Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

Chúa Nhật IV Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Như các ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa, Đức Giê-su không phải chỉ được sai đến với dân Dothái mà thôi.
     Hôm ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ I-sai-a, Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
     Họ bảo nhau: "Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?" Người nói với họ: "Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!" Người nói tiếp: "Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
      Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri-a thôi".

      Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành - thành này được xây trên núi - họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay được nối tiếp với Chúa nhật III trong khung cảnh Chúa Giêsu về thăm quê hương, nhưng mang nội dung nhấn mạnh tới một khía cạnh khác. Nếu Chúa nhật III chúng ta dừng lại ở sự ngạc nhiên, thán phục của bà con đồng hương, thì hôm nay chúng ta thấy cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và dân chúng thành Nagiarét, và kết cục là những người đồng hương muốn giết Chúa bằng cách xô Người xuống vực sâu vì tức giận.
     Trong cuộc sống chúng ta đã tiếp nhận Đức Kitô, nhưng đời sống người Kitô hữu của chúng ta chưa thực sự được đổi mới. Vì thế một câu hỏi được đặt ra, chúng ta đã thật sự tiếp nhận Chúa chưa? Có thể là đã tiếp nhận, nhưng chỉ theo hình thức bên ngoài mà thôi, vì chúng ta vẫn còn giữ những thành kiến, lối suy nghĩ, những nỗi sợ hãi, và những ước muốn xác thịt của chúng ta. Cho nên, thánh Phaolô trong bài đọc 2 dạy chúng ta rằng: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được.”     
      Ước gì qua lời Chúa hôm nay xin cho mọi người chúng ta biết mở rộng con tim để tha thứ, để yêu thương và biết chia sẻ vật chất cũng như tinh thần cho mọi người xung quanh chúng ta, nhất là những người nghèo khổ trong xã hội để cùng nhau sống chan hòa trong tình yêu thương của Chúa.  Amen. 

 Ngày 31/01 – Thánh Gioan Bosco, Linh mục (1815-1888)
Gioan Bosco sinh ngày 16-08-1815 tại Berchi (Asti, Torino, Ý).
Lý thuyết giáo dục của thánh Gioan Bosco được dùng nhiều trong các trường học ngày nay. Đó là một hệ thống bảo vệ, phản đối hình phạt thể lý và đặt học sinh trong môi trường tránh dịp tội. Ngài khuyên thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài kết hợp việc đào tạo giáo lý và hướng dẫn, tìm cách kết hợp đời sống tâm linh với công việc, học và chơi.
Hồi nhỏ được khuyến khích làm linh mục nên ngài có thể làm việc với các em trai, ngài thụ phong linh mục năm 1841. Việc phục vụ người trẻ bắt đầu khi ngài gặp một đứa trẻ mồ côi và hướng dẫn cậu bé chuẩn bị rước lễ lần đầu. Rồi ngài tụ họp các bạn trẻ lại và dạy giáo lý.
Sau khi làm tuyên úy ở một nhà tế bần (hospice) dành cho ác em gái lao động, ngài mở Nhà nguyện thánh Phanxicô Salê cho các em trai. Vài nhà tài trợ giàu có và uy thế đã góp tiền để ngài có thể mở xưởng cho các em trai đóng giày và may. Năm 1856, Khánh lễ viện đã có tới 150 em trai và có nhà in để xuất bản các tập sách giáo lý và tôn giáo. Mối quan tâm của ngài về việc hướng nghiệp và xuất bản khiến ngài trở thành thánh bảo trợ giới trẻ học việc và các nhà xuất bản Công giáo. Danh tiếng giảng dạy của thánh Gioan lan nhanh. Năm 1850, ngài đã đào tạo được những người hỗ trợ ngài giảm bớt những khó khăn trong việc đào tạo các linh mục trẻ. Năm 1854 ngài và những người theo ngài cùng tụ họp lại dưới sự bảo trợ của thánh Phanxicô Salê.
Nhờ ĐGH Piô IX khuyến khích, thánh Gioan tụ họp 17 anh em và lập dòng Salêdiêng năm 1859. Hoạt động của dòng tập trung vào việc giáo dục và truyền giáo. Sau đó, ngài lập dòng nữ Salêdiêng để giúp đỡ các cô gái. Ngài qua đời lúc 4 giờ 45 ngày 31-01-1888 tại Valdocco, Torino, Ý, và được an táng chiều ngày 6-2-1888 tại Valsalice, Ý. Nhân dịp sắp phong chân phước, mộ ngài được khai quật ngày 16-05-1929. Lạ thay, xác ngài không có gì lạ thường và vẫn đầy đủ trọn vẹn.
ĐGH Piô XI tôn phong chân phước cho ngài ngày 02-06-1929 tại Vatican (lúc này chân phước Philip Rrinaldi là Bề trên cả). Ngày 09-06-1929, thánh quan Don Bosco được rước về Valdocco. Cũng chính ĐGH Piô XI tôn phong hiển thánh cho ngài ngày 01-04-1934 tại Vatican, đúng ngày đại lễ Phục sinh và kết thúc Năm thánh Cứu độ.

1 nhận xét: