Lời Chúa: Thiên Chúa
sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.
Khi ấy, Đức
Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong
sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì
được sống muôn đời.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban
Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.
Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế
gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của
Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không
tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế
gian, nhưng người ta ưa chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu
xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để
các việc họ làm khỏi bị chê trách. Những kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh
sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên
Chúa.”
SUY NIỆM & CẦU
NGUYỆN
Bài
Tin Mừng hôm nay, trích từ cuộc trao đổi của Chúa Giêsu với ông Ni-cô-đê-mô
trong sách Tin Mừng và trong trích đoạn này, Thánh Gioan giới thiệu với chúng
ta. Chúa Giêsu trong tư thế là Đấng Mêsia đã được giương cao. Người chính là
nguồn mạch sự sống và tình yêu là kim chỉ nam mà chúng ta phải theo, để đạt tới
sự viên mãn đích thật của đời sống người Ki-tô hữu.
Vâng, lời Chúa luôn nhắc nhỡ chúng ta: “
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người
thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Đây là một lời chân lý khẳng định
rất quan trọng, nhắc nhỡ cho ông Ni-cô-đê-mô và cho cả chúng ta nữa.
Với hai hình ảnh con rắn bị treo lên và
hình ảnh Đấng Cứu Thế chịu đóng đinh, cho chúng ta thấy rõ tính liên hệ không
gián đoạn giữa Cựu Ước và Tân Ước trong nhiệm cục Cứu Độ của Thiên Chúa. Cựu Ước
chuẩn bị cho Tân Ước và Tân Ước làm cho Cựu Ước được ứng nghiệm và hoàn thành.
Cả hai đều nhắm đến một mục đích duy nhất của Thiên Chúa, đó là muốn cho loài
người được Cứu Độ. Chân lý này mang lại cho chúng ta niềm tin, niềm hy vọng và
niềm vui vì được Thiên Chúa đoái thương giải thoát, và Thánh
Giá là con đường tiến đến vinh quang, ai né tránh Thánh Giá thì không thể bước
vào vinh quang phục sinh. Đây cũng chính là con đường mà mỗi người Ki-tô hữu chúng
ta phải đi qua, nếu chúng ta muốn được bước vào cõi vinh quang với Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mọi người
chúng con hiểu được tình thương của Chúa, nhờ đó chúng con biết yêu mến thập
giá vì thập giá là nguồn Ơn Cứu Độ của chúng con. Amen
Ngày 15/03 – Thánh
Louise Marillac (qua đời năm 1660)
Louise sinh gần Meux,
Pháp, mồ côi mẹ từ nhỏ, mồ côi cha khi bà mới 15 tuổi. Ước muốn đi tu của bà được
linh mục giải tội khuyến khích, nhưng một cuộc hôn nhân được sắp xếp. Một cậu
con trai được sinh ra từ cuộc hôn nhân này. Bà chăm sóc người chồng bị bệnh
trong một thời gian dài, rồi người chồng qua đời.
Louise may mắn có một
nhà tư vấn khôn ngoan và cảm thông là thánh Phanxicô Salê, và một người bạn
giám mục giáo phận Belley, Pháp. Hai vị này chỉ có thể gặp bà theo định kỳ. Nhờ
ơn soi sáng, bà hiểu rằng bà sẽ đảm trách công việc quan trọng theo sự hướng dẫn
của một người khác mà bà chưa gặp. Đó là linh mục thánh thiện M. Vinh sơn, sau
đó trở thành thánh Vinh sơn Phaolô.
Mới đầu, linh mục Vinh
sơn miễn cưỡng là linh mục giải tội cho Louise, do ngài bận rộn với hội Huynh đệ
Bác ái (Confraternities of Charity). Thành viên là các phụ nữ quý tộc làm bác
ái giúp ngài chăm sóc người nghèo những trẻ em bị bỏ rơi, đó là nhu cầu thực tế
thời đó. Nhưng các phụ nữ bận rộn với nhiều mối bận tâm và nhiệm vụ. Công việc
của ngài cần nhiều người giúp đỡ, nhất là chính những dân nghèo gần gũi với người
nghèo và có thể chiếm được cảm tình của họ. Ngài cũng cần người dạy dỗ và tổ chức.
Sau một thời gian dài,
khi thánh Vinh sơn Phaolô quen với Louise, ngài nhận thấy bà là lời đáp lại cho
lời cầu nguyện của ngài. Bà thông minh, khiêm tốn và có sức khỏe, nhưng sự chịu
đựng khiến bà thường xuyên đau yếu. Bà thuyết phục ba phụ nữ trẻ khác gia nhập.
Bà thuê nhà ở Paris làm nơi đào tạo những người tình nguyện phục vụ người nghèo
và bệnh nhân. Nhóm phát triển nhanh và cần có quy luật sống,
điều mà chính Louise,
theo sự hướng dẫn của cha Vinh sơn, đã phác họa cho nhóm Tỷ muội Bác ái của
thánh Vinh sơn Phaolô (Sisters of Charity of St. Vincent de Paul) – ngày nay gọi
là dòng Nữ tử Bác ái (Daughters of Charity).
LM Vinh sơn luôn cẩn trọng
trong việc giao tiếp với Louise và lập nhóm mới. Ngài nói ngài không bao giờ
nghĩ tới việc thành lập một cộng đoàn mới, Thiên Chúa đã làm mọi sự. Ngài nói:
“Tu viện của chị em sẽ là nhà của người bệnh, phòng của chị em là phòng cho mượn,
nhà nguyện của chị em là nhà thờ giáo xứ, hành lang của chị em là những con đường
chung hoặc phòng bệnh viện”. Tu phục của họ là quần áo của dân nghèo. Không phải
đến những năm sau thánh Vinh sơn Phaolô mới cho phép bốn phụ nữ kia mỗi năm cho
khấn đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Vẫn còn nhiều năm trước khi cộng
đoàn chính thức được Tòa thánh phê chuẩn và được đặt dưới sự hướng dẫn của hội
đồng linh mục của thánh Vinh sơn.
Nhiều phụ nữ trẻ không
biết chữ nhưng cộng đoàn mới vẫn phải chăm sóc trẻ em cơ nhỡ. Louise bận rộn với
việc giúp đỡ khi có ai cần dù sức khỏe bà đã yếu. Bà đi khắp nước Pháp, thành lập
các nhóm trong bệnh viện, viện mồ côi và các cơ sở khác. Bà qua đời ngày
15/3/1660, hội dòng có hơn 40 nhà ở Pháp. Sáu tháng sau khi Louise mất, thánh
Vinh sơn Phaolô qua đời. Louise Marillac được phong thánh năm 1934 và được tôn
phong làm bổn mạng những người hoạt động xã hội năm 1960.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét