Thứ Bảy, 30 tháng 8, 2014

Chú Nhật XXII Thường Niên Năm A



Lời Chúa: Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.
       Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
       Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

       Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.”


SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
       Tin Mừng hôm nay kể lại, sau khi Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ biết về sứ mạng Thiên Sai của Ngài, là phải chết để cứu chuộc con người. Song với việc tiên báo đó, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ cũng đi vào con đường của Ngài, để cùng chung chia sứ mạng mà Ngài đang thực hiện. Tuy nhiên, điều kiện rất quan trọng mang tính quyết định, đó là: Từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cùng nhau khám phá ý nghĩa đích thực của nó dựa trên mặc khải của Thánh Kinh.
       Bắt đầu từ câu hỏi rất thân tình: "Ai muốn theo Thầy?". Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát, nhẹ nhàng chứ không phải vì nặng nề, mất tự do. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống mới theo tinh thần Tin Mừng. Khi mời gọi như thế, Đức Giêsu muốn người môn sinh tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, thích ăn trên ngồi trước, thích được người khác phục vụ..., để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi cho phần rỗi của mình và niềm vui, hạnh phúc cho các linh hồn. Thật thế, con đường mà Đức Giêsu muốn cho môn sinh của mình đi không phải là con đường nhung lụa, thênh thang, cũng không phải con đường dễ dãi, bằng phẳng, mà là ngõ hẹp của thập giá, gồ ghề và chông gai... Con đường đó là con đường của từ bỏ: "... từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy". Trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn sinh ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, cái tôi được trở thành cái tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã chọn. Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa, chính là đón nhận mọi thử thách, và chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn bổn phận của mình một cách trung thành và sốt sắng.
        Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.


Ngày 31/08. Các Thánh Giuse-Arimathêa và Nicôđêmô
Những hành động của hai nhà lãnh đạo Do Thai có thế lực này cho thấy mức độ thu hút của Chúa Giêsu và các giáo huấn Chúa dạy, và cả mức độ nguy hiểm có thể liên lụy tới những ai theo Chúa.
Giuse  Arimathêa là một nhà lãnh đạo đáng kính, giàu có, và đã trở nên môn đệ của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu chết, ông Giuse xin Philatô cho lấy xác Chúa, tẩn liệm rồi an táng. Vì thế, ông Giuse được coi là bổn mạng của những người mai táng. Quan trọng hơn là sự can đảm mà ông chứng tỏ khi xin xác Chúa từ Philatô, dù Chúa Giêsu là một tử tội bị xử tử công khai. Theo một vài truyền thuyết, ông Giuse đã bị phạt và bị tù vì hành động liều lĩnh đó.


Nicodemô là người Pharisêu và, cũng như Giuse Arimathêa, là nhân vật quan trọng của Do Thái hồi thế kỷ I. Chúng ta biết rất ít về ông Nicodemô. Chúng ta chỉ biết qua Phúc âm của thánh Gioan: Nicodemô đã bí mật đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm để hiểu rõ hơn về các giáo huấn của Ngài về Nước Trời. Sau đó, Nicodemô mạnh dạn nói về Chúa Giêsu khi Ngài bị bắt và đã giúp an táng Chúa Giêsu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét