Lời
Chúa: Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu cám dỗ.
Sau khi chịu phép
rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về, và được Thánh Thần
dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người
không ăn gì cả,và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với
Người: “ Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!”
Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “ Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ
cơm bánh.”
Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su
lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó
nói với Người: “ Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của
các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý.
Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại: “ Đã
có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải
thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt
Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “ Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng
đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho
thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn
khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “ Đã có lời rằng: Ngươi chớ
thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ
bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy
Chúa Giêsu bị thử thách đến ba lần cám dỗ. Cám dỗ thứ nhất là sử dụng quyền lực
thần linh để biến những hòn đá thành cơm bánh. Cám dỗ thứ hai là trở thành vua
của thế giới, toàn quyền cai trị các nước thiên hạ cùng với vinh hoa lợi lộc của
các nước này. Cám dỗ thứ ba là dùng quyền phép để thu phục nhân tâm, là đứng
trên nóc Đền Thờ Giêrusalem gieo mình xuống đất, dù bị cám dỗ nhưng Chúa Giêsu
không bao giờ thua trận, Người chiến thắng mọi thứ cám dỗ một cách vẻ vang, vũ
khí Chúa Giêsu sử dụng để chống lại các cơn cám dỗ là lòng yêu mến Đức Chúa
Cha, luôn vâng phục Người và cố gắng làm đẹp lòng Người mọi đàng.
Trong cuộc sống luôn mở ra cho chúng ta những
chọn lựa và thử thách. Tuy nhiên, với người này, gian nan thử thách có thể làm
cho họ nhục chí, thoái lui, hay vấp ngã ê chề. Nhưng với người khác, có thể lại
là dịp để họ lớn lên, trưởng thành và vững chắc hơn trước thách đố của cuộc sống.
Bởi cám dỗ không đơn giản là xúi giục chúng ta làm điều xấu, nhưng còn là những
mánh khóe biến giả thành thật, là thủ đoạn tô hồng những khía cạnh gian dối,
đánh bóng những nhu cầu giả tạo, thoáng nhìn thấy thật tốt đẹp nhưng thật ra đó
chỉ là hình ảnh giả tạo phù phiếm mà thôi, vì sự thật vẫn là sự thật.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho mỗi người
Kitô hữu chúng con cũng biết yêu mến Chúa và tha nhân biết dùng lời Chúa làm
kim chỉ nam trong cuộc sống thường ngày của chúng con. Để cùng với Chúa và
trong Chúa, chúng con chắc chắn giữ được lòng trung tín đến cùng với Chúa. Amen.
Ngày 14/02 – Các thánh Cyrilô, Đan sĩ
(827-884), và thánh Mêthôđiô, Giám mục(825-869)
Hai anh em Cirilô sinh
năm 827 và Mêthôđiô sinh năm 825 tại Thessalonica, Đông Bắc Hy lạp. Cha của các
ngài là một sĩ quan ở Hy lạp, nơi có nhiều người Slavs sinh sống, thế nên hai
anh em này trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và vị bảo trợ của dân Slavs. Sau
khi học hành giỏi giang, Cyrilô (gọi là Constantine đến khi ngài làm tu sĩ
không lâu sau khi cha mất) từ chối chức thống đốc khi em trai ngài chấp nhận là
những người nói tiếng Slavs. Cyrilô rút về tu viện, nơi em trai Mêthôđiô làm tu
sĩ sau vài năm làm thống đốc.
Sự thay đổi “định mệnh”
xảy ra khi Công tước Moravia (ngày nay là Cộng hòa Czech) yêu cầu Hoàng đế Đông
phương Michael cho độc lập về chính trị, tách khỏi quyền cai trị của Đức và tự
trị giáo hội (ecclesiastical autonomy) vì đã có giáo sĩ và phụng vụ riêng.
Cyrilô và Mêthôđiô hiểu sứ vụ truyền giáo của mình.
Công việc đầu tiên của
thánh Cyrilô là sáng tạo bảng mẫu tự, vẫn được dùng trong một số phụng vụ Đông
phương. Những người theo ngài có thể thành lập bảng mẫu tự Cyrilô (Cyrillic
alphabet), chẳng hạn tiếng Nga hiện đại, từ chữ hoa Hy lạp. Họ cùng dịch Phúc
âm, Thánh thi, các thư của thánh Phaolô và sách phụng vụ sang tiếng Slavs, lập
nghi thức phụng vụ Slavs, lúc đó khác nhiều.
Họ dùng thổ ngữ một
cách tự do khi thuyết giảng dẫn đến đối lập trong giới giáo sĩ Đức. Đức giám mục
không chịu phong chức giám mục và linh mục cho người Slavs. Thánh Cyrilô buộc
phải đi Rôma. Trên đường đến Rôma, ngài và thánh Mêthôđiô vui mừng khi thấy
sách phụng vụ mới của hai anh em được ĐGH Adrianô II phê chuẩn. Thánh Cyrilô
qua đời tại Rôma.
Thánh Mêthôđiô tiếp tục
sứ vụ trong 16 năm nữa. Ngài là khâm sứ tòa thánh (papal legate) cho dân tộc
Slavs, được phong chức giám mục và coi sóc một giáo phận (nay là Cộng hòa
Czech). Khi nhiều vùng trong lãnh địa bị mất quyền hạn, các giám mục Bavaria phản
hồi bằng cách chống lại thánh Mêthôđiô. Cuối cùng, Hoàng đế Louis người Đức bắt
thánh Mêthôđiô đi đày 3 năm. ĐGH Gioan VIII bảo lãnh để thánh Mêthôđiô được tự
do.
Giáo sĩ người Frankish
tiếp tục cáo trạng, thánh Mêthôđiô phải đi Rôma để không bị kết tội dị giáo và
bảo vệ việc dùng phụng vụ Slavs. Và ngài được minh oan (vindicated).
Thời kỳ hoạt động sôi nổi
của thánh Mêthôđiô là dịch toàn bộ Kinh thánh sang tiếng Slavs trong vòng 8
tháng. Ngài qua đời vào thứ Ba Tuần Thánh, các đồ đệ vây quanh, và được an táng
tại nhà thờ chính tòa.
Sau khi ngài mất vẫn có
những người phản đối, rồi công việc của hai anh em ở Moravia đến hồi kết thúc
và các đệ tử của họ tản mác. Nhưng có hiệu quả lợi ích về việc truyền bá các hoạt
động tâm linh, phụng vụ và văn hóa của hai anh em sang Bulgaria, Bohemia và Nam
Ba lan. Anh anh em là bổn mạng của Moravia, được tôn kính đặc biệt trong giới
Công giáo ở Cộng hòa Czechs, Slovaks, Croatia, trong giới Chính thống giáo ở
Serbia và Bulgaria. Thánh Cyrilô và Mêthôđiô là Tông đồ và là cha đẻ của văn
chương Slavs, đồng thời là người bảo vệ sự hiệp nhất lâu dài giữa Đông phương
và Tây phương. Năm 1980, ĐGH Gioan-Phaolô II tôn phong các ngài làm thánh bổn mạng
Âu châu (cùng với thánh Bênêđictô).