Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B

Lời Chúa: Con Người đến để hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.
      Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói: "Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây." Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?" Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang." Đức Giê-su bảo: "Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Các ông đáp: "Thưa được." Đức Giê-su bảo: "Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được."

      Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: "Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người."

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu làm nổi bật nhất trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta hãy đọc lại câu nầy: “ Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Rất ít câu nào trong Kinh Thánh tóm tắt được cuộc đời Đức Giêsu một cách hoàn hảo đến như thế, rồi hai anh em ông Giacôbê và ông Gioan đến và ngỏ lời xin với Chúa Giêsu được ngồi bên hữu bên tả trong Nước Chúa. Nhưng Chúa thấy các ông quá chân tình và nồng nhiệt, nên Chúa đã hé mở cho các ông một vài nét về tương lai. Các con sẽ uống chén đắng của Thầy uống, và tắm mình trong phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được. Nghe những lời nói ấy làm hai ông Giacôbê và ông Gioan lo lắng, nhưng về sau các ông đã hiểu và coi đó là một động cơ cho niềm tin yêu phó thác trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng của các ông.
      Chúng ta hãy nhìn vào đời sống của Đức Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các Thánh Nam Nữ, chúng ta thấy tất cả các vị này đã sống một đời sống rất khiêm nhường, âm thầm phục vụ Thiên Chúa và tha nhân, các ngài kiên trì chịu mọi khó khăn, đau khổ cho những chén đắng hằng ngày. Khi chúng ta hát bài Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Nghèo Khó, và suy gẫm đời sống của ngài từ bỏ mọi sự giàu sang ở thế gian và để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ Chúa trong mọi người, và chúng ta phải cảm nghiệm được lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muuốn theo Ta thì hãy từ bỏ chính mình, vác Thập Giá mình hằng ngày mà theo Ta!” Và lời của Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ trong thư gởi giáo hữu Ephêsô “Anh em hãy sống cho xứng đáng với ơn gọi Chúa đã ban cho anh em, bằng đời sống thật khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại; hãy lấy tình thương bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, hãy cố gắng hết sức để duy trì sự hiệp nhất do Thánh Thần Chúa ban, bằng cách cố gắng sống thuận hòa với nhau.”sau cùng, chúng ta đã nhìn thấy Chúa Giêsu trở nên mẫu gương sống động cho những ai muốn làm người đứng đầu anh em là người phải phục anh em mình.
     Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Chúa đã hạ mình như một đầy tớ phục vụ các môn đệ và tình nguyện chịu chết đền tội thay cho chúng con. Xin giúp chúng con hiểu được tình yêu vô biên của Thiên Chúa và noi gương của Chúa, là yêu thương phục vụ hết mọi người, xin giúp chúng con biết nghĩ đến những người bên cạnh và phục vụ họ như phục vụ chính Thiên Chúa để xứng đáng là môn đệ thực sự của Chúa. Amen

Ngày 18/10-Thánh Luca, Thánh sử
Thánh Luca là tác giả một trong bốn sách Phúc Âm và sách Công Vụ Tông Đồ. Theo như các thư của thánh Phao lồ thì thánh Luca là người ngoại trở lại và đã tháp tùng thánh Phao lồ trong các hành trình truyền giáo và đã có mặt với thánh Phao lồ trong những ngày cuối cùng khi ngài bị giam trong tù.Trong thư của thánh Phao lồ gởi cho tín hữu Côlôxê, thánh Luca được đề cập đến như một thầy thuốc. Tính chất này có thể tìm thấy trong sách Phúc Âm khi thánh Luca kể chuyện về các bệnh nhân được Chúa Giêsu chữa lành. Theo như nhiều học giả giải thích Kinh Thánh thì thánh Luca muốn nêu lên rằng: Chúa Giêsu chính là “Đấng chữa lành một thế gian đang đổ nát”.
Sách Phúc Âm của thánh Luca chú trọng đến những người nghèo, những người sống bên lề xã hội, những đàn bà con nít và những kẻ thấp hèn. Khi kể về Chúa giáng trần, thánh Luca nêu lên niềm tin của Đức Bà Maria, nhấn mạnh đến sự khiêm nhường nghèo nàn nơi Chúa sinh ra, nâng cao niềm hy vọng của những người nghèo khó. Sách Phúc Âm của thánh Luca có đoạn kể lại sứ vụ của Chúa Giêsu trong đền thờ ở Nazaret với bài trích từ sách tiên tri “Isaia”, “Thấn khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, tuyên bố một năm hồng ân của Chúa”. Trong sách cũng nhắc đến các “Mối Phúc Thật”. Chúa Giêsu công bố: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em”. Đến câu chuyện dụ ngôn về người giàu có và người ăn xin Lazarus nói lên lòng thương xót và sự công chính ở đời này và đời sau.
Suốt sách Phúc Âm của thánh Luca được cảm ứng từ sự nghèo nàn của Chúa Giêsu và sứ vụ của Chúa đối với những người nghèo. Thánh Luca chưa bao giờ được gặp gỡ Chúa Giêsu, nhưng những điều thánh Luca ghi lại chính là niềm tin về Chúa Giêsu Phục Sinh hiện hữu giữa các cộng đoàn tín hữu mà thánh Luca đã ghi lại trong sách Công Vụ Tông Đồ. Trong bốn sách Phúc Âm thì sách của thánh Luca diễn tả một sức sống tiềm tàng với sự hiện diện của Chúa trong diễn tiến của lịch sử. Bởi vậy sách Tin Mừng của thánh Luca không dừng lại với sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mà còn kéo dài đến Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và sự hiện diện của Chúa Giêsu trong sự sống của Giáo Hội lữ hành trên trần thế.

1 nhận xét: