Lời Chúa: Mời ông ở lại với chúng tôi, vì
trời đã xế chiều.
Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người
trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng
mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.
Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi
với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ :
"Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?" Họ dừng lại,
vẻ mặt buồn rầu.
Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả
lời : "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay
biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay." Đức Giê-su hỏi :
"Chuyện gì vậy ?" Họ thưa : "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người
là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa
và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ
lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người
vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ
cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.
Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc.
Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy
xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.
Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ;
còn chính Người thì họ không thấy."
Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng :
"Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các
ngôn sứ ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào
trong vinh quang của Người sao ? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ,
Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách
Thánh.
Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su
làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng : "Mời ông ở lại với
chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và
ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ
ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.
Họ mới bảo nhau : "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh
Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?"
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại
Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người
này bảo hai ông : "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông
Si-môn." Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc
mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
Bài Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật
lại biến cố, Chúa Giêsu Phục Sinh hiện diện và đồng hành với hai môn đệ trên đường
Emmau. Các ông đang buồn phiền biến cố Tử Nạn của Chúa Giêsu và tìm cách rời bỏ
Giêrusalem, nhưng Chúa Giêsu đã đến với các ông trong cảnh chán chường và tuyệt
vọng. Bằng cách cùng đi với các ông, lắng nghe các ông nói, rồi Chúa dùng Kinh
Thánh soi dẫn làm cho các ông dần dần bừng sáng và cuối cùng Chúa đã tỏ mình
cho các ông thấy qua việc bẻ bánh, mắt các ông mở ra và nhận biết Chúa Giêsu. Các
ông trỗi dậy, lên đường trở về Giêrusalem, để vui mừng Chúa đã Phục Sinh và kể
lại việc các ông đã gặp Chúa.
Đời sống chúng ta không thiếu những giờ
phút khó khăn, cuộc đời đầy thử thách, nhiều lúc đẩy chúng ta vào hố thẳm tuyệt
vọng, chúng ta hãy học bài học Chúa dạy cho các môn đệ trên đường Emmau. Hãy biết
nhìn các biến cố trong cuộc đời bằng con mắt đức tin, ánh sáng đức tin sẽ thắp
sáng niềm hy vọng, hãy biết nghe. Đọc và suy gẫm Lời Chúa, hãy tìm bóng dáng
Chúa xuyên qua các hàng chữ, hãy mở rộng tâm hồn đón nhận Lời Chúa. Vì lời Chúa
là đèn soi cho con bước, để gieo vào lòng chúng ta mầm hy vọng xanh tươi và sau
cùng hãy đến với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa là niềm
hy vọng của chúng con. Xin cho chúng con nhận ra dấu chân của Đấng Phục Sinh
thăm viếng, để Chúa đem lại cho chúng con ơn bình an niềm vui và sức sống mới. Amen.
Ngày 16/04 – Thánh
Bernadette Soubirous, Trinh nữ (1844-1879)
Bernadette Soubirous sinh năm 1844, là con cả
trong một gia đình người thợ phay rất nghèo ở Lộ Đức (Lourdes), thuộc miền Nam
Pháp quốc. Gia đình sống ở tầng hầm một khu nhà tồi tàn. Ngày 11/02/1858, Đức
Mẹ hiện ra với Bernadette ở một hang động trên bờ sông Gave gần Lộ Đức.
Bernadette lúc đó 14 tuổi, là một cô bé đạo đức nhưng học hành chậm
hiểu nên vẫn chưa được rước lễ lần đầu. Sức khỏe yếu vì Bernadette bị hen
suyễn từ nhỏ.
Đức Mẹ hiện ra với Bernadette cả thảy 18 lần.
Lần cuối cùng vào chính ngày lễ Đức Mẹ Camêlô (Our Lady of Mt. Carmel), ngày
16/07. Người ta nghi ngờ điều Bernadette kể lại, nhưng thị kiến hàng ngày của
Bernadette về một “phụ nữ” đã làm cho rất nhiều người tò mò. Bernadette giải
thích rằng Đức Mẹ đã dạy cô bé xin xây một nhà nguyện ở ngay chỗ Đức Mẹ hiện
ra. Có nhiều người đến rửa và uống nước ở chính nơi mà Bernadette được hướng
dẫn nhờ người đào. Theo Bernadette, Đức Mẹ là một cô gái khoảng 16-17 tuổi, mặc
áo dài trắng có dây thắt lưng xanh (blue sash), ở chân có những hoa hồng vàng,
tay phải có tràng hạt lớn. Ngày 25/03, Đức Mẹ nói với Bernadette: “Ta
là Mẹ Vô Nhiễm” (I am the Immaculate Conception). Khi đó Bernadette
mới nhận ra đó là Đức Mẹ.
Vài lần thị kiến được kiểm tra kỹ lưỡng xem có
thật là Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra hay không. Lộ đức là một trong những nơi nổi tiếng
nhất về Đền thờ Mẹ Maria, thu hút hàng triệu khách hành hương mỗi năm. Nhiều
phép lạ được ghi nhận tại đền thờ này và dòng nước ở đó. Sau khi điều tra kỹ
lưỡng, năm 1862 Giáo hội đã xác nhận việc Đức Mẹ hiện ra.
Khi sinh thời, Bernadette chịu khổ nhiều vì bị
người ta khinh bỉ và lùng sục đến nỗi các nữ tu phải bảo vệ trong tu viện. Năm
năm sau, Bernadette xin vào Dòng Đức Bà (Notre Dame). Sau một thời gian bị
bệnh, Bernadette lại có thể đến Lourdes và vào nhà tập. Nhưng mới
được 04 tháng, Bernadette đã được nhận các nghi lễ của Giáo hội và được tuyên
khấn. Bernadette trở thành y tá tôn giáo (infirmarian) và người giữ đồ thánh
(sacristan). Nhưng sức khỏe yếu vì bệnh mãn tính, Bernadette qua đời ngày 16/04/1879,
lúc 35 tuổi, và được phong thánh năm 1933.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét