đành cho ông chút đặc ân cuối cùng : Ông thong thả rửa chân tay, rồi ngồi xếp bằng trên chiếu, bình tĩnh hút hết một điếu thuốc. Sau đó đứng lên, thật bình thản sửa soạn lại đầu tóc y phục cho chỉnh tề, rồi sốt sắng qùy gối cầu nguyện… Hai linh mục Việt Nam ẩn trong đám đông ra dấu tha tội cho ông. Cuối cùng, ông đưa đầu cho lý hình thi hành phận sự. Nước trời đã mở sẵn cửa để đón linh hồn vị chứng nhân anh dũng.
Đức Piô X suy tôn quan Thái bộc Hồ Đình Hy lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Ngày 22/05/ 1840-1862 Thánh Laurensô Ngôn Nông dân Tử đạo.

Thánh Laurensô Ngôn Nông dân

 * Sức mạnh của đức tin.
Hai mươi tuổi đời, người vợ trẻ yêu dấu còn đó, rồi cha mẹ đã bao năm dưỡng nuôi mình nay đang cần người phụng dưỡng.Đó là nỗi ưu tư lớn của Thánh Laurensô Ngôn trong những ngày bị giam. Nhưng cũng trong những chuyện tích của nhiều vị tử đạo khác tại Việt Nam, sự yểm trợ tinh thần của những người thân quảng đại, nhiều khi lại là yếu tố rất quan trọng. Gia đình anh Ngôn đồng ý cho anh đang chốn về thăm nhà, trở lại nhà giam để trình diện. Chính thân mẫu và người vợ hiền mà anh thương mến nhất, cũng đến hiện diện trong giờ hành quyết để khích lệ anh. Một lần nữa, chúng ta được chứng kiến sức mạnh của đức tin: Mạnh hơn bạo lực đàn áp, mạnh hơn mọi mất mát mà tinh thần và mạnh hơn cả sự chết.
* Khôn Ngoan hay dại dột.
Laurensô Ngôn chào đời năm 1840 trong một gia đình đạo dức thuộc xứ Lục Thủy (huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Định), một xứ đạo lâu đời của giáo phận Trung. Song thân là ông Đaminh và bà Maria Thảo. Anh đã lập gia đình và là một gia trưởng gương mẫu yêu thương vợ con. Một lần anh bị bắt và bị buộc chối đạo, có lẽ vì nặng lòng với gia đình, nhưng lại không thể bất trung với Chúa, anh đã hối lộ tiền cho quan để được tự do.
Cuộc bách hại đạo thời vua Tự Đức ngày càng khốc liệt. Chiếu chỉ cấm đạo cuối cùng vua ban hành ngày 05.08.1861 đã gieo rắc biết bao khốn khổ đau thương cho những người dân vô tội. Chiếu chỉ này làm cho hầu như các cơ sở của Giáo Hội bị tàn phá hoặc bị tịch thu. Hầu hết tài sản ruộng đất của người Công Giáo bị cướp bóc đốt phá và phân chia cho người ngoại giáo. Giáo hữu bị thích hai chữ “Tả Đạo” vào má, và cứ năm người ngoại giáo quản lý một tín hữu. Giáo hữu, tu sĩ bị bắt, và đa số bị chết rũ tù hoặc tử đạo, một số chốn lên rừng sâu chết đói hoặc chết bệnh dần dần. Trong lịch sử bách hại của giáo hội hoàn cầu, hiếm có nơi nào bị bách hại vừa tinh vi vừa tàn bạo như thế.
Vào giai đoạn cao điểm này, anh Laurensô Ngôn đã bị quân lính bắt, lần thứ hai ngày 08.09.1861, anh bị giải về phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Trong tù vì lo lắng cho gia đình, anh tìm cách trốn về để trấn an và khuyến khích cha mẹ, vợ con bền chí trung thành với đức tin, rồi anh trở lại trại giam. Quan truyền lệnh đóng gông và giải anh sang nhà giam An Xá, thuộc huyện Đông Quan.
Trong ngục tù, anh Ngôn chịu nhiều khổ nhục vì danh Thầy Chí Thánh. Thế mà anh vẫn chưa lấy làm đủ, anh còn ăn chay mỗi tuần ba lần, và anh thường hối tiếc ăn năn mỗi khi hồi tưởng những lầm lỗi trước đây. Ngoài ra, anh Ngôn luôn an ủi khích lệ các bạn tù can đảm chấp nhận mọi cực hình, đừng bao giờ xúc phạm đến Thiên Chúa. Lời anh còn được các bạn tù nhắc nhở: “Chúng ta hãy bền vững kiên trì, dù bị đòn đánh tra tấn giã man. Chúng ta hãy lo lắng sợ hãi khi nghĩ tới tội chà đạp Thánh Giá.”
Lần kia quan án gọi anh và dụ dỗ: “Anh còn trai trẻ, sao lại dại dột muốn chết ? Hãy bước qua Thập Tự, anh sẽ được trả về với gia đình”. Anh ngôn trả lời: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thập Giá là phương thế Thiên Chúa đã dùng để cứu độ nhân loại, tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Nếu quan cho tôi sống tôi cám ơn quan, còn không, tôi sẵn sàng vui lòng chịu chết vì đức tin vào Chúa tôi”.
Trong một cuộc tra tấn khác, khi quân lính tìm cách bắt anh chà đạp lên Thánh Giá thì lúc đó anh lại qùy phục xuống và kính cẩn cúi lạy Thánh Giá. Thái độ trung tín, hiên ngang đó khiến các quan càng tức giận, họ đã lên án trảm quyết anh.


* Vinh hiển vĩnh hằng.
Tám tháng rưỡi sau ngày bị bắt, người tôi trung Laurensô Ngôn đã được diễm phúc đổ máu ra vì danh Đấng đã hy sinh mạng sống cho anh cùng toàn thể nhân loại. Trước sự chứng kiến của hai người thân nhất: thân mẫu và người vợ hiền, anh Ngôn đã hiên ngang bước ra pháp trường An Triêm (Nam Định) lãnh phúc tử đạo ngày 22.05.1862.
Tại kinh thành Muôn Thuở Vatican, trong Vương Cung Thánh Đường Phêrô, ngày 29.04.1951, người thanh niên can trường Laurensô Ngôn đã được vị đại diện Đức Kitô dưới trần gian, Đức Thánh Cha Piô XII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
“Ước gì những người chịu đau khổ vì nghèo khó tật nguyền, đau yếu và người thử thách khác: chịu bách hại vì công chính, cũng biết kết hợp cách đặc biệt với Chúa Kitô, Đấng đã chịu đau khổ để cứu chuộc thế giới. Vì Chúa đã tuyên bố họ là người có phúc, và vì Thiên Chúa của mọi người ơn phúc, Đấng đã kêu gọi chúng ta đến sự vinh hiển muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô, sau khi chúng ta chịu khổ trong thời gian ngắn. Chính ngài sẽ làm cho chúng ta hoàn hảo, vững chắc và mạnh mẽ (1Pr 5,10)”.(Hiến chế giáo hội, số 41).
Đúng 100 năm sau cái chết kiên cường của người thanh niên trẻ trung: Laurensô Ngôn, lời huấn dạy của công đồng chung Vatican II như đã lập lại chính những gì mà anh Ngôn cùng bao vị tử đạo thời đại anh đã thể hiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét