Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Chúa Nhật II Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê.
      Hôm ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: "Họ hết rượu rồi." Đức Giê-su đáp: “ Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con? Giờ của con chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “ Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”

      Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: “ Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “ Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “ Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ.” Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay kể là Chúa Giêsu đến tham dự tiệc cưới tại Cana miền Galilê, để đem lại niềm vui cho cô dâu chú rể và chúc lành cho họ được trăm năm hạnh phúc. Chúa Giêsu xem đây là điều quan trọng nên Người không chỉ tham dự một mình mà cùng đi với Mẹ Maria và các môn đệ để cho niềm vui của đôi tân hôn nên trọn vẹn. Thế rồi, đang giữa tiệc vui bỗng dưng hết rượu. Đây là chuyện không may và ngày vui của đôi tân hôn có thể bị mất mặt và cô dâu chú rể sẽ bị trách móc vì thiếu rượu, tiệc cưới sẽ để lại ấn tượng không tốt trong lòng khách dự tiệc. Trước tình thế đó, Mẹ Maria tìm đến với Chúa Giêsu để xin Người cứu vãn. Thế là mặc dù giờ của Người chưa đến, như Chúa Giêsu cũng đã thực hiện phép lạ đầu tay là hoá nước thành rượu ngon với số lượng dư thừa để đem lại niềm vui cho mọi người và cho đôi tân hôn.
      Trong cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng phải biết mời Chúa đến trong gia đình của mình, hãy dành cho Chúa một vị trí xứng đáng trong gia đình chúng ta. Hãy dâng gia đình chúng ta cho Chúa, Ngài sẽ tiếp tục gìn giữ gia đình chúng ta trong an bình hạnh phúc. Và trên hết mọi sự, hãy biết sống theo lời dặn của Mẹ Maria: “ Người bảo gì anh em hãy làm như thế.” Sống theo lời Chúa là gia đình chúng ta sẽ không thiếu niềm vui, không thiếu rượu ngon của hạnh phúc yêu thương. Sống theo Lời Chúa thể hiện qua sự phó thác tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, và nhất là luôn sống đạo tình yêu thật tốt và chúng ta cũng phải biết yêu thương nhau như chính mình.
     Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin cho chúng con biết tin tưởng vững vàng như Mẹ Maria ngày xưa, để trong mọi sự chúng con luôn tin rằng Chúa sẽ phù trợ chúng con. Chúng con cũng muốn bắt chước các môn đệ luôn xin vâng trong tiệc cưới Cana ngày nào, để chúng con sẵn sàng vâng theo ý Chúa.  Amen.

Ngày 17/01 – Thánh Antôn, Viện phụ (251-356)
Cuộc đời thánh Antôn nhắc chúng ta nhớ đến thánh Phanxicô Assisi. Lúc 20 tuổi, Antôn được đánh động bởi câu Phúc âm: “Hãy bán những gì bạn có và cho người nghèo” (Mc 10:21b), nên ngài đã làm y vậy với tài sản thừa kế to lớn của ngài. Ngài khác với thánh Phanxicô Assisi, hầu hết cuộc đời thánh Antôn sống trong cô tịch. Ngài thấy thế gian hoàn toàn đầy những cạm bẫy, ngài cho Giáo hội và thế giới thấy sự khổ tu trong cô tịch, hành xác và cầu nguyện. Không thánh nhân nào phản xã hội, Antôn đã lôi kéo nhiều người đến với ngài nhờ hướng dẫn và chữa lành tâm hồn.
Lúc 54 tuổi, ngài đáp lại yêu cầu của nhiều người và thành lập một loại dòng có nhiều phòng nhỏ nằm rải rác. Ngài lại giống thánh Phanxicô Assisi là ngài rất sợ “những tòa nhà sang trọng với những chiếc bàn đầy đồ ăn”.
Lúc 60 tuổi, ngài muốn tử đạo trong thời Đế quốc Rôma bách hại kiểu mới năm 311, ngài không sợ nguy hiểm khi đến các nhà giam để hỗ trợ tinh thần và vật chất. Lúc 88 tuổi, ngài đấu tranh với dị giáo Arian, những chấn thương của Giáo hội từ nhiều thế kỷ qua được hồi phục.
Thánh Antôn kết hợp nghệ thuật với Thánh giá hình chữ T, con heo và cuốn sách. Con heo và Thánh giá là biểu tượng chiến đấu can trường của ngài với ma quỷ. Thánh giá mang là sức mạnh của ngài vượ qua ma quỷ, con heo là biểu tượng của ma quỷ. Cuốn sách nhắc nhớ “cuốn sách của thiên nhiên” hơn hẳn những lời được in ấn. Thánh Antôn qua đời trong cô tịch lúc 105 tuổi.

1 nhận xét: