Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Thứ Hai Tuần 31 Thường Niên Lc 14,12-14.

Lời Chúa: Đừng mời bạn bè, nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật.
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Nếu anh em ở lại trong lời của Thầy, thì anh em thật là môn đệ Thầy, và anh em sẽ biết sự thật. Ha-lê-lui-a.
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,

trong con, hồn lặng lẽ an vui.

Ngày 31/10-Thánh Wolfgang Regensburg, Giám mục (924-994)
Ngài sinh tại Swabia, Đức, học tại tu viện Reichenau. Tại đây ngài gặp Henry, một nhà quý tộc trẻ và sau trở thành TGM Trier. Trong khi đó, ngài vẫn thân thiết với Đức TGM, vừa dạy ở trường Công giáo và vừa cố gắng giúp cải cách hàng giáo sĩ.
Khi Đức TGM qua đời, ngài vào Dòng Biển Đức ở Einsiedeln, nay thuộc Thụy Sĩ. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc học viện của dòng ở đó. Rồi ngài được sai đi truyền giáo ở Hungary.
Hoàng đế Otto II bổ nhiệm ngài làm giám mục GP Regensburg (gần Munich). Ngài bắt đầu cải cách hàng giáo sĩ và dòng tu, giảng dạy và luôn chú trọng người nghèo. Ngài sống rất khổ hạnh. Năm 994, ngài bị bệnh và qua đời tại Puppingen, gần Linz (Áo). Ngài được phong thánh năm 1052.

Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Con Người đến để tìm và Cứu những gì đã mất.

      Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” Còn ông Da-kêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
      Bài Tin Mừng hôm nay thật hay, gợi nhớ lại hình ảnh gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Giakêu tại thành phố Giêricô và kết thúc là một sự biến đổi cuộc đời của ông. Ông Giakêu là người thu thuế giàu có tại Giêricô, và như chúng ta được biết. Dân chúng, nhất là những người Dothái thường khinh bỉ những người làm nghề thu thuế, nối gót cho giặc Rôma để bóc lột nhân dân của mình. Họ thường bị coi là những kẻ độc ác, bất công và tội lỗi, do đó họ bị loại trừ khỏi cộng đồng dân Dothái.
      Cho dù cuộc đời chúng ta có chồng chất nhiều tội lỗi, nhưng chúng ta đừng vội thất vọng. Hãy ngước nhìn Chúa, hãy tìm gặp Ngài với lòng yêu mến sám hối chân thành. Bởi vì lúc nào Chúa cũng mở rộng vòng tay đón nhận để tha thứ cho chúng ta, Và bài Tin Mừng hôm nay muốn nhắc nhở và gởi đến cho chúng ta: “Thiên Chúa xót thương hết mọi người” (Kn 11,22).
      Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Xin cho chúng con có một tấm lòng khoan dung như Chúa, và một tâm hồn quảng đại như ông Giakêu. Để cả thế giới này trở nên con cái tổ phụ Abraham, và được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa.  Amen

Ngày 30/10-Thánh Anphong Rodriguez, Tu sĩ (1533-1617)
Ngài sinh năm 1533 tại Tây Ban Nha, thừa kế việc kinh doanh dệt lúc 23 tuổi. Trong 3 năm, vợ ngài, con gái ngài và mẹ ngài đều mất, công việc kinh doanh lại sa sút dẫn đến phá sản. Ngài cùng con trai phải đến ở nhờ nhà bà con. Tại đây ngài biết cầu nguyện và suy niệm.
Khi con trai mất, lúc ngài 40 tuổi, muốn vào Dòng Tên nhưng không được vì học hành ít. Ngài xin lần thứ hai thì được chấp nhận. Suốt 45 năm ngài là người giữ cửa của ĐH Dòng Tên ở Majorca. Khi không có ai ra vào, ngài lại cầu nguyện, nhưng ngài thường gặp khó khăn và bị cám dỗ.
Sự thánh thiện và sự cầu nguyện của ngài thu hút nhiều người đến với ngài, trong số đó có thánh Phêrô Claver. Cuộc đời gác cổng của ngài có thể là đơn điệu và nhàm chán, nhưng nhà thơ Giêrađô Manley Hopkins đả chú ý tới ngài và đã làm thơ về ngài. Ngài qua đời năm 1617, và trở thành thánh bổn mạng của Majorca.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Thứ Bảy Tuần 30 Thường Niên Lc 14,7-11.

Lời Chúa: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
Ha-lê-lui-a. Chúa nói: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học vói tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Ha-lê-lui-a.
Tôi tiến về liều thánh cao sang
đến tận nhà Thiên chúa,
cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,

giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Ngày 29/10-Thánh Narcissus Giêrusalem, Giám mục (qua đời năm 215)
Một số người cho rằng ngài sống thọ tới 160 tuổi. Chi tiết cuộc đời ngài rất sơ sài, nhưng người ta nhắc tới nhiều phép lạ của ngài. Phép lạ được nhớ nhiều nhất là biến nước thành dầu để thắp đèn nhà thờ ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, khi các phó tế quên châm dầu vào các đèn.
Chúng ta không biết ngài làm giám mục Giêrusalem lúc nào. Ngài nổi tiếng sống thánh thiện. Nhưng có người kết án oan cho ngài. Rồi ngài nghỉ hưu và sống cô tịch. Một vị giám mục trẻ đã đưa ngài về sống chung, giúp đỡ ngài tới khi ngài qua đời.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

Ngày 28/10 – 1765-1798 Thánh Gioan Đoàn Viết Đạt linh mục tử đạo

* Hiến Mạng vì Đoàn Chiên.

“Người mục tử nhân lành hiến mạng sống cho đoàn chiên” (Ga 10:11b). Đó là lời Đức Giêsu đã được Thánh Gioan Đạt đem ra thực hiện một cách tuyệt hảo. Đang khi quân lính truy bắt, cha có thừa cơ hội trốn thoát, nhưng vì thương các tín hữu đang bị tra khảo, thấy quân lính tàn nhẫn đánh đập họ vì mình, cha đã tự nguyện ra trình diện.
Gioan Đạt mở mắt chào đời năm 1765 tại làng Khê Câu, huyện Bình Lục, Thanh Hóa, địa phận Tây Đàng Ngoài. Mồ côi cha từ nhỏ, cậu Đạt xin phép mẹ để hoàn toàn hiến thân cho Chúa dưới sự chăm sóc đầy tình thương của cha Loan xứ Đồng Chuối. Năm 18 tuổi, cậu xin vào chủng viện, sau đó đi xứ một thời gian. Đến năm 1798 thầy mới thụ phong linh mục.
Cha Gioan Đạt được phái đến xứ Hảo Nho, Thân Phú. Vị tân linh mục hết sức lo lắng cho các tín hữu nên được mọi người yêu quý. Cha chính địa phận Tây Đàng Ngoài nhận xét: “Cha Đạt có nhiều nhân đức, nhất là đức tuân phục và khó nghèo. Cha luôn chu toàn mọi bổn phận, nên Đức cha và các vị thừa sai đều quý mến. Lời cha giảng có sức mạnh đặc biệt, có sức thuyết phục lòng người”.
Mới thi hành tác vụ linh mục được sáu tháng, vua Cảnh Thịnh ra sắc chỉ bắt đạo gắt gao hơn trước. Quan trấn ra lệnh cho quân lính tầm nã các tín hữu, nhất là các đạo trưởng. Cha Đạt phải trốn lên rừng một thời gian. Khi thấy tình hình có vẻ lắng dịu, cha thường lẻn về giáo xứ ban các bí tích.
Một hôm cha vừa hoàn tất thánh lễ an táng tại tư gia, thì quân lính ập đến. Giáo hữu đưa cha ra sau nhà, và chỉ lối cho cha thoát thân. Thế nhưng cha không đành lòng bỏ rơi họ ra đi. Vì khi đó, lính đã tìm thấy chén thánh và áo lễ, nên đang tra tấn chủ nhà, ông trùm Mới và một số tín hữu khác. Như Đức Giêsu xưa yêu cầu quân Do Thái để các tông đồ được an toàn, cha cũng tự nguyện ra trình diện. Ngài nói: “Vẫn biết tôi có thể trốn thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ khổ nhiều”.
Quân lính trói cha lại, rồi đánh đập tàn nhẫn cùng với thầy Tâm và ba vị trong ban chức giáo xứ. Các giáo hữu ở đó định cậy đông người dùng sức mạnh giải vây cứu cha, nhưng cha biết ý, cản họ lại: “Cứ để tôi vâng theo Thánh ý Chúa, anh chị em ở lại bình yên, kiên trung giữ đạo, và nhớ cầu nguyện cho tôi được vững vàng đến cùng”. Trên đường áp giải cha về Thanh Hóa, khi ngang qua làng Kẻ Dừa, có người cầm nón đưa cha đội, nhưng quân lính không cho.


* Chứng Tá Trong Tù.

Hai tháng tù tại Đình Đang, cha Đạt làm mọi người bỡ ngỡ, vì thấy cha trong hoàn cảnh đó mà vẫn bình tĩnh vui vẻ. Khi các tín hữu đến thăm và khóc thương, cha nói chuyện vui cho họ bớt ưu sầu và an ủi khích lệ họ. Cha nói: “Tử đạo là phúc cao trọng, An Nam ta chưa được mấy người. Nếu được tử đạo, tôi mừng lắm”.
Lương dân sống gần trại giam cũng cảm mến thương cha. Một thiếu phụ lòng ngay đưa cha một chai độc dược để kết liễu cuộc đời khổ đau trong tù ngục. Cha từ chối và giải thích cho bà biết: “Người Công giáo chân chính, dù trong hoàn cảnh nào cũng không chấp nhận việc tự tử”. Đặc biệt cha còn cảm hóa được cả đám lính canh ngục. Mới đầu họ hay làm khó dễ, cứ mỗi lần đổi ca gác, họ lại bắt các tín hữu đút lót tiền, nếu không họ sẽ hành hạ tù nhân. Sau thấy được lòng bác ái yêu thương của cha Đạt, đám lính canh đã có thiện cảm và dễ dàng hơn với các tín hữu. Một lần cha bênh vực cho một người lính ăn cắp nải chuối giáo dân gởi vào cho cha. Lần khác, cha nói với họ rằng: “Khi nào tôi được phúc trên trời, tôi sẽ chẳng quên anh em dưới thế”.
Ông Thiềng cai ngục, tỏ lòng quý mến cha cách đặc biệt. Khi gặp riêng, ông nói với cha rằng: “Tôi thấy cụ khôn ngoan, đạo đức, thì muốn kết nghĩa huynh đệ lắm, ngặt vì cụ sắp bị kết án tử rồi. Tôi xin hứa biếu cụ cỗ quan tài để biểu lộ lòng tôi quý cụ”.
Nhiều lần, cha Đạt và các tín hữu bị lôi ra quỳ trước tòa, tay chân mang xiềng xích, cổ đeo gông. Ông Hoàng Đệ là em vua Cảnh Thịnh, đích thân chủ tọa phiên tòa. Ông bắt các anh hùng đức tin chối đạo hoặc đạp lên thánh giá, và dù đã áp dụng nhiều hình thức tra tấn dã man, nhưng ông vẫn hoàn toàn thất bại. Có hôm ông yêu cầu cha Đạt cắt nghĩa tấm ảnh phán xét chung, rồi nói cha đạp lên tấm ảnh đó, thì sẽ được tha. Nhưng cha cúi xuống, cầm lấy ảnh và hôn kính cách sốt sắng.


* Hiến Lễ Dâng Thiên Chúa.
Trung tuần tháng Mười, ông Hoàng Đệ gọi cha Đạt ra công đường tuyên án xử tử. Ông tưởng nghe bản án, cha sẽ kinh sợ và đổi ý, không ngờ cha lại tỏ ra hân hoan khác thường. Về trại giam, cha thuật cho các bạn tù nghe án xử như một tin mừng đến với cha. Cha Huấn xứ Bạch Bát giả làm cụ đồ bạn cũ đến thăm, giải tội và đem cho cha Mình Thánh Chúa.
Đúng ngày hành xử, trời bỗng đổ cơn mưa như trút. Cha Đạt, cổ đeo gông nặng trĩu, phải lẽo đẽo chạy theo lính dưới cơn mưa tầm tã tiến ra pháp trường Trinh Hà. Tại đây, giáo dân đã trải chiếu hoa, cha bình tĩnh quỳ xuống cầu nguyện. Khi các quan cho phép, tín hữu ùa đến bên cha lãnh phép lành cuối cùng. Cha khuyên họ:
“Là Kitô hữu, chúng ta phải vâng lệnh vua quan trong những điều hợp lý, nhưng trước hết, phải tôn trọng lề luật Chúa”.
Một hồi chiêng nổi lên, mọi người phải lui ra xa. Lý hình vung gươm kết liễu cuộc đời vị linh mục trẻ đầy nhiệt huyết và can đảm. Giáo hữu và lương dân đều xúm lại thấm máu vị chứng nhân đức tin. Đó là ngày 28.10.1798, khi cha Đạt mới 33 tuổi, với chưa đầy một năm phục vụ trong chức linh mục.
Đời sống cha Gioan Đạt là mẫu gương sáng ngời về tình yêu. Yêu lý tưởng, cha hiến thân tu hành, yêu anh em, cha tự nguyện nộp mình, và yêu Thiên Chúa, cha hiến tế chính mạng sống vô giá không thương tiếc. Thi hài vị tử đạo được đưa về an táng tại nhà thờ Phúc Nhạc (Phát Diệm).
Đức Giáo Hoàng Lêo XIII suy tôn cha Gioan Đạt lên bậc Chân Phước ngày 27.5.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Thứ Sáu Thánh Simon và Thánh Giuđa Tông Đồ Lễ kính Lc 6,12-19.

Lời Chúa: Đức Giêsu chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.
Ha-lê-lui-a. Lạy Thiên Chúa, chúng con xin ca ngợi hát mừng, tuyên xưng Ngài là Đức Chúa. Lạy Chúa, bậc Tông Đồ đồng thanh ca ngợi chúa. Ha-lê-lui-a.
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm.
Ngày qua mách bảo cho ngày tới,

đêm này kể lại với đêm kia.

Ngày 28/10-Các thánh Simon và Giuđa, Tông đồ
Thánh Matthêu và thánh Máccô gọi ngài là Tađêô. Phúc âm không nhắc riêng tới ngài, chỉ nhắc chung đến các tông đồ. Các học giả cho rằng ngài không là tác giả của Thư Giuđa. Ngài trùng tên với Giuđa Iscariốt, nên được gọi là Tađêô cho khỏi lộn.
Ngài được nhắc đến trong 4 danh sách các tông đồ. Ngài có biệt danh là “nhiệt thành” (Zealot). Thực ra Zealot là quá khích, đó là một giáo phái Do Thái đại diện cho chủ nghĩa yêu nước cuồng nhiệt của Do Thái. Với họ, lời hứa trong Cựu ước nghĩa là người Do Thái sẽ được giải phóng và độc lập.
Thiên Chúa là vua của họ, và việc nộp thuế cho đế quốc La Mã là điều phỉ báng Thiên Chúa. Chắc chắn một số người quá khích là những người thừa kế của Macabê, thực hiện lý tưởng tôn giáo và độc lập. Nhưng nhiều người là bản sao của những kẻ khủng bố thời hiện đại. Họ tấn công và giết người, tấn công cả người hợp tác là ngoại bang. Trách nhiệm của họ là nổi loạn chống đế quốc La Mã, kết thúc bằng việc hủy hoại Đền thờ Giêrusalem năm 70.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Thứ Năm Tuần 30 Thường Niên Lc 13,31-35.

Lời Chúa: Ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được.
Ha-lê-lui-a. Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa ! Bình an trên cõi trời cao, và vinh quang trên các tầng trời. Ha-lê-lui-a.
Chúc tụng Chúa là núi đá cho tôi nương ẩn,
là dạy tôi nên người thiện chiến,

luyện thành tay võ nghệ cao cường.

Ngày 27/10-Chân phước Bartôlômêô Vicenza, Giám mục (1200-1271)
Ngài sinh tại Vicenza. Lúc 20 tuổi, ngài vào Dòng Đa Minh. Sau khi thụ phong linh mục, ngài phục vụ trong nhiều chức vụ lãnh đạo. Ngài thành lập một quy luật quân đội để giữ an ninh dân sự ở các thành phố của nước Ý.
Năm 1248, ngài được bổ nhiệm giám mục. Với nhiều người, việc bổ nhiệm như vậy là một vinh dự, góp phần vào sự thánh thiện và kỹ năng lãnh đạo. Nhưng với ngài, đó là một dạng đày ải do một nhóm chống giáo hội thúc đẩy, chỉ muốn thấy ngài đi Cyprus. Tuy nhiên, không lâu sau, ngài lại được chuyển về Vicenza. Ngài làm việc cần mẫn – nhất là qua những gì ngài giảng dạy – để xây dựng giáo phận và củng cố lòng trung thành của mọi người đối với Tòa thánh.
Trong những năm làm giám mục ở Cyprus, ngài thân thiện với Vua Louis IX của nước Pháp. Nhà vua đã trao cho ngài thánh tích mão gai của Chúa Giêsu. Ngài được phong thánh năm 1793.

Thứ Tư Tuần 30 Thường Niên Lc 13,22-30.

Lời Chúa: Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
Ha-lê-lui-a. Thiên Chúa đã dùng Tin Mừng mà kêu gọi chúng ta, để chúng ta được hưởng vinh quang của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Ha-lê-lui-a.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy,

kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.

Ngày 26/10-Chân phước Contardo Ferrini (1859-1902)
Ngài là con của một giáo viên tự học biết 12 ngôn ngữ, và ngày nay là bổn mạng các trường đại học.
Ngài sinh tại Milan (Ý), có bằng tiến sĩ luật và nhận học bổng học luật Roman-Byzantine ở Berlin (Đức). Ngài dạy ở nhiều trường học, rồi là thành viên ban giảng huấn trường ĐH Pavia, tại đây ngài được coi là người nổi trội về luật pháp Rôma.
Ngài tìm hiểu đức tin mà ngài yêu và sống. Ngài nói: “Đời sống chúng ta phải đạt tới mức vô hạn, và từ đó chúng ta phải lôi kéo những gì chúng ta có thể muốn về sự xứng đáng và phẩm chất”. Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ và đọc Kinh thánh bản gốc. Những bài nói và bài viết của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về mối liên hệ giữa đức tin và khoa học. Ngài tham dự thánh lễ hàng ngày và trung thành sống luật dòng ba Phanxicô. Ngài còn là thành viên của Hội bác ái Thánh Vincent de Paul.
Ngài qua đời khi mới 43 tuổi, các bạn giáo sư của ngài đều gọi ngài là vị thánh. Dân chúng Suna, nơi ngài sống, đều tin ngài sẽ được phong thánh. Và ĐGH Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

Thứ Ba Tuần 30 Thường Niên Lc 13,18-21.

Lời Chúa: Hạt cải lớn lên và trở thành cây.
Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.
Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.
Xin Chúa từ Xion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc.
Ước chi trong suốt cả cuộc đời

bạn sẽ thấy Giêrusalem phồn thịnh.

Ngày 25/10-Chân phước Antôniô de SantAnna Galvao, Linh mục (1739-1822)
Ngài sinh tại Guarantingueta, gần São Paulo (Brazil), ngài vào Dòng Tên ở Belem nhưng sau đó chuyển sang Dòng Phanxicô. Mặc áo dòng năm 1760, khấn trọng năm 1761 và thụ phong linh mục năm 1762.
Tại São Paulo, ngài giảng thuyết, giải tội và gác cổng. Sau vài năm, ngài được bổ nhiệm làm người giải tội cho Nhà tĩnh tâm của thánh Teresa Avila – đó là một nhóm nữ tu. Ngài và nữ tu Helena Maria Chúa Thánh Thần thành lập một dòng nữ mới dưới sự bảo trở của Đức Mẹ Thụ thai Chúa quan phòng (Our Lady of the Conception of Divine Providence). Nữ tu Helena Maria qua đời vào năm sau, LM Antôniô một mình chịu trách nhiệm dòng mới này, nhất là việc xây dựng tu viện và nhà nguyện cho phù hợp với số nữ tu tăng dần.
Ngài làm giáo tập cho các tu sĩ ở Macacu và là người trông coi tu viện Thánh Phanxicô ở São Paulo. Ngài còn thành lập tu viện Thánh Clara ở Sorocaba. Dược phép của bề trên giám tỉnh và giám mục, ngài sống những ngày cuối đời tại Recolhimento de Nossa Senhora da Luz, tu viện của các nữ tu mà ngài đã giúp thành lập. Ngài được chân phước GH Gioan Phaolô II phong chân phước tại Rôma ngày 25-10-1998.

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Ngày 24/10 1825-1860 Thánh Giuse Lê Ðăng Thị Cai đội Tử đạo.

Giuse Lê Ðăng Thị, Sinh năm 1825 tại Kẻ Văn, Quảng Trị, Giáo dân, Cai Ðội, bị xử giảo ngày 24/10/1860 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 24/10.

* Cùng bạn về trời.
Đúng ngày bị hành quyết, cai đội Giuse Lê Đăng Thị thức dậy rất sớm. Ông đánh thức một tù nhân bị xử tử cùng ngày, rồi đưa anh vào một gócnhà giam. Sau nhiều ngày tận tâm hướng dẫn người bạn dự tòng này, hôm nay (24.10) ông nghiêm trang đổ nước rửa tội cho anh "Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần". Thế là ông có một người bạn đồng hành với mình vào quê hương vĩnh phúc trên Trời.
Giuse Lê Đăng Thị sinh năm 1825 tại xứ Kẻ Văn, làng Văn Quy, tỉnh Quảng Trị, trong một gia đình binh nghiệp. Thân phụ anh giữ chức Cai đội. Lớn lên anh cũng theo nghề của cha, xin nhập ngũ và phục vụ trong quân đội nhà vua. Một thời gian sau, anh được thăng Chưởng vệ trông coi lính ở Hà Tĩnh, rồi được dời vào Nghệ An. Tại đây, anh lập gia đình và sống hạnh phúc với vợ con.
* Bão tố và niềm tin.
Vua Tự Đức sau một thời gian bách hại đạo gắt gao, đã phát hiện ra lệnh của mình chưa được thi hành đồng loạt, vì ngay trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng có người theo đạo Công Giáo. Ngày 15.12.1859, nhà vua ra thêm một chiếu chỉ bắt tất cả các quan có đạo đó. "những quan nào có đạo (theo tà đạo), dù thành thực bỏ đạo cũng phải truất chức. Cần phải điều tra cẩn thận để tìm thêm những viên chức triều đình theo tà đạo. Những ai không tố giác, hoặc chứa chấp trong nhà mình, cũng bị trừng phạt như chúng…". Nhà vua còn bắt tất cả các quan quân phải bước qua Thánh Giá trước khi ra trận đánh giặc Tây. "Ai không bỏ đạo sẽ bị giải ngũ, bị khắc chữ tả đạo vào má và phát lưu".
Theo lời khuyên của quan trấn thủ, ông cai đội Lê Đăng Thị làm đơn xin xuất ngũ lấy cớ bệnh tật. Đơn xin được chấp thuận, ông trở về quê cũ để vợ con ở lại Nghệ An. Tháng giêng năm 1860, chiếu chỉ vua Tự Đức trên đây được áp dụng triệt để trên toàn quốc, ông cai Thị vì có kẻ tố giác, nên bị bắt ngày 29.1, cùng với một số bạn đồng ngũ khác và bị giải về Quảng Trị. Ông vui vẻ nhận mình là cai đội và là Kitô hữu.
Cuối tháng hai, ông phải ra tòa cùng với 31 quân nhân khác. Trong số đó có ba người bỏ đạo. Tất cả đều bị cách chức, một được tha về vị gìa yếu, còn lại 10 người bị thích tự, lưu đày chung thân, 17 người bị án tử hình giam hậu.
Riêng ông cai Lê Đăng Thị nhận án xử giảo, nhưng hẹn đến cuối tháng mười mới thi hành. Từ đó ông được đưa về giam ở khám đường Huế. Trong một lá thư gửi về cho vợ, ông viết: "Anh nghĩ rằng chúng ta không còn gặp nhau nữa, dầu chuyện gì xảy ra, chúng ta vẫn đang và sẽ yêu thương nhau. Anh luôn nhớ đến em và các con mỗi ngày".

* Xứng danh huynh trưởng.
Suốt thời gian trong tù, vì là người có cấp bậc cao nhất, ông cai Thị khích lệ các anh hùng đức tin cùng bị giam bằng lời nói và nhất là bằng mẫu gương trung thành, cam đảm. Cũng do chức vụ ấy, ông bị mang một gông rất nặng và bị đánh đập tra tấn nhiều hơn mọi người. Dù còn trẻ trung sung sức, nhưng trước những cực hình dã man, ông đã ngã bệnh. Khi đó, ông chia sẻ với các bạn tù lo lắng lớn nhất của mình. ông nói : "Tôi không rõ Chúa có cho tôi sống đến ngày tử đạo không. Tôi sợ bệnh tật làm tôi chết sớm hơn. Than ôi ! Chắc vì tội tôi, nên Chúa từ chối cho tôi ơn trọng ấy".
Một linh mục đã đến thăm và giải tội cho ông. Hôm sau một thày giảng cũng lén vào trao Mình Thánh Chúa cho ông. Ngày 24.10.1860, ông Cai bị dẫn đi hành hình. Viên quan đề nghị ông lần cuối cùng xuất giáo, và hứa xin vua ân xá, nhưng ông cai Thị quyết liệt từ chối. Bản án của ông được ghi như sau : "Lê Đăng Thị, Chưởng vệ, theo tà đạo, không chịu bỏ đạo thì y không thể tha thứ được. Y bị kết án xử giảo cuối mùa thu".

* Vạn phúc.
Tại pháp trường An Hòa (Huế), ông Cai kính cần qùy trên chiếc chiếu cầu nguyện. Một linh mục đứng lẫn trong đám dân chúng ra dấu và giải tội lần cuối cho ông. Sau đó, ông kêu lớn tiếng: "Vạn phúc! Vạn phúc! Tôi sắp được tử đạo". Lý hình quấn một sợi dây vào cổ ông cai đội, rồi chia ra hai bên kéo thật mạnh cho tới khi chứng nhân Chúa Kitô tắt thở. Các tín hữu Phủ Cam tổ chức lễ an táng đông đảo tại xứ mình. Hiện nay hài cốt vị tử đạo còn được lưu giữ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế - Huế.
Đức Piô X suy tôn ông Giuse Lê Đăng Thị lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Thứ Hai Tuần 30 Thường Niên Lc 13,10-17.

Lời Chúa: Chẳng lẽ người con cháu ông Ápraham này lại không được cỡi xiềng xích trong ngày Sabát sao ?.
Ha-lê-lui-a. Lạy Chúa, Lời Chúa là sự thật; xin Chúa lấy sự thật mà thánh hiến chúng con. Ha-lê-lui-a.
Người ấy tựa cây trồng bên dòng nước,
cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh,
cành lá chẳng khi nào tàn tạ.

Người như thế làm chi cũng sẽ thành.

Ngày 24/10-Thánh Antôn Maria Claret, Giám mục (1807-1870)
Ngài được mệnh danh là “người cha tinh thần của Cuba”, là nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, nhà cải cách xã hội, tuyên úy của nữ hoàng, nhà văn và nhà xuất bản, tổng giám mục và người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha nhưng làm việc ở Quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris, và tham dự Công đồng Vatican I.
Ngài còn dệt và thiết kế ở một nhà máy dệt tại Barcelona, ngài học tiếng Latin và học in ấn. Ngài thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu nên ngài không thể đi tu Dòng Phanxicô hoặc Dòng Tên, nhưng ngài là một trong những nhà giảng thuyết nổi tiếng của Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để làm sứ vụ và tĩnh tâm, luôn chú trọng Thánh Thể và tận hiến cho Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ. Hầu như lúc nào ngài cũng lần Chuỗi Mân Côi. Lúc 42 tuổi, ngài lập Dòng Truyền giáo, ngày nay gọi là Dòng Claret.
Ngài được bổ nhiệm tổng giám mục TGP Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bằng cách giảng thuyết và giải tội không ngừng, chịu đựng sự phản đối của những người lấy vợ lẽ và hướng dẫn những người nô lệ da đen. Một tên quá khích đã chém vào mạt và cổ tay ngài. Ngài xin cho tên này thoát án tử hình bằng cách thay thế là chỉ bị tù. Ngoài những sách về đạo, ngài còn viết 2 cuốn sách bằng tiếng Cuba: “Suy nghĩ về Nông nghiệp” và “Niềm vui Đất nước”.
Ngài được gọi trở lại Tây Ban Nha làm tuyên úy cho nữ hoàng. Ngài đưa ra 3 điều kiện: Sống xa cung đình, chỉ giải tội cho nữ hoàng và hướng dẫn các con của nữ hoàng, được miễn trừ các chức vụ triều đình. Trong cuộc cách mạng năm 1868, ngài trốn sang Paris với phe của nữ hoàng và giảng đạo tại đây.
Ngài quan tâm việc xuất bản sách báo Công giáo. Ngài đã thành lập NXB Tôn giáo, dự án xuất bản sách báo Công giáo ở Tây Ban Nha, viết 200 cuốn sách.
Tại Công đồng Vatican I, ngài là người bảo vệ trung thành về ơn bất khả ngộ của Giáo hoàng, ngài được các giám mục yêu quý. ĐHY Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài: “Ngài là một vị thánh thực sự”. Ngài qua đời trong thời gian đi đày ở gần biên giới Tây Ban Nha, lúc ngài 63 tuổi.

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Ngày 23/10 – 1773-1833 Thánh Phaolô Tống Viết Bường Quan Thị Vệ Tử đạo.

Phaolô Tống Viết Bường, Sinh tại Phủ Cam, Huế, Giáo dân, Quan Thị Vệ, bị xử trảm ngày 23/10/1833 tại Thợ Ðức dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.05.1900, ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 23/10.

 * Hiến lễ trong đêm.
Thánh Phaolô Tống Viết Bường, trường hợp đặc biệt bị xử trảm về đêm. Ngài là viên quan thị vệ có nhiều công trạng với vua Minh Mạng, nên Vua muốn cuộc hành hình phải diễn ra thật âm thầm, ít người biết đến. Năm giờ chiều, "Tử tội" mới được báo tin giờ xử, nhưng chính lúc ấy, ông đội Bường lại coi là một cơ may "Có một không hai" cho mình. trên đường ra pháp trường vào buổi chiều cuối tháng mười "chưa cười đã tối" đó, ông tìm cách đi chậm lại, và nói với đám lý hình (trước vốn thuộc quyền ông ): "Các chú đi chi mà nhanh rứa, tôi biết đường mà, không sợ lạc mô".
Và thực ra, trời thì tối, cầu thì hẹp, lại đúng lúc nước sông đang lên, nên đường rất khó đi. Đàng khác, ông Bường chủ ý tìm đến nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, xin được chết tại dây. Quan đồng ý ban cho ông như lời ước nguyện. Chính nơi đây, đã từng bao năm tháng, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến, các tín hữu tụ họp dâng lên hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì lúc này dưới ánh sáng của những ngọn đuốc bừng cháy, ông đội cũng dâng lên Chúa chính mạng sống mình. cho đến ngày nay, ông vẫn sống mãi trong tâm thức của mọi tín hữu Thợ Đúc, cũng như Giáo Hội Việt Nam.
* Giã từ quan trường vì đức tin.
Phaolô Tống viết Bường sinh khoảng năm 1773 tại Phủ Cam, Phú Xuân (Huế), trong một dòng tộc Công Giáo lâu đời, cũng là dòng tộc có nhiều quan lớn, dưới triều vua Lê, chúa Nguyễn. Thân sinh ông là Nicôlas Tống Viết Giảng và bà Maria Lương. Vì tổ tiên đều làm quan nên đến khi trưởng thành, ông được chọn là lính thị vệ. Với đời sống liêm khiết và đức độ, sau một thời gian, ông được thăng chức đội, và được nhà Nguyễn tuyển vào làm thị vệ hoàng cung. Vua Minh Mạng rất hài lòng về việc phục vụ cần mẫn và nhiệt tâm của ông. Ông có hai đời vợ, sinh hạ được tất cả 12 người con.
Vào năm 1831, giặc Đá Vách ở Quảng Nam nổi lên quậy phá, quan quân phải đi đánh dẹp. Ông đội Bường được vua cử đi thanh sát mặt trận. Ông mau mắn chu toàn phận sự, và trở về tâu trình thành quả đã đạt được, nhưng có lẽ trong thời gian đó, có người ghen ghét tố cáo ông theo Đạo Công Giáo nên Vua hạch hỏi ông : "Khi xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không ?" Ông bình tĩnh trả lời: "Muôn tâu, vì hoàng thượng không truyền nên thần không đi. Hơn nữa, chùa Non Nước đâu có giặc để đánh". Vua hỏi tiếp : "Lệ thường dẹp giặc xong rồi thì phải vô chùa lễ bái, tại sao khanh không đi ?" Ông không ngần ngại trả lời: "Vì hạ thần theo đạo Công Giáo".
Thế là ông Đội Bường đã phải trả giá cho lời tuyên xưng niềm tin của mình. vua Minh Mạng thịnh nộ trách mắng thậm tệ và dọa đem đi chém đầu. Một số quan chức có cảm tình với ông đội, đứng ra can gián, nhà vua vẫn chưa nguôi giận, cho lệnh đánh ông 80 roi, tước hết chức quyền, và giáng xuống làm lính trơn. Dù vậy, ông Bường vẫn vui vẻ tiếp tục phục vụ nhà vua.

* Vẹn chữ trung với Chúa.
Hơn một năm sau, khoảng cuối tháng 12 năm 1832, khi chuẩn bị ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc, vua Minh Mạng đòi kê khai những người công Giáo trong hàng ngũ thị vệ. Lúc đó các quan mới phát hiện ra nhiều thị vệ nghe lời "quyến rũ" của ông đội Bường vừa gia nhập đạo. Thế là ông Bường và 11 binh sĩ khác có tên trong danh sáh được trình lên. Năm người sợ qúa bỏ đạo, còn bẩy người vua hạ lệnh tống giam vào ngục tối tăm hôi hám tại trấn phủ. Mỗi người phải đeo gông nặng gần bảy mươi ký, chân thì bị xiềng sắt xích chặt.
Thời gian đầu, cứ độ mười ngày một lần, ông Bường bị đem ra tra khảo về niềm tin. Lần nào quan cũng hỏi : "Có bỏ đạo không?" Và lần nào cũng trả lời: "Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ Chúa tôi?" Hậu quả mỗi lần thưa như vậy là 20 đòn rách da xé thịt, nhưng người chiến sĩ của Chúa không than trách một lời. Với chí khí một người lính kiên cường, ông tỏ ra sẵn sàng chịu những hình khổ cay nghiệt hơn nữa. Có lần ông nói với bạn hữu đến thăm rằng : "Kiếm cho tôi cái gì nặng hơn chứ gông xiềng tôi còn nhẹ. Người ta còn đánh đập tôi ít quá, tôi tưởng được chịu nhiều hơn nữa kia".
Bốn lần quân lính khiêng qua Thập Giá, ông đều mạnh mẽ chống cự đến cùng. Lần kia, quan bắt lính kéo chân ông chạm vào Thập Gía, ông phản đối : "Việc này do quan làm, chứ tôi không bao giờ làm như thế". Quan tức giận truyền đánh tàn nhẫn hơn mọi lần khác.
Đàn áp không được, các quan quay qua dụ dỗ. Quan Hình Bộ Thượng thư Võ Xuân Cần tha thiết khuyên ông chiều theo ý vua "bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm". Nhưng ông trả lời: "Quan lớn có lòng thương tôi thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ Trung với Chúa Trời".
Trong nhà giam, ông thường khuyên các bạn bị bắt hãy kiên tâm bền chí, trông cậy và cầu nguyện Đức Mẹ luôn, để được vững lòng chịu khổ đến cùng, vác Thập Giá theo Chúa Giêsu. Càng bị đau khổ, đời sống thiêng liêng của ông càng gia tăng. Mỗi ngày ông siêng năng cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi. Mỗi tháng nhờ các linh mục cải trang vào thăm, ông đều xưng tội và đón nhận Mình Thánh Chúa. hai linh mục An và Vững thay nhau vào khích lệ ông. Thừa sai Jaccard Phan cũng gửi thư an ủi động viên ông. Một lần, ông sáng tác được một bài thơ gửi cha An, biểu lộ lòng trung kiên sắt đá, coi mọi khổ đau là "niềm vui trong Chúa".

* Đường về trời.
Thấy không thể lay chuyển đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, quan Thượng thư Bộ Hình liền xin nhà vua tuyên án. Vua trả lời: "Cần gì bản án, cứ việc tra tấn không ngừng, nếu nó không chịu đạp lên Thập Tự thì cứ việc đánh cho chết, rồi vất ra ngoài thành là xong".
Lần thứ hai các quan tâu lại, vua Minh Mạng mới chấp thuận châu phê bản án trảm quyết, treo đầu ba ngày để làm gương cho kẻ khác. Tuy nhiên, vua vẫn chưa cho thi hành ngay, có ý chờ "người tôi trung" của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối. của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối.
Thế là ngày 23.10.1833, lúc năm giờ chiều quân lính báo tin cho ông đội biết giờ hành xử đã đến. Ông bình thản giã từ sáu người bạn cùng bị bắt (cả sáu người này về sau cũng bị tử hình, ông nói : "Xin anh em thêm lời cầu nguyện, để tôi lãnh nhận Thánh ý Chúa. Đừng lo cho tôi, anh em hãy luôn đi theo đường lối của Chúa".
Trên đường ra pháp trường, lấy cớ bị trói và mang gông nặng, ông đội kéo dài thời gian đi chuyển, để được chém trên một nền nhà thờ Thợ Đúc. Dọc đường, ông gặp mặt con gái, đã về nhà chồng ở họ Thợ Đúc, tuy không nói với nhau lời nào, nhưng trong ánh mắt hai cha con, dạt dào biết bao tình cảm xúc động.
Dưới ánh sáng bừng bừng của những ngọn đuốc, ông đội được tháo gông, cởi trói và tự do trong ít phút, ông tiến lên vài bước, bình tĩnh đứng nhìn lần cuối cùng những mái nhà thân thương của giáo xứ vây quanh nền nhà thờ hoang tàn. Rồi bước lên chiếc chiếu do một bạn cũ tên Thục ở Phủ Cam đưa cho lính trải. Ông quỳ xuống cầu nguyện giây lát, và ra lệnh cho lính thi hành án xử. Quân lính trói tay ông lại và vung gươm chém rơi đầu người chiến sĩ đức tin kiên cường. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày ở nhà thờ Thợ Đúc, còn thi hài vị tử đạo được án táng ở họ Phủ Cam.
Ngày 27.05.1900, ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
         

Chúa Nhật XXX Thường Niên Năm C

Lời Chúa: Người thu thuế khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người Pharisêu thì không.

     Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’ Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

SUY NIỆM & CẦU NGUYỆN
     Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta về chân lý, đã được tiên báo trong sách Khôn ngoan: “Lời cầu nguyện khiêm nhường xuyên qua những áng mây, nó không nghỉ ngơi cho đến khi nó đạt được mục đích.” Thiên Chúa thương đến những lời cầu nguyện khiêm nhường của chúng ta, đó là một bài học bên trong của dụ ngôn có hai người lên Đền Thờ cầu nguyện. Thiên Chúa không hài lòng với tất cả những lời cầu nguyện của người Pharisiêu kiêu căng. Thật sự, đó không phải là một lời cầu nguyện nhưng đó là một bản báo cáo những lời tự ca tụng cá nhân. Nhưng Thiên Chúa hài lòng với lời cầu nguyện của người thu thuế tội lỗi. lời cầu nguyện chân thành của ông đã được Chúa xót thương.
      Thế là chúng ta phải hiểu, những ai tự cho mình là công chính thì không được Thiên Chúa nhìn nhận, còn kẻ tội lỗi biết cậy trông, lại được Thiên Chúa làm cho nên công chính. Chúng ta không thể tự tạo cho mình sự công chính thánh thiện nhờ làm những việc lành phúc đức. Trở nên công chính là một ơn Chúa ban cách nhưng không, nhờ lòng tin và lòng mến của chúng ta đối với Chúa. Chắc chắn chúng ta phải làm nhiều việc lành phúc đức, nhưng đừng tưởng mình có thể mua được Nước Trời bằng những công phúc của mình. Chúng ta được cứu độ nhờ công trạng của Đức Kitô, dù sống đạo đức hay trót mang thân phận tội lỗi, chúng ta phải tránh thái độ khép kín trước Thiên Chúa và tha nhân. Đừng vì mình đạo đức mà khép kín trong tự kiêu, cũng đừng vì mình tội lỗi mà khép kín trong tự mãn, cũng đừng bì mình tội mà khép kín trong tuyệt vọng. Ơn Chúa chỉ đến với người biết mở ra để đón nhận.
     Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa dạy chúng con biết phải có thái độ nào mỗi khi cầu nguyện. Xin giúp chúng con luôn xác tín rằng, tất cả những gì chúng con có, những thành công của chúng con đều do Chúa ban. Phần chúng con chỉ là con người giới hạn, đầy yếu đuối. Ðể từ đó chúng con biết khiêm nhường với anh em và biết tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa.  Amen

Ngày 23/10-Thánh Gioan Capistrano, Linh mục (1386-1456)
Thế kỷ XIV, 1/3 dân số và gần 40% số giáo sĩ bị chết vì dịch hạch. Cuộc ly giáo của Tây phương phân chia Giáo hội làm hai hoặc làm ba nhóm yêu sách với Tòa thánh một lượt. Anh và Pháp xảy ra chiến tranh. Ý bị xung đột. Lộn xộn kháp nơi.
Thánh Gioan Capistrano có tài và thành công. Lúc 26 tuổi, ngài được bầu làm thống đốc Perugia. Bị tù sau khi chống lại Malatestas, ngài quyết định hoàn toàn thay đổi cách sống. Lúc 30 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô và thụ phong linh mục 4 năm sau. Ngài giảng thu hút nhiều người. Ngài và 12 tu sĩ khác được các nước Trung Âu đón nhận như những thiên thần của Thiên Chúa vì họ khôi phục niềm tin và lòng sùng đạo.
Chính Dòng Phanxicô cũng gặp khó khăn trong việc hiểu và giữ Tu luật Thánh Phanxicô. Nhờ nỗ lực của ngài, tà thuyết Fraticelli bị dẹp bỏ. Ngài giảng hòa giữa Giáo hội Hy Lạp và Giáo hội Mỹ.
Khi người Thổ Nhĩ Kỳ bắt Constantinople năm 1453, ngài được sai đi truyền giáo ở Âu châu. Đạt thành công một ít ở Bavaria và Áo, ngài quyết định tập trung vào Hungary. Ngài dẫn Thập tự quân đi Belgrade. Dưới quyền tướng Gioan Junyadi, họ chiến thắng, và bao vây Belgrade. Ngài qua đời ngày 23-10-1456.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Thứ Bảy Tuần 29 Thường Niên Lc 13,1-9.

Lời Chúa: Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.
Ha-lê-lui-a. Đức Chúa phán: Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống. Ha-lê-lui-a.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !
Và giờ đây, Giêrusalem hỡi,

cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Ngày 22/10-Thánh Phêrô Alcantara, Linh mục (1499-1562)
Ngài là một trong các vị thánh của Tây Ban Nha thế kỷ XVI, trong đó có thánh Inhaxiô Loyola và thánh Gioan Thánh giá. Ngài là linh mục giải tội cho thánh nữ Teresa Avila. Vấn đề cải cách Giáo hội là vấn đề chính trong thời ngài, và ngài bền chí cho tới cùng. Công đồng Trentô bế mạc năm trước thì năm sau ngài qua đời.
Ngài sinh trong một gia đình quý tộc. Cha ngài là thống đốc vùng Alcantara ở Tây Ban Nha. Ngài học luật tại ĐH Salamanca, ngài vào Dòng Observant Franciscans (nghĩa là Dòng Phanxicô theo đúng nghi lễ, đi chân đất) lúc 16 tuổi. Khi ngài đền tội, ngài thể hiện nhiều khả năng. Ngài được bầu làm bề trên một tu viện mới trước khi thụ phong linh mục. Lúc 39 tuổi, ngài được bầu làm giám tỉnh. Ngài giảng thuyết rất thành công. Nhưng ngài vẫn rửa chén dĩa và hái củi cho các tu sĩ khác. Ngài không muốn được chú ý, ngài rất thích sống cô tịch.
Ngài sống hãm mình đến nỗi mỗi đêm ngài chỉ ngủ 90 phút. Người ta nói về việc cải cách Giáo hội, còn ngài tự cải cách với chính mình. Ngài kiên nhẫn đến nỗi người ta có câu: “Để chịu sỉ nhục, người ta phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara”.
Năm 1554, ngài được phép thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống theo Tu luật Thánh Phanxicô nghiêm ngặt. Nhóm tu sĩ này gọi là Dòng Alcatara (Alcantarines). Một số tu sĩ người Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ hồi thế kỷ XVI, XVII và XVIII là các thành viên của nhóm này. Cuối thế kỷ XIX, Dòng Alcatara sáp nhập với Dòng Phanxicô nghiêm ngặt để thành Dòng Anh em Hèn mọn.
Là linh hướng của thánh Teresa Avila, ngài khuyến khích thánh nữ cải cách Dòng Kín. Việc giảng thuyết của ngài khiến nhiều người đi tu, nhất là gia nhập Dòng Ba Phanxicô, Dòng Nhất Phanxicô và Dòng Thánh Clara Khó nghèo. Ngài được phong thánh năm 1669.

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Thứ Sáu Tuần 29 Thường Niên Lc 12,54-59.

Lời Chúa: Cảnh sắc đất trời thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao lại không biết nhận xét ?.
Ha-lê-lui-a. Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã mạc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Ha-lê-lui-a.
Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành,
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng.
Đây chính là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người.

tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.

Ngày 21/10-Thánh Hilarion (291-371)
Dù rất cố gắng sống cô tịch và cầu nguyện, thánh Hilarion vẫn khó đạt được ước muốn. Người ta kéo đến với ngài để tìm sự khôn ngoan và bình an. Sau khi qua đời, ngài có tiếng đến nỗi thi hài ngài phải được bí mật đưa đi an táng ở quê nhà.
Ngài sinh tại Palestine, đôi khi được gọi là thánh Hilarion Cả. Sau khi gia nhập Kitô giáo, ngài có một thời gian ở với thánh Antôn Ai Cập. Thánh Hilarion sống khó nghèo và giản dị trong hoang địa, tại đây có lúc ngài bị khô khan tinh thần đến nỗi bị cám dỗ thất vọng. Ngay khi đó, phép lạ xảy ra.
Danh tiếng ngài nổi như cồn, một nhóm người muốn theo ngài. Ngài đi nhiều nơi để tìm cách xa lánh thế gian. Cuối cùng ngài ở lại Cyprus, ngài qua đời tại đây năm 371, lúc ngài khoảng 80 tuổi. Thánh Hilarion được coi là người sáng lập đời sống tu ở Palestine. Nhiều danh tiếng của ngài có trong tiểu sử do thánh Giêrônimô viết.

Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Thứ Năm Tuần 29 Thường Niên Lc 12,49-53.

Lời Chúa: Thầy không đến để ban hòa bình, nhưng là đem sự chia rẽ.
Ha-lê-lui-a. Tôi chấp nhận mất hết, và coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Ki-tô, được kết hợp với Người. Ha-lê-lui-a.
Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa,
kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương,
hầu cứu họ khỏi tay thần chết

và nuôi sống trong buổi cơ bần.

Ngày 20/10-Thánh Maria Bertilla Boscardin (1888-1922)
Thánh Maria Bertilla Boscardin sinh tại Ý năm 1888, sống trong nỗi sợ hãi vì người cha thô bạo và nghiện rượu. Việc học của bà bị giới hạn vì phải dành nhiều thời gian giúp gia đình và làm việc đồng áng. Bà chứng tỏ một ít tài năng và thường hay nói đùa.
Năm 1904, bà vào Dòng Tiểu muội Thánh Dorothy (Sisters of St. Dorothy) và được phân công làm bếp, làm bánh và giặt giũ. Sau một thời gian, bà học làm y tá và làm việc ở bệnh viện điều trị những trẻ bị bạch hầu (diphtheria). Tại đây bà có vẻ nhận ra ơn gọi của mình: Chăm sóc các bệnh nhân và trẻ em. Sau đó, khi bệnh viện bị quân đội chiếm trong thế chiến I, bà vẫn can đảm chăm sóc bệnh nhân giữa sự đe dọa của chiến tranh.
Bà qua đời sau nhiều năm bị ung thư. Một số bệnh nhân mà bà đã chăm sóc nhiều năm trước đều có mặt trong buổi lễ phong thánh cho bà năm 1961.

Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Thứ Tư Tuần 29 Thường Niên Lc 12,39-48.

Lời Chúa: Ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều.
Ha-lê-lui-a. Anh em hãy canh thức và hãy sẵn sàng, vì chính giờ phúc anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến. Ha-lê-lui-a.
Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi,
tôi tin tưởng và không sợ hãi,
bởi vì Chúa là sức mạng tôi,
là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi.

Các bạn sẽ vui mừng múc nước tận nguồn ơn cứu độ.

Ngày 19/10-Thánh Isaac Jogues, Gioan Brébeuf và các bạn tử đạo
Thánh Isaac Jogues, Linh mục (1607-1646): Ngài và một số người bạn là những vị tử đạo tiên khởi của Bắc Mỹ được Giáo hội chính thức phong thánh. Khi còn là tu sĩ trẻ Dòng Tên, ngài là người hiểu biết và có văn hóa, dạy văn chương tại Pháp. Sau đó ngài nghỉ dạy và làm việc giữa những người Ấn Độ Huron ở Tân thế giới (Mỹ). Năm 1636, ngài và các bạn, theo sự lãnh đạo của Gioan Brébeuf, đến Quebec. Người Huron luôn bị người Iroquois gây chiến, LM Jogues bị người Iroquois bắt tù 13 tháng. Các lá thư và báo chí của ngài cho biết cách ngài và các bạn bị đưa đi từ làng này sang làng khác, bị đánh đập, bị hành hạ và bị bắt xem những người Huron theo đạo bị làm nhục và bị giết.
Ngài có dịp trốn thoát nhờ người Hà Lan, và ngài trở lại Pháp. Ngài bị cắt vài ngón tay và những vết phỏng do bị đốt. ĐGH Urbanô VIII cho phép ngài dâng lễ với đôi tay bị thương: “Là điều xấu hổ nếu vị tử đạo của Chúa Kitô không được lãnh nhận Thánh Thể”. Ngài được gọi là anh hùng, ngài tạ ơn Thiên Chúa vì được trở lại an toàn và được chết an bình nơi quê hương. Nhưng lòng nhiệt thành thôi thúc ngài ra đi hoàn tất ước mơ.
Năm 1646, ngài và thánh Gioan đi Iroquois. Họ bị đảng Mohawk bắt, và ngày 18-10 ngài bị chém đầu. Thánh Gioan Lalande bị giết ngày hôm sau tại Ossernenon, một ngôi làng gần Albany, New York.
Nhà truyền giáo Dòng Tên tử đạo đầu tiên là René Goupil, bị hành hạ cùng với thánh Isaac Jogues năm 1642, và bị chém đầu vì làm dấu Thánh Giá trên trán một số trẻ em.
Thánh Gioan Brébeuf, Linh mục (1593-1649): Ngài là tu sĩ Dòng Tên, người Pháp, đến Canada lúc 32 tuổi và làm việc ở đó suốt 24 năm. Ngài trở lại Pháp khi người Anh chiếm Quebec năm 1629, và họ trục xuất các tu sĩ Dòng Tên, nhưng 4 năm sau họ trở lại. Dù các thầy thuốc nguyền rủa các tu sĩ Dòng Tên vì đại dịch đậu mùa trong người Hurons, ngài vẫn ở lại với họ.
Ngài soạn giáo lý và tự điển bằng tiếng Huron, và chứng kiến 7.000 người gia nhập đạo. Ngài bị người Iroquois bắt và giết chết sau 4 giờ hành hạ dã man tại Sainte Marie, gần vịnh Georgia, Canada.
LM Antôn Daniel làm việc với người Huron và trở lại Công giáo, ngài bị người Iroquois giết vào ngày 4-7-1648. Thi hài ngài được đưa vào nhà nguyện rồi bị phóng hỏa.
Thánh Gabriel Lalemant đã khấn lời khấn thứ tư – hy sinh cuộc đời cho người Ấn Độ. Ngài bị hành hạ dã man cho đến chết cùng với LM Brébeuf. LM Charles Garnier bị bắn chết khi đang rửa tội cho trẻ em trong đợt tấn công của quân Iroquois.
LM Noel Chabanel bị giết trước khi được gọi về Pháp. Ngài chịu đựng sự khô khan tâm linh trong thời gian ở Canada. Nhưng ngài khấn giữ sứ vụ cho đến chết. Cả 8 vị tử đạo Dòng Tên này của Bắc Mỹ được phong thánh năm 1930.