Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

Chúa Nhật XXIV Thường Niên Năm C.

Lời chúa: Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.
     Khi ấy, tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Đức Giê-su mà nghe Người giảng. Những người phái Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
     “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”  Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.

     “Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.” Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
     Bài Tin Mừng hôm nay làm nổi bật hình ảnh Lòng Thương Xót Chúa. Lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận, Chúa thương xót hết mọi người. Nhưng trong dụ ngôn: "Con chiên lạc" và "Đồng bạc bị đánh mất" cụ thể hơn cả là dụ ngôn "Người cha nhân hậu" thể hiện niềm vui viên mãn tràn đầy. Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay là chung vui, thì dụ ngôn Người cha nhân hậu là phải vui mừng và ăn tiệc sự trở về của người con. Nên người tội lỗi trở về, Chúa Cha đãi tiệc ăn mừng và chúng ta không thể vui mừng sao được. Khi có một Thiên Chúa là Cha Đấng Giàu Lòng Thương Xót, rất mực yêu thương chúng ta đến thế.
     Đúng thế, Thiên Chúa yêu thương hết mọi người, không trừ một ai, không bỏ bất cứ con người nào, dù người đó xấu xa tội lỗi đến đâu. Tuy nhiên họ không hiểu được tâm trạng và cõi lòng của Thiên Chúa, như chính Ngài đã diễn tả khẳng định một cách rõ ràng và minh bạch, chính Ta là vị thầy thuốc mà các tâm hồn ốm đau đang chờ và chỉ có bệnh nhân mới cần đến thầy thuốc. Hơn thế nữa, Chúa còn kêu gọi con người tội lỗi ăn năn trở về, lời kêu gọi đó luôn được nhắc đi nhắc lại trong Cựu ước và đã tiếp tục vang dội một cách mạnh mẽ trong Tân ước qua những lời giảng dạy của Chúa Giêsu.
     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Ước gì cho mỗi người chúng con biết nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa. Để biết ăn năn sám hối trở về với Chúa và phải biết sống tình yêu thương với anh chị em của mình, để xứng đáng là môn đệ của Chúa.  Amen.

Ngày 11/09 –Thánh Cyprianô, Giám mục (qua đời năm 258)
Cyprianô là người quan trọng trong việc phát triển và thực hành tư tưởng Kitô giáo, nhất là tại Bắc Phi.
Ngài học cao hiểu rộng, có tài hùng biện, gia nhập Kitô giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát của cải cho người nghèo, làm mọi người ngạc nhiên bằng cách khấn sống khiết tịnh trước khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Trong vòng 2 năm, ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm giám mục giáo phậnCarthage (gần Tunis ngày nay), dù ngài không muốn.
Ngài than phiền rằng sự bình an của Giáo hội đã làm suy yếu tinh thần của nhiều Kitô hữu và đã khiến cho các tân tòng không có niềm tin thực sự. Khi cuộc bách hại bắt đầu, nhiều Kitô hữu dễ dàng bỏ Giáo hội. Điều đó tạo ra những cuộc tranh luận lớn hồi thế kỷ III, giúp Giáo hội hiểu về bí tích Hòa giải. Novatus, một linh mục phản đối việc bầu chọn giám mục Cyprianô, đã nổi dậy khi vắng mặt ĐGM Cyprianô (ngài ẩn mặt để điều hành Giáo hội – khiến người ta phê bình ngài) và nhận lại những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Cuối cùng ngài bị kết án. Ngài giải quyết dung hòa, những người đã hy sinh cho các thần tượng chỉ được rước lễ khi hấp hối, nhưng những người chỉ có giấy chứng nhận cho biết đã hy sinh thì có thể được chấp nhận sau khi đền tội.
Trong đại dịch ở Carthage, ngài thúc giục các Kitô hữu giúp đỡ người khác, kể cả kẻ thù và những người bách hại. Là bạn của ĐGH Corneliô, thánh Cyprianô phản đối ĐGH kế vị là Stêphanô. Ngài và các giám mục Phi châu không nhận tính hiệu quả của Phép Rửa những người theo tà thuyết và ly giáo. Đây không là quan điểm chung của Giáo hội, nhưng thánh Cyprianô không bị ĐGH Stêphanô đe dọa dứt phép thông công.
Ngài bị hoàng đế bắt đi đày và rồi bị gọi về để xét xử. Ngài vừa tử tế vừa can đảm, nhiệt thành và kiên định. Ngài vui vẻ mà nghiêm nghị đến nỗi người ta không biết nên yêu mến hay kính trọng ngài hơn. Ngài hăng hái khi tranh luận về bí tích Thánh Tẩy. Thánh Augustinô nhận xét rằng ĐGM Cyprianô dàn xép cơn giận bằng sự tử đạo vinh quang của ngài.

1 nhận xét: