Thứ Ba, 14 tháng 6, 2016

Ngày 16/06/1862, Anrê Tường Nông Dân, Vinhsơn Tương Chánh Tổng, Đaminh Mạo Nông Dân, Đaminh Nguyên Chánh Trương và Đaminh Nhi Nông Dân Tử Đạo.

Anrê Tường Nông Dân
Có những người vì đức tin bị căn nọc, bị đánh đòn, họ đã từ khước giải thoát ngõ hầu được hưởng sự sống hoàn hảo hơn, có những người chịu thử thách, chịu sĩ nhục, chịu đòn roi, họ còn bị xiềng xích và tù ngục, họ bị ném đá, bị cưa xẻ, bị thiêu đốt, bị hiếp đáp, bị hành hạ … Hết thảy những người đó đã được Thiên Chúa chứng giám nhờ đức tin. Chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chiếu chỉ PHÂN SÁP, 05 gióa hữu đồng hương này đã đồng lao cộng khổ, để cuối cùng đồng vinh quang trên Nước Trời. Thiên Chúa đã chứng giám cho niềm tin của họ.

Vinhsơn Tương Chánh Tổng
* SỐ PHẬN GẮN BÓ VỚI NHAU.
Dưới thời vua Tự Đức xứ Lục Thủy tỉnh Nam Định thuộc địa phận Trung Đàng Ngoài, có tất cả 13 họ đạo nằm trong 09 làng xã. Do đó, làng Ngọc Cục bao gồm 02 họ đạo: họ Ngọc Cục (Bổn mạng lễ Tuyền Tin) và họ Phú Yên ( Bổn mạng thánh Vinh Sơn)
Ba ông Anrê Tường, Vinh Sơn Tương và Đaminh Nguyễn Đức Mạo. Thuộc họ Phú Yên. Anrê Tường sinh năm 1812 và Vinh Sơn Tương sinh năm 1814 là hai anh em ruột. Thân phụ là ông Đaminh Tiên làm Trùm họ và thân mẫu là bà Maria Gương. Ông Tương tuy thua anh hai tuổi, nhưng đã giữ chức Chánh Tổng. Còn Đaminh Nguyễn Đức Mạo sinh năm 1818, con ông Đaminh Giỏi làm Xã trưởng và bà Maria Nhiên. Khi bị bắt ông được 44 tuổi và làm Hương quản lo an ninh trât tự trong làng.
Hai ông Đaminh Nguyên và Đaminh Nhi thuộc họ Ngọc Cục. Đaminh Nguyên sinh năm 1800, con ông Đaminh Duệ làm Xã trưởng. Khi bị bắt ông đang làm Chánh trương xứ Lục Thủy, con trai ông Đaminh Trình (35 tuổi) cũng bị bắt và tử đạo sau ông một ngày. Còn Đaminh Nhi, người trẻ nhất trong nhóm, sinh năm 1822, con ông Đaminh Vương và bà Catarina Vân.

Đaminh Mạo Nông Dân
Năm ông đều đã lập gia đình, đều là những tín hữu nông gia khá giả và tốt bụng, nên được dân làng rất kính nể và tôn trọng. Riêng Đaminh Nguyên nhờ có nghề thuốc nên có nhiều cơ hội thực thi đức bác ái và ngay cả với những anh em ngoại giáo trong vùng. Không rõ trước khi bị bắt các ông có thân thiết với nhau không, nhưng với một số điểm tương đồng trên, các ông đã là những đối tượng đầu tiên được lưu ý khi chiếu chỉ Phân sáp được áp dụng tại làng Ngọc Cục.
Chiếu chỉ Phân sáp do vua Tự Đức ban hành ngày 05.08.1861 gồm năm nội dung chính : Phân tán các làng Công Giáo; sáp nhập họ vào các làng ngoại giáo, tịch thu tài sản ruộng nương; thích tự hai bên má những người theo đạo; rồi giao cho lương dân qủan thúc. Trong bối cảnh đó, năm ông đã bị bắt ngày 14.09.1861. Quan phủ Xuân Trường ra lệnh ép các ông phải chà đạp Thánh Giá. Nhưng các môn đệ Chúa Kitô đã khẳng khái biểu lộ niềm tin của mình, cương quyêt khước từ hành vi chối đạo, xúc phạm đến Chúa. Thế là quan giận dữ đày các ông sang làng Bạch Cốc, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Đaminh Nguyên Chánh Trương
 * Tù đày và lời chứng.
Tiếp theo là bảy tháng rưỡi bị giam cầm, cổ mang gông, chân tay bị xiềng xích, bị đánh đòn nhiều lần giã man, nhưng năm vị anh hùng vẫn kiên trung với đạo Thánh Chúa. Cũng theo chiếu chỉ Phân sáp này, quân lính dùng dùi sắt nung đỏ khắc chữ trên mặt các chứng nhân của Chúa, một bên má là chữ "Tả Đạo", bên kia là tên làng xã. Nói sao cho xiết nỗi tủi nhục đau đớn của các ông. Đau vì nhức nhối khủng khiếp và vết phỏng trên mặt lâu ngày mới khỏi, nhục vì phải trình bày cho mọi người thấy dấu hiệu chế diễu khinh mạn niềm tin đạo giáo. Nhưng tất cả các ông nhẫn nại chịu đựng, miễn tấm lòng vẫn trung thành với đức tin chân chính. Để kín múc ơn trợ lực của Thiên Chúa, hàng ngày các ông quây quần bên nhau cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi, cùng nhau dâng lên Chúa lời tuyên xưng tuyệt đối của mình vào bàn tay quan phòng, và phó dâng đời mình cho thánh ý ngài. Có thể nói, chính nhờ những lời nguyện sốt sắng phát xuất từ đáy lòng con tim đó, các ông đã tìm được nghị lực và can đảm lướt thắng mọi gian nan thử thách. Ngoài ra, các ông còn gíup nhau sám hối những lỗi lầm, và tự nguyện hãm mình bằng chay tịnh mỗi tuần ba ngày để đón chờ hồng phúc tử đạo.
Trong bức thư đề ngày 02.08.1862, linh mục Estévez Nam đã trình bày cơn sốt bắt đạo tại Nam Định như sau:
"Trong tỉnh Nam Định, người Công Giáo bị đuổi khỏi nhà, quân lính chói từng năm người một, họ chỉ được đem theo mấy nắm gạo đủ ăn chừng hai ngày… Có 300 giáo hữu đang bị giam, Tổng đốc Nguyễn Đình Tân ra lệnh cấm tiếp tế lương thực và chỉ mấy ngày sau, 240 người gục chết, những người còn lại hấp hối chờ chết… Ngày 18.05.1862, ông ra lệnh chém 21 người, ngày 22 chém 43 người, ngày 26 chém 67 người … Ngày 30.05 ông tuyên trói 112 người buông thả sông, rồi hôm sau đến lượt 112 người khác…”

Đaminh Nhi Nông Dân
 "Việc làm của Tổng đốc được các quan phủ huyện noi theo. Người công giáo phải chết hàng trăm, kẻ bị chém, người chịu thiêu sinh trong ngục, hoặc có ai tháo chạy ra ngoài được, cũng bị lý hình cầm gươm dí họ vào lửa cho đến chết. Có lần 150 người bị xử một lúc, lý hình vì không thành thạo, chém đi chém lại chỉ giết được 20 người, số còn lại lính đẩy xuống sông. Nhưng sông lại nhỏ, một số người sống sót lội vào bờ, quân lính tóm bắt, rồi cứ hai người một, buộc vào nhau ném xuống giếng sâu chết cả.”
Riêng với năm chiến sĩ đức tin Anrê Tường, Vinh Sơn Tương, Đaminh Mạo, Đaminh Nguyên và Đaminh Nhi, quan vẫn còn nhân nhượng. Ngày 15.06.1862, một lần nữa, quan yêu cầu các ông chà đạp Thánh Giá, các ông lại từ chối. Quan liền sai lính trói cả năm ông đem ra phơi nắng suốt cả ngày không cho ăn uống.
Sáng hôm sau, quan đổi chiến thuật, lấy lời ngon ngọt dụ dỗ các ông chối đạo. Mặc dù đói khát và mệt lả, ông Đaminh Mạo đại diện cho anh em khẳng khái trả lời : "Sao quan lại dụ dỗ chúng tôi như vậy ? Chắc quan tưởng chúng tôi là con nít khiếp sợ đáu đớn, nên quan khuyên dụ chúng tôi xúc phạm Thiên Chúa ư ? Nếu chà đạp Thánh Giá để khỏi bị bắt và bị đánh đập thì chúng tôi đã làm ngay ở làng quê chúng tôi rồi, dại gì phải trải qua biết bao cực khổ nơi đây. Bây giờ quan cứ làm theo ý quan, chúng tôi không bao giờ bỏ đạo đâu".

* Đón phúc vinh quang.
Tức giận trước những lời trên, quan truyền lệnh xử tử ngay tức khắc năm vị tôi tớ kiên trung của Chúa. Quân lính điệu các ông ra pháp trường Bạch Cốc, tỉnh Nam Định. Các chứng nhân đức tin vui mừng phó thác linh hồn trong tay Chúa, cầu xin ngài ban cho đủ sức mạnh chiến thắng cơn thử thách cuối cùng. Quả thật các ông đã tỏ ra can đảm phi thường. Ngoài ông Đaminh Nhi, cả bốn vị kia đều yêu cầu lý hình, thay vì chém đầu một nhát thì xin họ chém ba nhát để các ông tỏ lòng kính Chúa Ba Ngôi.
Hôm đó là ngày 16.06.1862. Thi thể năm vị anh hùng tử đạo được gia đình và các bạn hữu chôn ngay tại pháp trường, năm sau thì cải táng về nhà thờ họ quê làng.

Ngày 29.04.1951, Đức Piô XII đã long trọng suy tôn năm vị tử đạo Anrê Tường, Vinh Sơn Tương, Đaminh Nguyễn Đức Mạo, Đaminh Nguyên và Đaminh Nhi lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên hàng Hiển thánh.

1 nhận xét: