Lời Chúa: Chúc tụng Đấng
ngự đến nhân danh Đức Chúa.
Khi Đức Giêsu và các môn đệ đến gần
thành Giêrusalem, gần làng Bếtphaghê và Bêtania, bên triền núi Ôliu, Người sai
hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy
ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra
và đem nó về đây. Nếu có ai bảo: "Tại sao các anh làm như vậy?", thì
cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay." Các ông ra đi và
thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa
ra. Mấy người đứng đó nói với các ông: "Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy?"
Hai ông trả lời như Đức Giêsu đã dặn. Và họ để mặc các ông. Hai ông đem con lừa
về cho Đức Giêsu, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giêsu cỡi
lên. Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt
nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy:
"Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại
đang tới, triều đại vua Đavít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!"
SUY NIỆM & CẦU
NGUYỆN
Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta mở đầu
Tuần Thánh bằng việc lặp lại lời tung hô và sự hân hoan của đám đông người Do-thái
ngày xưa, khi thấy Chúa Giêsu ngồi trên lưng lừa con mà tiến vào Giêrusalem. Giữa
tiếng reo hò của dân chúng và chắc chắn sẽ không phải là một ý chí hùng cường với
một chương trình hành động uy quyền, mà là tâm tình vâng phục trọn vẹn trong mầu
nhiệm hiến dâng, như thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà
không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã
hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống
như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây thập tự”
Thế
là Chúa Giêsu cho thấy điều quan trọng hơn hết, đó là Ngài làm vua trong cõi
lòng của họ và muốn chiếm hữu tâm hồn của họ. Hiệu quả mà Ngài đem đến, đó là sự
bình an. Chúa cưỡi trên lưng lừa con, đó là dấu chỉ của vua hoà bình. Cả cuộc đời
trần thế của Chúa đã chứng minh điều ấy. Thay vì bạo động, Ngài đã dùng phương
pháp tốt đẹp nhất đó là tình yêu nhân từ của Ngài, và chúng ta phải hiểu lý do
tại sao Phụng vụ Lễ Lá được bắt đầu bằng việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem trong vinh quang, rồi được tiếp nối bằng việc công bố bài thương
khó. Để thấy rõ hơn chân dung của vị vua hòa bình. Để thấy rõ hơn ý nghĩa của sự
nhiệt thành, không phải thứ nhiệt thành của bạo lực nhằm xây dựng một vương quốc
trần thế, nhưng là sự nhiệt thành của Thập Giá, nhiệt thành của tình yêu tự hiến
trọn vẹn mạng sống mình. “ Vì Yêu Thương nhân loại”.
Lạy Chúa Giêsu, trong tuần lễ này, toàn
thể Giáo Hội chúng con lặng lẽ dõi bước theo Chúa đi vào con đường khổ nạn. Âm
thầm nhìn Chúa bị treo trên đồi cao, chỉ vì hạnh phúc của chúng con. Ôi một tuần
lễ hồng phúc. Xin cho chúng con sống trọn tuần này với lòng cảm mến nồng nàn,
lòng biết ơn sâu xa. Xin cho chúng con luôn trung thành và đặt niềm tin tuyệt đối
vào Chúa. Chúa đã sống vì yêu, chết vì yêu và chỉ trong tình yêu mới tạo sức sống
cho cuộc đời. Amen.
Ngày 29/03 – Chân phước
Luđôvicô Casoria, Linh mục (1814-1885)
Ngài sinh tại Casoria
(gần Naples), Arcangelo Palmentieri là thợ làm đồ gỗ mỹ thuật (cabinet-maker)
trước khi vào dòng Phanxicô năm 1832 và có tên dòng là Luđôvicô. Ngài thụ phong
linh mục 5 năm sau, ngài dạy hóa học, vật lý và toán cho các tu sĩ trẻ trong tỉnh
dòng vài năm.
Năm 1847, ngài có trải
nghiệm thần bí mà sau đó ngài mô tả là “tẩy sạch”. Sau đó ngài dành cuộc đời
mình cho người nghèo và người yếu đuối, mở pòng thuốc (dispensary) cho người
nghèo, mở 2 trường học cho trẻ em Phi châu, mở một trường cho trẻ em quý tộc, mở
viện mồ côi, mở trường cho người câm điếc, mở trường cho người mù, mở nhà người
lớn tuổi và lữ khách. Ngoài một bệnh viện cho các tu sĩ trong tỉnh dòng, ngài
còn mở các viện từ thiện ở Naples, Florence và Assisi. Có lần ngài nói: “Tình
yêu Chúa Kitô đã chạm đến trái tim tôi” (Christ’s love has wounded my heart).
Tình yêu đó đã thúc đẩy ngài làm những việc bác ái lớn lao.
Để tiếp tục công việc
bác ái, ngài thành lập Dòng Huynh Đệ Xám (Gray Brothers) năm 1859, đó là cộng
đoàn tu gồm những người trước đây thuộc Dòng Phanxicô Đời (Secular Franciscan
Order). Sau 3 năm, ngài thành lập Dòng Tỷ Muội Xám Thánh Êlizabet (Gray Sisters
of St. Elizabeth) với cùng mục đích như vậy.
Trong 9 năm bệnh cuối đời,
ngài viết di chúc tâm linh mô tả đức tin là “ánh sáng trong bóng tối, giúp đỡ
người bệnh hoạn, chúc lành cho người khổ tâm lao tứ, thiên đàng khi bị đóng
đinh và sự sống giữa sự chết”. Việc mở án phong chân phước cho ngài bắt đầu sau
khi ngài qua đời được 5 tháng. Ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong chân phước
năm 1993.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét