Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Sứ Điệp Từ Máng Cỏ.



Chúng ta hãy bắt đầu với một chi tiết nhỏ mà tin mừng Luca nhắc đến: đó là hoàng đế Augusto. Augusto sinh năm 63 BC mất 14 AD, tên lúc khai sinh là Gaius Octavius, là vị hoàng đế sáng lập đế chế Roma. Augusto là danh hiệu mà viện Nguyên lão Roma dành tặng cho Octavius sau khi ông đánh bại tất cả kẻ thù. Augusto có nghĩa là một người được giới thiệu dành riêng cho các thần minh và con người.
Augustus thậm chí được Viện Nguyên lão phong thần khi còn sống, được thờ phụng bởi dân Roma. Tên của ông Augusto và của Caesar được lấy làm đế hiệu của các hoàng đế sau này, và tháng tám được chính đặt tên theo tên ông: August. Triều đại của Augusto đã mở ra một thời đại tương đối hòa bình được biết đến như là Pax Augusta, tiếng Latinh có nghĩa là hòa bình của Augusto.
Khi đặt song đối hình ảnh Đức Giê-su và Augusto, tác giả Tin mừng Luca muốn chuyển tiếp giới thiệu sự bình an mà Hài Nhi Giê-su đem đến cho nhân loại, như lời thiên thần ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
Trong đêm mừng lễ sinh nhật của Chúa, tôi xin gợi ý về sứ điệp mà chúng ta có thể đọc được từ máng cỏ: đó là tôn trọng sự sống, quan tâm đến người nghèo và sống thinh lặng.
1. Tôn trọng sự sống, tôn trọng con người.
Việc Ngôi Hai nhập thể làm người là sứ điệp rõ ràng cho chúng ta về giá trị sự sống và nhân phẩm. Thiên Chúa làm người để con người được làm con cái Thiên Chúa.
Khi đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su nơi máng cỏ trong đêm cực thánh này, chúng ta hãy đặc biệt nghĩ đến các trẻ em không được cha mẹ thương yêu, các trẻ em bụi đời không có phúc được sống trong một mái ấm gia đình, các trẻ em bị buộc phải lao động, các trẻ vị thành niên bị lạm dụng trong công nghệ mãi dâm...
Hai vụ án tử hình được cho là oan trái đang rất nóng tại VN, đó là vụ Hồ Duy Hải ở Long An và vụ Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng. Các luật sư và nhà chuyên môn chỉ ra những chứng cớ ngoại phạm cho thấy các bị cáo bị kết án oan; nhưng người ta dường như không đếm xỉa đến, vì mạng sống con người không được coi trọng. Không như VN, ở các nước văn minh, người ta đã bỏ án tử hình từ lâu.
Sự sống phải được tôn trọng từ khi phôi thai cho đến khi chết tự nhiên. VN là một trong những quốc gia đứng hàng đầu về việc phá thai. Mỗi năm có khoảng hơn 1,6 triệu trẻ trong cả nước bị giết chết trước khi nhìn thấy dãi đất hình chữ S đầy khổ ải này.
Người Công giáo VN cũng dùng các biện pháp ngừa thai nhân tạo (như đặt vòng, thuốc tránh thai, bao cao su...), thậm chí vẫn có phá thai. Đó là những tội nặng.
Việc đón mừng Hài nhi Giêsu chào đời nhắc nhở chúng ta hãy tôn trọng sự sống, tôn trọng con người.
2. Quan tâm đến người nghèo.
Điều ấn tượng nhất khi nhìn nơi máng cỏ đó là sự nghèo nàn. Thật là vượt sức tưởng tượng của con người khi Con Thiên Chúa, vốn giàu sang phú quí, lại chọn sinh ra nơi chốn nghèo hèn.
Giuse có lẽ đã gõ cửa nhiều nơi khi Maria chuyển dạ. Thật không may cho đôi vợ chồng trẻ vì quán trọ đã kín người trong dịp người dân phải về bản quản của mình để điều tra dân số. Nếu họ giàu thì họ có thể vô một nhà nghỉ sang trọng. Cuối cùng, không tìm được chỗ nào, họ đành để con mình sinh ra nơi hang lừa.
Nhìn vào hang đá, chúng ta hãy suy gẫm về mầu nhiệm Thiên Chúa hạ mình xuống, thành một trẻ thơ bé nhỏ trong máng cỏ. Con Thiên Chúa quyền năng thành một trẻ thơ yếu ớt và ở trong tình trạng bị lệ thuộc hoàn toàn và cần đến tình yêu của con người. Hài nhi Giêsu đã trở thành biểu tượng về mọi nhu cầu khẩn thiết về tình trạng nghèo đói của con người.
Ngày nay, Đức Giê-su, được đồng hóa với bao người nghèo như Ngài tự nhận là thế, đến gõ cửa nhà chúng ta, xin chúng ta giúp đỡ. Hơn ai hết, tôi và anh chị em, chúng ta trải nghiệm về sự nghèo, nhất là những người lớn tuổi U40, U50, trở lên.
Xin đơn cử vài trường hợp nghèo đói điển hình: Ngày 24/4/2013, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, Cà Mau) đã treo cổ chết, với hy vọng kiếm được ít tiền phúng điếu để tiền đóng học phí cho con. Ngày 25/9, một học sinh lớp 3A ở xã Đức Bồng (huyện Vũ Quang) chết vì đói. Xã Đức Bồng cách chúng ta khoảng 30 cây số. Mới đây nhất, một cô gái xứ Nghệ tuổi hai mươi, sang Nga lao động, không giấy tờ tuỳ thân; khi cảnh sát đến, em phải chạy trốn trong rừng. Nước Nga lạnh lắm, không thức ăn, không áo ấm em đã chết ngày 19/12/2014.
Đó là cái đói ăn. Còn có cái đói về tinh thần, đói về thông tin, đói về tôn giáo. Giáo xứ chúng ta phải chờ 40 năm mới có cha xứ, chúng ta hiểu thế nào về sự thiếu vắng thánh lễ. Ngày hôm qua, một cha bạn của tôi ở Lào Cai, linh mục Nguyễn Văn Thành, chia sẻ một tình trạng buồn: "Linh mục phó xứ của tôi thay tôi
đi dâng lễ ở giáo điểm Mường Khương. Giáo dân thì vui", nhưng chính quyền ở đó thì gây khó khăn, họ "mời cha Nguyên lên thị trấn "làm việc".
"Hơn nữa, ông trưởng ban mục vụ giáo điểm Quang Kim bị mời tới UBND xã và có tới 10 đoàn thể "làm việc" và ép không cho dâng lễ tại nhà nguyện tư vào chiều ngày mai (tức là hôm nay 24/12/2014). Họ bắt phá hang đá. Than ôi, sang thế kỉ 21 rồi mà sống đạo tại Lào Cai vẫn khó khăn như vậy!"
Còn ở cao nguyên miền Trung, nhiều cộng đoàn giáo dân ở vùng sâu Dak Kang Peng, huyện Dakto của giáo phận Kontum không có lễ Giáng Sinh vì nhà cầm quyền không cho các linh mục đến dâng lễ.
Đêm Giáng sinh mời gọi chúng ta đừng bao giờ bỏ người nghèo; trái lại "chúng ta hãy mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến giúp họ" (Tông huấn Niềm vui Tin mừng số 187).
Giáo xứ chúng ta cũng làm một việc cụ thể: ngày mai, ban mục vụ và tôi sẽ đi thăm một số gia đình nghèo trong giáo xứ, không kể lương giáo, để biếu họ chút quà Giáng Sinh. Mời các bạn trẻ nào than lễ Noel buồn quá thì hãy đi cùng chúng tôi.
3. Có tâm hồn thinh lặng.
Giáng Sinh là đêm thanh bình, đêm thánh vô cùng, đất trời giao duyên. Không khí ở hang Belem và cánh đồng quê nơi các mục đồng trú ngụ thật thanh vắng, là môi trường người ta nghe được tiếng của thiên thần. Quang cảnh đêm Giáng Sinh dạy cho chúng ta rằng trong thinh lặng người ta mới được gặp Chúa.
"Tiếng ồn đã thâm nhập cuộc sống con người ngày nay như một "con sóng thần âm thanh". Bị chìm sâu trong làn sóng từ ngữ, chao đảo theo các ngọn gió truyền thông, con người không còn biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu, họ đã quên mất quê hương mình. Thậm chí họ cũng quên mất con đường về căn nhà lương tâm và về mảnh vườn nội tâm của “lòng mình” (Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng).
"Bản tin trên radio, TV, tiếng ầm ầm của máy móc, hay âm thanh của máy vi tính, chuông điện thoại, tiếng ồn trong các quán ăn hay nhà hàng, những nơi gọi là giải trí với âm lượng của ban nhạc hay của loa phóng thanh vượt đến một cường độ điên đầu, và những máy thu thanh bỏ túi cứ theo bạn cho đến tận giường ngủ..." (sđd).
Thậm chí, những tiếng nhạc, cử điệu nhảy múa, thời trang hở hang của diễn vien trong đêm văn nghệ Giáng sinh cũng có thể làm cho người ta xao lãng, mất bình an và không nghe được sứ điệp trung tâm của đêm Giáng sinh.
Thinh lặng là một nhu cầu sống chết của con người, giống như không khí họ thở hay lương thực họ ăn. Kierkegaard từng nói: "Nếu tôi là bác sĩ và người ta hỏi tôi khuyên gì thì tôi sẽ trả lời: Hãy giữ thinh lặng, hãy làm cho mọi người im tiếng!"
Michel Hubaut gợi ý cho chúng ta "tìm lại hương vị của các thú vui đơn giản. Đi bộ rất sớm trên bờ biển, hít thở hương thơm của đồng quê. Lắng nghe tiếng gầm thét của sóng hay tiếng róc rách của dòng suối. Lắng nghe sự im lặng của núi rừng hùng vĩ, nói lên sự nhỏ bé của con người… Ngắm nhìn nét tế nhị của vân một lá cây, các khéo léo cần cù của một con kiến, sự hoàn hảo của một cánh hoa, một mạng nhện mà sương mai đã đặt vào những hạt ngọc lấp lánh..."
"Hãy lắng nghe tiếng thở than của gió, tiếng tí tách của lửa, tiếng kêu của ve sầu hay tiếng hót của chim muông, tiếng róc rách của suối, những tiếng quen thuộc trong làng hay trong nhà. Những tiếng ấy không phá vỡ im lặng mà dệt thành thinh lặng. Lắng nghe một khúc nhạc như trẻ sơ sinh nghe được lần đầu. Không suy nghĩ hay phân tích. Hãy để cho âm thanh, màu sắc của âm thanh thấm vào trong ta."
Lắng nghe tiếng nhạc của tạo vật, hầu nắm bắt được sự hài hòa thầm kín. Lắng nghe lòng mình, để biết rõ mình và định hướng cuộc đời. Lắng nghe người khác để làm cho mình phong phú nhờ sự khác biệt và để yêu thương họ hơn.
Các Giáo Phụ đã viết rằng: trong sự thinh lặng, con người có thể nghe được tiếng nhạc du dương của toàn thể vũ trụ. Ai không còn biết nghe tiếng nhạc của tạo vật người ấy không biết lắng nghe người khác và lại càng không biết lắng nghe tiếng Chúa.
Tóm lại, trong đêm Giáng Sinh, sứ điệp từ máng cỏ mời gọi chúng ta tôn trọng sự sống, quan tâm đến người nghèo và sống thinh lặng. Đó là điều kiện để chúng ta có được ơn bình an của Chúa Hài Đồng. Nếu bạn muốn bình an hãy tôn trọng người khác, bố thí kẻ nghèo và đến nhà thờ.

Theo Internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét