Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Thứ Bảy Ngày 02 tháng 01 Ga 1,19-28.

Lời Chúa: Người sẽ đến sau tôi.
Ha-lê-lui-a. Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Ha-lê-lui-a.
Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu,

mừng vui lên, reo hò đàn hát.

Ngày 02/01 – Thánh Basiliô Cả, Giám mục (329-379)
Ngài là thầy dạy nổi tiếng khi quyết định sống đời tu theo tinh thần nghèo khó Phúc âm. Sau khi nghiên cứu nhiều cách tu, ngài phát hiện điều mà có thể là tu viện đầu tiên ở Tiểu Á. Ngài là tu sĩ của Đông phương, thánh Bênêđictô là tu sĩ của Tây phương, và tu luật của ngài ảnh hưởng đời đan tu Tây phương ngày nay.
Ngài thụ phong linh mục, giúp Đức TGM ở Caesarea (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), và rồi chính ngài được bổ nhiệm TGM, dù bị chống đối từ một số giám mục phó, có thể do họ đoán trước có sự cải cách.
Một trong các tà thuyết làm tổn hại Giáo hội là Arian (*). Hoàng đế Valens đã bách hại các tín đồ Chính thống giáo, gây áp lực với thánh Basiliô phải im lặng và chấp nhận cho những người theo tà thuyết được hiệp thông. Ngài cương quyết từ chối, Valens thoái lui. Nhưng rắc rối vẫn còn. Khi thánh Athanasiô qua đời, thánh Basiliô phải đảm trách việc chống lại tà thuyết Arian. Ngài bị hiểu lầm, bị xuyên tạc, bị kết tội theo tà thuýet và tham vọng. Khi được triệu hồi để gặp ĐGH, ngài không biện hộ mà chỉ nói: “Tội của con là có vẻ đã không thành công trong mọi việc”.
Ngài không biết mệt mỏi trong việc mục vụ. Mỗi ngày ngài giảng 2 lần trước rất nhiều người, xây dựng bệnh viện được gọi là kỳ công thế giới (khi giới trẻ tổ chức cứu trợ) và chống mại dâm.
Ngài là nhà hùng biện. Các bài viết của ngài, dù không được chấp nhận khi ngài sinh thời, nhưng sau được coi là những giáo huấn tuyệt vời của Giáo hội. Sau khi ngài qua đời được 72 năm, Công đồng Chalcedon tôn vinh ngài là “Thánh Basiliô Cả”, là “thừa tác viên của ân sủng đã giải thích chân lý cho toàn thế giới”.

Ngày 02/01 - Thánh GREGÔRIÔ NAZIANZÊNÔ - Giám Mục Tiến Sĩ (329-390)
Thánh Grêgôriô Nazianzênô là một trong những giáo phụ danh tiếng của giáo hội Hy Lạp và được mệnh danh là thần học vì giáo thuyết rất sâu sắc của Ngài. Ngài ra đời khoảng năm 329, trong một gia đình danh giá và đáng mến chuộng. Cha Ngài, cũng tên là Grêgôriô, lúc ấy còn là lương dân. Nhưng thánh nữ Monna, mẹ Ngài, nhờ nhân đức siêu vượt, sự dịu hiền, đời sống gương mẫu với kinh nghiệm và nước mắt đã đưa ông về với Chúa Giêsu.
Thánh Leông (Léonce) giám mục thành Cêsarêa đã rửa tội cho ông. Vài năm sau, nhờ đời sống đạo đức trổi vượt, ông đã xứng đáng lãnh chức giám mục, cai quản điạ phận Nazianze.
Thánh Grêgôriô ra đời như kết quả lời cầu nguyện của bà mẹ thánh thiện, chỉ mong có được người con để phục vụ bàn thánh. Khi thánh nhân ra đời, bà coi Ngài như quà tặng của trời cao. Được đào tạo trong một môi trường thánh thiện như vậy, ngay từ nhỏ, Ngài đã biết quí trọng những nét đẹp của tội thơ vô tội.
Thánh nhân được cử đi học hùng biện ở Cêsarêa, rồi Palestina. Sau đó Ngài đã qua Alexandria và sau cùng tới Athena là nơi coi là nguồn gốc đích thật của khoa hùng biện, trên đường tới Athena, con tàu thánh nhân đi đã phải một cơn bão dữ dội, tưởng chừng như sẽ bị đắm chìm trong lòng biển. Lúc ấy thánh nhân chưa được rửa tội và rất lo âu cho phần rỗi của mình. Ngài tha thiết cầu khẩn Thiên Chúa thánh cho được sống thêm, để có thể làm con Chúa. Thánh nhân đã được nhậm lời. Cơn giông bão chấm dứt và Ngài tới được Athena.
Tại đây thánh Gregorio gặp lại một người bạn cũ của mình là thánh Basiliô. Mối giây thân tình giữa các Ngài ngày càng trở nên bền chặt hơn. Cho đến ngày nay, người ta vẫn còn trưng dẫn hai vị nhân này như là khuôn mẫu cho tình bạn trong trắng và chân thành nhất. Không thể lìa xa nhau, họ còn chú tâm tránh thoát mọi cuộc kết thân nguy hiểm và chỉ giao tiếp với những bạn bè mà lòng hiếu học luôn đi đôi với việc thực hành các nhân đức. Không bao giờ người ta thấy họ đi vào các cuộc giải trí có tính cách trần tục. Trong thành phố xa hoa ấy họ chỉ biết có hai con đường dẫn tới nhà thờ và các trường học.
Hoàn tất việc học hành, thánh Grêgôriô trở về sống với cha mình đang làm giám mục cai quản giáo phận Nazianze và được cha ban phép Rửa tội cho. Một khi đã được đóng ấn tín thần linh, Ngài coi mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và hiến thân phung sự Ngài,
Ngài nói: - "Tôi hiến trọn cho Đấng đã ban cho tôi tất cả. Từ nay chỉ có Ngài là phần sản nghiệp của tôi".
Tình thảo hiếu đã giữ lại bên người cha già tám mươi tuổi trong ba năm trời. Ngài giúp đỡ cha trong mọi công việc và chăm sóc mọi việc trong nhà. Nhưng lòng yêu thích được ẩn dật đã đưa Ngài tới gặp thánh Basiliô đang theo đuổi nếp sống tu trì. Ngài đã sống xa thế gian một thời gian và chỉ lo tới sự hoàn thiện của mình. Nhưng thời gian ẩn dật này mới chỉ đủ cho Ngài nếm thử được sự ngọt ngào để mà luyến tiếc thôi, người cha già chín mươi tuổi đã gọi Ngài về giúp việc điều khiển giao phận. Nhận thấy rằng: Giáo hội sẽ được lợi ích nhiều bởi người con thân yêu của mình, vị thánh giám mục già cả đã truyền chức linh mục cho Ngài ngày 6 tháng 1 năm 362. Lúc ấy thánh Gregôriô hơn ba muôi lăm tuổi và ấn tích mới càng tăng thêm nhiệt tình của Ngài.
Thánh Basiliô lúc ấy đã làm tổng giám mục Cêsalêa, quyết định nâng thánh Gregoriô lên làm giám mục cai quản điạ phận Sarima. Nhưng vì những chống đối dữ dội, Ngài đã không hề tới nhậm điạ phận được và dường như Ngài chịu chức giám mục chỉ để giúp đỡ người cha mà tuổi tác đã không cho phép chu toàn phận sự được nữa. Sau khi cha qua đời năm 374 thánh nhân trở lại Nazianze săn sóc cho giáo phận, nhưng không hề muốn làm giám mục của giáo phận này.
Năm 380, tức là khoảng năm năm sau, các tín hữu ở Constantinopkle đã khẩn nài thánh nhân tới củng cố giáo phận đã bị bè rối Ariô tàn phá của họ, với nhiệt tâm tông đồ, thánh nhân đã nhận lời. Trước tiên thánh nhân đã không được tiếp đón nồng hậu lắm. Trong một thành phố xa hoa giàu có vì là thủ đô mới của đế quốc này, người ta đang ngóng đợi một nhân vật có khuôn mặt sáng sủa giữa một đám rước linh đình. Nhưng người ta đã vô cùng kinh ngạc khi thấy Ngài chỉ là một ông lão già yếu, ăn mặc giản dị và lời nói vắn gọn.
Những người theo lạc giáo Ariô chế giễu phỉ báng Ngài. Dầu vậy, bằng những giáo huấn vững chắc và hùng hồn, Ngài đã thành công trong việc đưa dân thành này từ chỗ bỏ cái sai lầm của lạc giáo mà trở về với đức tin công giáo. Sau bốn mươi bị năm bị tàn phá. Giáo phận không có nhà thờ, Ngài rao giảng trên đường phố hay tại một ngôi nhà mà Ngài đăt tên là Anastasia.
Hương thơm nhân đức và sự hiểu biết uyên thâm của Ngài đã lối kéo cảm tình người nghe càng thêm đông. Từ trong sa mạc, thánh Hiêronymô cũng tìm đến nghe người giảng thuyết. Tuy nhiên bề ngoài khiêm tốn bình dị và hoàn cảnh khó khăn ấy cũng là một khó khăn khiến cho địch thủ đã nhiều lần toan tính ám hại Người.
Năm 381, công đồng chung họp tại Constantinople, thánh Grêgôriô được bầu lên làm giám mục chính tòa của giáo phận này và giữ ghế chủ tịch công đồng. Nhưng ít lâu sau, một số giám mục đã chất vấn tính cách hợp pháp của chức vụ Ngài. Lợi dụng những chống đối này, thánh Grêgôriô đã xin từ chức. Sau khi đã làm vui lòng các nghị phụ công đồng bằng quyết định của mình, thánh nhân đã đệ đơn lên Hoàng đế Têodô (Thésdose) Hoàng đế buộc lòng chấp thuận, cho Ngài từ nhiệm, chỉ vì lý do sức khỏe mà thôi. Trước khi dứt mình khỏi Giáo hội mà Ngài đã dày công tạo lập với đầy tình yêu quí, Ngài đã nói với mọi tín hữu và với các nghị phụ một diễn từ đặc sắc. Người ta gọi diễn từ ấy là: những lời giã biệt (Les Adieux).
Lui về Nazianze, thánh Grêgôriô dành thời gian viết sách. Năm 390 Ngài qua đời và để lại cho Giáo hội một kho tàng quí báu gồm 45 bài suy luận thần học và điếu văn, 245 bức thư và mấy tập thi ca. Người ta đọc cuộc đời trong những tác phẩm có giá trị văn chương và tín lý, chính ân đức ấy và sức mạnh tinh thần của Ngài.
Người ta còn giữ được bản di chúc và bản văn trên bia mộ chính Ngài sáng tác. Bản mộ thi này là một tóm lược khúc chiết trọn đời Ngài với những dòng kết thúc như sau: - "Tôi là mục tử không có đoàn chiên, và tôi đã đau khổ không ít bởi chính các mục tử. Tôi để Chúa Giêsu Kitô lo lắng cho tương lai đời tôi như chính Người đã lo cho tôi trong quá khứ".

Thứ Sáu Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa Lễ trọng Lc 2,16-21.

Lời Chúa: Các người chăn chiên gặp bà Maria, ông Giuse và Hài Nhi. Được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giêsu.
Ha-lê-lui-a. Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Ha-lê-lui-a.
Nguyện Chúa Trời dủ thương và chúc phúc,
xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con,
cho cả hoàn cầu biết đường lối Chúa,

và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài.

Ngày 01/01 – Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa
Thiên chức Thánh Mẫu Thiên Chúa mở rộng điểm nổi bật của lễ Giáng sinh. Đức Maria có vai trò quan trọng trong Mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đức Mẹ chấp nhận lời mời gọi của sứ thần bằng tiếng “xin vâng” (x. Lc 1:26-38). Thánh Êlidabét tuyên xưng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:42-43). Vai trò là Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria đã đặt Mẽ vào vị trí độc nhất trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Không nói rõ tên Maria, nhưng thánh Phaolô xác định: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.6 Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:4-5). Điều đó giúp chúng ta nhận ra Đức Maria là Mẹ của mọi anh chị em của Chúa Giêsu – tức là chúng ta.
Một số thần học gia cho rằng cương vị Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria là yếu tố quan trọng trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Ý nghĩ “đầu tiên” của Thiên Chúa trong việc sáng tạo là Đức Giêsu. Đức Giêsu là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng có thể yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa một cách hoàn hảo thay cho mọi thụ tạo. Chúa Giêsu là “người đầu tiên” trong ý nghĩ của Thiên Chúa, Đức Mẹ là “người thứ nhì” được tuyển chọn từ đời đời để làm Mẹ của Ngài.
Danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” xuất hiện từ thế kỷ III hoặc IV. Theo tiếng Hy LạpTheotokos (người mang Thiên Chúa), trở nên tiêu chuẩn (touchstone) của giáo huấn Giáo hội về Mầu nhiệm Nhập thể. The Công đồng Êphêsô năm 431 nói rằng các thánh giáo phụ đã đúng khi tôn xưng Đức Mẹ là Theotokos. Khi bế mạc công đồng này, nhiều người đã diễu hành và hô to: “Tôn vinh Đấng Theotokos!”. Truyền thống đó còn tới ngày nay. Trong chương nói về vai trò của Đức Maria trong Giáo hội, Dogmatic Constitution on the Church (Hiến chế về Giáo hội), Công đồng Vatican II đã tôn xưng Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” 12 lần.

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2015

Thứ Năm Ngày 31 tháng 12 Ga 1,1-18.

Lời Chúa: Ngôi Lời đã trở nên người phàm.
Ha-lê-lui-a. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Ha-lê-lui-a.
Hát lên mừng Chúa một bài ca mới,
Hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu !

Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh !

Ngày 31/12 – Thánh Sylvester I, Giáo hoàng (qua đời năm 335)
Nói đến vị giáo hoàng này, chúng ta nghĩ ngay tới sắc lệnh Milan, sự nổi bật của Giáo hội đối với các hầm mộ, các đại giáo đường như đền thờ Thánh Gioan Lateran, đền thờ Thánh Phêrô và các đền thờ khác, Công đồng Nicê và các sự kiện quan trọng khác. Nhưng đa số các sự kiện này được hoàng đế Constantine hoạch định hoặc tạo ra.
Rất nhiều truyền thuyết có về vị giáo hoàng này, ngài làm giáo hoàng vào thời điểm quan trọng nhất, nhưng rất ít điều trở thành lịch sử. Chúng ta biết chắc rằng triều đại giáo hoàng của ngài kéo dài từ năm 314 tới khi ngài qua đời năm 335. Đọc lịch sử, chúng ta chắc chắn rằng chỉ có con người mạnh mẽ và khôn ngoan mới có thể duy trì sự độc lập của Giáo hội trước hoàng đế Constantine. Nói chung, các giám mục vẫn trung thành với Giáo hội, và có những lúc phải xin lỗi ĐGH Sylvester I vì đảm trách các dự án quan trọng của Giáo hội khi thúc giục hoàng đế Constantine.

Thứ Tư Ngày 30 tháng 12 Lc 2,36-40.

Lời Chúa: Bà nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
Ha-lê-lui-a. Ngày thánh đã bừng lên chiếu rọi chúng ta, muôn dân hỡi, đến mà thờ lạy Chúa. Vì hôm nay, ánh huy hoàng rực rỡ, tỏa xuống khắp cõi trần. Ha-lê-lui-a.
Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị,
Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay,

Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng.

Ngày 30/12 – Thánh Egwin, Giám mục (qua đời khoảng năm 717)
Ngài là tu sĩ Dòng Biển Đức, được tấn phong giám mục GP Worcester, Anh quốc. Ngài nổi tiếng là yêu thương trẻ mồ côi và người góa bụa, luôn phân xử công bình. Tuy nhiên ngài không được lòng các giáo sĩ. Họ thấy ngài quá nghiêm khắc, còn ngài chỉ muốn cố gắng sửa sai những việc lạm dụng và ra quy luật thôi. Khi ngài tới Rôma trình bày trường hợp của ngài với ĐGH Constantine, ngài được xem xét và trắng án.
Trên đường trở về Anh quốc, ngài lập tu viện Evesham, nay là nhà dòng Biển Đức nổi tiếng từ thời Trung cổ. Nhà dòng này dâng kính Đức Maria.
Ngài qua đời tại nhà dòng này vào ngày 30-12. Sau đó, nhiều phép lạ được coi là nhờ sự can thiệp của ngài: Người mù được thấy, người điếc được nghe, người bệnh được khỏi.

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Thứ Ba Ngày 29 tháng 12 Lc 2,22-35.

Lời Chúa: Ánh sáng soi đường cho dân ngoại.
Ha-lê-lui-a. Đức Ki-tô là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Chúa. Ha-lê-lui-a.
Đức Chúa là Đấng sáng tạo trời cao.
Trước thiên nhan, toàn uy phong rực rỡ,

trong thánh điện, đầy dũng lực huy hoàng.

Ngày 29/12 – Thánh Thomas Becket, Giám mục (1118-1170)
Ngài là người mạnh mẽ, bị dao động một thời gian, nhưng rồi biết mình không thể theo điều xấu và ngài đã trở thành thánh tử đạo. Ngài là Tổng giám mục TGP Canterbury, bị giết trong nhà thờ chính tòa ngày 29-12-1170.
Khi còn làm giám mục phó TGP Canterbury, ngài được vua Henry II (bạn của ngài) chọn làm chưởng ấn Anh quốc lúc 36 tuổi. Khi vua Henry cảm thấy lợi thế nếu chọn ngài làm TGM Canterbury, ngài đã cảnh báo nhà vua không được xâm phạm Giáo hội. Khi ngài được tấn phong tổng giám mục năm 1162, ngài từ chức chưởng ấn và thay đổi cách sống!
Rắc rối bắt đầu. Vua Henry vẫn tiếm quyền Giáo hội và ra Hiến pháp Clarendon, không cho giáo sĩ trực tiếp với Rôma. Nhưng thánh Thomas Becket phản đối Hiến pháp, trốn sang Pháp và bị đi đày 7 năm. Khi trở về Anh quốc, ngài biết mình sẽ bị giết, vì ngài đã từ chối lệnh vua. Vua Henry đã hét lên: “Không ai có thể làm cho ta khỏi rắc rối vì tên giáo sĩ này sao?”. Và 4 hiệp sĩ đã giết ngài ngay trong nhà thờ chính tòa Canterbury. Ngài vẫn là thánh nhân anh hùng nêu gương cho thời đại của chúng ta.

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Thứ Hai Các Thánh Anh Hài Tử đạo Lễ kính Mt 2,13-18.

Lời Chúa: Vua Hê-rô-đê giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem.
Ha-lê-lui-a. Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, đoàn tử đạo quang huy hùng dũng, máu đào đổ ra minh chứng về Ngài. Ha-lê-lui-a.
Lưới giăng đã đứt rồi, thế là ta thoát nạn.
Ta được phù hộ là nhờ danh thánh Chúa,

Đấng đã dựng nên cả trời đất.

Ngày 28/12 – Các thánh Anh hài
Hêrôđê là vua Giuđê, ông sợ người khác “đụng chạm” đến ngai vàng của mình. Ông là một chính khách bậc thầy và là một bạo chúa thâm độc. Ông đã giết vợ, giết người anh em và chồng của em gái.
Mt 2:1-18 kể chuyện này: Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời. Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Hêrôđê đã “nổi điên” và ra lệnh tàn sát hết các bé trai ở Bêlem từ 2 tuổi trở xuống”. Thật khủng khiếp, đúng như lời tiên báo của ngôn sứ Giêrêmia: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rakhen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa” (Mt 2:18).

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Năm C

Lời Chúa: Cha mẹ Đức Giê-su tìm thấy con đang ngồi giữa các bậc thầy.
    Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, theo tập tục ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
     Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!" Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?" Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

    Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta.

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
     Tin Mừng hôm nay kể câu chuyện việc lạc mất người thân, trong bối cảnh xoay quanh chuyến đi của gia đình Thánh Gia lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Trong đó, Mẹ Maria và thánh Giuse đã lạc mất Chúa Giêsu. Chúng ta biết nỗi lo lắng của Mẹ Maria và thánh Giuse lên cao đến dường nào, trong lúc này thánh Giuse đã phải đau buồn và Mẹ Maria đã phải khóc hết nước mắt vì lo sợ mất con. Ông bà còn thiết chi đến việc ăn uống! Đã vậy, đoạn đường đi từ Na-gia-rét lên Giêrusalem đâu phải là ngắn. Ông bà vừa đi bộ ngược lên Giêrusalem, vừa phải dò hỏi mọi người để tìm kiếm Chúa Giêsu.sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ và chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để rút ra bài học áp dụng trong đời sống gia đình hằng ngày của chính mình.
     Nếu chúng ta cưu mang và nuôi dưỡng con cái là một việc làm vất vả đòi hỏi phải hy sinh nhiều, thì việc giáo dục con cái lại khó khăn muôn vàn, đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều hơn. Một trong những điều căn bản giúp đem lại thành công trong việc giáo dục con cái, là chúng ta phải hiểu con mình và tôn trọng chúng, chúng ta phải biết được những điểm mạnh và điểm yếu của con mình. Nhờ đó, chúng ta sẽ cảm thông và chỉnh sửa những điểm yếu, ủng hộ và khích lệ những điểm mạnh của chúng. Từ việc hiểu biết con mình, chúng ta sẽ dễ dàng giáo dục chúng hơn và cho con mình biết phải có bổn phận đối với gia đình, bổn phận đối với xã hội và nhất là bổn phận đối với Chúa và anh chị em trong cộng đoàn.
     Lạy Thánh Gia Nagiareth, xin giúp từng người trong gia đình chúng con biết sống đạo thật tốt. Sống đức tin  theo tinh thần của Chúa dạy, tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa, chu toàn bổn phận và sống tình yêu thương như Thiên Chúa yêu thương.  Amen.

 Ngày 27/12 – Thánh sử Gioan, Tông đồ
Thiên Chúa kêu gọi, con người đáp lại. Ơn gọi của thánh Gioan và người anh Giacôbê được mô tả sơ sài trong Phúc âm, cùng với thánh Phêrô và người anh Anrê: “Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người” (Mt 4:21-22).
Thánh Gioan gọi mình là “người môn đệ được Chúa yêu” (x. Ga 13:23; 19:26; 20:2), the one who reclined next to Jesus at the Last Supper, and the one to whom he gave the exquisite honor, as he stood beneath the cross, of caring for his mother. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu: “ThưaMẹ, đây là con của Mẹ”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19:26-27).
Theo chiều sâu Phúc âm, thánh Gioan thường được coi là “chim đại bàng của thần học”, bay trên vùng cao mà các thánh sử khác không có. Chúa Giêsu gọi hai anh em thánh Gioan là “con của sấm sét”. Khó giải thích chính xác nhưng có 2 gợi ý.
Thứ nhất, theo thánh Matthêu, mẹ của các ngài xin cho 2 con ngồi bên phải và bên trái Chúa trong Vương quốc của Chúa Giêsu. “Đức Giêsu bảo: “Các người không biết các người xin gì! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi”. Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết rằng thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:22-24, 27-28).
Lần khác, “Đức Giêsu nhất quyết đi lên Giêrusalem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” Nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông” (x. Lc 9:51-55).
Dịp lễ Phục sinh, Maria Mađalêna “đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ, rồi về báo cho các môn đệ”. Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simôn Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó (Ga 20:2-6). Thánh Gioan “đã thấy và đã tin” (Ga 20:8).
Gioan và Phêrô bị bắt và bị tống ngục, “nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn” (Cv 4:13).
Thánh Gioan đã viết Phúc âm “khác” nhất so với các Phúc âm nhất lãm, các thư và sách Khải huyền. Ngài đã thấy Chúa Giêsu vinh quang trong các biến cố cuộc đời. Trong Bữa Tiệc Ly, thánh Gioan còn được tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu. Phúc âm theo thánh Gioan là vinh quang của Chúa Giêsu.

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

Thứ Bảy Ngày II Trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh Thánh Stêphanô Tử đạo Tiên khởi Lễ kính Mt 01, 17-22.

Lời Chúa: Không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em.
Ha-lê-lui-a. Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa; Đức Chúa là Thượng Đế, Người giãi sáng cho ta. Ha-lê-lui-a.
Xin giải thoát con khỏi tay địch thủ,
khỏi người bách hại con.
Xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời

trên tôi tớ Ngài đây, và lấy tình thương mà cứu độ họ.

Ngày 26/12 – Thánh Stêphanô, Tử đạo tiên khởi (qua đời năm 36 ?)
Những gì chúng ta biết về thánh Stêphanô được tìm thấy trong sách Công vụ Tông đồ, chương 6 và 7, đủ để chúng ta biết ngài là con người thế nào: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa”. Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philípphê, Pơrôkhôrô, Nicanô, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê Antiôkhia đã theo đạo Do Thái. Ông Stêphanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn lao trong dân. Có những người thuộc hội đường gọi là hội đường của nhóm nô lệ được giải phóng, gốc Kyrênê và Alêxanria, cùng với một số người gốc Kilikia và Axia, đứng lên tranh luận với ông Stêphanô. Nhưng họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông.” Bấy giờ, họ mới xui mấy người phao lên rằng: “Chúng tôi đã nghe hắn nói lộng ngôn xúc phạm đến ông Môsê và Thiên Chúa”. Họ sách động dân và các kỳ mục cùng kinh sư, rồi ập đến bắt ông và điệu đến Thượng Hội Đồng. Họ đưa mấy người chứng gian ra khai rằng: “Tên này không ngừng nói những lời phạm đến Nơi Thánh và Lề Luật. Vì chúng tôi đã nghe hắn nói rằng Giêsu người Nadarét sẽ phá huỷ nơi này và thay đổi những tục lệ mà ông Môsê đã truyền lại cho chúng ta”. Toàn thể cử toạ trong Thượng Hội Đồng đều nhìn thẳng vào ông Stêphanô, và họ thấy mặt ông giống như mặt thiên sứ” (Cv 6:1-5, 8-15).
Chỗ khác, sách Công vụ cho biết: “Được đầy ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: “Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa”. Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới chân một thanh niên tên là Saolô. Họ ném đá ông Stêphanô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này”. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7:55-60).

Thứ Sáu Chúa Giáng Sinh Ga 1,1-5.9-14.

Lời Chúa:Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
      Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật,  ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết,  cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông,  nhưng do bởi Thiên Chúa. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.

Đó là lời Chúa.

Cầu Nguyện.
Lạy Chúa Giêsu Hài Nhi, những lúc chúng con tuyệt vọng trong cuộc sống. Xin cho chúng con nhớ đến Chúa, là Đấng yêu thương chúng con ngay từ trong tội lỗi bùn nhơ. Xin luôn nhắc cho chúng con nhớ rằng, chúng con không chỉ là cát bụi phù du nhưng còn mang hình hài và hơi thở của Chúa nữa. Giữa giá rét mùa đông, giữa những long đong và bấp bênh của kiếp người, giữa cảnh nghèo khổ, trơ trụi và những lo âu của cuộc sống, xin cho chúng con được gặp Chúa, xin cho chúng con được thấy sự bình an của Chúa luôn ấp ủ chúng con.  Amen

Ngày 25/12 – Đại lễ Giáng sinh
Hôm nay Giáo hội tập trung vào Vương Nhi Giêsu, Thiên Chúa làm người, để chúng ta được hạnh phúc, bình an và hy vọng. Bên Bé Giêsu có Cha Mẹ Ngài là Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, có cả những mục đồng đại diện cho giới lao động nghèo khó.
Ngày Con Chúa giáng trần làm người, đất trời được giao hòa, nhân phẩm nhân loại được phục hồi. Thật hạnh phúc biết bao khi những tội nhân chúng ta được trắng án và được trở thành con cái của Thiên Chúa, đó là mầu nhiệm đức tin. Hãy mở rộng lòng yêu thương để đón tiếp nhau chân thành:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Thứ Năm Ngày 24 tháng 12 Lc 1,67-79.

Lời Chúa: Vầng đông tự chốn cao vời viếng thăm ta.
Khi ấy, Giacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Ðức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Ðavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế? để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
"Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Ðấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Ðông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".
Đó là lời Chúa
Cầu Nguyện:

Lạy Cha, chúng con không biết phải diễn tả thế nào trước niềm vui, niềm hạnh phúc của chúng con khi cảm nghiệm được tình Cha yêu thương chúng con. Cha đã yêu chúng con nhưng không, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu không biên giới. Ðức Giêsu là tình yêu cao cả Cha ban tặng chúng con. Lạy Cha, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan để chúng con biết tôn trọng đón nhận Ðức Giêsu. Có Ngài hiện diện, tâm hồn chúng con được bình an, gia đình chúng con sẽ tràn đầy niềm vui, thế gian này được biến đổi thành địa đàng. Chúng con cầu xin, nhờ Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

Ngày 24/12 – Giáng sinh tại Greccio
Theo truyền thuyết, chính thánh Phanxicô Assisi đã làm hang đá đầu tiên tại Greccio, thuộc Trung Ý, năm 1223.
Thánh Phanxicô nhớ lần tới Belem vài năm trước đó, nên ngài quyết định làm hang đá, đó là hang Greccio. Ngài tìm một đứa bé, một con bò và một con lừa đứng gần bên máng cỏ. Người ta nghe nói và kéo đến, người thì cầm đuốc, người thì cầm nến. Chính thánh Phanxicô giảng trong thánh lễ đêm đó.
Thomas of Celano, người viết tiểu sử thánh Phanxicô, nói rằng thánh Phanxicô “đứng trước máng cỏ… với lòng yêu thương và niềm hạnh phúc vô cùng…” Với thánh Phanxicô, mừng lễ giản dị là nhớ lại cảnh khó nghèo của Chúa Giêsu Hài Đồng, Đấng cứu độ đã làm người nghèo vì chúng ta, một Giêsu làm người thực sự.
Đêm nay, khi cầu nguyện bên hang đá, chúng ta hãy cảm tạ Lòng Thương Xót của Chúa và hãy nhớ đến những người nghèo và những người đau khổ trên khắp thế giới…

Thứ Tư Ngày 23 tháng 12 Lc 1,57-66.

Lời Chúa: Ông Gioan Tẩy Giả chào đời.
Ha-lê-lui-a. Lạy Đức Ki-tô là Vua muôn nước, là đá tảng góc tường của tòa nhà Giáo Hội. Xin ngự đến và cứu độ con người, Chúa đã lấy đất mà dựng nên. Ha-lê-lui-a.
Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết,
lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài
và bảo ban dạy dỗ,

vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

Ngày 23/12 – Thánh Gioan Kanty, Linh mục (1390?-1473)
Sau khi học xong đại học ở Kraków, Ba Lan, ngài thụ phong linh mục và là giáo sư thần học. Có nhiều người ganh ghét nên ngài phải đi giữ xứ ở Olkusz. Ngài sống khiêm nhường và cố gắng, nhưng vẫn không được lòng giáo dân. Nhưng cuối cùng ngài đã khiếnhọ tâm phục khẩu phục. Sau một thời gian, ngài trở lại Kraków và dạy Kinh thánh cho đến hết đời.
Ngài thương người nghèo, ngài dành tiền bạc và thời gian cho họ. Ngài ít ngủ, nằm trên nền nhà, ăn ít, không ăn thịt. Ngài hành hương tới Giêrusalem và Rôma. Được cảnh báo về sức khỏe nhưng ngài vẫn sống khổ hạnh.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Thứ Ba Ngày 22 tháng 12 Lc 1,46-56.

Lời Chúa: Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
Ha-lê-lui-a. Lạy Đức Ki-tô là Vua muôn nước, là đá tảng góc tường của tòa nhà Giáo Hội. Xin ngự đến và cứu độ con người, Chúa đã lấy đất mà dựng nên. Ha-lê-lui-a.
Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa,
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc.
 Ðấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
 Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ người
 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
 Chúa độ trì, Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Áp-ra-ham

Và cho con cháu đến muôn đời.

Ngày 22/12 – Chân phước Jacopone da Todi (qua đời năm 1306)
Ngài sinh trong gia đình Benedetti quý tộc ở TP Todi, Bắc Ý. Ngài là luật sư và kết hôn với Vanna, một phụ nữ đạo hạnh và đại lượng. Vanna đã giúp chồng ăn năn đền tội. Có lần Vanna năn nỉ Jacopone tham gia thi đấu công khai. Vanna ngồi chung với các phụ nữ quý tộc khác và khán dài bị sụp. Vanna bị chết. Jacopone buồn lắm, nhất là khi biết vợ đeo thắt lưng để đền tội cho chồng. Từ đó, Jacopone quyết thay đổi cuộc đời.
Ngài phân phát tài sản cho người nghèo và vào Dòng Ba Phanxicô, ăn năn đền tội nghiêm ngặt. Ngài viết nhiều bài thánh ca (hymn) nổi tiếng bằng phương ngữ.
Lúc 68 tuổi, ngài bị vạ tuyệt thông và bị tù, dù ngài biết mình vô tội. Mãi 5 năm sau, thời ĐGH Bênêđictô XI, ngài mới được giải vạ. Ngài coi cảnh tù đày như việc đền tội. Trong thời gian đó ngài viết bài thánh ca Stabat Mater bằng tiếng Latin nổi tiếng.
Ngày 24-12-1306, ngài cảm thấy cái chết gần kề. Lúc đó ngài ở trong Dòng Thánh Clara khó nghèo với một người bạn là chân phước Gioan La Verna. Cũng như thánh Phanxicô, chân phước Jacopone chào đón “Chị Chết” bằng một bài thánh ca nổi tiếng của ngài khi người ta đang dự thánh lễ nửa đêm Giáng sinh.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Ngày 21/12 – 1763-1839 Thánh Phêrô Trương Văn Thi Linh mục Tử đạo.

Phêrô Trương Văn Thi, Sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, Hà Nội, Linh mục, bị xử trảm ngày 21/12/1839 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII đã suy tôn cha Phêrô Trương Văn Thi lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 21/12.
* Lý hình cõng tử tội.

Trên đường ra pháp trường, từ nhà ngục Hà Nội đến ô Cầu Giấy, người tử tội ốm yếu bệnh tật với tuổi già 76, bước đi chẳng nổi nữa. Ông bước đi lảo đảo rồi ngã quỵ xuống đường. Trước tình cảnh tang thương đó, một người lính đoàn hành quyết khom lưng cõng tử tội đến nơi xử, và được tử tội âu iếm tặng đôi giầy của mình làm kỷ niệm. Thế đó, lính tráng ngỡ ngàng, dân chúng nghẹn ngào, các tín hữu xúc động. Người hành quyết cõng tử tội đến pháp trường. Tử tội đó là linh mục Phêrô Trương Văn Thi.

Thánh Phêrô Trương Văn Thi Linh mục
* Người mục tử hiền hòa nghèo khó.
Phêrô Trương Văn Thi mở mắt chào đời năm 1763 tại làng Kẻ Sở, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Năm 11 tuổi, cậu được nhận vào nhà Đức Chúa Trời để tu học, tập tành các nhân đức, rồi trở thành thầy giảng. Trong chức vụ này, thầy thi luôn chứng tỏ nhiệt tâm tông đồ, đời sống đạo đức, và khả năng đời đạo, nên được gửi vào chủng viện. Đến ngày 22.03.1806, thầy lãnh chức linh mục khi đã 43 tuổi.
Trong 27 năm liền, cha Thi coi sóc xứ Sông Chảy thuộc phủ Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Năm 1833, ngài được bổ nhiệm chính xứ Kẻ Sông, và ở đó cho đến khi tử đạo năm 1839. Theo lới chứng của các tín hữu tại đây, cha Thi là một linh mục : "Rất nhân đức, mỗi ngày đọc kinh cầu nguyện lâu giờ ba bốn lần, cử hành thánh lễ trang nghiêm, ăn uống đạm bạc, thường ăn chay các thứ sáu, mặc dù sức khỏe của ngài yếu kém với chứng đau bụng thường xuyên".
Thừa sai Jeantet Khiêm sau làm Giám mục Tây đàng Ngoài đã viết về cha Thi : "Tôi quen biết ngài từ năm 1835, tôi cảm phục ngài về lòng đạo đức thâm sâu, có tính hiền hòa, khôn ngoan và trung thành giữ lề luật". Cha sống khó nghèo, ngoài áo chùng thâm, cha chỉ mặc đồ nâu như một nông dân nghèo nàn. Ngoài giáo xứ chính, cha còn phụ trách thêm nhiều họ lẻ. Một lần di chuyển trên sông, thuyền của cha bị đắm, người tháp tùng cha chết đuối, còn cha sống sót được nhờ bám vào hòm đựng đồ lễ. Suốt mấy chục năm phục vụ giáo xứ, không hề thấy một ai kêu ca, chê trách cha lới nào.
Do chiếu chỉ cấm đạo tòan quốc của vua Minh Mạng, cha Thi luôn hoạt động âm thầm. Được một thời gian khá lâu, bất ngờ vào ngày 10.10.1839, khi cha Dũng lạc ở làng kế cận tìm đến xưng tội, viên lý trưởng tên Pháp hay tin, đưa người đến bắt cả hai linh mục. Lý Pháp mặc cả giá tiền chuộc với các tín hữu, và ngã giá là 200 quan. Khi các tín hữu mới gom góp được một nửa số tiền, ông chỉ tha một mình cha Dũng Lạc. Ai ngờ trên đường về, cha Dũng lạc lại bị một tốp lính khác bắt được. Thế là Lý Pháp không dám cho chuộc cha Thi nữa, và cho áp giải ngài về Bình Lục. Giữa đường, ông gặp đám lính đang áp giải cha Dũng Lạc, liền nộp cha Thi cho quan huyện. Từ đó, hai vị chung một số phận tù ngục và cùng chung hưởng phúc vinh quang.
* Ông "quan bên đạo" dưới mắt ông quan bên đời.
Quan huyện Bình Lục tỏ ra rất vị nể hai linh mục. Riêng với cha Thi, quan ái ngại cho tuổi già sức yếu, nên cư xử càng lịch thiệp hơn. Ông nói : "Tôi làm quan bên đời, còn ông làm quan bên đạo". Dĩ nhiên, quan đã hiểu sai về chức năng phục vụ của người linh mục, nhưng dầu sao, đó cũng là bằng chứng của sự kính nể. Biết không thể lay chuyển lòng tin của hai vị, quan không tra tấn gì cả, chỉ giữ lại ba ngày rồi cho giải về Hà Nội. Như Philatô rửa tay trong vụ án đức Giêsu, viên quan huyện sau đó cũng mở lễ cúng vái các thần, thanh minh với mọi người, và xin trời đất chứng giám cho mình vô can trong cái chết của những kẻ vô tội.
Khi hai cha được đưa lên Hà Nội bằng thuyền theo đường sông Hồng, các tín hữu kéo nhau đi theo rất đông, kẻ đi thuyền, người đi bộ trên bờ đê.
Ngày 16.10, thuyền áp giải hai cha được cập bến. Hôm sau, quan án cho điệu hai cha ra công đường và bắt đạp lên Thánh Giá. Cha Thi quỳ xuống, nghiêm trang hôn kính dấu chỉ Đấng Cứu Độ. Sau nhiều lần hạch hỏi, quan thấy không có cách nào khuất phục được hai vị linh mục, liền làm án tâu vua xin trảm quyết.
Trong khi chờ đợi vua phê án, cha Thi biết trước số phận của mình, và chuẩn bị đón nhận phúc tử đạo của mình. cha gia tăng việu cầu nguyện và hãm mình. Cha ăn chay các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Bệnh tật gông cùm (dù cha chỉ phải mang gông nhẹ) và chay tịnh làm sức khỏe của cha càng sa sút. Thừa sai Jeantet Khiêm viết thư vào đề nghị cha giảm bớt khổ chế đi, nhưng cha vẫn không thay đổi.

* Tình yêu không biên giới.
Ngày 21.12.1839, lần thứ hai cha Trân đưa Mình Thánh vào, cha Thi đã liệt giường, phải nhờ cha Dũng Lạc ra nhận và trao Thánh Thể. Không ngờ chính hôm đó lại là ngày cuối cùng cuộc đời dương thế của các ngài, bản án vua châu phê đã vào tới. Quân lính dẫn hai cha ra pháp trường. Trên đường, cha Thi không còn sức đi nữa, nên một người lính đã đóng vai "Simon", cõng cha đến nơi thụ án.
Quãng đường cuối cùng của cha Thi: Đôi giầy, kỷ vật tặng cho người lính, hình ảnh một "Simon Xirênê" Việt Nam cõng tử tội ra pháp trường… Làm sao diễn tả hết ý nghĩa của những điều đó. Phải chăng hình ảnh đó có thể khái quát được tang thương của Giáo Hội Việt Nam thời khai nguyên ? Phải chăng điều đó đủ xoa dịu những đố kỵ còn sót lại cho đến ngày hôm nay ? Và phải chăng hình ảnh đó cho phép ước mơ một xã hội, tương lai sáng lạn hơn, khi mọi người dân vượt qua mọi trở ngại để đối xử với nhau bằng trái tim yêu thương ?
Giáo hữu thấm máu vị tử đạo, thâu lượm các di vật, rồi đưa thi hài các ngài về Kẻ Sở dâng lễ và an táng cách trọng thể.
Đức Lêo XIII đã suy tôn cha Phêrô Trương Văn Thi lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.
Thừa sai Jeantet Khiêm nhận định về cuộc tử đạo của cha Phêrô Thi như sau : "Ân sủng đã toàn thắng sự yếu đuối của con người. Nhờ ân sủng, con người bẩm sinh vốn hiền lành nay đã có được sức mạnh trước đây chưa từng có".

Ngày 21/12 Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc Linh mục (1795-1839) Tử đạo.

* Theo gương Thánh Phêrô.
Lạy thầy, Thầy đi đâu vậy ?
Trên đường chạy trốn cơn bách hại khủng khiếp của bạo chúa Néron đang giáng xuống kinh thành Rôma, vị tông đồ trưởng Phêrô đã bàng hoàng thốt lên câu hỏi trên khi bất ngờ gặp Chúa Giêsu vác.
Sau đó là khoảnh khắc im lặng. Sự im lặng tưởng chừng như đến muôn đời sẽ không bao giờ có giây phút nào im lặng như thế. Phêrô như đọc thấy câu trả lời trong ánh mắt của Đức Kitô, có một chút gì giống ánh mắt Ngài đã nhìn mình sau ba lần chối Chúa. và tbầu khí thinh lặng đó, chợt vọng tới tai ông giọng nói buồn bã nhưng ngọt ngào: "Khi anh rời bỏ dân ta. Ta phải đến Rôma để chịu đóng đinh một lần nữa". Phêrô lặng người đi và chợt hiểu.
Vị sứ đồ đã ra đi để xa lánh cơn điên cuồng của một bạo chúa, vì những lời nài nỉ chí tình chí thiết của đoàn tín hữu. Họ coi ngài là sức mạnh, là hơi thở, là chỗ dựa. Cần phải sống để tiếp tục mưu ích cho đoàn chiên. Giờ đây, Phêrô được ôn lại bài học vĩ đại nhất của vị Tôn sư Giêsu, người thợ mộc làng Nazaret đã chết gục vào tuổi 33 trên Thập Tự để cứu chuộc nhân loại.
 Thế là trong cái khoảnh khắc kỳ diệu đó, thánh Phêrô chợt nhớ ra. Để rồi thay vì những bước chân rời rã, do dự chạy trốn thì giờ đây ngài bước một cách mạnh mẽ, dứt khoát quay lại. để có thể trở nên giống Thày mình. Từ đó, trên tảng đá Phêrô, Rôma trở nên kinh thành muôn thuở. Đâu có ai thời đó đã nghĩ ra như thế. Vâng, đâu có ai thời đó đã hiểu được điều ấy.

Sau lần bị bắt thứ ba, cha Anrê Dũng Lạc như cảm nhận được bài học của Thánh Phêrô xưa. Yù nghĩ con người không hẳn đã phù hợp với ý Chúa. ngài xin tín hữu đừng chuộc ngài nữa, ngài đã chấp nhận hy sinh chính bản thân để trở lên một ngọn đèn, góp lửa với nhiều ngọn đèn khác làm chứng cho Chúa trên quê hương yêu dấu này.

* Ba lần bị bắt.
Sinh ra trong một gia đình ngoại giáo ở Bắc Ninh năm 1795, Trần An Dũng theo cha mẹ vào Kẻ Chợ, nay là Hà Nội. Tại đây vì nhà nghèo, cậu được gán cho một thầy giảng nuôi nấng dạy dỗ và rửa tội với tên Thánh là Anrê. Ít lâu sau, cậu dũng xin vào chủng viện Vĩnh Trị, ở với cha chính Lan. Ngay từ đó, cậu Dũng lại siêng năng cần mẫn, có khiếu về thơ phú và giao tiếp với mọi người cách lịch thiệp hòa nhã. Có người nói rằng cậu chỉ đọc qua một đoạn sách hai lần là đã thuộc lòng.
 Sau 10 năm làm thầy giảng và ba năm thần học, ngày 15.03.1823, thầy Dũng được lãnh chức linh mục (cùng với lớp thánh Ngân và Nghi), rồi được bổ nhiệm làm phó xứ Đồng Chuối giúp cha Khiết. Sau đó, về giúp cha Thi ba năm ở xứ Đoài, rồi lại giúp cha Thuyết ở Sơn Miêng. Cuối cùng, khi cha làm chánh xứ Kẻ Đầm thì bị bắt. Suốt cuộc đời linh mục, cha Dũng sống nhiệm nhặt. Ngoài những ngày ăn chay theo luật của Giáo Hội, cha còn giữ chay suốt Mùa Chay, và nhiều khi cả các thứ sáu, thứ bảy quanh năm. Thường xuyên cha chỉ dùng những thức ăn đơn giản. Cha Dũng hết mình với nhiệm vụ chủ chăn, chẳng khi nào thấy cha ngại ngùng việc gì. Cha có lòng ưu ái đặc biệt với người nghèo. Có được của cải gì, cha chia sẻ cho họ hầu hết. Khi lệnh bách hại của vua Minh Mạng trở nên gay gắt qua chiếu chỉ toàn quốc ngày 06.1.1833, cha phải ẩn náu tại các nhà bổn đạo, sau trốn lên Kẻ Roi và lập nhà xứ ở đó. Một hôm, cha dâng lễ vừa xong thì quân lính ập tới, cha liền cởi áo lễ và ngồi lẫn trong tín hữu. Lính bắt cha như một trong 30 giáo hữu hôm đó, vì quan quân không biết cha là linh mục. Oâng tổng Thìn bỏ ra sáu nén bạc, nhận cha là thân nhân đi dự lễ để chuộc về. Từ đấy cha đổi tên là Lạc.
 Lần thứ hai cha bị bắt khi đến Kẻ Sông sưng tội với cha Thi theo thói quen hàng tháng. Lý trưởng Pháp bắt được hai linh mục và mặc cả với giáo hữu phải chuộc với giá 200 quan. Các tín hữu gom góp được 100 quan nên viên lý trưởng chỉ tha cha Lạc. Thế nhưng ngay trên đường về, vì gặp mưa gió, thuyền cha phải ghé vào bờ. Căn nhà cha đang trú lại đang bị quân lính khám xét. Thế là cha bị bắt lần thứ ba và bị giải lên huyện Bình Lục cùng với cha Thi.
 Một lần nữa, giáo hữu cùng Đức cha Retordd Liêu tìm cách chuộc cha về, nhưng lần này cha Lạc thấy ý Chúa đã định cho mình, ngài nhắn với Đức cha câu chuyện thánh Phêrô hai lần thoát khỏi ngục, đến lần thứ ba, Chúa Giêsu đã yêu cầu ở lại tử đạo tại Rôma, và xin các tín hữu đừng lo liệu tiền chuộc làm chi nữa.
 * Được cảm tình mọi giới.
 Quan hyện Bình Lục đối xử với hai vị linh mục một cách tử tế. Ông truyền dọn cơm cho hai cha bằng mâm bát của mình, bắt Lý trưởng trả lại quần áo đã tịch thu và thanh minh rằng: "Phép triều đình cấm đạo và giết các cụ, chứ không phải tôi. Tôi không có tội gì trong việc này". Ba ngày sau, quan huyện đưa hai cha xuống thuyền chuyển về Hà Nội. Các tín hữu thương tiếc đi theo rất đông, hoặc bằng thuyền, hoặc đi bộ trên bờ. Quan lấy làm lạ hỏi: "Đạo trưởng có cái gì mà dân chúng thương tiếc quá vậy ?". Một phụ nữ đứng gần đó đáp lại: "Thưa quan, các cha dạy chúng tôi những điều hay lẽ phải, dạy chồng hiền lành, đừng cờ bạc rượu chè, dạy vợ sống thuận thảo với chồng theo như giáo lý trong đạo". Hai vị linh mục khi thấy nhiều người khóc lóc tiễn đưa mình, đã dừng lại an ủi khích lệ họ sống đạo cho tốt đẹp.

Tại Hà Nội, sau mấy lần tra hỏi và dọa nạt hai vị chứng nhân Đức Kitô không thành công, các quan làm án xin vua xử trảm.
Thời gian trong tù, hai cha chiếm được cảm tình của lính gác, được tôn trọng và đối xử tử tế. Khi nhận được quà tiếp tế, hai cha chia cho lính canh, chỉ giữ lại những thứ tối thiểu. Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối, hai cha quỳ bên nhau cầu nguyện lâu giờ. Tuy các tín hữu được phép đem cơm vào tù mỗi ngày, hai cha vẫn tìm cách hãm mình, nên dặn họ được đem thịt hay cá. Các ngài vẫm tiếp tục giữ chay ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy. Những ngày đó hai cha ăn thật ít, chỉ vừa đủ sống.
 Lễ các Thánh (1-11-1939), linh mục Trân đưa Mình Thánh vào ngục. Vừa thấy ngài, cha Dũng Lạc ra chào đón: "Xin chào bác, tôi đợi bác đã lâu vì hết lương thực rồi". Sau đó cha cung kính rước lễ và trao Mình Thánh cho cha già Thi.
 Cuối năm 1939, khi quân lính đến công bố lệnh xử án, hai cha vui vẻ đón nhận bản án như một phần thưởng trọng hậu, trên đường đến pháp trường, hai cha yên lặng cầu nguyện. Lúc ra khỏi cổng thành, cha Lạc chắp tay lại, hát lớn tiếng mấy câu Latinh chúc tụng Chúa. Trước phút hành quyết, người lý hình đến nói với cha: "Chúng tôi không biết các Thày có tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên, xin các thày đừng chấp"
Cha Lạc tươi cười trả lời: "Quan đã truyền anh cứ thi hành". Sau đó hai cha xin ít phút để cầu nguyện lần chót, rồi nghiêng đầu cho lý hình chém.
Hai vị đã lãnh phúc tử đạo ngày 21-12-1839 t5ai bãi ngoài cửa ô Cầu Giấy (Hà Nội), giáp đường lên tỉnh Sơn Tây. Thi hài của cha Lạc được đưa về an táng tại nhà bà Lý Quý gần đó.
Đức giáo hoàng Lêo XIII suy tôn chân phước cho linh mục Anrê Dũng Lạc ngày 27-05-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn ngài, đứng đầu danh sách 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Nhớ đến thánh Dũng Lạc, phải nhớ đến những vần thơ ngài tâm sự trong thư viết trong ngục cho cha Thực (trích theo Nguyễn Văn Tự, 42 Á Thánh Tử Đạo, Tr 76) rằng:
 "Lạc rầy đã rõ chốn quan quân
Bút chép thơ này gửi thở than
Lòng nhớ bạn nỗi còn vất vả
Dạ thương khách chạy chữa yên hàn.
Đông qua tiết lại thời Xuân đến
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an.
Làm kẻ anh hùng quản chi khó.”