Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

Chúa Nhật III Mùa Chay Năm C

Lời Chúa: Nếu các ông không chịu sám hối, thí các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.
       Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: "Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê đó tội lỗi hơn hết mọi người Ga-li-lê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-a đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".

        Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: "Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: "Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?" Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
Bài Tin Mừng theo thánh Luca kể lại cho chúng ta lời bình luận của Chúa Giêsu về hai biến cố vừa xảy ra. Biến cố thứ nhất là cuộc nổi loạn của vài người Galilêa bị quan Philatô đàn áp giết chết, biến cố thứ hai là ngọn tháp Silôa sụp đổ làm cho 18 người thiệt mạng, hai biến cố bi thảm này xảy ra khác nhau. Và Chúa Giêsu luôn kêu gọi mọi người hãy sám hối. Tuy nhiên, có người tưởng rằng mình vô tội nên chẳng cần gì phải ăn năn sám hối, Chúa nói: ‘Tôi nói cho các ông biết, nếu các ông không ăn năn hối cải, các ông cũng sẽ phải chết như vậy.’
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sám hối, vì năm thánh Lòng Thương Xót Chúa giúp chúng ta nhận ra tình yêu vô biên của Chúa, để chúng ta nhận ra con người yếu đuối của mình cần được Chúa thứ tha. Con người càng nhận ra tình thương của Chúa, cần ý thức thân phận bọt bèo, mềm yếu của mình, cần được Chúa thứ tha nhờ đó chúng ta càng cần cảm thông với những yếu hèn của người khác. Tất cả chúng ta đều cần ơn tha thứ của Chúa. Do đó, sám hối là khởi đầu của việc nên thánh. Sám hối là sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, nên đồng thời cũng có cái nhìn thay đổi, đứng đắn, đầy cảm thông đối với người khác.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã nói rằng: “Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy, Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, các con chẳng làm gì được”. Xin cho chúng con luôn kết hiệp chặt chẽ với Chúa trong mọi giây phút của đời mình để cuộc sống của chúng con được sinh nhiều hoa trái tốt lành để tôn vinh Thiên Chúa và mưu ích cho anh chị em.  Amen

Ngày 28/02 – Chân phước Daniel Brottier, Linh mục (1876-1936)
Daniel Brottier sinh ngày 07-09-1876 tại La Ferté-Saint-Cyr, giáo phận Blois, Pháp. Ngài thụ phong linh mục năm 1899 và bắt đầu dạy học tại trường Pontlevoy (Pháp). Ngài muốn loan báo Tin Mừng cả ngoài lớp học nên ngài gia nhập Hội Truyền giáo Chúa Thánh Thần (Congregation of the Holy Ghost) tại Orly (Pháp) năm 1902, đi truyền giáo tại Saint-Louis, Senegal, thuộc Tây Phi, năm 1903. Sau 8 năm, vì sức khỏe suy yếu, ngài trở lại Pháp năm 1911 và quyên góp tiền xây nhà thờ chính tòa mới tại Dakar, Senegal. Thánh đường này được thánh hiến ngày 02-02-1936, chỉ vài tuần trước khi ngài qua đời.
Bắt đầu Thế Chiến I, Daniel làm tuyên úy tình nguyện và ra biên giới 4 năm. Ngài không trốn tránh nhiệm vụ. Thật vậy, ngài đã xả thân giữa trận chiến và bị thương. Ngài được tuyên dương là can đảm 6 lần, được thưởng Huân chương Chiến công (Croix de Guerre) và Bắc đẩu Bội tinh (Legion of Honour). Ngài sống sót nhờ cầu nguyện với thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu nên ngài xây một nhà nguyện dâng kính thánh nữ tại Auteuil khi thánh nữ được phong thánh.
Sau chiến tranh, ngài được mời giúp thành lập một dự án cho trẻ mồ côi tại Auteuil, ngoại ô Paris. Ngài sống 13 năm ở đó. Ngài qua đời ngày 28-02-1936 tại Paris. Có khoảng 15.000 người dân Paris đến kính viếng ngài và ĐHY Verdier đã giảng trong thánh lễ an táng ngài. Ngài được ĐGH Gioan-Phaolô II phong bậc đáng kính ngày 13-01-1983 và phong chân phước ngày 25-11-1984.

1 nhận xét: