Giuse Ðặng Ðình Viên còn có tên
là lương, Sinh năm 1787 tại làng Tiên Chu, huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên, Linh mục
triều, bị xử trảm ngày 21/8/1838 tại Bẩy Mẫu dưới đời vua Minh Mạng. Đức Lêo XIII
suy tôn cha Giuse Đặng Đình Viên lên hàng Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày
19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào
ngày 21/08.
Ngày 17-04-1838, quan quân đang
lùng bắt những đạo trưởng Công Giáo thì tại An Liêm, lương dân bắt được một người
lạ mặt, một thầy giảng với sáu bức thơ và bình đựng dầu thánh. Thầy giảng này
do Cha Viên sai đi để gửi các thư và lấy dầu thánh.
Tại làng An Liêm, một làng nửa
Công Giáo nửa bên lương, đã từ lâu có sự hiềm khích vì người Công Giáo đã được
phép chước không phải góp tiền vào các dịp cúng lễ trong năm. Nhân dịp này bên
lương yêu cầu bên giáo hủy bỏ điều này, từ nay góp tiền vào việc cúng thần thì
sẽ bỏ qua nội vụ. Song lệnh của đức cha và của tòa thánh là không thể thông
công vào các việc dị đoan. Thế là dân làng An Liêm đem nộp cho quan tổng đốc Trịnh
Quang Khanh. Ông này mừng rỡ liền sai 800 lính đến Cao Xá theo lời khai của thầy
giảng để lùng bắt Cha Viên. Từ đây mở màn cho những cuộc lùng bắt ghê gớm tại
các tỉnh Nam Ðịnh, Hưng Yên....
Cha Giuse Viên, tác giả sáu bức
thư, sinh năm 1787 tại làng Tiên Chu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Cha mẹ là
những tín hữu sốt sắng đã gửi cậu Viên vào nhà Ðức Chúa Trời ở họ Vân, xứ An Thị
Sau đó cậu được gửi theo học Latinh và Thần Học tại Lục Thủy, và năm 1824 ngài
được thụ phong linh mục. Lúc đó Cha Viên mới 36 tuổi.
Hai năm sau, Cha Viên được đổi về
miền Bắc Ninh, và trong suốt 16 năm trời cha hoạt động rất đắc lực cho Chúa và
các linh hồn tại các họ Ðông Bài, Thiết Nham, Như Thiết, An Mỹ.
Vì những lá thơ đó, Cha Viên bị
các quan quân truy nã rất gắt gao. Họ được lệnh đi tìm bắt Cha Viên bằng mọi
giá. Quan đầu tỉnh Hưng Yên là Hà Thúc Lương gửi người về tỉnh và huyện để tra
khảo tên tuổi lý lịch Cha Viên nhưng không ai biết Cha Viên ở đâu. Sau cùng họ
bá cáo về kinh, vua phẫn nộ và trách quở quan tuần. Vua còn ra chỉ thị cho quan
phải bắt Cha Viên trong một thời kỳ đã ấn định sẵn. Trong thời gian khá lâu,
quan cũng không tìm ra tông tích nên quan lại phải xin vua gia hạn. Biết rằng
tìm kim đáy biển, quan liền bày ra một diệu kế và mạo nhận viết một lá thơ cho
Cha Viên lấy tên là người nhà của Cha Viên. Trong lá thơ tỏ ra rất lo lắng cho
số mạng của Cha Viên và chỉ muốn giúp đỡ Cha Viên mà thôi. Qua diệu kế và lời hứa
thưởng bội hậu, quan đã tìm thấy hai tên phản bội. Hai tên này là Ðặng Ðình Lại
và Ðặng Ðình Nhật, anh ruột và cháu ruột của Cha Ðặng Ðình Viên.
Theo sự kiện trên, chúng ta thấy
lời Chúa hoàn toàn ứng nghiệm: "Các con sẽ bị nộp trước tòa bởi chính cha
mẹ, anh em bạn hữu mình". (Lk 21, 16). Hai tên phản bội này mất cả tháng
trời để dò la tin tức về Cha Viên, sau cùng họ tìm ra nhà bà Hai Nhi, nhà mà họ
nghi là Cha Viên đang ẩn núp, ở họ Cầu Chảy, xã Như Thiết. Họ đưa cho người đàn
bà ra mở cửa một lá thơ đề tên Cha Viên. Chị này cầm đến cho cha, khi cha mở ra
thì biết rằng mình bị mắc mưu. Cha cố gắng dán thơ lại nhưng không thể nào giống
như cũ được cha đành phải vội vàng trả lại. Khi hai tên này nhận được thơ thì
biết ngay là chỗ ở của Cha Viên, mặc dầu người trong nhà tìm đủ cách để đánh lạc
hướng. Hai tên phản bội cũng ngầm đi báo lính canh gần đấy. Sau này chính hai
tên này xưng hô rằng chúng muốn đích thân để bắt Cha Viên nhưng sợ không đủ thời
giờ đành phải nhờ lính. Chúng muốn tri hô lên vậy để kiếm thêm tiền thưởng. Vừa
nói xong quan tuần đến ngay. Chỉ kịp giờ cho Cha Viên chạy ra vườn mía sau nhà.
Từ vườn mía cha không thể lẩn trốn ngay mà không bị lộ tông tích, tuy nhiên nếu
lanh chân cha vẫn có thể trốn thoát nếu không vì lòng thương xót kẻ khác thúc đẩy
để cha ra nộp mình.
Hiểu biết như vậy, quan tuần lôi
một đứa trẻ thuộc gia đình đó ra tra tấn. Mặc dầu bị tra tấn rất dã man, em bé
vẫn can đảm chịu đựng và sau cùng không chịu được nữa em phải kêu lên: "Lạy
Mẹ Thiên Chúa, xin đến cứu con, con không biết chỗ ẩn núp của linh mục đó".
Em đau đớn rên rỉ làm Cha Viên phải
xuất đầu lộ diện và nói: "Tôi đây là linh mục Viên, hãy bắt tôi và tha cho
em đó".
Hôm ấy là ngày 01-08, Cha Viên bị
bắt. Thấy vậy quan quân cũng phải đem lòng khâm phục vì gương anh dũng và lòng
thương người của Cha Viên. Trước khi quân lính lăn xả vào trói Cha Viên, chúng
nói với nhau: "Nếu người này có cái răng gẫy, chính là đạo trưởng
Viên".
Khi khám phá ra dấu đó, lính lăn
xả vào trói và đánh Cha Viên. Khi đánh xong chúng đeo gông và xiềng xích vào
cho ngài rồi lôi ra đình làng, sau đó từ đình làng tới Hưng An và nhốt cha
trong tù chung với những kẻ trộm cướp, sát nhân.
Mặc dầu bị đau đớn hành khổ cùng
đeo xiềng xích Cha Viên vẫn một lòng trung tín cùng Chúa và đạo thánh người. Họ
tra khảo lý lịch và bắt cha dịch ngay lá thơ viết bằng ngoại ngữ ra tiếng Việt,
cha vâng lời ngay tức khắc.
Ðức Cha Marti đã viết trong cuốn
hồi ký của ngài rằng khi Cha Viên dịch ra tiếng Việt thấy lá thơ không có mưu đồ
hại gì càng làm cho quan rất phẫn nộ vì chính ông đinh ninh rằng thơ này có ẩn
ý gì hoặc hãm hại ông hay vua.
Một điều chắc là họ muốn tìm bắt
cho được Cha Hermosilla, vị truyền giáo còn lại mà những lá thơ này đã ám chỉ đến
ngài.
Lẽ dĩ nhiên Cha Viên là tác giả
những lá thơ đó, nên bị hành khổ tra tấn rất dã man và với ơn Chúa giúp, cha vẫn
khăng khăng một mực từ chối không tiết lộ điều gì có nguy hại cho các linh mục
cả.
Qua những sự kiện này họ vẫn
không thể lay chuyển được Cha Viên nên ngày 03-08 các quan làm án như sau:
"Hết lòng trung thành với vua, chúng tôi đã bắt được tên Ðặng Ðình Viên,
người bản quốc và là công dân triều đình vì tội hắn là đạo trưởng Gia-tô, hắn
thuộc loại ngu ngốc, đã dám theo người tây phương và chẳng những đã theo đạo tà
này lại còn dạy kẻ khác theo nữa và dùng mưu mô để lường gạt dân chúng. Khi có
lệnh vua cấm, hắn vẫn ngang nhiên phản lại. Hắn còn dám thông đồng và viết thơ
cho người Tây phương bằng ngôn ngữ của họ. Hiển nhiên, hắn đã làm quấy và khờ dại
không biết phải trái. Về phần chúng tôi, chúng tôi vẫn một lòng dạ với vua và
do đó hắn phải xử trảm như Ðỗ Yến. Vậy xin vua phê cho Ðặng Đình Viên cũng như
vậy".
Ngày 12-08, vua phê như sau:
"Ðạo trưởng tên Lương cũng gọi là Ðặng Ðình Viên, thần dân của nước trẫm
và là đạo trưởng của đạo Gia-tô đã theo tả đạo. Ðã vậy hắn vẫn không sợ hoặc ăn
năn hay xuất đạo, ngược lại hắn đã viết thơ bằng tiếng ngoại ngữ cho bốn người
tây phương, nếu vậy hắn là thứ đạo trưởng của tả đạo. Ta đồng ý và tuyên án, hắn
phải trảm quyết".
Từ khi bị kết án rồi, theo lời một
nhân chứng, quan quân còn dùng đủ cách để tra khảo và bắt ép Cha Viên phải chà
đạp thánh giá và xuất đạo, nhưng đầy tớ Chúa vẫn khăng khăng một mực trung tín.
Có lúc chúng dùng lời nịnh bợ và cố để lọt vào tai cha. Chúng nói với nhau:
"Nếu ông này chọn sống với chúng ta, ông ấy có thể làm lớn như chúng ta vì
ông có bộ mặt rất sắc sảo thông minh hơn người".
Cha Viên nghe vậy, ngài chỉ làm
thinh.
Lệnh vua về tới Nam Ðịnh ngày 21-08,
quan quân lập tức thi hành ngay. Một trong hai tên phản bội đấm ngực và xin được
tha thứ. Cha Viên sẵn sàng ngay nhưng cha cho hắn ta biết tội rất nặng và đòi
anh ta phải đi xưng tội và làm việc đền tội. Hành động xin tạ tội này không thật
lòng vì sau này anh ta vẫn tiếp tục làm hại các linh mục.
Cha Viên bị đeo gông, và xiềng
xích rất nặng như một tên tội nhân cùng khổ nhất. Trước khi hành xử chúng còn cố
gắng dụ dỗ cha xuất giáo một lần nữa nhưng cha cương quyết cự tuyệt sau đó
chúng mới đọc bản án.
Quan quân tụ họp ngay tại đình
làng. Dẫn đầu bằng một tên lính mang bản án. Sau hắn ta là đoàn lý hình với
gươm giáo rồi đến quan quân chễm chệ trên lưng voi dẫn ra pháp trường. Theo sau
có rất đông dân chúng cả lương lẫn giáo. Vừa đi Cha Viên vừa chăm chỉ cầu nguyyện,
có lúc cha khóc lóc và ăn năn vì tội mình. Một người ngoại đạo, ngạc nhiên nói
với người Công Giáo vì anh ta cho rằng Cha Viên có lẽ sợ nên đã khóc. Người
Công Giáo bảo anh ta rằng: "Ông lầm rồi, cha chúng tôi không khóc vì sợ chết,
mà khóc vì vui mừng đó thôi".
Khoảng trưa thì cả đoàn người đã
tới pháp trường gọi là Ba Tòa. Họ tháo gông và xiềng xích cho cha. Một vài giáo
dân đã đem theo sau mảnh chiếu và trải cho cha ngồị
Họ cũng mang đồ ăn cho cha. Nhưng
cha chỉ nếm thôi để làm hài lòng họ. Sau mấy phút trầm ngâm cầu nguyện, cha đưa
hai cánh tay cho họ trói giật lại. Cha Viên, như con chiên trên bàn hiến tế,
ngoan ngoãn giương cổ cho lý hình đang chờ sẵn. Lúc đó hai tên phản bội lăn xả
xuống và xin Cha Viên tha tội. Cha nói, cha sẵn sàng tha cho họ với điều kiện họ
phải đi xưng tội và làm việc đền tội. Trong hồi ký, Ðức Cha Marti kể rằng:
"Có một người ngoại đạo tên Hòa đến gần Cha Viên và nói thầm với cha rằng:
'Hôm nay cha về trời, nếu cha cần phải nhắn bảo hay làm gì, con sẵn sàng làm
theo ý cha".
Thinh lặng trong phút cầu nguyện,
cha hướng mặt về trời lần sau chót và lý hình vung gươm chém một nhát. Ðầu cha
lăn ngay xuống đất và linh hồn hạnh phúc ấy được hợp hoan cùng Chúa muôn đời.
Cha thọ 52 tuổi.
Theo tập quán của thời này, dân
chúng lương cũng như giáo chạy ra và thấm máu cha cũng như họ đã tranh nhau lấy
tất cả những gì thuộc về cha và có người bán chác ngay tại chỗ, thậm chí có người
dám cắt tai cha để bán lại cho giáo dân.
Sau đó, bổn đạo tại làng Vân xin
giữ đầu Cha Viên, nhưng giáo dân làng Tiên Chu ngăn cản họ. Trong khi đó quan
tuần đã cho phép dân chúng làng Tiên Chu giữ cả xác và đầu Cha Viên và họ đã
chôn cất tại nhà thờ mà vua đã cho phá. Làng Tiên Chu có khoảng ba ngàn giáo
dân.
Sau vụ này, vua ban thưởng ba
trăm quan. Số tiền này họ chia nhau và cho cả hai tên phản bội nữa. Sau đó quan
tuần được thăng chức. Ðó là tất cả các lợi lộc, chức tước của đời này, còn
chúng ta những người Công Giáo thì sao? Chúng ta phải đợi phán xét xử công minh
của Chúa. Ðó mới là chính phần thưởng vĩnh cửu đời sau.
Đức Lêo XIII suy tôn cha Giuse Đặng
Đình Viên lên hàng Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.
Trả lờiXóahãng eva air có tốt không
khuyến mãi vé máy bay đi mỹ
korean air việt nam
vé máy bay giá rẻ đi mỹ khuyến mãi
mua vé máy bay đi canada
Cuoc Doi La Nhung Chuyen Di
Ngau Hung Du Lich
Tri Thuc Du Lich