Lời Chúa: Nếu
nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.
Khi ấy, Đức
Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì
anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì
anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem
theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời
hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội
Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người
thu thuế.
“Thầy bảo thật
anh em : dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc
như vậy ; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi
như vậy.
“Thầy còn bảo thật
anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì,
thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại
nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
Trong bài Tin Mừng
hôm nay Chúa dạy chúng ta hai điều: Trước hết là phải biết sửa lỗi cho nhau và
thứ hai là phải biết tập họp lại mà cầu nguyện chung với nhau. Con người chúng
ta chẳng ai mà không có lỗi lầm. "Lầm
lỗi là bản tính của con người". Lý do cũng dễ hiểu bởi vì loài người chúng
ta "nhân vô thập toàn". Chẳng ai trong chúng ta hoàn thiện đến mức độ
không có một tật xấu nào.
Trước tiên, là sửa
lỗi cho anh chị em mình trong tâm tình nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị và tôn trọng.
Đức Giêsu đã nói rất rõ: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh
hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh
đã được món lợi là người anh em mình". Thường thì con người dễ nghe những
lời tâm sự, kín đáo, tế nhị, chân tình hơn là những sự nạt nộ, kết tội... hơn nữa,
một mình ta với người được sửa lỗi nói lên tính riêng tư và mang lại cảm giác
an toàn, kính trọng vì họ đang được yêu thương. Thật vậy, nếu không có sự tôn
trọng, nhẹ nhàng, tế nhị và kín đáo, chúng ta không thể hiểu được tâm trạng của
người tội lỗi. Bởi vì, thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một
là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Mặt khác, người sai lỗi thường rơi vào tình
trạng bất ổn về lương tâm, nên tinh thần, thái độ của họ rất mỏng dòn, yếu đuối
và dễ buông xuôi. Chỉ cần một lời nói thiếu tế nhị là có thể đổ bể mọi vấn đề...
và vô tình, chúng ta lại đào thêm hố sâu ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự
việc trở nên trầm trọng hơn. Thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ
trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa
lỗi. Mặt khác, khi chúng ta nhẹ nhàng để chỉ cho người anh chị em của chúng ta
thấy được lỗi của họ mà sửa, ấy là lúc biểu hiện của tâm hồn một người thánh
thiện, chân thành chứ không phải nhân cơ hội này, mình hạ thấp nhân phẩm và nhấn
chìm họ xuống để mình được vươn lên trong sự huênh hoang, tự mãn... hãy mặc lấy
tâm tình của một người bạn hơn là người chỉ giáo; có tâm tình của một người cha
hơn là một quan tòa... Làm được điều đó, chúng ta sẽ loại bỏ điều oán ghét, giận
hờn... để chỉ vì một mục tiêu duy nhất là tình yêu, và muốn cho anh chị em
chúng ta được trở nên tốt đẹp hơn,
Sau cùng như
Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng mắc nợ ai điều gì ngoài việc phải yêu mến
nhau.” Giới răn yêu thương không chỉ đòi chúng ta cảm thông chia sẻ, mà còn phải
chân thành sửa lỗi cho nhau và cùng nhau cầu nguyện, lời Chúa nói: “Ở đâu có
hai hoặc ba người họp nhau nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ.” Chúng ta cùng cầu
nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn siêng năng họp nhau nhân
danh Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ, và tham gia vào các hội đoàn cũng
như các giờ kinh chung trong gia đình.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến
ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cho chúng con biết sửa lỗi anh chị em trong
tinh thần khiêm tốn và thánh thiện. Xin Chúa cũng ban cho chúng con ơn can đảm,
trung thành trong sự thật khi thi hành công việc khó khăn này. Amen.
Ngày 07/09 Chân phước Frederick Ozanam (1813-1853)
Ngài phục vụ người nghèo ở Paris và thu hút những người khác
cùng phục vụ người nghèo khắp thế giới. Qua Hội Thánh Vincent de Paul, công việc
của ngài vẫn tiếp tục cho tới ngày nay.
Frederick là con thứ 5 trong 14 người con của ông bà Jean và
Marie Ozanam, và cũng chỉ mình ngài còn sống. Khi còn là thiếu niên, ngài bắt đầu
nghi ngờ tôn giáo. Đọc sách và cầu nguyện cũng có vẻ không giúp ích cho ngài,
nhưng vừa đi dạo vừa thảo luận với Lm Noirot (Đại học Lyons) giúp ngài sáng tỏ
nhiều vấn đề.
Ngài thích văn chương, nhưng cha ngài là bác sĩ và muốn ngài
làm luật sư. Ngài chiều theo ý cha, và năm 1831 ngài đến Paris để học luật tại
ĐH Sorbonne. Khi một số giáo sư mỉa mai các giáo huấn Công giáo trong khi giảng
bài,Frederick đã bảo vệ Giáo hội.
Ngài lập một câu lạc bộ gồm người Công giáo, người vô thần
và lạc giáo cùng tranh luận các vấn đề của thời đó. Có lần sau khi Frederick
nói về vai trò của Kitô giáo trong văn minh, một thành viên câu lạc bộ nói:
“Chúng ta hãy thẳng thắn. Anh làm gì ngoài việc nói để chứng tỏ đức tin?”. Do
đó ngài quyết định thể hiện qua hành động. Không lâu sau cả nhóm cùng giúp đỡ
người nghèo dưới sự bảo trợ của thánh Vincent de Paul. Cảm thấy đức tin Công
giáo cần người có tài ăn nói để giải thích các giáo huấn, ngài thuyết phục Đức
TGM Paris mời Lm Lacordaire, nhà giảng thuyết tài giỏi nhất Pháp quốc thời đó,
đến giảng mùa Chay tại Nhà thờ Đức Bà. Điều này đã trở thành truyền thống tại
Paris.
Sau khi có bằng cấp về luật tại ĐH Sorbonne, ngài dạy luật tại
ĐH Lyons. Ngài còn có bằng cấp về văn chương. Sau khi kết hôn với Amelie
Soulacroix ngày 23-6-1841, ngài trở lại Sorbonne để dạy văn chương. Ngài là một
giảng viên uy tín, luôn vì lợi ích của sinh viên. Trong khi đó, Hội Thánh
Vincent de Paul phát triển khắp Âu châu. Chỉ tại Paris đã có tới 25 hội.
Năm 1846, ngài cùng vợ và con gái Marie tới Ý để chữa bệnh.
Họ trở về quê năm 1847. Cuộc cách mạng năm 1848 khiến nhiều người nghèo không
được Hội Thánh Vincent de Paul phục vụ. Số người thất nghiệp lên tới 275.000
người. Chính phủ yêu cầu ngài và các cộng sự giám sát tài trở của chính phủ
dành cho người nghèo.
Ngài thành lập báo The New Era (Tân Kỷ Nguyên), chuyên về bảo
toàn công lý cho người nghèo và giới lao động. Các bạn Công giáo của ngài thường
không vui với những gì ngài viết vì ngài gọi người nghèo là “linh mục của quốc
gia”, ngài nói rằng người đói khát và mồ hôi của người nghèo đã làm nên sự hy
sinh có thể cứu lòng nhân đạo của một dân tộc.
Năm 1852, sức khỏe yếu kém khiến ngài phải về Ý với vợ và
con gái. Ngài qua đời ngày 8-9-1853. Trong bài giảng tại lễ an táng ngài, Lm
Lacordaire đã diễn tả: “Ông Frederick Ozanam là một trong những người được đặc
ân trực tiếp từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã kết hợp nơi ngài sự dịu dàng tới
thiên tài để thắp sáng thế giới”. Vì ngài viết một cuốn sách nổi tiếng có tựa đề
“Các Thi sĩ Dòng Phanxicô của Thế kỷ XIII” (Franciscan Poets of the Thirteenth
Century) và vì sự xứng đáng của ngài dành cho mỗi người nghèo nên ngài rất gần
gũi với cách suy nghĩ của thánh Phanxicô, rất xứng đáng kể ngài vào những người
vĩ đại của Dòng Phanxicô. Ngài được phong chân phước năm 1997.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét