Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
      Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người.
    Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: “Xin ông nhường chỗ cho vị này”. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: “Xin mời ông bạn lên trên cho”. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

     Rồi Đức Giê-su nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
     Bài Tin Mừng hôm nay là một bài học dạy chúng ta biết khiêm nhường. Chúa Giêsu không chỉ nhận xét về khách dự tiệc mà còn thẳng thắn đưa ra một bài học khác cho chủ nhà, bởi vì ông này mở tiệc đãi khách, thực ra không phải vì khách mà vì chính mình. Thực vậy, cái thói mời người có chức quyền, mời người giàu sang để khoe rằng mình quen biết lớn, giao thiệp rộng, là bạn bè của mình toàn là những ông to bà lớn. Cái thói này ở mọi nơi, mọi thời đại đều rất thịnh hành. Ông chủ nhà cũng là một trong những kẻ thích khoe khoang, ông ta mời Chúa Giêsu có lẽ chẳng phải vì mến phục, nhưng chỉ để khoe với bạn bè về tài giao thiệp của mình, bởi vì lúc bấy giờ Chúa Giêsu đã là một nhân vật nổi tiếng.
     Thực vậy, mỗi người chúng ta thường được người khác đánh giá qua đẳng cấp xã hội, tiền tài, uy tín và nghề nghiệp. Nên từ đó, sự phân cách giàu nghèo trở nên ngày càng lớn. Chúng ta thường bị điều kiện hóa bởi môi trường sống của chúng ta, điều này thường ngăn cản chúng ta không mở rộng vòng tay tấm lòng đến tất cả mọi người. Nên Đức Giêsu đến phá đổ những bức tường ngăn cách giữa con người với nhau, không còn người giàu hay người nghèo, thánh nhân hay người tội lỗi. Tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau và nhất là những người yếu đuối, bất hạnh, tàn tật. Sự khiêm tốn đích thực là nhìn nhận mình chẳng là gì trước mặt Thiên Chúa, điều cần thiết là chúng ta biết nhận ra chính mình trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em có cùng một Cha trên trời.
     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin dạy chúng con biết yêu như Ngài yêu, biết sống cho tha nhân, biết quảng đại cho đi và khiêm nhường.  Amen.

Ngày 28/08. Thánh Augustinô, Giám mục Tiến sĩ Giáo hội (354-430)
Ngài vào đạo lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi. Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân.
Đó là nhờ nước mắt của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu.
Trong những năm đầu đời, ngài đắm chìm trong kiêu ngạo và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời ngài – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý. Chính kinh nghiệm đời ngài mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ.
Cũng như tiên tri Giêrêmia và các tiên tri khác, thánh Augustinô cũng không thể im lặng: “Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa”. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

1 nhận xét: