Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Thứ Tư Tuần III Mùa Chay Mt 5,17-19


Lời Chúa: Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là kẻ lớn.
TUNG HÔ TIN MỪNG
Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống. Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời.
Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp,
chiếu cỉ luật điều cho Ít-ra-en.
Chúa không đối xử với dân nào như vậy,
không cho họ biết những điều luật của Người.


 Ngày 11/03-1810-1859- Thánh Đaminh Cẩm Linh mục dòng ba Đaminh Tử đạo
Ðaminh Cẩm, là một linh mục Dòng Ba Ða Minh, sinh tại Cẩm Chương, thuộc xứ Kẻ Roi, Bắc Ninh; Hiện tại chưa tìm được tài liệu nào liên quan đến năm sinh của Ngài, chết ngày 03 tháng 03 năm 1859 tại Hưng Yên. Ngày 29-04-1951, Đức Piô XII suy tôn cha Đaminh Cẩm cùng với 24 vị tử đạo khác lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính ngày 11/03
* Trên đường nhiệm vụ.
Đi bất cứ nơi nào khi trách vụ đòi hỏi. Đó phải chăng là kỷ luật một người lính ?- như vậy thì cha Cẩm đích thực là một người lính của Chúa Kitô, chiến đấu cho tình thương. Đó phải chăng là đức tính của một người tôi trung ?- Cha Cẩm cũng đúng thực là một người đầy tớ khôn ngoan và trung thành "đúng giờ phân phối thóc gạo cho gia nhân", và luôn "cầm đèn sáng chờ đợi chủ về".
Đi bất cứ nơi nào khi trách vụ đòi hỏi. Điều đó có vẻ đơn giản quá, bình thường quá, chưa có nét gì là một cuộc ra đi "vĩ đại", một cuộc lên đường đảo lộn cuộc đời. Thế nhưng nó vẫn là một cuộc lên đường thực sự trong từng công việc bình thường, và nếu như cái vẻ bề ngoài của một cuộc lên đường còn chưa bộc lộ hết tấm lòng cương quyết, trung kiên của một người lính, một người tôi trung thì trong cuộc đời cha Cẩm, chính cái chết, phải, chính cái chết đã làm trọn tất cả, bộc lộ được những gì cao đẹp nhất của những lần lên đường. Vì thật ra nó chỉ là một cuộc lên đường duy nhất về Nhà Cha.
* Linh mục nhiệt thành.
Đaminh Cẩm sinh tại làng Cẩm Giàng (hay Cẩm Chương), xứ Kẻ Roi, tỉnh Bắc Ninh (nay là Hà Bắc, gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang). Vì thông minh sắc xảo từ nhỏ, nên cậu Đaminh Cẩm được thu nhận vào nhà Chúa. Sau khi mãn khóa thần học, thầy Cẩm được lãnh chức linh mục. Vị linh mục trẻ trung này chẳng bao lâu đã xin gia nhập dòng ba Đaminh. Cha rất nhiệt thành với việc tông đồ, và được bề trên cũng như mọi người quý mến.
Năm 1848, khi tòa thánh chia giáo phận Đông Đàng Ngoài thành hai giáo phận Đông (Hải Phòng) và Trung (Bùi Chu) thì cha Đaminh Cẩm tuy sinh quán Bắc Ninh (thuộc giáo phận Đông), lại được cử phục vụ ở giáo phận Trung có số tín hữu đông gấp ba lần. Tại đây khi cuộc bách hại trở nên gay gắt, vì lợi ích của giáo dân cha phải lẩn trốn hết nơi này đến nơi khác. Nhưng mỗi khi trách nhiệm mục vụ đòi hỏi cha Cẩm luôn sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, dù có nguy cơ bị bắt bớ.
Đầu năm 1859, khi cha về Hà Lan ẩn náu, một người phát hiện ra cha và tố cáo với quan (lúc này người nào khai báo các thừa sai hay linh mục, đều được thưởng tiền bạc chức tước). Do đó quan quân đến vây bắt cha tại Hà Lan ngày 21-01-1859 và giải cha về Hưng Yên.
Trước mặt quan tổng đốc, cha Đaminh Cẩm khẳng khái nhận mình là linh mục Công Giáo và sẵn sàng chấp nhận mọi hình khổ, chư không bao giờ chà đạp Thánh Giá. Sau nhiều lần khuyến dụ và đe dọa nhưng không kết quả, quan Tổng Đốc ra lệnh nhốt cha vào cũi chật hẹp ròng rã mấy tháng trời.
* Hào quang thiên quốc.
Trong thời gian bị giam, tư cách và đức độ của cha Cẩm đã khiến quân lính cảm kích, nên họ dễ dãi cho phép nhiều giáo hữu lui tới thăm viếng cha. Noi gương thánh Phaolô Tông Đồ, cha nhân cơ hội này tiếp tục giảng Tin Mừng và khuyên nhủ mọi người trung thành giữ vững đức tin, hết lòng đặt trọn niềm cậy trông nơi Chúa. Nhờ các giáo hữu liên lạc, nhiều lần cha đã viết thư cho vị giám mục giáo phận, đức cha Valentinô Vinh, bày tỏ lòng trung kiên với Đức Kitô và mong mỏi khao khát được phúc tử đạo. Đức cha cho linh mục Hương vào thăm và giải tội cho cha Cẩm ngày 30-01.
Khi nhận được tin kết án trảm quyết, cha Đminh Cẩm tỏ vẻ hân hoan vui mừng. Trên đường đến pháp trường cha hiên ngang như một chiến sĩ khải hoàn. Bà Maria Huệ, một giáo dân hiện diện trong giờ hành quyết đã làm chứng : "Khi tới nơi xử cha cầu nguyện một lát, rối vui vẻ làm hiệu cho lý hình thi hành phận sự".
Quân lính vung gươm chém cha ba nhát mà đầu vẫn chưa đứt. Họ phải cứa đi cứa lại nhiều lần, đầu cha mới lìa khỏi thân. Hôm đó là ngày 11-03-1859. Thi thể sau được rước về an táng ở Cẩm Chương là nguyên quán của vị tử đạo.
Ngày 29-04-1951, Đức Piô XII suy tôn cha Đaminh Cẩm cùng với 24 vị tử đạo khác lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Ngày 11/03 – Thánh Gioan Ogilvie, Linh mục Tử đạo (khoảng năm 1579-1615)
John Ogilvie thuộc gia đình quý tộc ở Scotland, có người theo Công giáo và có người theo Giáo hội Trưởng lão (Presbyterian). Ngài sinh gần Keith, thuộc Banfshire, Scotland. Người cha giáo dục ngài theo Tin lành cải cách (Calvinist), gởi ngài tới lục địa để học. Ở đó ngài quan tâm những cuộc tranh luận sôi nổi giữa các học giả Công giáo và Tin lành cải cách. Bị lẫn lộn vì các cách tranh luận của các học giả Công giáo, ngài quay sang Kinh thánh. Hai câu khiến ngài đặc biệt ấn tượng là: “Thiên Chúa tiền đinh mọi người được cứu độ và hiểu biết chân lý”, và “Hãy đến với Tôi, hỡi những ai yếu nhược và gánh nặng, Tôi sẽ bổ sức cho”.
Dần dần, ngài thấy rằng Giáo hội Công giáo có thể ôm choàng mọi loại người. Trong số đó, như ngài ghi chú, có nhiều vị tử đạo. Ngài quyết định gia nhập Công giáo và được rửa tội tại Louvain, Bỉ, năm 1596, lúc ngài 17 tuổi. Ngài tiếp tục nghiên cứu, trước tiên với các tu sĩ dòng Biển đức, rồi là sinh viên Học viện dòng Tên tại Olmutz. Ngài nhập dòng Tên ở Brunn, và 10 năm kế tiếp được đào tạo nghiêm khắc về tâm linh và trí tuệ. Ngài thụ phong linh mục tại Pháp năm 1610, ngài gặp 2 tu sĩ dòng Tên trở về từ nhà tù ở Scotland. Họ hy vọng làm việc thành công ở đó để thấy sự chặt chẽ luật lệ. Nhưng ngọn lửa bừng lên trong lòng ngài. Hai năm rưỡi tiếp theo, ngài nhận truyền giáo ở đó.
Được bề trên sai đi, ngài bí mật vào Scotland giả làm người buôn ngựa hoặc lính từ chiến trường Âu châu trở về. Không thể làm những việc lớn trong số ít người Công giáo ở Scotland, ngài trở lại Paris xin ý kiến bề trên. Bị quở trách vì bỏ nhiệm vụ ở Scotland, ngài lại lên đường. Ngài hăng hái làm nhiệm vụ, đạt một số thành công trong việc làm người ta trở lại đạo và phục vụ giáo dân ở Scotland. Nhưng không bao lâu thì ngài bị phản bội, bị bắt và bị đưa ra tòa án.
Ngài tiếp tục bị xử và phải nhịn đói 26 giờ. Ngài bị tù và bị mất ngủ. Suốt 8 ngày đêm ngài bị lôi đi khắp nơi, bị đâm bằng gậy, bị giật tóc. Nhưng ngài vẫn không tiết lộ danh tánh các Kitô hữu hoặc cho biết công việc tâm linh. Ngài bị xử 3 lần nhưng ngài vẫn trước sau như một. Trong lần xử cuối cùng, ngài quả quyết với tòa án: “Theo ý nhà vua, tôi sẽ phải tuân lệnh; nếu có ai tấn công nhà vua, tôi sẽ chịu chết thay. Nhưng mọi thứ thuộc quyền xét xử tâm linh mà nhà vua bất công thì tôi không thể tuân lệnh”.
Ngài bị kết án tử vì bị coi là phản bội. Ngài giữ vững đức tin tới cùng, dù nằm trên giàn thiêu (scaffold) ngài vẫn không nao núng. Lòng can đảm của ngài ở trong tù và sự tử đạo của ngài được lan truyền khắp Scotland. Ngài được ĐGH Piô XI phong chân phước ngày 22/12/1929, và được ĐGH Phaolô VI phong thánh năm 1976 khi có phép lạ: Gioan Fagan, dân lao động tại Easterhouse ở Glasgow, sùng kính chân phước Gioan Ogilvie và được khỏi bệnh ung thư một cách kỳ lạ. Ngài là người Scotland đầu tiên được phong thánh kể từ năm 1250.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét